Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Góp ý đổi mới các ấn phẩm báo, tạp chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

16/11/2022 14:44    240

Sáng 15/11, Ủy ban Dân tộc phối hợp với một số bộ, ban, ngành trực thuộc Trung ương cùng UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án “Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023-2025.

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiếu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng Đề án nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Một nội dung đặc biệt quan trọng được Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, là hội thảo sẽ tập trung góp ý, đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí và đa dạng các kênh phát hành đến đối tượng thụ hưởng... để nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin cho đồng bào.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, các ấn phẩm báo, tạp chí với ưu điểm và lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội, để đưa thông tin đến đúng đối tượng, kịp thời, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vì lợi ích của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

19 ấn phẩm phục vụ đồng bào DTTS trong cả nước.

Qua 3 năm thực hiện đề án (2019-2021), các báo, tạp chí đã xuất bản gần 35 triệu tờ/19 ấn phẩm phục vụ vùng đồng bào DTTS trong cả nước. Các ấn phẩm báo chí đã bám sát tôn chỉ mục đích và định hướng tuyên truyền, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tăng cường thông tin thời sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thông tin thiết yếu về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, ngăn chặn những tiềm ẩn nảy sinh điểm nóng; tuyên truyền đồng bào nêu cao cảnh giác với nạn buôn bán ma túy, trẻ em và phụ nữ qua biên giới...

Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng và Nhà nước; giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Trang bị, phổ biến kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng nông thôn mới...

Tại điểm cầu Quảng Ngãi

Thông tin về dự thảo Đề án, bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, ngoài đổi mới về nội dung, bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí…, đề án còn đề cập đến đổi mới hình thức cung cấp thông tin, trong đó có việc xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi.

App chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các tờ báo, các chuyên đề đến bạn đọc (ứng dụng nền tảng phân phối, cung cấp, phân loại, lưu trữ thông tin của ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn).

Tin bài chính của kỳ xuất bản các ấn phẩm báo, tạp chí được ứng dụng công nghệ đọc tự động bằng tiếng phổ thông và một số tiếng dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới những địa bàn đi lại khó khăn, đến mọi người dân, đến cơ quan quản lý qua điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị nghe nhìn khác.

Ủy ban Dân tộc cũng xây dựng kênh tương tác hai chiều trên "App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi" nhằm thu thập thông tin hai chiều hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý giúp Ủy ban Dân tộc, tăng cường cập nhật được thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá, việc đổi mới hình thức cung cấp thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông số để cung cấp thông tin cho đồng bào.

"App chỉ là một phương tiện. Mục tiêu là cung cấp nhiều thông tin hữu ích, kịp thời nhất cho bà con. Qua thực tiễn kinh nghiệm triển khai, để có tính bền vững, ứng dụng phải có sự tương tác hai chiều. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc trong việc tìm tòi, triển khai kênh số hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Tất cả các ý kiến góp ý từ điểm cầu các tỉnh đều thống nhất cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là cần thiết.

Tuy nhiên, từ phía người thụ hưởng, đại diện các vùng đồng bào DTTS mong muốn các ấn phẩm sẽ tạo ra tương tác nhiều hơn với độc giả, cụ thể hóa những bài học làm giàu, vượt khó và tìm ra một phương án phát hành tối ưu để báo nhanh chóng đến tay độc giả, nhất là độc giả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

                                                                                                                            Mạnh Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 800

Tổng số lượt xem: 4590207