1. Địa vực cư trú.
Dân tộc Hrê có quá trình sinh tụ lâu đời ở vùng Trung Trung bộ của Việt Nam, thuộc dãy Trường Sơn miền tây tỉnh Quảng Ngãi. Địa vực cư trú của dân tộc Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu ở ba huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Ngoài ra, còn rải rác ở một số huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi. Cư dân người Hrê ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn cư trú ở huyện An Lão tỉnh Bình Định, ở huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum và ở các tỉnh Tây Nguyên.
2. Dân số.
Theo thống kê đến ngày 31/12/2015, tổng dân số dân tộc Hrê của tỉnh Quảng Ngãi là: 132.745 người, trong đó:
- Huyện Ba Tơ : 48.852 người
- Huyện Sơn Hà: 65.823 người
- Huyện Minh Long: 13.478 người
- Các huyện khác và thành phố Quảng Ngãi: 4.592 người.
3. Tên gọi.
Tên gọi của người Hrê trước đây thường gắn với tên sông, tên núi, chưa có một tên gọi thống nhất chung cho cả dân tộc. Ví dụ: Người Hrê ở sông Krêq của huyện Sơn Hà, gọi là wì Krêq (người Krêq). Người Hrê ở sông Hrê huyện Ba Tơ, gọi là Hrê. Người Hrê ở vùng sông Đinh huyện An Lão, gọi là Hrê wì Đinh... Ngoài ra, cư dân người Hrê trước đây còn có tên gọi: Chàm Quảng Ngãi, Chăm Hrê, Chom, Rê, Man Thạch Bích,...Qua quá trình cố kết phát triển, ý thức dân tộc xuất hiện và được củng cố, tộc danh thống nhất được gọi là Hrê.
4. Ngôn ngữ.
Tiếng của cư dân Hrê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Trước năm 1975 có vài người trí thức Hrê nghiên cứu soạn thảo chữ Hrê bằng cách dùng hệ thống ký tự La Tinh để phiên âm, sau đó mai một đi. Đến nay bộ chữ Hrê đã được viện ngôn ngữ học (Viện khoa học xã hội Việt Nam) kết hợp với sở khoa học và công nghệ (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định) nghiên cứu soạn thảo và hoàn chỉnh. Chủ nhiệm đề tài là GS. TS Nguyễn Văn Lợi viện ngôn ngữ học. Người trực tiếp biên soạn là TS. Tạ Văn Thông (Viện ngôn ngữ học) và ông Đinh Văn Thành dân tộc Hrê (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định). Chữ Hrê được nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh sửa có sự kết hợp với tài liệu dạy tiếng Hrê của tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Có thể về ngữ âm có chỗ khác nhau, nhưng do người Hrê đã có tiếng nói chung từ lâu đời, nên vẫn hiểu nhau được.
5. Lịch.
Cách tính lịch của người Hrê tương tự âm lịch của người Việt và người Hrê cũng phân biệt ngày tốt, ngày xấu, xem giò, đo tay để chọn ngày tốt đi đây đi đó, làm việc này việc nọ.
6. Lễ hội Hrê
* Lễ hội lớn nhất của người Hrê là ăn tết và cúng đâm trâu.
Cúng đâm trâu là lễ cúng chủ yếu của một gia đình, nhưng cả dòng họ, làng xóm cùng tham gia tới dự và giúp đỡ gia đình. Lễ được thực hiện sau khi đã cúng đủ các loại cúng có liên quan tới tục đâm trâu cúng thần. Người Hrê ăn trâu không múa xung quanh cây nêu, mọi người chỉ đứng xung quanh cây nêu tham dự cúng và xem đâm trâu. Ngày đâm trâu không phải chỉ có người trong làng, mà còn có người các làng xa gần đến dự. Họ trang phục trang sức đẹp hơn ngày thường, nhất là chị em phụ nữ. Sau lễ cúng là uống rượu, đánh chiêng, hát ka lêu, ka chơi, không khí vui tươi nhộn nhịp, dòng người đông đúc hồ hỡi khác thường.
Tết Cổ truyền của người Hrê, được tổ chức sau tháng 10 Âm Lịch, sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa mới. Tết được thực hiện sau khi tổ chức xong các lễ cúng tổ tiên, cúng chuồng,...cầu mong ông bà, tổ tiên phù trợ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn no đủ khấm khá.
