Skip to Content
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

1. Đặc điểm dân cư

Cộng đồng dân cư ở huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi có: Ca Dong, Hrê, Cor, Kinh, nhưng cư trú lâu đời nhất là tộc người Ca Dong, một  chi của dân tộc Xơ Đăng ở bắc Tây Nguyên.

Dân tộc Xơ Đăng có năm chi chính là Ca Dong, Xơ Teng, Tơ Drá, Mơ Nâm, Hà Lăng. Chi Ca Dong cư trú ở các huyện Đức Hà, Đắc Tô, Kon Plong tỉnh Kon Tum. Huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Vùng Mang Xinh huyện Tây Trà và huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi.

Dựa vào các sự kiện lịch sử “Truyền thống yêu nước của nhân dân là lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tây từ 1930 – 2005” in xuất bản 12/2006, cho thấy: “Theo các sách sử đã viết thì vùng đất huyện Sơn Tây từ đầu thế kỷ XV nằm trong địa phận Cổ Lũy động, thuộc lãnh thổ quốc gia Đại Ngu dưới triều nhà Hồ.

Sau bao thế kỷ biến đổi, năm 1832 (niên hiệu Minh Mạng thứ 13), Cổ Lũy động trở thành tỉnh Quảng Nghĩa, về sau gọi là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi gồm sáu phủ, huyện Trung Châu và bốn nguồn thượng du, trong đó có nguồn “Cù Bà” sau được đổi tên “nguồn Thanh Cù”… Năm 1899 (niên hiệu Thành Thái thứ 11), nguồn Thanh Cù đổi thành “nha Sơn Hà”, “đồn Sơn Hà”, rồi “Châu Sơn Hà”, “Tổng Ca Dong” nằm trong “Châu Sơn Hà”…

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, châu Sơn Hà đổi thành huyện Sơn Hà. Các làng thuộc tổng Ca Dong được ghép lại thành một xã mang tên xã Sơn Tinh trực thuộc huyện Sơn Hà.

Năm 1959 tỉnh Kon Tum tiếp tục giao thêm 9 làng cho khu Bảy thành lập xã Sơn Tây. Đến năm 1965 khu Bảy có 10 xã và chính thức được gọi là huyện Sơn Tây. Đến năm 1976 thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chính phủ, huyện Sơn Tây hợp nhất với huyện Sơn Hà thành một huyện, mang tên huyện Sơn Hà.

 Đánh giá đúng đặc thù vùng đất cư trú của dân tộc Ca Dong và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng: Chú trọng đúng mức đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa… Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, ra Nghị định số 83-CP ngày 6/8/1994, chia tách huyện Sơn Hà thành hai huyện: Sơn Tây và Sơn Hà.

Từ những năm 1908, nhiều người Hrê ở Ba Tơ, Minh Long, nhất là Sơn Hà không chịu đi xâu, nộp thuế cho Pháp, không chịu làm đầy tớ cho bọn nhà giàu, đã trốn lên vùng Sơn Tây làm ăn sinh sống và cùng với người Ca Dong chống xâu, chống thuế của thực dân Pháp. Thời gian lâu rồi, trong sinh hoạt cuộc sống không thể không có quan hệ hôn nhân. Sự hòa huyết giữa người Ca Dong và người Hrê đã tạo nên một cư dân gọi là người Ka - Tua, sống sinh hoạt, ngôn ngữ, phong tục tập quán hài hòa giữa hai dân tộc. Ngày nay ở huyện Sơn Tây, trừ người Ca Dong ở xã Sơn Bua, người Ca Dong ở các xã còn lại đều nói chủ yếu bằng tiếng Hrê, rất ít ngôn ngữ Ca Dong. Tuy nhiên, cách phát âm nhanh, nặng, không rõ ràng và dịu dàng, ngọt ngào như cách phát âm của người Hrê.

2. Về dân số:

Số liệu đến ngày 31/12/2015 người Ca Dong của tỉnh Quảng Ngãi có 19.773  người.

3. Về ngôn ngữ:

Cũng giống hai dân tộc anh em Hrê, Cor, dân tộc Ca Dong thuộc ngôn ngữ Môn Khơ Me hệ Nam Á. Cho đến nay dân tộc Ca Dong chưa có chữ viết, nhưng có tiếng nói, có phong tục tập quán tín ngưỡng, có lễ hội, có nhạc khí mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

4. Đặc điểm địa lý tự nhiên:

Trong hai cuộc khán chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Sơn Tây là vùng khu Bảy “Căn cứ địa miền núi” phục vụ cuộc kháng chiến của ta. Là một huyện miền núi thuộc vùng cao, vùng sâu vùng xa, Sơn Tây nằm về phía cực tây của tỉnh. Phía đông và đông nam giáp huyện Sơn Hà. Phía  tây nam giáp huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum. Phía tây bắc giáp nam Trà My tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi.

