Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ở vùng Trường Sơn tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và nam – tây nam tỉnh Quảng Nam tiếp liền vùng bắc Tây Nguyên ngút ngàn rừng núi có một dân tộc bản địa, cư trú lâu đời ở đây. Đó là dân tộc Co. Tùy theo cách phiên âm hay quan niệm mà người ta có thể viết tộc danh là Co, Kor, Col hoặc xưa kia còn gọi là Cua, Trầu, người La Thụ, người Thanh Bồng, người Trà Bồng…Người ta nhận biết về dân tộc Co bởi những dấu ấn rất rõ, không chỉ qua vóc dáng, mà còn qua những nét rất riêng, như cây trồng đặc chủng, như cây Quế, dây Trầu, qua cách ăn mặc, qua lễ hội, qua những lối thức sinh hoạt, những dấu ấn lịch sử như cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào mùa thu năm 1959. Biểu tượng anh hùng của thời kỳ chống thực dân Pháp có cụ Phó Mục Gia, của thời kỳ chống đế quốc Mỹ có cụ Trương Ngọc Khang. Sống ở vùng đại ngàn với vô vàn những hiểm họa, dân tộc Co với số dân khá khiêm tốn đã đào luyện cho mình những phẩm chất tốt đẹp, sự sáng tạo dồi dào thích nghi với điều kiện tự nhiên, sức chịu đựng bền bỉ trước các thử thách và qua đó đã mặc nhiên tạo lập được một di sản văn hóa mang nhiều nét độc đáo, đặc sắc. Di sản văn hóa ấy là tài vô giá của chính dân tộc này trong nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

1.Địa bàn cư trú

Từ Quốc lộ 1 đoạn cực bắc tỉnh Quảng Ngãi với đất Sơn Tịnh, Bình Sơn tiếp giáp với đất Chu Lai, Núi Thành trông lên hướng tây, ta thấy phía xa núi cao dựng đứng, xanh ngời, lớp lớp. Từ Quốc lộ 1 nhìn về hướng đông là những bãi cát và cách biển chỉ khoảng hơn 10 km, với các cảng Kỳ Hà, Dung Quất. Vùng núi hướng tây ấy xưa kia gọi là Trà Bồng, Trà My, những xứ nguồn nơi dân tộc Co sinh sống. Đó là địa bàn tiếp giáp với cực bắc Tây Nguyên hay cực đông bắc cao nguyên KonTum với dãy Ngọc Linh hùng vĩ. Trãi qua những biến đổi hành chính, vùng cư trú của người Co thuộc hai nguồn Trà Bồng, Trà My xưa, nay là các huyện Trà Bồng, Tây Trà và Bắc Trà My.

Dân tộc Co có số dân không nhiều, là dân tộc cư trú lâu đời ở đây. Và địa bàn cư trú nằm trên ba huyện thuộc hai tỉnh khác nhau, nhưng đó là địa bàn cư trú liên hoàn. Nếu hình dung một cách đại thể rằng địa bàn cư trú ấy là một hình tròn thì đường kính nó khoảng 50 km, khá hẹp. Cận cư với dân tộc Co có người Việt ở phía đông, người Hrê ở phía nam, người Ca dong, người Xơ Đăng ở phía tây, người Cơ Tu ở phía bắc.

Ở huyện Trà My tỉnh Quảng Nam, dân tộc Co chủ yếu sống ở các xã Trà Kót , Trà Giáp, Trà Nú nay thuộc huyện Bắc Trà My, tiếp giáp với huyện Trà Bồng. Một số ít (chỉ vài trăm người) sống ở xã Tiên Lập huyện Tiên Phước và các xã Tam Sơn, Tam Trà huyện Núi Thành.

Ở nguồn Trà Bồng, nay là hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi, là nơi cư trú chính của dân tộc Co. Tại huyện Trà Bồng, trừ 3 xã ở phía đông là Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình chủ yếu người Việt sinh sống, 7 xã còn lại ở phía tây huyện gồm Trà Giang, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Hiệp đều là địa bàn cư trú của người Co. Tiếp liền đó, ở huyện Tây Trà có 8/9 xã là nơi tập trung người Co sinh sống, gồm các xã Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Trung, Trà Thọ, Trà Thanh, Trà Quân, Trà Khê, Trà Phong, chỉ có xã Trà Xinh ở phía nam huyện là nơi dân tộc CaDong cư trú. Ngoài ra, còn phải kể đến một số dân Co khoảng 300 người ở thôn Thọ An, xã Bình An huyện Bình Sơn, phía đông của xã Trà Giang huyện Trà Bồng, vốn là dân Co dạt từ Trà My xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Địa bàn cư trú xưa kia của người Co có thể thấp hơn về hướng đồng bằng phía đông. Cần nhớ rằng vào thời ấy núi rừng còn vây phủ đến bờ biển, kể cả những ngọn đồi thấp ở các vùng bán sơn địa. Trong khi đất đai dần dần được khai phá, rừng thu hẹp lại, tác động của cuộc chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Việt – Chiêm (thế kỷ XV trở về trước) trên lãnh thổ nước ta, người Co dần dần xích về hướng tây và định vị ở địa bàn cư trú hiện nay, mà giới hạn cuối cùng về phía đông là vùng xã Trà Giang huyện Trà Bồng và Thọ An (tây huyện Bình Sơn) và phía tây huyện Núi Thành.

Sự phân định theo “nguồn” xưa kia hay theo huyện ngày nay, chỉ là nói về mặt địa giới hành chính. Thực tế theo địa hình thì vùng cư trú của dân Co ở hai “nguồn” hay ba huyện liên hoàn, không chia cắt, không đứt đoạn. Nguồn Trà My tiếp liền nguồn Trà Bồng là cả một vùng đại ngàn với những ngọn núi cao ngất như núi Cà Đam, núi Cư Xỉ hay Ngũ Chỉ, núi Răng Cưa, núi Tà Kút với lớp lớp núi cao trên 1.000 mét, các sông sâu là sông Trà Bồng, sông Tang, sông Riềng, sông Trà Ích, sông Trường, sông Tranh và vô vàn các suối, thác. Vùng cư trú của người Co có độ cao trung bình khoảng 500 mét so với mực nước biển, tựa như một cao nguyên. Vùng cư trú này là “góc” tiếp giáp của hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam với cao nguyên KonTum là một vùng đại ngàn vô cùng hẻo lánh và có một lượng mưa thuộc hạng cao nhất trong nước. Giữa Trường Sơn hùng vĩ, đầy hiểm họa, huyền bí, dân tộc Co, một dân tộc nhỏ bé cả về tầm vóc lẫn số lượng, vẫn sinh tồn và phát triển, với một sức sống mãnh liệt, kiên cường, dũng cảm, trung thành và giàu lòng nhân ái, vị tha.

2.Dân số

Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2014, dân tộc Co có số dân là 33.817 người. Theo sự phát triển cơ học và thống kê đến 31/12/2015, thì người Co hiện có số dân khoảng 36.000 người.

Xét phân bổ dân cư theo hành chính, trong số khoảng 3,6 vạn người Co hiện nay, phần lớn người Co sống ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi, phần ít hơn sống ở huyện Bắc Trà My.

3. Ngôn ngữ

Các nhà dân tộc học ghi nhận rằng, trước kia cộng đồng Co được xem như một nhóm của dân tộc Xơ Đăng hay một nhóm của người Cùa. Song về sau, thực tế cho thấy cộng đồng Co có ý thức cao về một tộc người và vị trí một dân tộc đã được thừa nhận một cách chính thức từ năm 1979, khi Nhà nước công bố Danh mục chính thức các thành phần dân tộc ở Việt Nam (với tộc danh được ghi là Co). Người Co có nhiều nét gần gũi với các dân tộc xung quanh, xét về mặt ngôn ngữ thì hợp thành nhóm ngôn ngữ “Ba Na phía bắc” trong dòng ngôn ngữ Môn-Khơme, ngữ hệ Nam Á.

Quá trình nghiên cứu và ý tưởng xây dựng bản mẫu tự tiếng Co: Trong thời chiến tranh, nhiều người khi sinh sống ở cùng người Co, được người Co đùm bọc bảo vệ. Qua quá trình tiếp xúc họ đã hiểu về văn hóa và biết được ngôn ngữ của người Co, về sau họ muốn ngôn ngữ Co sẽ được nhiều người biết đến như là để biết ơn, nên họ đã nghiên cứu và dùng ký tự quốc ngữ để phiên âm thành chữ viết Co để mọi người cùng học. Đi đầu trong công việc này là bác Mã quê ở Quảng Nam và nhiều người Kinh khác; bác Hồ Nhật Tùng là người Co quê ở Trà Lãnh, huyện Tây Trà; bác Hồ Văn Thế người Co quê ở Trà Lâm, huyện Trà Bồng, hiện nay là Trưởng Ban Dân tộc. Tuy nhiên, đến nay dân tộc Co vẫn chưa có bộ chữ viết hoàn chỉnh, vẫn đang trong quá trình xây dựng và xin ý kiến của Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học.