7. Kinh tế truyền thống.
Địa vực cư trú đa phần núi cao, trung bình từ 500m đến 1.000m so với mực nước biển, người Hrê sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Bộ phận sống định canh định cư ở vùng thấp, làm lúa nước từ lâu đời, cày bừa bằng đôi trâu kéo, làm nương nơi gò đồi, làm nà ven sông suối, Một bộ phận lớn sống du canh du cư ở vùng cao, làm ruộng bậc thang, phát rẫy tra bắp, tỉa lúa, trồng khoai mì, đỗ đậu. Ngoài ra, chăn nuôi, khai thác lâm sản, hái lượm, săn bắn, bắt cá, đan lát mây tre, có nơi làm thêm nghề dệt, nghề rèn.
Về chăn nuôi, chủ yếu nuôi heo, gà, dê, trâu, chó, vừa làm vật giao lưu trao đổi, cải thiện đời sống, vừa làm vật hiến sinh cúng tế thần ma. Săn bắn thú rừng vừa để có thịt ăn, vừa để bảo vệ mùa màng, vừa để giải trí, tập dượt tay nỏ và lòng dũng cảm, thông minh tài trí cho người đàn ông.
Điểm chung nhất của nông nghiệp người Hrê là tự cung tự cấp. Luân canh và độc canh chủ yếu là cây lúa cạn và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên đất trời. Vì thế, cuộc sống người Hrê trước đây không ổn định, kinh tế nghèo nàn, cuộc sống vất vả khó khăn, thiếu thốn mọi bề.
8. Đời sống vật chất.
- Vật chất là sản phấm quý giá, được sáng tạo trong quá trình hình thành phát triển của loài người, nó phản ánh trình độ phát triển kinh tế văn hóa, điều kiện môi trường tự nhiên để sinh sống và hình thành quan điểm tâm lý dân tộc. Việc tự tạo dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt là phương tiện quan trọng nhất để giúp con người tăng khả năng hòa nhập với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên phục vụ nhu cầu cuộc sống.
- Phương tiện giao thông của người Hrê trước đây là đi bộ và vận chuyển hàng hóa bằng gùi sau lưng, có vùng đan thêm đôi sọt (nừng) để gánh.
- Nhà ở là sản phẩm văn hóa, nét đặc trưng của người Hrê là nhà sàn cổ truyền. Nhà có cấu trúc đơn giản, có hai hàng cột song song, nhà chia làm ba phần, sàn giữa, hai sàn đầu hồi. Hai đầu nóc nhà có sừng trâu làm bằng tranh hoặc làm bằng cây, biểu tượng của thuyết “Vạn vật hữu linh”. Trâu là vật hiến sinh có giá trị nhất đối với thần linh, cũng là con vật gần gũi nhất, có công lao to lớn nhất đối với sự sống còn của con người.
- Thức ăn: Người Hrê ăn cơm gạo tẻ, ngày tết có thân nếp gói bánh. Những ngày tháng đói kém ăn thêm bắp, khoai, mì và các loại rau củ hoa màu. Nếp rẫy thường hay nướng trong ống nứa, ống lồ ô ăn với thịt nướng phơi khô, với muối giã ớt, sả, tiêu rừng hoặc muối giã với lá é thơm.
- Thức uống: Người Hrê ở vùng thấp thường uống nước mạch, ở vùng cao thường uống nước suối, dùng máng lồ ô bắt nước từ đầu nguồn về làng.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người Hrê thường uống nước chè xanh, uống rượu cần. Chè được giã trong cối gạo, nấu chín, nước xanh đậm, uống rất ngon, giúp tinh thần minh mẫn sảng khoái. Rượu cần được nấu bằng gạo tẻ, gạo nếp, hạt bắp, hạt kê, hạt bo bo, củ mì, rồi ủ trong ché, một tuần sau uống được.
Văn hóa rượu cần là một trong những nét đặc trưng riêng của nền văn hóa nương rẫy. Rượu không thể thiếu được trong ngày cúng tế thần linh, cưới hỏi, ma chay, giải quyết công việc. Ngoài rượu cần, người Hrê còn dùng nước cây đoác núi (ha noác) làm rượu uống. Nước vừa ngọt vừa chua, có vị cay nồng, uống nhiều say như say rượu. Ngoài ăn uống, người Hrê còn ăn trầu cau, ăn thuốc, hút thuốc. Với người Hrê, mời trà thuốc, rượu chè khi khách đến nhà là nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời, nó biểu thị phép lịch sự, lòng quý khách, không thể thiếu trong giao tiếp cộng đồng.
