Skip to Content
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

06/06/2020 06:55    193

Sáng ngày 04/6/2020, tại trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (Nghị định 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Tham gia Đoàn giám sát có ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Cán bộ các Ban của HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và các phòng chức năng có liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Sau khi nghiên cứu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các Thành viên và Trưởng đoàn giám sát đã nêu những vấn đề cần được làm rõ thêm về kết quả đạt được, nguyên nhân tồn tại, biện pháp khắc phục trong thời gian đến và những kiến nghị để việc tổ chức thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu.

Kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015 của Chính phủ

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì kết quả khoán bảo vệ rừng đạt được như sau:

Năm 2016: tổng diện tích rừng phòng hộ là 101.367 ha; thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh được giao khoán bảo vệ là 1.292,905 ha với tổng kinh phí là 553 triệu đồng.

Năm 2017: tổng diện tích rừng phòng hộ là 103.798 ha; thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh được giao khoán bảo vệ là 14.522 ha với tổng kinh phí là 5.433 triệu đồng. Trong đó khoán cho 418 hộ với 8.215 ha và khoán cho 36 cộng đồng dân cư là 6.307 ha.

Năm 2018: tổng diện tích rừng phòng hộ là 104.455 ha; thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh được giao khoán bảo vệ là 21.991 ha với tổng kinh phí là 9.810 triệu đồng. Trong đó khoán cho 541 hộ với 10.188 ha và khoán cho 48 cộng đồng dân cư là 12.732 ha.

Năm 2019: tổng diện tích rừng phòng hộ là 105.386 ha; thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh được giao khoán bảo vệ là 27.611 ha với tổng kinh phí là 11.166 triệu đồng. Trong đó khoán cho 1.482 hộ với 25.118 ha và khoán cho 7 cộng đồng dân cư là 2.493 ha.

Về kết quả thực hiện Nghị định 56/2017 của HĐND tỉnh

Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, Sở đã chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan phối hợp với các địa phương triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND tỉnh. Kết quả đạt được như sau:

Hỗ trợ trồng cây phân tán: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tham gia trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 34.910 cây, đạt 49,87% theo Dự án được phê duyệt đến năm 2020 (trong đó: 08 tổ chức trồng 17.750 cây, 116 hộ gia đình trồng 17.160 cây), với số tiền 1.396,4 triệu đồng; định mức hỗ trợ là 40.000 đồng/cây.

Phần lớn số cây phân tán được các tổ chức, hộ gia đình trồng và chăm sóc cẩn thận, bước đầu cây trồng sinh trưởng tốt, trong đó có Sư đoàn bộ binh 307, Công ty Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi. Tuy nhiên, một số cây trồng phân tán tại xã Đức Phú sinh trưởng chưa tốt, cây có biểu hiện héo, kém phát triển.

Hỗ trợ chuyển hóa trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang tròng rừng gỗ lớn: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng đăng ký tham gia trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn với biện pháp chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn năm 209 là 230,51 ha (trong đó: 01 tổ chức đăng ký 40,18 ha và 19 hộ gia đình đăng ký 190,33 ha).

Số diện tích đã thực hiện và đang làm thủ tục hỗ trợ kinh phí là 101,39 ha, chiếm tỷ lệ 44% (trong đó: 01 tổ chức có 40,18 ha, chiếm tỷ lệ 39,6%; 07 hộ gia đình có 61,21ha, chiếm tỷ lệ 60,4%), với tổng số tiền 537,367 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ kinh phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh chuyển hóa rừng là 506,95 triệu đồng và hỗ trợ tiền bảo vệ rừng trong thời kỳ chuyển hóa là 30,417 triệu đồng.

Đối với diện tích đã thực hiện, các tổ chức, hộ gia đình đã chặt tỉa thưa điều chỉnh mật độ theo đúng Dự án phê duyệt, dọn vệ sinh sạch sẽ để tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng tốt nhằm đạt mục tiêu cung cấp gỗ lớn chiếm ít nhất 70% sản lượng sau thời gian chuyển hóa.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Nhiều cơ chế, chính sách thiết thực được quy định cụ thể trong Nghị định 75/2015/NĐ-CP nhằm hướng tới mục tiêu là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhưng chưa đi vào cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ và chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn trồng rừng sản xuất, chăn nuôi. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng không được hưởng lợi gì dưới tán rừng (vì dưới tán rừng chưa có lâm sản gì để được khai thác) nên không mấy mặn mà với người có trách nhiệm được giao bảo vệ rừng.

Do trình độ và nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất; nhu cầu thị trường nguyên liệu gỗ dăm nhiều; trồng rừng sản xuất và chuyển hóa rừng trồng nhỏ sang gỗ lớn với chu kỳ dài, rủi ro cao nên người dân không dám mạnh dạn vay vốn trồng và chuyển hóa rừng trồng; công tác kiểm tra đánh giá về hiện trạng rừng, bàn giao ngoài thực địa để người dân nhận khoán bảo vệ cũng chưa sát với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu: Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân trên địa bàn hiểu rõ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên vận động Nhân dân bảo vệ phát triển rừng, tăng gia sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển nông nghiệp và trồng rừng; khuyến khích hộ dân giành một quỹ đất để trồng cây nguyên liệu gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.

Đồng thời, kiến nghị: hàng năm, Trung ương và tỉnh cần ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho Sở và UBND huyện để tổ chức thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định. Tăng định mức khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm quản lý bảo vệ đối với các hộ dân khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của Nhà nước. Khen thưởng và động viên kịp thời đối với những hộ có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tốt, đồng thời có biện pháp xử lý răn đe đối với những hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng.

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của các Thành viên dự họp; chỉ ra những tồn tại mà trong thời gian đến cần phải tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm chắc các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Sở cần phải ư tiên tập trung xây dựng kế hoạch sát đúng và đúng thời gian theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước trình cấp có thẩm quyền để phân bổ kinh phí. Đoàn tiếp thu các kiến nghị của Sở và sẽ báo cáo với HĐND tỉnh.

Quang cảnh Đoàn giám sát tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Đoàn giám sát tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Trước đó, sáng ngày 03/6/2020, tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ. Đoàn giám sát do ông Hồ Ngọc Thịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Tham gia Đoàn giám sát có ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh; bà Đinh Thị Mai Sình, Chủ tịch HĐND huyện Minh Long, Thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh; ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh và cán bộ Ban Dân tộc của HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Trần Duy Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo các phòng tham mưu thuộc Ngân hàng./.

                              Hoài Châu

Related news

Visitor Statistic

Currently Online: 1286

Total Visit: 4671795