4. Tên - Họ

Người Co có nhiều họ, nhưng phổ biến nhất là họ Hồ, xưa kia người Co không có họ, đến thời Pháp thuộc người Co có họ Đinh (do người Pháp áp đặt). Đến năm 1969, khi Bác Hồ mất, để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bác đối với dân tộc mình, người Co tự nguyện đổi họ của mình thành họ Hồ. Hiện nay, còn một số gia đình mang các họ khác như Đinh, Võ, Trương, Hoàng, Trần, Xăm… và các họ mang âm ngữ của dân tộc mình như Sô mô nô, Rơ jul, Krơm…là vì khi tập kết hoặc ra Bắc để học còn giữ lại họ Đinh, yêu quý người khác nên lấy họ của người đó làm họ của mình, nhớ về quê nhà nên lấy thuật ngữ của dân tộc mình về một sự vật, hiện tượng nào đó như cây tre (krơm), cây nứa (rơ jul)… để đặt họ cho mình, kết hôn với các dân tộc khác,... Về từ lót giữa họ và tên thì chủ yếu lấy Văn và Thị để phân biệt giữa nam và nữ.  Về tên riêng, người Co có nhiều tên, tuy nhiên người Co xưa thường lấy tên các vật dụng lao động, tên các loài cây, loài động vật để đặt tên, thông thường nhất là người Co lấy thứ vị trong gia đình để đặt tên như Hai, Út…, tên con trai thường là Dé (gần), Ây (anh), Ôn (lửa)…, còn tên con gái thường là Nga, Út, Ỏ….Các dòng họ, chi họ thường có gia phả truyền miệng chứ không thành văn bản.

5. Nhà ở

Người Co xưa làm nhà dài theo kiểu tàu lửa, sống theo gia đình gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và có luật tục riêng. Trong một ngôi nhà dài (ngôi nhà chung), mỗi một gia đình Co có một không gian riêng có căn buồng riêng (gọi là tum), nhưng căn này không tách rời mà gắn kết trong kết cấu chung của ngôi nhà chung. Trong ngôi nhà dài như tàu lửa như thế có một căn rộng rãi (gọi là gưl) làm chổ sinh hoạt chung, có hiên nhà (gọi là a-tưl) làm nơi giã gạo chung, có lối hành lang chung từ đầu nhà đến cuối nhà. Kết cấu của ngôi nhà chung ấy đã nói lên rằng, với người Co, mỗi gia đình có chổ ở riêng nhưng hoàn toàn không tách rời cộng đồng.

6. Quan hệ xã hội

 Trong thôn, nóc, làng (palây) người Co sinh sống chủ yếu các quan hệ xóm giềng và giòng họ. Sinh hoạt của người Co xưa kia là kiểu sinh hoạt của một cộng đồng dân tộc thời kỳ tiền giai cấp, ở đó bao trùm là sự hồn nhiên trong quan hệ giữa người với người, chưa hề xuất hiện những toan tính vị kỷ, vụ lợi, gian dối. Sách Đại Nam nhất thống chícủa Quốc Sử quán triều Nguyễn, tập viết về các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi có chép: “Để của cải ở ven khe, không lấy trộm của nhau. Dẫu nghèo cực cũng không ăn xin. Ngoài việc săn bắn, không cờ bạc chơi bời, tính rất thuần phác. Trai gái không hòa gian”. Nhận xét ấy rất đúng với trường hợp cụ thể của người Co.

7. Truyền thống sản xuất

Ngày nay, người Co chủ yếu canh tác trên nương rẫy trồng lúa, ngô, rau, đậu các loại và trồng lúa nước trên đồng ruộng; ngoài các rẫy trồng quế chuyên biệt ra, thì trong các mảnh vườn, rẫy của người Co thường có đủ các loại rau, quả, củ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như trầu, cau, măng; các loại rau rừng như Tàu Bay, PKiên, Ngò, U Qua, Má, Ranh, bắp chuối, Bí,… và các dược liệu truyền thống như Tầm Phục, Siêng Tâm Liêng, Cun, sâm Cau, Bách Bộ, gừng núi (Ky nh’e), Riềng, xả (pơ lắc) và nhiều loại Magang quý hiếm khác.

Thời xưa, với người Co thì việc sản xuất cụ thể trong 4 phương thức trồng trọt, chăn nuôi, hái lượm, săn bắt là công việc thường xuyên của cộng đồng, của từng gia đình và ở từng người. Ngoại trừ người quá già, trẻ em còn quá nhỏ hay người bệnh tật, thì những người khác, không kể nam, nữ đều tham gia sản xuất. Ai lười biếng sẽ bị cộng đồng chê trách. Thậm chí trẻ em dân tộc Co từ tấm bé đã được điệu (cõng) lên rẫy, quen với sương nắng, với mùi đất, với lam sơn chướng khí.

Tập tục trong sản xuất tất nhiên gắn với những tri thức, với kinh nghiệm thực tiễn, nhưng mặt khác cũng gắn nhiều với tín ngưỡng: Trước, trong và sau khi thu hoạch lúa, đều có các nghi thức cúng tế; khi quế bị sâu phá thì cúng thần và cầu cúng chim về ăn sâu quế; khi lấy được mật ong thì tạ ơn thần đất; khi săn được con thú thì mổ thịt cúng thần trước khi cùng nhau ăn uống.

8. Về tín ngưỡng và văn hóa tri thức

Ngày nay, người Co có tín ngưỡng chủ yếu là thờ cúng ông, bà và Bác Hồ, vào nhà ai cũng có hình ảnh Bác Hồ trên bàn thờ.

Ngoài ra, từ xưa người Co còn có tín ngưỡng sơ khai “vạn vật hữu linh” (mọi sự vật, hiện tượng đều có hồn), cúng các thần linh như: trời - đất – lửa, sông - núi - đá, mưa - nắng - gió,…cây cối, các vật dụng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày; tín ngưỡng về các tầng của thế giới (thế giới có 3 tầng gồm: tầng trời với Thần Mặt Trời, Thần Mặt Trăng, các Thần Sao, còn ở mặt đất thì có tầng trần gian, dưới đất có tầng âm phủ, với ý niệm sống thì ở trên mặt đất, chết thì xuống dưới đất)…Lễ cúng trâu (đâm trâu) với các loại cây Nêu là hình thức lễ hội cao nhất của người Co để tưởng nhớ tổ tiên và tạ ơn thần linh.

9. Một số nét văn hoá đặc sắc của người Co:

9.1. Lễ tục khi sinh đẻ

Dân tộc Co cũng như bao dân tộc khác, xem việc sinh nở là việc hệ trọng của đời người, của cộng đồng. Khi mang thai phụ nữ Co được gia đình chăm chút kỹ lưỡng, dành cho nhiều thức ăn bổ dưỡng, đồng thời phải kiêng ăn một số loại thịt rừng. Người phụ nữ sinh ở thế quỳ trong buồng nhà, gần bếp lửa, hai tay bám vào hai sợi dây được treo thả từ mái nhà, được một bà mụ đỡ đẻ giúp sức. Sinh nở đi liền với việc kiêng cữ. Khi trong nhà có người sinh, gia chủ dùng nhánh lá treo trước cửa buồng để vừa đuổi “ma xấu” xâm nhập và cũng để làm tín hiệu kiêng cữ, khách bên ngoài biết không được vào. Người chồng và những người khác trong gia đình phải tạm thời tránh ra bên ngoài, chỉ đóng vai trò làm thức ăn. Nếu việc sinh nở khó khăn, chủ nhà liền bày biện mâm trầu cau và rượu cầu mong ông bà và thần linh phù trợ. Người sản phụ sinh xong được cho uống củ ma-gang, nước muối, hơ lửa và đè lên bụng một bọc đá nóng.