Sơn Tây có độ cao từ 400m đến 1.900m so với mặt biển. Khí hậu Sơn Tây nằm trong vùng gió mùa Á nhiệt đới, có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8. Mùa mưa từ cuối tháng 8 đến tháng 12, sớm hơn vài tháng so với đồng bằng. Khí hậu đó rất thích hợp với sức khỏe con người và phát triển các loại cây trồng. Tuy nhiên cũng có những năm Sơn Tây phải chịu những đợt hạn hán, lũ lụt bão bùng rất khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống cộng đồng.

Huyện Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiên 41.893 ha, trong đó diện tích núi rừng chiếm 4/5 (trên 3.000ha). Địa hình Sơn Tây gắn liền với bắc Kon Tum, là một khối đá biến chất rất cổ, có nhiều mạch ga-ra-nít cắt ngang tạo nên những ngọn núi cao như núi Hoăn-Plấc cao 1.900m ở Sơn Tân – Sơn Tinh. Núi Gò Tăng cao 1.608m ở Sơn Mùa. Núi Ha-Neng cao 1.483m ở Sơn Tân – Sơn Dung…. Ngoài ra có hàng chục núi khác cao từ 500m đến 1.000m như núi A-Din cao 1.406m ở Sơn Tinh – Sơn Dung. Rừng núi Sơn Tây nối liền với dãy Ngọc An, Ngọc Linh ở bắc Kon Tum tạo thành thế liên hoàn hiểm trở, có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng.

Rừng Sơn Tây có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, sơn, chò, hương, gõ… và nhiều thú quý như hổ, gấu, sơn dương, trăn, dộc, khỉ… Nhiều dược liệu và lâm đặc sản như mật ong, trầm hương, trầm kỳ… ở Sơn Mùa có mỏ đá vôi làm nguyên liệu xâyd ựng. Vùng ngã ba Đắc Tà Meo - Ra Manh - Sông Rin ở thôn 2 xã Sơn Mùa, giáp giới xã Đắc Rin, xã Đác Nâm huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum có suối nước nóng từ 50oC – 70oC, có tác dụng chữa bệnh. Đất đồi rừng và triền núi Sơn Tây thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp như cau, quế, song mây… và thuận lợi chăn nuôi trâu, bò, dê…

Sơn Tây có hai con sông lớn bắt nguồn từ Kon Tum, đó là sông Rin (Deac Ka’ring) và sông Xà Lò (Deac Ha-Lo), chảy xuống huyện Sơn Hà, góp phần tạo nên đầu nguồn sông Trà Khúc, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài sông, Sơn Tây có rất nhiều suối. Sông suối Sơn Tây có loại cá chình (Ha-lơi), cá niêng (Ka-I ling) rất ngon. Có nơi có vàng sa khoáng. Nhiều đoạn có độ dốc cao nước chảy mạnh làm được thủy điện, thủy lợi. Nhưng mùa mưa chảy xiết gây ra xói mòn, sạt lở đôi bờ.

Sơn Tây cũng có nhiều cảnh đẹp, đó là thác Lụa, thác Huy - Măng sáng chiều in bảy sắc cầu vồng. Và suối nước nóng Tà Meo bốc hơi nghi ngút sớm chiều. Suối thác vừa là thắng cảnh, vừa là nơi ghi dấu bao sự tích anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ quê hương của cộng đồng người Ca Dong Sơn Tây.

5. Đặc điểm kinh tế:

Với phương thức tự cung, tự cấp, người Ca Dong trước kia sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, làm nương, săn bắn thú rừng, đánh bắt cá sông suối, hái lượm rau trái củ quả và chăn nuôi. Đồng bào sống theo lối du canh du cư, nay núi này mai núi khác tìm đất tốt làm rẫy. Rẫy một năm làm một vụ. Bên cạnh nương rẫy, đồng bào còn canh tác lúa nước ở thung lũng hoặc ven sông suối, trên đồi gò. Ngoài ra, đồng bào trồng cây công nghiệp, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, rèn. Cây công nghiệp như quế, cau, thuốc lá… Cau được trồng thành rừng, là đặc sản của tộc người Ca Dong. Nghề đan lát mây tre do đàn ông đảm nhiệm, rất tinh xảo thể hiện được tài trí và bản sắc riêng của dân tộc mình, nhất là gùi các loại, Ka chui đựng tên, nong nia mủng rá… Nghề dệt vải do phụ nữ đảm nhiệm, dùng chỉ gai dệt ra-muông (tấm choàng), ka-pen (khố), ha-tu (váy)… Dùng lá, rể, vỏ cây, củ rừng làm thuốc nhuộm chỉ, đủ màu sắc để dệt các hoa văn đẹp. Với nghề rèn, người Ca Dong trước đây dùng quặng cục, quặng cát (loại ma nhê tít) có tỉ lệ sắt 96 – 98%, nung thành thép thỏi để rèn thành dao, rựa, cuốc, dụng cụ săn bắn.

Về đánh bắt cá, họ dùng lưới các loại để giăng, quăng, múc hoặc giáo phóng, đơm đó, hoặc ngăn bờ tát cạn nước bắt cá. Về chăn nuôi người Ca Dong chủ yếu nuôi trâu, heo, gà, dê, chó để làm vật cúng tế thần linh và trao đổi vật dụng trong sinh hoạt đời sống. Vì chưa có tiền để mua bán, đồng bào dùng một số sản phẩm làm vật quy ước ngang giá như ché, chiêng, nồi đồng trao đổi giữa các vùng, làng gần xa. Dùng các sản phẩm dư thừa như gai, quế, cau, heo, gà, thuốc lá… để trao đổi lấy các nhu cầu cần thiết như: vải, mắm, muối, cá khô, nông cụ… phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Người Ca Dong cũng giống các dân tộc anh em khác, có tục làm rượu cần và uống rượu cần. Rượu cần không chỉ để uống trong giao tiếp mà quan trọng hơn cả còn để cúng kiếng thần linh.

6. Văn hóa – xã hội:

Mặc dù với phương thức sản xuất luân canh, quần canh “tự cung, tự cấp”, suốt đời vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để mưu sinh, duy trì cuộc sống nhưng tộc người Ca Dong có đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng đa dạng, phong phú và một xã hội bình đẳng công bằng bác ái.

Tộc người Ca Dong không có chế độ mẫu hệ, nhưng người phụ nữ trong gia đình được coi trọng và sự phân công lao động rất hợp lý. Người đàn ông được coi là trụ cột gia đình, làm những công việc nặng nhọc như phát rẫy, cuốc ruộng, làm nhà cửa, lo cúng bái… Người phụ nữ trong gia đình làm những công việc nội trợ, chăn nuôi, dệt vải, thu hoạch… Nếu người cha dạy con trai biết làm ruộng rẫy, nhà cửa, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát mây tre, đánh chiêng, đánh đàn… thì người mẹ dạy con gái cần cù siêng năng, biết dệt vải, biết công việc nội trợ, chăn nuôi heo gà, nuôi dạy con cái.

Bà chủ gia đình là người chăm sóc các lễ thức có liên quan đến hồn lúa. Khi thu hoạch lúa, bà là người đầu tiên thu hoạch “phép” và đưa hồn lúa về nhà.

Nơi ở của người Ca Dong thường là sườn đồi thoáng đãng, có nguồn nước và ở theo làng, nhiều nhà cùng dòng máu hoặc không cùng. Làng (Plài) có chủ làng đứng đầu, người Ca Dong gọi là Kraq-Plài (già làng). Già đại diện cho cả làng, thành tên của làng, có nhiệm vụ xử lý, quyết định mọi vấn đề của làng như chăm nom, bảo vệ địa giới làng, quyết định chiến đấu hay hòa giải, giao tiếp khác, dạy bảo con cháu giữ gìn phong tục tập quán, đôn đốc sản xuất, chủ trì các lễ thức tín ngưỡng của làng, xử lý tranh chấp, vi phạm luật tục…

Bằng tre nứa cây mây lá rừng với chiếc rựa và đôi tay khéo léo, người Ca Dong đã dựng nên những ngôi nhà sàn vững chắc và đẹp mắt. Một nhà có thể chung sống sinh hoạt hai, ba thế hệ. Mọi người trong nhà cùng làm cùng hưởng, sống hòa thuận, bình đẳng hạnh phúc.