- Trang phục: Phụ nữ Hrê mặc váy, ở trần, sau này đeo yếm, bây giờ mặc áo như người Việt. Đàn ông Hrê đeo khố, mình trần, sau này khoác tấm ra muông thổ cẩm, bây giờ mặc quần bận áo như người Việt.
- Trang sức: Đàn ông Hrê lúc thanh thiếu niên đeo vòng chân, vòng tay, kiềng cổ, tóc để dài. Lúc về già không trang sức gì, chỉ búi tóc sau ót, đầu chít khăn. Phụ nữ Hrê thì rất nổi bật với màu sắc sặc sỡ của những chuỗi cườm ngắn dài và những kiềng bạc, kiềng đồng đeo trên cổ, trên tay. Những tấm váy thổ cẩm, yếm đỏ yếm xanh, khăn đội đầu đủ màu sặc sỡ. Người Hrê, đàn ông không xỏ tai, nhưng lại cưa răng. Nam nữ khi đến tuổi 14 – 15 đều phải cưa bỏ chiếc răng giữa của hàm trên. Mới đầu chỉ là cà ngắn, về sau cưa sát lợi vì quan niệm “đẹp” dũng cảm và không còn sợ răng “ăn hồn” người thân.
9. Đời sống tinh thần.
9.1. Tín ngưỡng.
Người Hrê xưa quan niệm thế giới động vật và thực vật đều có phần hồn và phần xác. Khi con người chết, mọi hoạt động của phần xác biến mất, còn phần hồn tiếp tục sống và sinh hoạt ở thế giới Mang Lung, thế giới của thần linh ma quỷ ta không nhìn thấy, mọi vạn vật đều có linh hồn trú ngụ ở khắp mọi nơi. Thần ma có hiền có ác. Thần hiền nếu không chú ý cúng bái, không tôn trọng vẫn quấy nhiễu con người. Thần ác phải cúng bái linh đình mới giảm được mức hung ác dữ tợn làm hại con người. Con người bé nhỏ yếu đuối sống lẫn lộn với thế giới thần ma, muốn làm gì đều phải cúng kiếng, cầu xin thần ma phù trợ giúp đỡ. Nhẹ cúng gà, lớn cúng heo, trầm trọng hơn phải cúng trâu kèm theo heo gà. Suốt một vòng đời, từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, già yếu ốm đau rồi chết, người Hrê không đếm được số lượng con vật đã cúng tế hiến sinh cho thần linh.
9.2. Quan hệ xã hội:
Từ xa xưa, người Hrê đã tổ chức cuộc sống cộng đồng theo Plài làng, tập hợp theo quan hệ dòng máu và địa vực, sống trong tinh thần hòa mục đoàn kết nhân ái, mỗi Plài có một già làng có uy tín, quyền lực, điều hành mọi công việc. Gia đình người Hrê thuộc gia đình phụ hệ, đại gia đình phụ hệ (thuộc 3, 4 thế hệ), đông từ 20 đến 30 người. Mọi người cùng sống chung trong một mái nhà sàn, cùng làm cùng hưởng, bình đẳng về vật chất lẫn tinh thần. Vai trò già làng và người phụ nữ trong gia đình được đề cao trong cuộc sống gia đình và cộng đồng. Sự phân công lao động được quy định rõ ràng, người đàn ông làm những công việc nặng nề to lớn như phát rẫy, cày bừa, làm nhà cửa, lo cúng tế, dạy con trai biết làm rẫy, làm ruộng, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát, … Người phụ nữ làm công việc nội trợ, chăn nuôi heo gà, chăm lo con cái, dệt vải, thu hoạch lúa, dạy con gái biết làm những công việc của người vợ, người mẹ trong gia đình.
Từ thế kỷ 19 trở lại, sự phân hóa giai cấp bắt đầu hình thành phát triển. những cuộc tranh chấp đánh nhau giữa các làng, các bộ tộc, tù trưởng chiến thắng thường bắt người về làm nô lệ (ha pong) hoặc bán. Người giàu chiếm hữu từ 50 đến hàng trăm héc ta rừng, ruộng và có từ 30 đến 50 nông nô làm tôi tớ.
Người Hrê bản tính vốn thật thà chất phác, cần cù siêng năng nên dù nghèo khổ vẫn không ăn xin, không trộm cắp, trai gái không hòa gian, quan hệ ứng xử trong cộng đồng rất tốt, rất trọng danh dự, đã hứa là làm, lời hứa chắc như “rựa chém cột”, “dây thắt nút” và đã tin yêu ai là tin và yêu đến cùng, theo đến cùng.
