Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kết quả Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi đi học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh phía Bắc

04/04/2023 14:07    224

Từ ngày 23/3/2023 – 29/3/2023, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi đi học tập kinh nghiệm kinh nghiệm về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh phía Bắc. Đoàn công tác có 22 người, do đồng chí Võ Phiên - Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng đoàn, đồng chí Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Dân tộc làm Phó Trưởng đoàn và lãnh đạo các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện miền núi và phòng chuyên môn, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, công chức của Ban Dân tộc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

 

 

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Thái Nguyên

Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, Đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN; thăm và học tập mô hình chăn nuôi bò của Hợp tác xã Bò Mông số 11 tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; tham quan và học tập kinh nghiệm Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; tham quan nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần chế biển thực phẩm xuất khẩu GOC tại Phú Thọ; tham quan Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên, đến vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ và thăm Công ty Cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN và thăm mộ số mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang. Kết quả như sau:

Đoàn tham quan mô hình chăn nuôi gia bò tại Hợp tác xã Bò Mông số 11

Tại Hợp tác xã Bò Mông số 11 chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN: Hợp tác xã (HTX) được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên, với diện tích trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi; từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi như nuôi gà thả đổi, chim cút, lợn rừng và trùn quế; tháng 9/2022, HTX đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ cho vay bò giống qua hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên liên kết là hộ nghèo. Tổng số đàn bò được hỗ trợ cho vay là 50 con, trong đó có 25 con bò cái nền sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm trị giá 1 tỷ đồng. Đến nay đã có 15/25 con bò sinh sản có chửa, 25 con bò 3B thương phẩm tăng từ 170kg lên 380-400kg/con. Ngoài thức ăn cỏ mà HTX và các hộ chủ động, HTX phải mua cám hỗn hợp (cám viên) khoảng 3.000kg/tháng; 2.000kg/tháng từ cám ngô, cám gạo.Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò của HTX. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày ở mức 200.000 đồng/người (làm ngày nào tính ngày đấy). Đồng thời những hộ nghèo này sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò (hiện tại HTX thu 600 – 700đ/kg cỏ); các khoản tiền này được 8 thành viên góp vốn.

Sau 3 năm chăn nuôi, từ 50 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, HTX sẽ chia cho 25 hộ nghèo thành viên tham gia dự án mỗi hộ một con bê (đêm về nhà nuôi hoặc góp vào HTX);  sau 05 năm, HTX trả lại cho Quỹ Thiện Tâm 50% vốn hỗ trợ ban đầu, tức là trả lại 500 triệu đồng.

Tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên: Khu bảo tồn bắt đầu xây dựng năm 2002, tiếp đón du khách đến tham quan từ năm 2014; với quần thể 30 ngôi nhà sàn dân tộc Tày, Nùng nguyên bản từ An toàn khu Định Hóa đưa về, có tuổi đời xấp xỉ một thế kỷ, được phục dựng trong không gian quy hoạch hơn 70ha xanh tươi bởi núi đồi và cỏ cây, là nơi sinh sống của 30 gia đình với 4 thế hệ như hiện nay.

Các gia đình sinh sống tại Khu bảo tồn vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển du lịch cộng đồng; cùng nhau duy trì và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống như ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục; họ tự sản xuất các loại thuốc nam, rượu dầm các loại rễ cây, sâm, côn trùng … để phục vụ người dân trong làng và bán cho du khách; họ phát huy những tiềm năng văn hóa địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo như tổ chức các lễ hội tâm linh truyền thống; khách du lịch sẽ được ở trong những ngôi nhà sàn cùng với người dân địa phương để du khách có thể tìm hiểu về ẩm thực, văn hóa hay các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi và nghề thủ công của dân tộc Tày. Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải vừa vinh dự nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).

Tại các nhà máy, hợp tác xã và đến vùng nguyên liệu tre lấy măng Bát Độ tại các tỉnh Phú Thọ và Yên Bái: Các nhà máy sản xuất không chỉ sản phẩm măng tre mà còn sản xuất nhiếu sản phẩm khác; Đoàn được tham quan quy trình từ ngâm, ủ lên men, cắt đoạn, cắt lát, cắt sợi, phơi, sấy khô, đóng gói được hỗ trợ bởi các loại máy móc hiện đại; các nhà máy đang thiếu nguyên liệu, không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tại đây, Đoàn được nghe lãnh đạo nhà máy thông tin liên quan như: kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, giá trị sản phẩm, giá thu mua từ người dân, đặc biệt là sơ chế măng sau thu hoạch; sau 03 năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch măng, trong 03 năm đầu là giai đoạn kiến thiết cơ bản, có thể trồng xen các loại cây trồng ngắn ngày khác và sau đó được thu hoạch hàng năm; vào giai đoạn kinh doanh, với giá thu mua hiện nay từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu nhập 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 07 năm, sẽ cho thu nhập cao hơn; ngoài ra, còn thu hoạch lá, tre già cũng rất có giá trị.

Đoàn tham quan các mô hình

Ngoài chuyến đi học tập kinh nghiệm; trong thời gian qua, Ban Dân tộc đã cùng các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ đã phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Khe Xai Eco tổ chức khảo sát thực địa vùng trồng cây sả chanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn và kết hợp với du lịch sinh thái; Đoàn nhận thấy, hầu hết các điểm do xã đề xuất có thể đáp ứng được các yêu cầu của việc thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 3; Công ty bước đầu đã lựa chọn xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất sả chanh tại xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ và xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây; chuỗi liên kết sản xuất măng tre tại xã Sơn Cao và xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, xã Ba Ngạc, huyện Ba tơ. Cây sả chanh không kén đất, hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu ở các huyện miền núi tỉnh ta, dễ trồng, mau thu hoạch, năng suất năm đầu khoảng 30 tấn lá/ha/năm, với giá thu mua hiện nay 1.000 đồng/kg lá.

Trên cơ sở kết quả của chuyến đi học tập kinh nghiệm nêu trên, Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Nghĩa Hành:

- Trên cơ sở kết quả của chuyến học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN tại các tỉnh phía Bắc; khẩn trương bổ sung, phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các kế hoạch, dự án liên kết sản xuất tre lấy măng và các sản phẩm từ tre; liên kết sản xuất trồng sả chanh và chăn nuôi bò thảo dược, … (trong đó ưu tiên các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được các nhà đầu tư quan tâm, khảo sát và đăng ký với UBND các huyện); gửi về Ban Dân tộc tỉnh trước ngày 15/4/2023 để tổng hợp. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo đúng quy định của Chương trình.

- Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã hướng dẫn, lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp với các dự án hỗ trợ theo chuỗi giá trị định hướng đã phê duyệt để tạo thành vùng sản xuất rộng lớn; đối với các địa phương không thể hỗ trợ phù hợp với chuỗi giá trị định hướng đã phê duyệt thì lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để làm cơ sở hình thành các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong giai đoạn tiếp theo.

- Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về cách thức tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình.

- Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chuẩn bị các nội dung tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 03/3/2023 của UBND tỉnh; nhất là việc chuẩn bị nội dung ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị liên kết triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục định mức kỹ thuật một số cây trồng, vật nuôi, vật tư áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi kèm theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh.

Giao Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Giao Ban Dân tộc tỉnh làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo dõi, giúp địa phương thực hiện; tổng hợp danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuổi giá trị đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch thực hiện Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuổi giá trị của Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2025./.

                                                                                                                       Văn Yên (tổng hợp)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1492

Tổng số lượt xem: 4704898