Trước những hiện tượng tự nhiên đầy bí hiểm, đầy thách đố và trước “bể khổ” của xã hội loài người khiến con người lo sợ, bất lực. Nghĩ và tin mọi vạn vật trong thế gian đều có linh hồn, có các vị thần ma, đấng tối cao đầy quyền năng điều khiển mọi hoạt động và sự sống chết của con người. Con người muốn làm việc gì điều phải có sự cúng kiếng cầu xin và cho phép của thần linh. Từ đó hình thành các lễ thức tín ngưỡng theo thuyết “vạn vật hữu linh”, cúng bái các vị thần trời (ta-roc, vu rai); vị thần đất (yaq  ta-neh), thần nước (yaq ko, hwing). Nữ thần sáng tạo con người (y kôh-y kah), thần núi (pa-gep) và các hồn ma, tổ tiên ông bà (vóc mong). Người Ca Dong gọi thần linh là kan kiêc, gọi hồn ma là kiêc choc. Cúng kiếng cầu mong điều lành, cầu mong những ước nguyện tốt đẹp của con người được trở thành hiện thực.

Khi thu hoạch vụ mùa xong, đồng bào Ca Dong tổ chức cúng máng nước, một hình thức lễ tục cố kết cộng đồng, cầu xin sức khỏe, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm sinh sôi phát triển. Cúng chuồng, cúng ông bà, cúng thần linh rồi tổ chức ăn tết. Tết ăn theo làng, hết làng này tới làng khác, đó là lễ hội lớn của cộng đồng người Ca Dong.

Ngoài lễ tết, còn có lễ hội ăn trâu (kaq-ka-pơ). Tuy là lễ của gia đình nhưng cả họ hàng làng xóm cùng góp sức chung lo. Lễ đâm trâu thường tổ chức vào tháng 3, tháng 4 âm lịch. Mục đích tạ ơn thần linh, tổ tiên, khoản đãi bà con họ hàng làng xóm khi gia đình tai qua nạn khỏi, làm ăn khấm khá.

Nét độc đáo của lễ hội đâm trâu là hình tượng cây nêu (loang gâng), một hình tượng mang đậm bản sắc dân tộc. Cây nêu được làm công phu tốn kém thời gian cả tháng trời với những chi tiết trang trí độc đáo, uy nghi hùng dũng, vô cùng đẹp mắt. Qua lễ hội, bản sắc tinh hoa ở trang trí cây nêu, ở trang phục, trang sức, ở nghệ thuật diễn xướng: âm nhạc, múa hát, yếu tố cố kết cộng đồng được biểu lộ tập trung nhất, rõ ràng nhất.

Người Ca Dong, mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng bản chất cần cù nhẫn nại, thật thà chất phác và rất lạc quan, đã vượt qua tất cả để sinh tồn phát triển giống nòi cho tới hôm nay. Từ bản chất tốt đẹp đó, từ xa xưa đồng bào đã có tục làm chòi để lúa xa nhà, tục để của trong vườn, ngoài khe, không lấy trộm của nhau. Dẫu nghèo khổ, neo đơn, cơ cực vẫn không ăn xin. Trai gái không hòa gian, vợ chồng con cái sống hòa thuận hạnh phúc. Trọng danh dự, tự tôn, tự lập, tình làng nghĩa xóm, ý chí chiến đấu cao trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước.

Trong chế độ hôn nhân, người Ca Dong theo nguyên tắc một vợ một chồng, nam nữ tự do tìm hiểu kết hôn nhưng vẫn phải có mối mai làm trung gian thì mới thành vợ thành chồng.

Trước kia tộc người Ca Dong cũng có tệ nạn tảo hôn nhưng khác với người Hrê là nam nữ đã lớn khôn, chứ không tảo hôn theo lối “hứa miệng trước” (poic lơiq) khi hai người phụ nữ chưa mang thai hoặc đang mang thai hoặc con còn bé dại. Trong quan hệ nam nữ, tình giao trước đám cưới bị cấm ngặt. Tội hủ hóa bị phạt nặng, loạn luân bị quy vào trọng tội. Nghiêm cấm hôn nhân cùng huyết thống trong phạm vi ba đời, cả phía cha lẫn phía mẹ.

Tộc người Ca Dong có tri thức dân gian phong phú,  độc đáo về cuộc sống để sinh tồn phát triển. Có một nền văn hóa nghệ thuật đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó có truyện cổ vừa kể vừa hát, kể mấy đêm liền không hết một câu chuyện. Có thành ngữ, câu đố, đồng giao đúc kết từ trong quan hệ ứng xử, từ kinh nghiệm lao động sản xuất, chiến đấu. Có dân ca mượt mà, độc đáo: kalêu, ra ngêq, ru con. Có múa dân gian “ka cheu” xung quanh cây nêu ngày lễ đâm trâu. Đặc biệt Ca Dong có một nền âm nhạc phong phú, nhiều loại hình đánh, gõ, thổi, vỗ, kéo rất độc đáo.