9.3. Sinh đẻ:
Người phụ nữ Hrê sinh đẻ bên cạnh bếp lửa, có bà đỡ, cái nhau gói trong mo cau nhét lên cành cây trong rừng, đứa bé được làm nhiều lễ tục: Tiếp máu, hơ lửa, đạp đá, cắt tóc, đặt tên, đi nhà hàng xóm tìm của. Sản phụ được chườm bụng, uống nước lá thuốc, củ thuốc và kiêng kỵ nhiều thứ để bảo vệ sức khỏe đứa bé.
9.4. Ma chay:
Làng nào có người qua đời, mọi người trong làng nghỉ công ăn việc làm, đến chia buồn với gia đình, cùng tham gia làm các công việc và kiêng cữ cùng với gia đình. Vì quan niệm phần xác chết nhưng phần hồn sống, tiếp tục sinh hoạt ở thế giới làng ma nên người chết được “chia của” (ha nua). Người sống có gì người chết có nấy, để xây dựng cuộc sống mới, có vậy người sống mới yên ổn, đỡ bị người chết làm đau ốm chết chóc.
10. Đặc điểm địa vực cư trú của người Hrê ở ba huyện miền núi.
10.1. Người Hrê ở huyện Ba Tơ:
Huyện Ba Tơ nằm phía Tây nam của tỉnh, phía Bắc giáp các huyện Minh Long, Nghĩa Hành, Sơn Hà, phía Đông giáp huyện Đức Phổ, phía Đông nam giáp các huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định), phía Tây giáp các huyện KaBang (Gia Lai), KonPlong (Kon Tum).
Ba Tơ có diện tích tự nhiên 1.132,54 Km2, trong đó rừng và đất rừng chiếm 7/10. Với diện tích tự nhiên đó, Ba Tơ có nhiều đồi núi, núi cao và hiểm trở nhất là núi Cao Muôn nằm phía Bắc huyện. Ở phía Nam Ba Tơ gắn với khu rừng cấm Kon Hà Nừng, vốn là khu rừng nguyên thủy với nhiều hang động, thảm thực vật phong phú, nhiều loại gỗ quý và là nơi từng được xây dựng thành căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn thời phong kiến, căn cứ cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ. Điều đặc biệt ở các dãy núi của Ba Tơ là có nhiều hang động, nhiều cụm núi có thế “hổ ngồi”. Ở giữa các vùng đồi núi, chạy dọc theo các triền sông suối, có nhiều thung lũng đất bằng và rộng thuận lợi cho trồng trọt chăn nuôi. Ba Tơ còn là vùng đất đầu nguồn bốn con sông lớn của Quảng Ngãi, đó là sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu, sông Lại Giang chảy qua An Lão xuống Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định.
Người Hrê ở Ba Tơ sống chủ yếu bằng bằng nghề làm ruộng. Nhiều ruộng bậc thang, nhiều nấc, nhiều tầng. Ngoài ra, còn làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, rèn. Hiện nay xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là nơi duy nhất của người Hrê Quảng Ngãi còn lưu giữ được nghề dệt.
Cũng giống người Hrê Sơn Hà, Minh Long, người Hrê ở Ba Tơ tín ngưỡng theo đa thần giáo, kiêng cử rất phức tạp. Ba Tơ là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa lịch sử ngày 11/3/1945 và là nơi ra đời đội du kích Ba Tơ anh hùng đồng thời là địa phương được giải phóng sớm nhất trong cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước của dân tộc.
Người Hrê vốn từ xưa không có họ, để ghi nhớ công ơn của thủ tướng Phạm Văn Đồng, người Hrê ở huyện Ba Tơ đã lấy họ Phạm của thủ tướng làm họ cho mình.
10.2. Người Hrê ở huyện Sơn Hà:
Sơn Hà nằm ở phía Tây của tỉnh, Đông giáp huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, Tây giáp tỉnh Kon Tum, Nam giáp huyện Ba Tơ và Minh Long, Bắc giáp huyện Trà Bồng và Trà My. Sơn Hà có diện tích tự nhiên khoảng 1.930,5 km2, là nơi có nhiều núi cao như: Đá Vách, A.Din, rừng núi Sơn Hà nối liền với dãy Cao Muôn của Ba Tơ, núi Mum của Minh Long ở phía Nam. Nối liền dãy Ngọc Bốc, Ngọc Rinh, Ngọc Linh của Kon Tum ở phía Tây. Rừng núi Sơn Hà có nhiều hang động tạo thành thế liên hoàn hiểm trở, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng. Có nhiều loại gỗ quý, thú hiếm, lâm đặc sản quý và đất đồi, triền núi tạo thế đứng cho nhiều loại cây nông nghiệp: Cau, chè, quế, thuốc lá, song mây, cà phê, ca cao, thông Đà Lạt … đồng thời là địa bàn thuận lợi chăn nuôi trâu, bò, dê phát triển.