Ngày thứ ba, gia chủ làm lễ cúng ma cho bà mụ, cúng cáo thần linh về đứa trẻ, đồng thời tạ ơn bà đỡ đẻ. Lễ vật đơn giản gồm con gà và trầu, cau, rượu trắng và gạo. Ngày thứ bảy cúng hết cữ, cầu mong ông bà và các thần linh, ma nhà, ma buồng, ma bếp phù hộ cho đứa bé được chóng lớn, khoẻ mạnh. Lễ vật ngoài trầu cau, rượu, gạo, phải có một con gà trống và sau khi cúng người ta bói giò gà để biết điềm báo. Bắt đầu là một đứa bé gái địu (cõng bằng một cái khăn) đứa trẻ sơ sinh ra cửa, các bà mụ theo sau. Cha đứa trẻ đón ở cửa, dẫn đường theo cầu thang xuống đất. Khi đến chân cầu thang đứa bé gái ngồi xuống sao cho bàn chân của trẻ sơ sinh chạm đất. Người cha dắt đứa bé địu trẻ sơ sinh quay trở lại buồng, tháo tấm địu và tận tay trao đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ. Mọi kiêng cữ từ nay kết thúc. Sản phụ đi ra ngoài gặp mọi người và làm mọi việc như lúc bình thường. Nếu đứa trẻ hay khóc, thì người ta cúng gà và trầu cau, rượu xin thần linh đừng quấy phá đứa trẻ. Người mẹ được hơ lửa và uống củ ma-gang, ăn cơm với thịt cá để sớm phục hồi sức khoẻ sau khi sinh. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, nếu không có sữa người ta cho người mẹ ăn cá Ví và cho ăn canh rau Ranh để có sữa. Trẻ lớn dần thì cho ăn cháo, cơm bón. Khi người mẹ đã khoẻ trở lại, đi nương rẫy thì địu con theo. Trẻ con người Co xưa thường phải sớm chịu cảnh sương nắng, nên tỷ lệ tử vong đương nhiên là cao, những người còn sống thì có sức đề kháng với thiên nhiên cao và có thể chất rất khoẻ.

Sinh nở là việc hệ trọng, là mối lo không chỉ với gia đình mà còn cả với cộng đồng Co vốn có dân số ít, nên khi người phụ nữ không có con, người ta cũng phải tìm giải pháp, đó là lễ cúng Mo Cả (đớp mo cả). Trong tín ngưỡng Co, thì Mo Cả là nữ thần, vợ thần Cơi Pnon, là thần sinh tạo ra con người (Mo Cả pjit ma-ni). Lễ cúng này mang ý nghĩa là “đổi hồn xấu lấy hồn tốt” để được có con. Trong lễ cúng này cả nhà đều phải đông đủ, không được đi đâu. Lễ vật cúng gồm heo, gà, đều phải qua hai vòng cúng sống và cúng chín. Người chồng đem một cây Đót dựng trong nhà, xé tưa các đầu ngọn lá, nối sợi dây chỉ đến đầu con heo, một sợi chỉ khác thả xuống theo cây Đót rồi vái cúng. Khi cúng chín lễ vật có cả gạo, nước lạnh, cá suối và gan, lòng con vật hiến tế. Người ta cúng gọi thần Mo Cả, ném gạo và hú. Sau Mo Cả đến lượt mời Mo Hwýt (nữ thần nước), đến ông bà. Qua vòng cúng chín, người chồng (chủ nhà) vái cúng xong, lấy ít lòng, gan, cá, nước lạnh chấm lên đầu tất cả mọi người trong nhà.

9.2. Lễ tục cưới hỏi

Lễ cưới dân tộc Co là một trong những lễ thức phô bày nhiều nét đẹp văn hóa Co. Cưới là việc của cá nhân, gia đình, nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Cho nên gọi lễ tục này là lễ hội cũng không sai. Người Co vốn có truyền thống cố kết cộng đồng làng nóc rất bền chặt. Do vậy, lễ cưới cũng có thể xem là lễ hội lớn của cộng đồng làng Co. Trình tự một nghi thức cưới có thể phân làm ba giai đoạn: lễ đi hỏi, lễ đạp nhà và lễ cưới.

- Lễ đi hỏi: Khi trai gái muốn lấy vợ, lấy chồng, gia đình hai bên đều chọn cho mình một ông mai để làm mối cho mọi lễ thức. Người được chọn làm ông mai có chuẩn riêng, có những điều kiêng riêng. Có nơi bên cạnh ông mai chính còn có ông mai phụ.

Trai, gái Co có thể quen biết nhau từ trước, hoặc có thể chưa hề biết mặt nhau mà được gia đình hai bên kén chọn hoặc do ông mai làm mối. Có nơi hai ông mai hai bên gia đình đến gặp gia đình bên gái xong, sau đó mới tiến hành lễ hỏi. Lễ hỏi diễn ra khá đơn giản. Từ sáng sớm, ông mai nhà trai đóng khố cữ dẫn chàng rể tương lai (óh) cùng khoảng sáu chàng trai trong nóc (pa lây) (là bộ phận dân cư sống như làng) đến nóc nhà gái (người cùng nóc thường là thân tộc không lấy nhau). Mọi người ăn mặc bình thường, tay cầm giáo, mác, riêng chàng trai đi hỏi vợ ăn mặc đẹp hơn, mặc khố và choàng khăn, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn (kxui pot) đựng ít gạo, chai rượu trắng, vai vác giáo để phòng hờ ở dọc đường. Nếu có rượu đoát thì mang theo rượu đoát (loốc snót) . Ngoài ra còn có thể mang theo một xâu thuốc lá, trầu, cau, cá… cũng có nơi lễ hỏi diễn ra ban đêm để mọi người có mặt đông đủ ở nóc. Số lễ vật ít ỏi này nếu chàng trai không thể kiếm được thì mượn của chủ nóc. Nếu người mẹ còn sống bà sẽ bỏ các lễ vật vào cái gùi dẹt cho con trai. Khi đến nhà gái, mọi người dựng giáo và chờ ở ngoài sân. Nhà gái mời khách vào, chàng rể tương lai đặt chiếc gùi vào một góc nhà. Tốp người đi hỏi phía nhà trai ngồi từ trong nhìn ra, trong đó ông mai và thằng rể sẽ ngồi ở giữa. Tốp người phía nhà gái bao gồm cha mẹ cô gái, ông mai nhà gái, ông chủ nóc và vài bà con anh em ngồi ở phía đối diện. Ông mai nhà gái giới thiệu chủ khách rồi vào thuyết phục cô gái, trong khi ông mai nhà trai kể về những đức tính của chàng trai để thuyết phục nhà gái đồng ý. Đến bữa, nhà gái dọn cơm ra, hai bên ăn uống và tiếp tục chuyện trò vui vẻ. Cha mẹ cô gái sẽ là người quyết định nhận lời nhà trai hay không. Quyết định của cha mẹ cũng tuỳ thuộc vào quyết định của cô gái. Nếu nhà gái ưng thuận thì cha cô gái sẽ bắt đầu làm lễ cúng cáo ông bà. Ông rót rượu đầy vào các chén đặt trong một cái mâm, bên cái đik thúp thắp nến sáp ong, cúng cáo cho ông bà biết. Cúng xong ông mời tất cả mọi người cùng uống phép. Ông đem số giáo mác ngoài sân vào dựng bên trong nhà. Rượu, gạo nhà trai mang đến được nhà gái san qua, đồng thời đổ lại đầy gạo và một chai rượu vào kxui pót của chàng trai để mang về nhà trai. Nếu là đường xa thì hôm ấy số người đi hỏi sẽ ở lại qua đêm ở nhà gái. Sáng hôm sau, cả tốp sẽ về lại nhà trai. Cha của chàng trai sẽ mời ông chủ nóc đến chứng kiến, đem rượu, gạo nhà gái lên cúng cáo ông bà. Trường hợp nhà gái không đồng ý thì người ta vẫn dọn cơm mời khách, sau bữa cơm sẽ thông báo cho biết và sẽ không có lễ cúng cáo ông bà, đêm ấy số người đi hỏi vẫn ngủ ở lại nhà gái, chiếc kxui pót với rượu, gạo mang theo vẫn để nguyên để chàng trai mang về nhà mình.