Về chiêng (ching), loại 6 chiếc gọi là chinh – kan, loại 12 chiếc gọi là ching – hlinh, loại ba chiếc gọi là ching piq ka tah (chiêng ba). Trống có tên là Hơ-gâr. Đàn có đàn vroac ba dây, vroac – goang 8 dây, vroac – krâu từ 8 đến 16 dây. Đàn kéo có ra-đong, đàn môi có ra-ngoiq, đàn ngậm nói có a-vam. Đàn gõ trên cây nứa có tờ-rưng. Đàn nứa đặt trên nước có a-khung…

Từ xưa, đất đai ở Sơn Tây thuộc sở hữu tập thể làng, đã từng xảy ra việc tranh chấp rừng giữa các làng. Bên thắng không chỉ chiếm đất chiếm rừng mà còn chiếm cả người về làm nô lệ. Tuy chưa có sự phân hóa giai cấp, nhưng từ thực tế trên đã hình thành trong cộng cồng bốn thành phần: người giàu, người đủ ăn, người nghèo và đầy tớ. Những già làng giàu có chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Yaq Ơn, Phó Nía, Cha Kây, Phó Hủy, Phó Xơn. Mỗi hộ thường có 30 gùi giống lúa rẫy (một gùi độ 5 ang giống), vài chục con trâu, dê, heo, 5 hoặc 7 bộ chiêng, vài chục ché, ba bốn chục nồi 7 nồi bung, vài đồi quế, mấy vườn cau, từ 5 đến 10 người ở làm đầy tớ (ha-pong).

Một số già làng làm chánh tổng thời Pháp, đứng về phía nhân dân lao động chống Pháp và bọn tay sai, như Chánh Nhá, Phó Nía, Phó Xơn, Phó Hủy… trong khi nhiều chánh tổng theo Pháp, nhưng các chánh phó tổng vùng Ca Dong lại trung thành với quê hương, với dân tộc.

Người đủ ăn không nhiều, họ là hộ có người lao động, có ruộng rẫy đủ làm, có ít trâu, dê, heo, gà, ít rẫy quế, vườn cau để đổi chác sinh sống qua ngày.

Người nghèo chiếm đến 95% dân cư, phần đông chỉ có rẫy, làm vài gùi lúa giống, một năm làm một vụ rẫy, thiếu đói năm, sáu tháng. Hộ thiếu người lao động hoặc ốm đau, chết chóc phải vay mượn nhà giàu.

Tầng lớp đầy tớ có hai loại: Loại thiếu đói phải đi ở mướn cho nhà giàu để kiếm sống. Loại nhà nghèo rủi ro vi phạm luật tục của làng bị phạt vạ, phải đi vay mượn nhà giàu, không trả nổi nợ phải làm đầy tớ, bị đầy đọa khinh rẻ.

Tuy nhiên, xã hội cộng đồng tộc người Ca Dong trước đây, mối quan hệ kinh tế giữa các tầng lớp cư dân mang nhiều tính tương trợ hơn là bóc lột. Vì vậy, khối cố kết cộng đồng của tộc người Ca Dong được xây dựng khá bền vững từ lâu đời. Sau này các cư dân khác như người Hrê, Cor, Kinh sinh sống ở Sơn Tây đều chịu sự tác động trong mối quan hệ kinh tế của người Ca Dong.

Trải qua các  thế hệ nối tiếp nhau cộng đồng cư dân Ca Dong cùng với các cộng đồng Hrê, Cor, Kinh đã tiếp thu, học hỏi, xây đắp cho nhau tính cách cần cù, kiên nhẫn trong lao động sản xuất, trọng danh dự, nói là làm, tin là theo, không ưng là chống đến cùng. Có tinh thần thượng võ, có ý chí chiến đấu cao. Chung lưng đấu cật trong lao động, trong đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, tạo dựng, bảo vệ và phát triển cuộc sống cho đến ngày hôm nay. Những mặt tích cực đó đã từng bước đẩy lùi các phong tục tập quán, lục hậu, mê tín, dị đoan, làm cho đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân Sơn Tây ngày càng tiến bộ và phát triển không ngừng.

Visitor Statistic

Currently Online: 657

Total Visit: 4536175