Sơn Hà có bốn con sông lớn, đó là sông Hrê, sông Rin, sông Tang, sông Xà Lò và có rất nhiều suối, sông suối chứa rất nhiều nguồn thủy sản, đặc biệt như cá chình, cá niêng … có độ cao, nước chảy mạnh có thể làm thủy lợi, thủy điện như thủy điện Di Lăng, đập Thạch Nham.
Người Hrê Sơn Hà sống bằng nghề nông, làm ruộng, rẫy, chăn nuôi, khai thác lâm sản, săn bắn, đánh bắt cá, đan lát. Người Hrê Sơn Hà có phong tục tập quán và tính cách riêng, đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú.
Cũng giống người Hrê Ba Tơ và Minh Long, người Hrê Sơn Hà có tính thật thà chất phát, từ xưa đã có tục làm chòi để lúa, để của trong vườn, ven khe, không lấy trộm của nhau. Người Hrê Sơn Hà theo thuyết “vạn vật hữu linh” có nhiều tín ngưỡng đối với thần linh, trời đất.
10.3. Người Hrê ở huyện Minh Long:
Huyện Minh Long nằm phía tây nam tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích rừng tự nhiên là 5.392 ha với nhiều gỗ quý như lim, sến, chò, sơn, ké … và các thú quý hiếm như voi, gấu, sơn dương, nai, công, khỉ … Có đặc sản quý như cây lông tờ uynh, mật ong, trầm kỳ, song mây, …
Minh Long có núi Mum huyền thoại về trận hồng thủy và nguồn gốc loài người, có núi Đá Vách cây cối um tùm “sớm khói đượm tía, chiều khe ngậm son, nắng chiếu đá núi lốm đốm như sao sáng”, vẻ đẹp của núi vách được Nguyễn Tư Trinh mệnh danh là “Thạch bích tà dương” và được xếp vào một trong các cảnh đẹp của Quảng Ngãi. Ngoài ra, có Thác Trắng bụi nước huyền ảo sớm chiều in bảy sắc cầu vồng thần tiên.
Từ xưa người Hrê Minh Long đã lấy nông nghiệp làm nghề sống chính: làm ruộng, rẫy, trồng cây công nghiệp truyền thống như chè, cau thuốc lá, hồ tiêu. Đặc sản chè tươi thuộc loại ngon được tiêu thụ mạnh ở tỉnh, cau tươi, hạt cau khô, hạt tiêu, sa nhân là những sản phẩm có giá trị trên thị trường. Ngoài ra, chăn nuôi, khai thác lâm sản, hái lượm rau quả, săn bắt cá…đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp.
Giống người Hrê Sơn Hà, người Hrê Minh Long lấy họ Đinh là phổ biến nhất làm họ cho mình.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ DÂN TỘC HRÊ:
Trang phục người Hrê 3
Vỗ đàn Vinh-Vút
Khố thổ cẩm đàn ông Hrê
Bộ áo váy phụ nữ Hrê
Bộ cườm người Hrê
Cá niêng nướng
Xôi nếp rẫy
Ốc đá kho
Cá niêng luộc
Lá mì giã sả
Chuột núi nướng
Kê giống
Bắp giống
Các dụng cụ sinh hoạt
Gùi Kchùi
Bẫy Kỳ đà
Dụng cụ săn bắt cá
Men rượu cần
Ching Hling và bộ chiêng ba
Goang
Đàn Vroac
Đàn Vroac Krâu
Đàn Ra ngói (Đàn môi)
Nhà sàn người Hrê
Góc nhà sàn treo xương con vật cúng
Trong nhà sàn Hrê có bếp thiêng
Dệt thổ cẩm
Rá đựng cơm
Gùi Ateo
Nhà mồ Hrê
Giàn cúng
NGHE ĐIỆU CACHOI CỦA NGƯỜI HRÊ:
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 958
Tổng số lượt xem: 5512473