Lễ đạp nhà (tiếng Co gọi là hoi joă như) tương tự lễ hẹn ngày của người Kinh. Lễ đạp nhà hai bên chủ yếu bàn việc tổ chức lễ cưới. Số người đi lễ đạp nhà cũng tương tự như lễ đi hỏi. Lễ vật nhà trai mang theo gồm gạo, thuốc lá, thịt rừng, cá suối… với số lượng nhiều hơn lễ đi hỏi. Mọi người cũng vác giáo, mác trên vai và cũng được nhà gái tiếp đón như lễ đi hỏi. Lần này lễ vật nhà trai mang đi được giao luôn để nhà gái cúng và làm cơm đãi khách. Cơm khách lần này cũng thịnh soạn hơn lần trước. Người ta cũng ngồi theo thứ tự, chủ khách đối diện nhau. Ông chủ nhà cha cô gái sẽ rót rượu cúng cáo ông bà. Cô dâu tương lai (a-mưi) cùng mẹ và các chị em lo cơm nước trong bếp. Mọi người ăn uống vui vẻ, cùng bàn bạc tổ chức lễ cưới. Sau bữa ăn, nhà gái dành lại rượu, thịt đã sẵn đem biếu cho các gia đình khác trong nóc. Trong lễ đạp nhà, trai gái hai nóc không còn xa lạ nhau, có dịp cùng uống rượu, trò chuyện. Nếu lễ đạp nhà không đúng vào dịp bận bịu mùa màng, thì đàng trai có thể mang theo trống, chiêng để cùng với đàng gái kết hợp với các nhạc cụ a-máp, ta-lía, bró, rờ ngoái…giao lưu vui vẻ. Đêm ấy, số người nhà trai lại nghỉ đêm ở nhà gái. Nhà gái lại lấy rượu, thịt của nhà mình bỏ vào chiếc kxui pót cho chàng trai mang về nhà mình làm lễ. Trong thời gian trước lễ cưới, nếu hai bên có sự cố gì (như nhà có tang, đau ốm…) thì báo cho nhau biết. Nếu bên nào bội ước thì ông mai đằng nhà kia sẽ đến bắt nhuốc (xử phạt), có thể bằng tiền bạc, chiêng ché, nồi…xong mới chấp nhận cho lấy vợ (chồng). Từ lễ hỏi đến lễ đạp nhà thường cách nhau khoảng 4, 5 tháng. Còn từ lễ đạp nhà đến lễ cưới lại phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của hai bên. Tuy nhiên, lễ cưới cổ truyền thường được tổ chức sau Tết giã rạ , tức khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, khi mùa màng đã xong xuôi, mọi người rảnh rỗi.

Lễ cưới, tiếng Co có nhiều từ khác nhau để chỉ quy mô của lễ cưới như: Hoi ly là đi và về giữa hai nhà là đám cưới lớn nhất, hoi xót là đi rước chỉ đám cưới vừa, gắt yêl là đám cưới đơn giản chỉ mang tính thủ tục. Nói chung người Co thường cố gắng tổ chức lễ cưới hoi ly. Cưới là một trong những lễ trọng của người Co, thu hút cả cộng đồng làng nóc, diễn ra trong nhiều ngày, nên việc chuẩn bị lễ cưới cũng tốn nhiều thời gian, công sức, của cải. Heo gà phải có nhiều và nuôi lớn đúng cỡ, gạo nước phải đầy đủ. Khoảng mười hôm trước ngày cưới, người ta ủ rượu hạt kê hoặc bắp, bo bo (mùa cưới không có rượu đoát). Chàng rể có thể đan cho cô dâu chiếc gùi lép một ngăn mới (kxui năh), chiếc mũ cưới, vót chiếc lược cài đầu, sắm cái rựa cho cô dâu cầm về nhà chồng trong ngày cưới. Cô dâu cũng có thể đan cho nhà chồng tấm chiếu mới bằng lá dứa rừng (xtưl). Váy yếm, khố choàng của cô dâu, chú rể đều được sắm mới bằng việc mua của người Ca Dong láng giềng. Chủ gia phải lo toàn bộ vật chất của lễ, có sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng làng nóc. Trong trường hợp chú rể không có cha hoặc quá khó khăn thì chủ nóc và dân làng sẽ đứng ra giúp toàn bộ lễ cưới.

Cận ngày cưới, hầu như cả nóc ai cũng nghỉ đi rẫy, tập trung giúp chủ gia lo đám cưới. Kẻ lên rừng săn thú, người xuống suối bắt cá, người giã gạo, người gói bánh, nấu bánh. Số người khác thì lên rừng hái rau, đốn củi hoặc đi dọn đường sá vào nóc cho sạch đẹp.

Lễ cưới được diễn ra trong bốn hoặc sáu ngày, cứ lần lượt ngày thứ nhất nhà trai đến nhà gái, ngày thứ hai đoàn đi cưới đến nhà trai, ngày thứ ba quay lại nhà gái…đến kết thúc. Nghi thức cưới diễn ra ở hai bên gia đình gần tương tự như nhau, chỉ khác nhau chút ít.

Ngày thứ nhất: là ngày họ nhà trai đến nhà gái. Trước khi đi người ta phải làm lễ cúng cáo ông bà. Sáng sớm, có chủ nóc, ông mai và chàng rể ngồi bên, người cha của chú rễ cầm con gà sống, đốt nến sáp ong, ngồi trước bàn thờ ông bà để cúng và báo cáo ông bà. Con gà được cắt tiết tại chổ, đưa xuống nấu xong lại đưa lên để ông cúng chín. Xong ông ra sân cầm theo con dao phép, cây phép và xâu lục lạc treo gần bàn thờ cùng đĩa cơm cữ ra sân, nơi con heo đang buộc nằm sẵn. Trước sự chứng kiến của chủ nóc và mọi người, ông bốc mấy hạt gạo trên tay lâm râm vái, lấy dao phép đâm vào con heo, lấy cây phép đập vào đầu con heo, rung chuỗi lục lạc liên hồi sau đó heo được khiêng đi làm thịt. Ông cùng mọi người vào nhà bàn việc đi cưới xong, con heo đã nấu chín xong đưa lên, ông tiếp tục cúng chín. Mâm cơm được bưng lên, mọi người tụ tập ăn cơm. Sau bữa cơm, ông chủ nhà lại bày mâm rượu trắng ra cúng trước sự chứng kiến sự chứng kiến của chủ nóc. Mọi người uống rượu phép và chuẩn bị lên đường.

Tốp người đi họ trong lễ cưới thường không cố định, có thể 12, 16 hay 18 người, có cả nam nữ. Mọi người ăn mặc đẹp, không mang theo gì. Ông mai nhà trai là người dẫn đầu, một số chàng phụ rể đi kế tiếp, sau đó đến chàng rể và một số phụ rể khác đi sau. Chàng rể với trang phục cổ truyền, chiếc khố mới, tấm choàng mới, đầu đội chiếc mũ cưới (chơ rấc) có các tua vải sau ót thả dài xuống lưng, vác thanh kiếm phép có vỏ được trang trí bằng cườm nhiều màu. Ở nhà dân trong nóc vẫn tụ tập giúp gia chủ nấu nướng, bưng dọn, ăn uống vui vẻ. Trong khi đó ở nhà gái cũng diễn ra cảnh cúng gà, heo, cúng sống, cúng chín hai vòng tương tự. Khi họ nhà trai đến nơi thì dừng lại ở ngoài sân. Ông mai nhà gái bưng mâm trầu cau bước xuống sân mời ăn trầu cau rồi mời khách vào nhà. Trong lúc đó trong nhà vang lên các điệu chiêng chào khách, chiêng chào dâu rể. Vị trí ngồi của chủ khách tương tự như các lễ trước. Ông cha vợ rót rượu vào các chén đặt trong chiếc mâm lớn, thắp nến sáp ong cúng báo cáo ông bà, rồi mọi người cùng uống rượu phép. Tối đó họ nhà trai ở lại nhà gái. Ai thích đánh chiêng, hát a-giới thì cứ việc, có khi cuộc vui kéo dài suốt đêm.

Ngày thứ hai: Hai họ cùng về nhà trai. Sáng, ông cha cô gái thắp nến sáp ong, rót rượu bày trong mâm cúng ông bà, mọi người uống tiễn hai họ. Ăn uống xong xuôi, họ nhà trai bắt đầu đi theo thứ tự như hôm trước, nối tiếp theo sau là họ nhà gái, mọi người không mang theo gì. Cô dâu mặc y phục truyền thống đẹp, đầu đội mũ trang trí lộng lẫy (ksô jđê), tay cầm cái rựa, chiếc khăn gói 18 – 20 miếng trầu cau đã bổ, têm sẵn đi ở giữa. Khi họ đến nhà trai, ông mai nhà trai vào nhà báo. Cha mẹ nhà chống cùng ra đón. Ông cha chống bưng cái đik thúp ra làm phép, bà mẹ chống thì mời ăn trầu cau và thăm hỏi con dâu. Họ nhà gái được mời vào nhà, hai bên ngồi đối diện nhau. Ông cha chồng làm lễ cúng rượu và hai bên cùng uống phép.

