Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức

30/05/2020 16:39    252

Sáng ngày 28/5/2020, tại UBND xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (Nghị định 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo UBND xã Đức Phú, huyện Mộ Đức.

 

Tham gia Đoàn giám sát có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh; ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Công chức Ban Dân tộc của HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Giáp Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã; đại diện Đảng ủy, HĐND xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã; công chức xã Đức Phú, huyện Mộ Đức và lãnh đạo Văn phòng huyện Mộ Đức.

Ông Nguyễn Giáp Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã báo cáo với Đoàn

Ông Nguyễn Giáp Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã đã báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả triển khai thực hiện như sau:

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND xã đã chỉ đạo công chức có liên quan, các Hội đoàn thể và Trưởng thôn phối hợp chặt chẽ với Kiểm lâm huyện, địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân triển khai thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh và huyện. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý gồm có 11 thành viên; tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả.

Kết quả thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP

Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 2.721,98 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất là 1.147,81 ha và đất rừng phòng hộ là 1.574,17 ha. Từ năm 2016 đến nay đã tiến hành giao nhận khoán bảo về với tổng diện tích giao khoán bảo vệ là 1.123,7 ha, chiếm tỷ lệ 41,28% so với tổng diện tích rừng; trong đó giao khoán cho 14 hộ bảo vệ là 96,68 ha và 03 cộng đồng dân cư bảo vệ là 1.027 ha. Nhưng nguồn kinh phí chi trả chỉ mới được cấp năm 2018 là 410,417 triệu đồng; theo định mức khoán là 400.000 đồng/ha/năm.

Về trình tự, thủ tục, hạn mức giao khoán bảo vệ rừng

Trình tự, thủ tục khoán: Công bố công khai thông tin về khoán và thực hiện đầy đủ đúng theo các quy định hiện hành. Địa phương chú trọng việc bàn giao thực địa; bàn giao diện tích khoán ngoài thực địa; lập biên bản giao, nhận diện tích và các tài sản trên diện tích khoán. Sau khi nhận bàn giao diện tích khoán tại thực địa, bên nhận khoán có trách nhiệm tiếp nhận ranh giới, mốc giới, diện tích nhận khoán và các tài sản trên diện tích khoán.

Ngoài ra, các chính sách quy định theo Nghị định 75/2015 như: Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; Chính sách tín dụng cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ và cho vay phát triển chăn nuôi và các chính sách khác chưa thực hiện được.

Về kết quả thực hiện Nghị định số 56/2017 của HĐND tỉnh

UBND xã đã chỉ đạo công chức chuyên trách; các hội đoàn thể và Trưởng thôn của xã triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 56/2017 của HHĐND tỉnh. Tuy nhiên các hộ dân không đăng ký trồng rừng chuyển hóa gỗ lớn vì chu kỳ khai thác, hưởng lợi lâu (trên 12 năm) không đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình.

Trên địa bàn xã đến nay chỉ mới triển khai việc trồng cây huỳnh đàn đỏ và cây lim xanh phân tán với số lượng 1000 cây với 24 tổ chức, cá nhân hộ gia đình; trong đó có 19 hộ gia đình cá nhân trồng 500 cây huỳnh đàn đỏ và 5 tổ chức trồng 500 cây lim xanh. Đến nay đã được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, nghiệm thu thanh toán.

Đại biểu dự họp phát biểu

Tồn tại, hạn chế

Nhiều chính sách tuy thiết thực được quy định cụ thể trong Nghị định 75/2015/NĐ-CP nhằm hướng tới mục tiêu là hỗ trợ người dân giúp thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhưng chưa đi vào cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ và chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn trồng rừng sản xuất, chăn nuôi, …chưa được triển khai thực hiện do không có kinh phí. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng không được hưởng lợi gì dưới tán rừng (vì dưới tán rừng không có lâm sản gì để được khai thác) nên không mấy mặn mà với người có trách nhiệm được giao bảo vệ rừng.

Giải pháp

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân trên địa bàn hiểu rõ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; thường xuyên vận động Nhân dân bảo vệ phát triển rừng, tăng gia sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển nông nghiệp và trồng rừng; khuyến khích hộ dân giành một quỹ đất để trồng cây nguyên liệu gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phục sinh các nguồn nước và tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Các thành viên trong Đoàn đã nêu các vấn đề đề nghị địa phương cần giải thích làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại và kiến nghị trong việc tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua. Các thành phần dự họp đã phát biểu và ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn đã phát biểu chỉ ra những hạn chế mà địa phương cần phải tập trung khắc phục trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm chắc các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm bảo vệ phát triển rừng bền vững tạo môi trường ngày càng tốt hơn. Đoàn tiếp thu các kiến nghị của địa phương để báo cáo HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết này trong thời gian đến.

Đoàn kiểm tra hiện trạng rừng tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.

Đoàn kiểm tra hiện trạng rừng tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức

 Các chủ rừng đã đăng ký thực hiện theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND có thuận lợi là trước đây các chủ rừng này đã tham gia trồng rừng theo Dự án WB3. Vì vậy, các chủ rừng đã được tập huấn trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn nên thuận tiện trong việc chuyển đổi để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND./.

Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 983

Tổng số lượt xem: 4607385