Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban hành Sắc lệnh số 58, thành lập Bộ Nội vụ, gồm Văn phòng Bộ và 06 Nha, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số.
Ngày 09/9/1946, thực hiện Sắc lệnh số 58, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 359-NV/NĐ, Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số; tại Điều thứ nhất của Nghị định nêu rõ: “Nha Dân tộc thiểu số có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố, trên nguyên tắc bình đẳng sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.
Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Nhân dân các dân tộc trên cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Quảng Ngãi nói riêng, đã đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử vang dội Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 và thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Hòa chung với phong trào cách mạng cả nước, quân và dân Quảng Ngãi nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã giành nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó, phải kể đến hai cuộc khởi nghĩa vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước, đó là cuộc cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 và cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ngày 28/8/1959 . Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa đã minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng và sự đoàn kết một lòng, kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các DTTS ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi nói riêng và Nhân dân Quảng Ngãi nói chung.
II. Giai đoạn từ 30/4/1975 đến tháng 7/1989
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam; trong đó, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 27/10/1975, Quốc hội khóa V, tại Kỳ họp thứ 2 đã thông qua và phê chuẩn việc sáp nhập các tỉnh. Trong đó, có tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình từ ngày 01/01/1976.
Sau năm 1975, công tác dân tộc triển khai trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi với những nội dung và yêu cầu mới. Tập trung ổn định sản xuất và đời sống đồng bào các DTTS, giải quyết các vấn đề do hậu quả chiến tranh để lại, đẩy mạnh công tác định canh, định cư (ĐCĐC), theo dõi kiểm tra việc thực hiện các chính sách xã hội cho đồng bào các DTTS.
Năm 1976, Tỉnh ủy Nghĩa Bình quyết định thành lập Ban Dân tộc Tỉnh ủy với nhiệm vụ là giúp Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và chủ trương của Tỉnh ủy về vấn đề dân tộc, nghiên cứu các vấn đề về chấp hành chính sách của Đảng đối với các dân tộc ở địa phương theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Ban Dân tộc Trung ương.
Đồng thời, UBND tỉnh thành lập Ban Định canh - Định cư với nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện ổn định ĐCĐC cho đồng bào các DTTS còn du canh, du cư ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn và phát triển vùng kinh tế mới miền núi.
Ngày 28/12/1984, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định hợp nhất Ban Khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới với Ban Định canh - Định cư tỉnh thành Ban Định canh - Định cư và Kinh tế mới tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; tỉnh hợp nhất Ban Dân tộc Tỉnh ủy và Ban Định canh - Định cư và Kinh tế mới thành Ban Miền núi - Định canh định cư là cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả tỉnh; đồng thời là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chính sách chung và chính sách cụ thể đối với vùng DTTS, miền núi.
Trong giai đoạn này, từ năm 1978 đến năm 1989, công tác dân tộc và miền núi do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách kiêm nhiệm và ông Đinh Thanh Lâm, Ủy viên UBND tỉnh Nghĩa Bình, Phó Ban Dân tộc, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy chuyên trách.
III. Từ năm 1989 (tái lập tỉnh Quảng Ngãi) đến nay
Ngày 30/6/1989, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, đã thông qua và ban hành Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định.
1. Ban Dân tộc tỉnh và Ban Dân tộc và miền núi tỉnh
Từ năm 1989, sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 1991, Ban Miền núi của tỉnh do ông Trần Cao Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phụ trách kiêm nhiệm và ông Đinh Thanh Lâm làm Phó ban Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh từ ngày 01/11/1990 đến 30/11/1993 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Từ năm 1991 đến tháng 4/1993, ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phụ trách kiêm nhiệm Ban Miền núi của tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 11/CP ngày 20/02/1993 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc và miền núi, ngày 31/5/1993, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 641/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở tổ chức lại Ban Miền núi của tỉnh. Đồng thời, đến ngày 04/5/1994, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 745/QĐ-UB về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 17/11/1990, ông Đinh Ngọc Reo, được bổ nhiệm Phó Trưởng ban Dân tộc và Miền núi (đến tháng 12/1999).
Ngày 11/6/1994, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1016/QĐ-UB, điều động và bổ nhiệm ông Phạm Đông Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đến nhận công tác tại Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh và giữ chức vụ Trưởng ban.
Ngày 30/9/1996, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn A về làm Trưởng ban (thay cho ông Phạm Đông Hưng được điều về làm Giám đốc Sở Địa chính).
Ngày 15/10/1996, Ông Trần Quang Hải, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, kiêm Giám đốc Công ty Thanh niên xung phong được điều động và bổ nhiệm về giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc và Miền núi tỉnh.
Ngày 27/9/2001, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm ông Trần Quang Hải, Quyền Trưởng ban Dân tộc và Miền núi giữ chức Trưởng ban Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh.
Ngày 04/9/2000, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm ông Trần Lương, giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc và Miền núi cho đến ngày 17/12/2003, ông Trần Lương được Tỉnh ủy điều động làm Chủ tịch UBND huyện Tây Trà.
Tháng 4/2001, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Lê Tuấn Anh, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng về giữ chức vụ Phó Trưởng ban đến tháng 3/2003, ông Lê Tuấn Anh nghỉ hưu theo chế độ.
2. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi
Năm 2004, thực hiện Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ, về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp; Thông tư liên tịch số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã Quyết định thành lập Ban Dân tộc tỉnh trên cơ sở Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh; đồng thời ban hành Quyết định số 189/2004/QĐ-UB ngày 17/8/2004 về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 05/02/2005, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Thanh Nghìn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ba Tơ về giữ chức vụ Phó Trưởng ban đến tháng 6/2009 được điều động về làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Tháng 11/2007, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Phạm Thanh Hiền, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh về giữ chức Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh.
Tháng 12/2007, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Thịnh, Phó Trưởng ban Đền bù tỉnh về giữ chức vụ Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh. Đến ngày 10/5/2009, ông Nguyễn Tấn Thịnh nghỉ hưu theo chế độ.
Ngày 30/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Bùi Đức Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng về giữ chức vụ Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh từ ngày 10/11/2009 đến nay.
Ngày 30/11/2009, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Vương, Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về giữ chức vụ Phó Trưởng ban cho đến ngày 10/11/2017, ông Nguyễn Vương được điều động về Hội Nông dân tỉnh và bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Ngày 12/01/2010, Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm bà Đinh Thị Phương Lan, Đại biểu Quốc hội khóa XII, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, về giữ chức Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh đến tháng 6/2013 bà Đinh Thị Phương Lan được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 30/5/2014, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hồ Văn Thế, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng về làm Trưởng ban từ ngày 02/6/2014 đến ngày 20/9/2018, ông Hồ Văn Thế được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Ngày 03/11/2017, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Nhân, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2018 giữ chức Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh kể từ ngày 10/11/2017 đến nay.
Ngày 17/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Đức On, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về làm Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh từ ngày 20/9/2018 đến nay.
3. Chức năng, nhiệm vụ Ban Dân tộc Quảng Ngãi
Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó ngày 10/7/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi./.
Đinh Mạnh Bình
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 860
Tổng số lượt xem: 5512365