Đêm ấy ông cha chồng làm lễ bắt vía (xu phol) cho đôi vợ chồng mới. Tấm chiếu mới cô dâu đan được trải ra, hai bên ngồi đối diện nhau, có cô dâu chú rể ngồi giữa. Ông cha chồng thắp nến sáp ong, cúng gà sống rồi sau đó tiếp tục cúng chín. Khi cúng chín có con gà luộc, có chén cơm, bát nước, chàng rể bốc ít cơm chấm vào gan gà, cá suối, nước lạnh bỏ lên đầu cô dâu ba lần. Đến lượt mình, cô dâu cũng làm y như vậy. Ông cha chồng cúng vái, ông mai hướng dẫn vợ chồng mới cùng ăn trầu, cau. Sau đó mọi người cùng nói chuyện và ăn trầu cau đã được têm sẵn. Xong đâu đó, cô dâu đi chào mọi người trong nhà chồng. Đêm đó, họ nhà gái nghỉ lại đêm ở nhà trai. Người ta lại đánh chiêng, hát a-giới, ca-cheo vui chơi. Các cô phụ dâu cùng cô dâu được mẹ chồng dắt vào ngủ bên trong.

Ngày thứ ba: Hai họ quay lại nhà gái. Các lễ thức trước khi đi tương tự như trước. Nhà trai làm lễ tiễn hai họ. Lần này, ngoài ông mai, chàng rể, số người đi phụ rể ít hơn. Số người này cõng hoen (gùi) đựng gạo tẻ, gạo nếp, thịt heo, thịt gà, cá nướng, bánh…(đã được chuẩn bị sẵn) đến nhà gái làm sính lễ. Nhà gái nhận sính lễ bày ra mâm cúng. Đêm ấy nhà trai ở lại nhà gái và cuộc vui lại tiếp tục như trước.

Ngày thứ tư: Hai họ quay lại nhà trai. Họ nhà gái đi kế tiếp sau họ nhà trai, nhưng lần này cũng có số người đi ít hơn trước, mang theo các lễ vật cho nhà trai. Số người bên họ nhà gái có ông mai, các cô phụ dâu, cô dâu. Họ nhà gái lại ở nghỉ lại nhà trai.

Ngày thứ năm: Hai họ quay lại họ nhà gái. Lần này chỉ có ông mai và chú rể (có nơi có cô gái em chú rể đến dắt dâu về). Về đến nhà gái lần này, ông mai bên gái và các cô phụ dâu xem như đã xong nhiệm vụ. Chỉ còn ông mai nhà trai và chú rể ở lại nhà gái.

Ngày thứ sáu: Đưa dâu về hẳn nhà chồng. Sáng hôm sau ông mai dẫn cô dâu chú rể về hẳn nhà chồng. Đêm hôm đó ông cha chồng mời các già làng trong nóc đến cúng tận lễ, có công đoạn cúng sống và cúng chín.

Sáng hôm sau, bà mẹ chồng giúp cô con dâu bắc cơm lên bếp cữ, mời ông chủ nóc, ông cha chồng ăn cơm phép, uống nước chè phép. Từ đó cô dâu đã hoàn toàn thuộc về nhà chồng. Khi về thăm cha mẹ đẻ, cô dâu cũng không được phép bắc cơm lên bếp cử nhà mình nữa.

Lễ cưới là dịp để bà con hai làng tu tập giúp gia chủ và ăn uống vui chơi. Tuỳ theo nơi mà trong ngày cưới có cả hát dân ca, đấu chiêng, thi vật…giúp cho ngày hội thêm tưng bừng.

Sáng hôm sau nữa, đôi vợ chồng mới cùng nhau đi bắt cá phép dưới suối, nếu rảnh rỗi, ông mai cùng dân làng cùng tham gia. Cũng có khi người ta lên rẫy phát rẫy phép. Đó là giai đoạn kết thúc lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu chung sống với nhau.

Lễ cưới của người Co là một lễ tục đẹp và giàu bản sắc văn hoá, ở đó nó phô diễn vẻ quyết rũ và nét riêng của dân tộc: sự gắn bó cộng đồng, sự tôn vinh đức tính chăm chỉ, cái đẹp của tình yêu trai gái, sự rực rỡ của y phục dân tộc, nét riêng trong lối thức ẩm thực, sự phấn khích của diễn xướng âm nhạc, tất cả cùng hoà quyện trong niềm vui và lòng tin tưởng ở đời.

9.3. Khi ốm đau

Khi ốm đau, bị thương người Co thường chữa bệnh bằng bói cúng (chữa tâm bệnh, trấn an về mặt tinh thần), kết hợp chữa tâm bệnh là việc sử dụng những bài thuốc dược liệu lấy từ cây, con của núi rừng sở tại và dùng phương pháp dân gian lưu truyền. Khi tiếp xúc với chuyện cổ Co, đọc những chuyện về mật gấu, ta hiểu rằng người |Co từng biết về sự quý giá, tác dụng kỳ diệu của mật gấu đối với việc chữa lành vết thương của con người ra sao. Nhưng mật gấu mới chỉ là một trong số nhiều dược liệu hay.

Bài thuốc mà người Co thường sử dụng là các loại củ rừng (gọi là Ma-gang). Ma-gang có rất nhiều giống, thường là loại dây lá thân mềm mới cho củ, căn cứ vào màu sắc của củ mà người ta gọi là Ma-gang trắng, Ma-gang đỏ, Ma-gang tím, Ma-gang đen được coi là quý nhất. Có loại Ma-gang không có củ thực sự mà chỉ có rễ, thâm dạng cây. Xưa kia người Co không dùng Ma-gang dầm rượu như ngày nay. Người ta chỉ luộc chín củ hoặc để sống rồi giã uống. Cũng có loại Ma-gang có thể dùng lá bó khi bị thương, rất công hiệu.

Khi bị cảm mạo, người Co thường dùng hòn đá trắng lấy từ suối nướng đỏ trong bếp lửa, sau đó bỏ vào nồi nước sôi rồi trùm mền xông, cũng có khi dùng lá rừng hái về nấu xông như người Việt. Khi đau đầu, người ta gọt một ít vỏ quế ngâm vào nước rồi xoa lên đầu, có lẽ tác dụng như xức dầu. Mật ong ngoài việc ăn, cũng được quan niệm là có thể chữa ban, đau bụng. Người Co thường dùng củ cây sâm Cau uống như loại thuốc bổ khỏe mạnh, chữa được bệnh mồ hôi trộm; lấy nấm Linh Chi từ gốc cây đại thụ nấu nước uống trị đau đầu; lấy hạt quả Gấc rừng nướng, mài dùng để xoa chữa vết rắng cắn, chữa vết bầm; khi trẻ em bị ngứa thì hái lá Tmoi để chữa.

Địa hình vùng người Co có nhiều triền dốc cao, vực sâu, khi lên chòi giữ rẫy có những lúc sơ suất nên để bị rơi, ngã trật xương, người ta thường giã cua đá với con gà đen để bó, mật gấu để uống và xoa, Ma-gang để bó…

Nước uống hàng ngày của người Co là nước lá chè xanh hoặc chè khô với một ý thức vừa giải khát vừa chữa bệnh, phù hợp với quan niệm “y thực đồng nguyên” của phương Đông, trong chè còn sử dụng thêm vỏ cây a-zên trị đau lưng. Như vậy, người Co cũng có ý thức phòng chữa bệnh ngay trong việc ăn uống hàng ngày. Tóm lại, ở người Co có những bài thuốc dân gian riêng và dựa vào kinh nghiệm để chữa bệnh.

Những khi đau ốm, song song với việc uống thuốc, người Co vẫn cúng vái. Chữa bệnh ở đây bên cạnh bài thuốc thức tế là bài thuốc tín ngưỡng. Người Co xưa quan niệm quan niệm sở dĩ con người đau ốm là do “ma xấu” làm hại hoặc bị thần linh quở phạt. Dù sao thì đau ốm cũng là sự rủi ro, sự bất thường và đáng lo, nên người ta cũng vái thần linh phù hộ. Khi trong nhà có người ốm, người chủ gia đình thường khêu đèn sáp ong, un trầm trong cái đik thúp, đặt miếng cau còn vỏ, ít hạt gạo, rồi vái “ma giữ mình”, nguyện rằng nếu cho người ốm được sống, sẽ cúng lễ hậu tạ. Nói tóm lại, với người Co, tập tục khi đau ốm là dùng song song kết hợp chữa trị bằng liệu pháp thuốc thang và liệu pháp tâm linh, tâm lý. Điều đó cho thấy rằng giữa tri thức với tín ngưỡng dân tộc Co có sự hòa trộn nhau, không tách rời nhau.

9.4. Lễ tục mai táng

Tang ma là lúc con người ta ngẫm nghiệm về cái chết, một hiện tượng luôn làm cho người sống phải lo sợ, ở những mức độ khác nhau. Đối vơi dân tộc Co cũng vậy. Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, quan niệm ở đâu cũng có thần, ma ngự trị, chi phối, nên người Co tổ chức tang lễ khá cẩn trọng, nhiều nghi thức.

Cũng như một số dân tộc khác, người Co quan niệm người ta chết thì hồn biến thành ma và có hai loại chết khác nhau là “chết tốt” và “chết xấu”. Với người Co, chết bình thường do già yếu, ốm đau lâu ngày là “chết tốt”. Chết bất đắc kỳ tử như chết do sét đánh, hổ vồ, chết đuối,…là “chết xấu”. “Chết tốt” sẽ biến thành ma lành, “chết xấu” sẽ biến thành “ma xấu” chuyên quấy phá xóm làng. Do vậy mà lễ mai táng cho người “chết tốt” và người “chết xấu” rất khác nhau.

Người “chết xấu” ngoài đường sẽ không được đưa thi thể về nhà. Khi có người “chết xấu” ở đâu đó được phát hiện, người ta chôn luôn thi hài người chết ở gần nơi đó. Khi chôn người “chết xấu” không có quan tài. Người ta chỉ lột vỏ cây, quấn thi thể lại rồi chôn. Khi đó người nhà về nhà lấy các loại đồ dùng của người xấu số như quần áo, chiếu chăn, dụng cụ khi người ấy còn sống dùng đem ra theo, bỏ chôn luôn các đồ đạc ấy. Bảy ngày sau người ta làm lễ cắt cơm, người ta đem heo, gà ra cúng ở gần mộ, rồi thôi, không ai được đụng chạm đến mồ mả nữa (tục bỏ mả).

Người ta không dám đưa thi thể người “chết xấu” về nhà vì sợ “ma xấu” sẽ theo về quấy phá. Xưa kia, ở người Co có trường hợp vì trong nóc có người “chết xấu” mà cả nóc phải giết thịt hết các con vật nuôi để cúng cầu an rồi chuyển làng đến nơi khác. Nếu không phải chuyển làng, người ta cũng phải tổ chức lễ “đuổi ma xấu” ra khỏi làng. Vào ngày mở cửa mả cho người chết (lễ cắt cơm 7 ngày sau), người ta đem lễ vật tới cách mộ khoảng vài ba mươi mét (không dám đến tận nơi) để cúng, cúng xong người ta quay về làng làm lễ đuổi ma. Một ông thầy cúng được mời làm chủ lễ. Người ta ra đầu làng dựng cổng với hai cây trụ hai bên và một cây bắc ngang qua đầu hai cây trụ. Toàn bộ người làng (nóc) rời nhà ra hết ở gần cổng. Ông thầy cúng mặc áo dài lễ, đầu chít khăn đỏ, tay cầm nắm lá u-i (một loại lá rừng hơi ngứa, sống rất khoẻ) đập dập gói trong miếng mo cau, vào từng nhà thét, hú cật lực đuổi ma ra khỏi nhà, hết nhà này đến nhà khác, hết tất cả các nhà trong làng rồi ra cổng làng. Lúc này mọi người trong làng đều ngồi trùm kín bằng mền, chiếu vì sợ “ma xấu” bị đuổi ra đây nhập vào mình. Ông thầy cúng tiếp tục huơ lá và thét, hú đuổi ma ra khỏi cổng làng. Đuổi ma xong, người ta liền treo lá tà-huýt,  tà-ác,  u-i trên cổng làng để ma xấu sợ không dám quay lại quấy phá, gây chết người nữa.

Đối với người chết bình thường, nghi thức tang ma diễn diễn ra nghiêm cẩn, nhưng cũng khá tinh giản, hợp lý. Thông thường khi người già, người Co thường chuẩn bị trước quan tài, để khi chết con cháu đỡ quá đột ngột, bị động. Xưa kia, quan tài của người Co tương tự như người Hrê láng giềng. Đó là một bi gỗ Huỳnh đàn nguyên khối, ở giữa to, hai đầu được đẽo gọt nhẹ, tựa như chiếc thuyền độc mộc, lòng khoét rổng hình chữ nhật. Để tạo một chiếc quan tài, người Co chỉ dùng công cụ đơn giản như rìu, rựa và phải mất vài ba ngày mới làm xong một chiếc quan tài. Cũng có khi người ta làm bằng gỗ Xoan đào (ôl zil), gỗ Sơn mộc (ôl líp), gỗ Dổi vàng (ôl zôi) để làm quan tài. Một bi gỗ khác được lấy trong cùng một cây sẽ dùng để đẽo nắp quan tài. Nắp quan tài được đẽo khắc cầu kỳ, có hình dạng như mái nhà. Ngày nay, kiểu áo quan này hầu như không còn. Người Co có thể mua quan tài của người Kinh để mai táng, nhưng do tốn kém, lại phải cất công đi mua, khiêng về khá xa, nên trường hợp này chỉ xuất hiện ở những gia đình khá giả và ở các làng Co gần với làng người Kinh. Cũng có trường hợp người Co dùng các miếng gỗ ván cắt ghép lại thành quan tài khối chữ nhật, tương tự như quan tài của người Kinh bình dân. Khi có người chết, ở hai đầu và xung quanh chiếc quan tài người ta cắm những miếng vải trắng và đỏ.

Trong lễ mai táng, người ta không phân biệt người chết là nam hay nữ để có những nghi lễ khác nhau. Bởi đối với người Co nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung, quan hệ bình đẳng vẫn là chủ đạo, chưa có tệ trọng nam khinh nữ như một số dân tộc đã văn minh hơn.

Khi có người chết, thì người nhà thét, hú, la khóc cho cả làng nóc nghe biết. Cả nóc sẽ nghỉ đi rẫy, tập trung giúp gia chủ lo việc tang ma. Người làng tuỳ theo gia cảnh của mình mà có thể mang tới góp cho tang gia vài lon gạo, chai rượu, trầu cau để cúng. Người ta trải chiếu mới, tắm rửa sạch sẽ và mặc áo mới cho thi thể người chết. Thi thể thường được đặt ngay dưới chân bàn thờ, đầu quay về phía mặt trời lặn, chân quay về phía mặt trời mọc. Thi thể được bọc kỹ kín trong bọc vải xô trắng. Phía trên đầu có để chiếc khăn đóng, một sợi chỉ trắng nhỏ chạy dọc theo thi thể, ở giữa có một tép trầu têm và cuối cùng đặt một chiếc rựa quéo. Người nhà hầu như chỉ tập trung xung quanh thi thể để làm các nghi thức cúng, hát cà-rua, hoặc lo nấu nướng dưới bếp. Người ta lần lượt vái người chết ăn trầu cau, ăn cơm. Trầu cau được xé ra từng miếng, để cúng cho người chết, cho vong hồn của ông bà, cho các ma khác trong làng. Người nhà chít khăn trắng để tang, ngồi ở hai bên thi hài, một phụ nữ tay cầm cái “quạt” (que dài với mảnh vải hình chữ nhật như lá cờ) liên tục phất nhè nhẹ theo chiều nằm của người chết. Người ngồi quanh cùng hát khe khẽ điệu cà-rua (hát khóc) kể đức tính, công ơn của người chết và cầu mong được người chết phù hộ cho gia đình được yên vui. Điệu cà-rua thường ngắt ba bốn từ kèm theo lời “ê, à…” buồn thảm. Số người khác thì lo đào huyệt gọi là clo xnưng. Nơi đó thường là đất thịt, thế đất hơi cao, không trũng nước, không sạt lở, không nằm trên đường đi. Khu clo xnưmg của một làng được chọn cố định từ xưa và hầu như không ai dám xâm phạm. Khi đi đào huyệt, người ta phải mang theo chiếc xrác (vòng kiềng) giả chiêng để làm lễ “mua đất”. Tới nơi, người ta phát dọn cây cối, vái hồn người chết, vái mời ông bà về chứng giám, sau đó người ta mới tiến hành đào huyệt. Huyệt mộ phải xác định đầu hướng về mặt trời mọc, chân hướng về mặt trời lặn. Thưở xưa chưa dùng quốc xẻng, người ta dùng cái rựa cán dài, phần lưỡi cắt ngắn đào đất tựa như đào bằng cái thuổng, do vậy mà việc đào huyệt mất khá nhiều thời gian và công sức. Có khoảng 8 khúc cây dài, to bằng cổ tay, suôn thẳng, róc lột vỏ sạch sẽ, được chặt sẵn, phục vụ cho việc hạ quan tài xuống huyệt mộ.

Trong khi đó ở sân làng, người làng lo giúp đóng quan tài (nếu nhà chưa có quan tài sẵn), chuẩn bị sẵn hai đoạn cây lồ ô to làm đòn khiêng, một nắm lạt mây để phục vụ cho việc tang. Ở nhà tang chủ, người ta tiếp tục cúng gà, heo cho người chết. Nghi thức cúng có hai vòng cúng sống và cúng chín như các lễ cúng khác của người Co (Cúng gà sống, thầy cúng ôm gà vái, rồi giao cho người nhà cắt tiết tại chổ, đưa xuống bếp nấu và đem lên cúng chín; cúng heo thì đưa con heo ra sân đứng vái, đâm phép, giao cho người nhà thọc cổ heo, xong đưa ra sau làm thịt nấu rồi cúng chín). Bên cạnh người chết, ở gần đầu, có đặt cái đik thúp có cấy đèn sáp thắp sáng, một đĩa thịt rất nhỏ (heo hoặc gà) với chân, mỏ, tim, gan, bên cạnh đó có một lá thuốc, một ly đựng rượu, một ly nước lạnh, một ly nước chè. Chổ gần giữa thân người chết, người ta để các lá trầu xé dọc theo sóng lá và có quệt vôi lên đó. Người ta cúng cho người chết ăn ba lần. Tiếp đó là lễ cúng trầu, mỗi người nhà và người làng cầm một miếng lá trầu đã được quệt vôi, một miếng cau để vái, vái xong để lại bên cạnh người chết.

Trong thời gian còn quàng tại nhà thì thi thể chưa đưa vào quan tài. Quan tài vẫn còn được để dưới gầm sàn mà chưa được đưa lên. Cho đến lúc chuẩn bị đưa đi chôn, người ta mới đưa quan tài lên đặt ở ngoài cửa ra vào. Người nhà lục lấy các đồ đạc, để riêng mang theo cho người chết tất cả những đồ dùng của người chết khi còn sống dùng, như chén, đũa, lưỡi câu, các bật lửa, mền mùng, quần áo…hầu như không thiếu một thứ gì. Đồ đạc nào mà chỉ người ấy khi sống dùng thì nhất thiết phải mang theo, đồ dùng chung trong nhà nếu có nhiều cái thì chia cho người chết một cái, nếu cái nào khi sống mà người ấy tỏ ra thích thì phải chia (sợ ma người chết về đòi). Chủ lễ làm phép, dùng chén nước chấm ba chấm dọc theo thi thể, ra bên ngoài quét đuổi ma dọc quan tài xong quay vào nhà. Ngay lập tức, những người đàn ông ở hai bên liền xúm lại quấn thi hài lại trong chiếc chiếu đã lót sẵn bên dưới, gập lại ở đầu và đuôi, dùng dây mây buộc chặt ở ba đoạn: giữa và ở hai đầu. Kế đó chủ lễ đứng dạng hai chân, cúi xuống, dùng hai tay nâng thi thể lên xuống ba lần. Nếu người chết có nhiều con trai thì các người con này lần lượt làm y như vậy. Kế đó, người ta đưa chiếc nắp quan tài vào đặt song song với thi hài, đưa thi hài lên, lại đặt khúc cây lô ô làm đòn khiêng lên trên nữa, rồi buộc chặt lại bằng ba đoạn dây mây. Bên ngoài cửa, người làng cũng đặt đoạn đòn khiêng lên trên hộc quan tài, buộc chặt bằng dây mây, có nghĩa là mọi việc đã sẵn sàng để đưa đi.

Dòng người đưa tang dẫn đầu là chủ lễ bưng cái đik thúp, ngày sau đó là hai người khiêng thi hài buộc trên nắp quan tài, bên trên có thắp nến sáp ong, rồi hai người khiêng hộc quan tài, những người mang theo các thứ đồ đạc chia cho người chết và dân làng. Đường đi chỉ là một lối nhỏ, quanh co khuất khúc, lại dốc đứng, nên người ta chỉ đi hàng một. Người ta không liệm thi thể vào quan tài mới khiêng đi, có lẽ cũng chính vì lẽ đó. Nếu liệm thì quan tài từ nhà sẽ quá nặng, không thể khiêng nỗi trong điều kiện chỉ có thể có hai người cho một đòn khiêng, trên địa hình dốc đứng. Những người đưa tang cung không thể quên mỗi người mang theo trên cổ xâu cườm lục lạc để rung giữ hồn mình, nếu không, người ta tin rằng linh hồn mình sẽ bị bắt giữ theo người chết.

Khi đã tới được huyệt mộ, thi hài bọc trong chiếu được cởi dây mây ra khỏi đòn khiêng và nắp quan tài, đặt trên đòn khiêng, được đặt ngay ngắn vào trong quan tài và đậy nắp lại. Người ta cúng vái thần Đất để xin phép. Quan tài được hạ xuống huyệt sau khi người ta đã dùng lá huơ đuổi ma xấu ở huyệt mộ. Bấy giờ, người ta dùng những cái cây đã lột vỏ sẵn, đứng trên mặt đất nạy chỉnh ngay ngắn quan tài, tựa như người Kinh. Rồi người ta xuống đất vào huyệt mộ, những người đưa tiễn cũng nắm một nắm đất thả xuống huyệt để tỏ lòng tiếc thương và vĩnh biệt. Tám khúc cây rừng được dựng tại mộ, gồm 3 cây ở đầu, 3 cây ở chân và 2 cây ở hai bên, theo nguyên tắc đối xứng. Những cây này chính là “cột” cho cái “nhà sàn” tức là nhà mồ cho người chết ngay sau đó. Khi huyệt mộ đã lấp đầy, nấm mộ chỉ cao hơn mặt đất khoảng hai tấc, người ta sẽ san sửa nấm mồ cho bằng phẳng, vuông vức, đó chính là “nền” của nhà mồ. Những khúc cây ngắn được người làng dùng để nện đất như dùng chày giả gạo, nền đất tương đối chặt rồi lại dùng chính những cây đó ngồi xổm đập cho bằng mặt, xong dùng xẻng để san mặt cho phẳng. Trong khi đó, số người khác thì chẻ hai khúc lồ ô (là hai đoạn đã làm đòn khiêng) thành những miếng nẹp, róc sạch mắt để làm khung nhà sàn; người tận dụng mấy khúc cây chặt ra, đẽo thành những chiếc cầu thang nhỏ xíu. Người làng lại cùng nhau tạo khung cho “nhà sàn”: thanh bó chủ nhật xung quanh như vách nhà, cây làm đòn dông, thanh kèo làm nóc, thanh đòn tay…và dùng chính những chiếc lạt mây đã làm gióng khiêng quan tài và thi thể để buộc. Xong phần khung, người ta dùng vải che hai mái nhà sàn, che xung quanh (vách nhà). Chiếc nhà sàn coi như tạm xong, chừng như không thiếu một thứ gì. Kể cả hai chiếc cầu thang nhỏ được dựng, một dựng xuôi, một dựng ngược đầu, để hồn người chết đi được mà không thể quay ngược về lãng quáy phá cuộc sống. Người ta chặt ít cây rừng làm “chòi lúa” cho người chết ở cách mộ khoảng 5 mét. Số cây, dây rừng dùng khá hợp lý đến mức số đầu thừa đuôi thẹo còn lại không dùng làm gì rất ít. Điều đó chứng tỏ lễ tang của người Co đã có độ tinh giản, đạt đến mức rất hợp lý. Số đồ tuỳ táng, nào là quần áo, chén bát, siêu bình, giáo, mâm, rựa quéo, chiêng, chiếc “quạt” vải…một số xếp trên mặt đất “nhà sàn”, số khác được để trên chòi lúa. Xong đâu đó, chủ lễ và người làng xếp lễ vật bên nấm mồ để cúng. Cây đèn sáp ong nhỏ và dài như chiếc đũa con, chân không phải gắn xuống đất mà mà quấn vào một đai cây “nhà sàn , rồi được thắp lên. Tại đây có hai lễ cúng trầu và cúng rượu. Trầu được xé lá, chấm vôi như kiểu cúng ở nhà. Vái cúng trầu xong, người ta tiếp tục vái cúng rượu, cúng xong mỗi người uống một ly rượu phép. Chủ lễ lại đến cúng vái ở chiếc “chòi lúa” một lát rồi quay lại. Mọi người cùng đứng dậy cúng tiễn biệt, rung cườm đeo cổ gọi hồn mình rồi quay về làng. Khi đoàn người về gần tới làng, thì từ bao giờ bên vệ đường người nhà đã un sẵn mấy cây củi cháy. Mỗi người ngắt cầm tay hai loại lá rừng để xua đuổi ma bám theo. Đến chổ đống lửa, mỗi người lần lượt phất lá quanh mình vài lần, rồi bỏ lá vào đống lửa, giơ chân hơ lên đống lửa, rồi tiếp tục ra về. Người đưa tang cữ không trực tiếp đi về nhà mình mà đi về nhà tang chủ làm phép: bốc vài hạt gạo để sẳn trong cái chén giữa nhà bỏ vào miệng cắn, xuống bếp giơ bàn chân lên hơ rồi mới được quay về nhà mình. Cuối cùng nhà tang chủ tổ chức ăn phép, mời cả làng. Bấy nhiêu công việc nhưng thực ra từ lúc đưa tang đến xong lễ cũng chỉ diễn ra ra trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Thường người ta làm các lễ thức chôn cất chỉ trong vòng một ngày, không để lâu thi hài người chết trong nhà, nếu làm không kịp trong ngày thì để sáng hôm sau, rất có ít trường hợp để thi hài đến ngày thứ ba.

Người ta làm lễ “cắt cơm” sau ba ngày đối với người chết chưa có vợ (chồng), bảy ngày đối với người đã có gia thất. Nhưng đêm hôm trước lễ cắt cơm, người ta còn phải làm nghi thức vái người chết về lấy lửa: khi đêm đã xuống, trời tối, người ta đem củi ra đốt ở ngoài đầu ngõ, vái người chết về lấy lửa đem sang thế giới bên kia để dùng. Dù như thế nào thì thì tục vái người chết về lấy lửa cũng là dấu ấn về sự phát hiện ra lửa của người nguyên thuỷ còn lưu lại. Trong lễ “cắt cơm”, người ta dùng heo làm lễ vật cúng. Người nhà đi ra thăm mộ, thấy có dấu chân trâu, bò hay heo, thì người nhà phỏng đoán rằng người chết muốn ăn trâu, bò hay heo để cúng vào dịp giáp năm sau ngày chết. Nếu không có trâu, bò hay heo, thì cũng phải chạy vạy cho có, nếu không người ta tin rằng sẽ có người khác chết tiếp. Nếu gia đình không có cả làng nóc sẽ giúp. Người ta cho rằng, người chết trẻ thì chỉ mới ăn được một nửa, chưa hết phần “Cơi pnon” (thần bổn mệnh) của mình thì thường đòi ăn trâu. Người trong làng cữ đi rẫy trong những ngày chưa cắt cơm (kể cả ngày đưa tang). Trong vòng bảy ngày kể từ ngày mai táng, người nhà kiêng cữ không đi rẫy. Đối với người chết là người chủ gia đình, đã có con cái đề huề và đã từng làm nhiều lễ cúng, người ta còn làm nghi lễ “trả thù ma” vì lẽ “ma bắt người phải chết”. Người nhà ra mộ cúng ở mộ xong liền phải bước ra ngoài, không ai được nói chuyện, chỉ để hai người “trả thù ma” tiến hành lễ thức bên trong. Hai người này được chọn từ những người trong làng, có oai phong và có khả năng thét, hú to cho ma sợ. Đầu tiên người ta khấn người chết rằng mình chẳng có tội tình gì mà ma lại bắt mình phải chết, chúng tôi trả thù ma đây! Vái xong người ta cắm ở đầu mộ một cây Nứa hoặc cây Ré còn ngọn, coi đó là “cha ma”, phía đuôi mộ người ta cắm một cây cụt ngọn, coi đó là “mẹ ma”. Hai người đều cầm khiên, một người tay cầm kiếm, một người tay cầm giáo, chạy quanh mộ ba lần, vừa chạy vừa thét, hú thật to. Đến vòng thứ ba, tới cây cụt ngọn (mẹ ma) người cầm giáo đâm vào cây, kế tiếp người cầm kiếm chặt luôn cây cho ngã. “Mẹ ma” được coi là người lo cơm nước cho chồng, tức “cha ma” đi bắt người phải chết, tội trạng lớn hơn, nên phải “lấy đầu” trước (kiểu như ngày xưa người ta kết tội bà vợ trong các vụ tham nhũng của chồng). Kế đó, người cầm giáo tiếp tục đến với cây có ngọn (cha ma) đâm vào đó và người cầm kiếm chặt ngã luôn. Người ta chặt sao cho cả hai cây khi ngã đều phải hướng ra bên ngoài mộ, bởi tin rằng nếu để cây ngã vào trong mộ sẽ có người chết tiếp. Lễ “trả thù ma” là một lễ thức khá kỳ lạ, dựa vào cách thức của nó, có thể phỏng đoán rằng nó xuất phát từ thời rất cổ sơ khi con người mới nhận thức về cái chết, đồng thời có nét trừ tà, giúp người ta yên tâm trong cuộc sống. Nó thể hiện tính nhân văn, quý sự sống của người Co thời cổ.

Đến giáp một năm, người ta sẽ cúng heo đãi cả làng (nóc). Những người phục vụ chôn cất sẽ được đãi vào ban đêm.

Từ ngày có người chết đến giáp ba năm, gia đình tang chủ phải kiêng nhiều điều, không được khua chiêng trống, trong làng có lễ hội gì thì người có tang không được đụng đến chiêng trống để đánh, không làm mai, không đi họ trong lễ cưới...

Giáp ba năm thì tang chủ đánh chiêng trông mừng, mổ trâu hoặc bò, heo, gà để đãi cả nóc (làng), coi như gia đình đã mãn tang.

Có lẽ những nghi thức để tang ba năm như trên có thể là ảnh hưởng của nghi thức tang lễ người Kinh. Bởi có những nơi sau khi chôn cất xong người thân, người Co không tiến hành bất kỳ một nghi thức nào nữa.

Người Co không có tục cải táng (dời mồ mã) và không có nghi thức cúng giổ hàng năm như người Kinh. Người ta tin ông bà hay người thân đã chết đều có linh hồn, nhưng người ta sẽ cúng một cách không định trước, trong các dịp lễ hội.

Lời kết: Để hiểu về một dân tộc thì phải hiểu về bản sắc văn hoá của họ, bản sắc của một dân tộc là ngôn ngữ, là những tập tục khi sinh ra, lớn lên dựng vợ gã chồng và chết đi…bài viết này chỉ đề cập đến một số nét văn hoá của người Co với góc độ giới hạn ở những: Quan hệ xã hội của người Co, tín ngưỡng và văn hoá tri thức, tập tục trong sản xuất, ốm đau, cưới xin, sinh nở, ma chay. Tuy vậy, bấy nhiêu thôi cũng đủ thể hiện được một bản sắc riêng, đủ để phân biệt được giữa dân tộc Co với các dân tộc khác. Tuy nhiên người Co còn rất nhiều những nét văn hoá đặc sắc khác trong đời sống và sinh hoạt như: Tục cúng xuống giống, Tục cúng khi bị chim, sâu, chuột ăn phá, Tục cúng cầu mưa; các Lễ ăn cơm mới, Lễ giã rạ, Lễ mừng nhà mới, Lễ hội ăn trâu, Lễ hội Điện Trường bà; một số câu chuyện cổ của người Co; các điệu nhạc, điệu múa và các trò biểu diễn; nghệ thuật tạo hình và điêu khắc trên các vật dụng và vật cúng tế v.v... Là một người Co được sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Trà Bồng, Tây Trà, tôi luôn thấu hiểu được người Co ngày nay đang cần gì, họ quý trọng những gì, một dân tộc không bao giờ lùi bước trước những khó khăn gian khổ, một dân tộc luôn có xu hướng tiến bộ và hoà nhập cộng đồng, có những lúc khép mình bên bờ suối, có những lúc tung cánh đại bàng…để hiểu hơn về người Co xin mời các bạn hãy một lần ghé thăm mãnh đất Trà Bồng, Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi để được tận mắt hiểu biết thêm về một dân tộc./.

                                                                                                                                             Người sưu tầm (Đinh Mạnh Bình)
 
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NGƯỜI CO:

 

Sơn nữ Co 

 

 Lễ cúng cây nêu (trước khi đâm trâu)

 

  Gia đình người Co 

 

Điệu múa Ca - đháo trong Lễ hội đâm trâu

Điệu Ca-đháo bên bế  

Màn đấu chiêng của 02 thanh niên Co

Chiếc gùi dẹt (kxui - pot)

Trang trí cây nêu lễ hội

 

 

 

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 936

Tổng số lượt xem: 4518084