Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ tại huyện Ba Tơ

12/05/2020 20:36    287

Sáng nay 12/5/2020, tại UBND huyện Ba Tơ, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Hồ Ngọc Thịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo huyện Ba Tơ.

Tham gia Đoàn giám sát có Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc, ông Lê Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh; ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban ban Dân tộc tỉnh; các thành viên và đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Trần Trung Triết, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Ông Phạm Giang Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan tham mưu của huyện và Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ.

Được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã báo cáo với Đoàn giám sát kết quả thực hiện như sau:

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng tham mưu; UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Ba Tơ và Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân thông qua bằng nhiều hình thức như Hội nghị tổng kết sản xuất nông lâm nghiệp, Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững, tổ chức quán triệt đến UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng; đồng thời UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tổng hợp nhu cầu đăng ký kế hoạch thực hiện triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Đồng thời, tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả theo quy định.

 Ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện báo cáo

Kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015 của Chính phủ

Tổng diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đã được giao khoán bảo vệ từ năm 2016 đến 2019 là 20.897,94 ha/30.760,21 ha. Trong đó: năm 2017: Diện tích giao khoán bảo vệ là 2.942,93 ha (khoán hộ gia đình bảo vệ là 1.889,0 ha, với 79 hộ; khoán cộng đồng dân cư thôn bảo vệ là 1.053,93 ha, với 03 cộng đồng dân cư thôn). Năm 2018: Diện tích giao khoán bảo vệ là 6.574,64 ha (khoán hộ gia đình bảo vệ là 2.519,42 ha, với 117 hộ; khoán cộng đồng dân cư thôn bảo vệ là 4.055,22 ha, với 12 cộng đồng dân cư thôn) và năm 2019: Diện tích giao khoán bảo vệ là 11.380,37 ha, chiếm tỷ lệ 49,58% so với tổng diện tích rừng nhà nước giao (khoán hộ gia đình bảo vệ là 11.380,37 ha, với 571 hộ). Tổng kinh phí thực hiện là hơn 8.152 triệu đồng, từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, định mức khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm và chi phí kiểm tra, nghiệm thu 7%/ha/năm.

Trình tự, thủ tục giao nhận khoán bảo vệ rừng, công tác kiểm tra, nghiệm thu, kết quả thực hiện bảo vệ rừng, đánh giá hiệu quả tác động của phương thức giao khoán này đối với bảo vệ, phát triển rừng được thục hiện đúng theo quy định. Giao khoán bảo vệ rừng, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho một bộ phận hộ nhận khoán bảo vệ rừng, giảm thiểu các tác nhân xâm hại đến rừng, ổn định tình hình quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn giúp hộ nhận khoán có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao đời sống vật chất hộ gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Về hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung

Tổng diện tích rừng được nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bảo vệ từ năm 2016 - 2019 trên địa bàn huyện là: 10.346,6 ha; số kinh phí thực hiện là hơn 3.893 triệu đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Cho vay phát triển chăn nuôi

Năm 2018 và 2019 có 21 lượt hộ vay, doanh số cho vay là 1.000 triệu đồng, hạn mức vay bình quân là 47,6 triệu đồng (cao nhất là 50 triệu đồng/hộ, thấp nhất là 30 triệu đồng/hộ), lãi suất bình quân là 1,2%/năm, thời hạn cho vay bình quân là 3 năm (cao nhất là 3 năm). Về trình tự, thủ tục, hạn mức giao khoán bảo vệ rừng.

Ngoài ra, các chính sách quy định theo Nghị định số 75/2015 như: Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy và Chính sách tín dụng cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ chưa thực hiện.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 56/2017 của HĐND tỉnh

Năm 2019, trên cơ sở chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang nguyên liệu gỗ lớn theo Nghị quyết số 56/2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ đã đăng ký 40,18 ha với Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi. Toàn bộ diện tích trên, Công ty đã thi công các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa như: Phát dọn thực bì, tỉa thưa đúng quy trình kỹ thuật chuyển hóa và đã được cấp kinh phí theo đúng quy định.

Tồn tại, hạn chế

Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP chưa ổn định và kịp thời; tình trạng xâm hại rừng trên diện tích đã tổ chức giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có lúc còn xảy ra, nhất là thời gian cuối năm 2019 đến nay.

Công tác khoán bảo vệ rừng phòng hộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Ba Tơ có nơi không sát với thực địa, nên một số hộ nhận khoán không biết rõ ranh giới, diện tích rừng mình được khoán bảo vệ; do đó, tình trạng xâm hại rừng phòng hộ còn xảy ra.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Diện tích đất lâm nghiệp rộng, một số diện tích rừng ở những nơi có độ dốc cao, địa hình đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn mỏng, nhiều khu vực rừng cách rất xa khu dân cư, diện tích rừng giáp ranh với nhiều tỉnh, huyện khác trên địa bàn.

Diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ đa số là diện tích rừng phục hồi, rừng nghèo nên việc hưởng lợi từ các lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng rất hạn chế. Vì vậy, nếu không có kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng thì không khuyến khích được các hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Địa bàn hiểm trở, dân cư sống không tập trung, thường xuyên gặp rủi ro bất khả kháng như thiên tai hỏa hoạn, bão lũ, dịch bệnh... nên người nghèo và các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương, bị thiệt hại, bị mất vốn, dẫn đến lo ngại về việc đầu tư; trong khi đó việc phục hồi sản xuất đòi hỏi vốn ngày càng lớn, thời gian dài.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng có lúc chưa nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thực thi nhiệm vụ được giao, chưa bám sát hết tất cả địa bàn được giao quản lý nên có lúc còn để xảy ra việc xâm hại rừng. Cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm; sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội vào công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu, công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, chưa tạo được động lực để quần chúng Nhân dân học tập làm theo. Các chủ rừng chưa quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, còn để xảy ra tình trạng khai thác, phá rừng, lấn, chiếm đất quy hoạch rừng phòng hộ.

Giải pháp trong thời gian đến

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 03/4/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, quyền hạn, trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được giao rừng để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phấn đấu không để xảy ra cháy rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng tận gốc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, đốt than, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Tăng cường trồng mới rừng phòng hộ với các loài cây bản địa, cây gỗ lớn theo hình thức hỗn giao nhiều loài cây, đặc biệt trồng đường băng xanh cản lửa kết hợp phân định ranh giới giữa các loại rừng. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã được bố trí từ các chương trình, dự án để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020 trên địa bàn huyện.

Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ phát biểu phát biểu

Sau Báo cáo của UBND huyện, các Thành viên trong Đoàn đã nêu các vấn đề đề nghị địa phương cần giải thích làm rõ những khó khăn, tồn tại và kiến nghị trong việc tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua như về nhu cầu của người dân có thiết thực không, về định mức chính sách, về nguồn lực, về các thủ tục triển khai thực hiện…

Nhiều Thành viên dự họp phát biểu. Phát biểu của Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho rằng chính sách của Nhà nước là ưu đãi; tuy nhiện khó thực hiện do thời gian chu kỳ yêu cầu của chính sách dài hạn; mà người dân luôn luôn lo sợ các sự cố về thiên tai như hỏa hoạn, bão lũ. Nếu có thiệt tại do thiên tai gây ra thì Nhà nước hỗ trợ còn quá thấp nên không khuyến khích người dân thực hiện chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn.

Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ phát biểu.

Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện và ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu làm rõ quyết tâm của huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian đến, ngoài việc đồng tình với phát biểu của các thành viên dự họp nhấn mạnh thêm những khó khăn trong thực hiện chính sách đó là: đường sá phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển khó khăn; nguồn lực phân bổ cho địa phương chưa đúng theo kế hoạch, chưa đúng thời vụ. Vì vậy, Kế hoạch đã được xác lập bị động, không thực hiện được theo khung tiến độ thời gian; người dân phải tìm kiếm nguồn lực khác nhằm phục vụ cho sản xuất. Trong thời gian tới, huyện Ba Tơ sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và tổ chức thực hiện tốt nhằm bảo vệ phát triển rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện. Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh, xem xét kiến nghị Chính phủ tăng kinh phí giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng giai đoạn 2020-2025, nhằm tạo động lực cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được giao rừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng và Tỉnh sớm phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng theo các chính sách và hướng dẫn trình tự thủ tục thanh, quyết toán nguồn kinh phí trên theo quy định để UBND huyện chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả và tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với các đối tượng được Nhà nước giao rừng nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của các Thành viên dự họp; biểu dương những kết quả đã đạt được và chỉ ra những tồn tại mà trong thời gian đến cần phải tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm chắc các chủ trương chính sách và quan tâm rà soát lại kế hoạch đã được phê duyệt sao cho phù hợp với thực tế yêu cầu mong muốn của Nhân dân để chủ trương, chính sách của Nhà nước ngày càng sát đúng để quá trình tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn. Đoàn tiếp thu các kiến nghị của địa phương để báo cáo HĐND tỉnh về tình hình kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đoàn giám sát tại xã Ba Trang và kiểm tra hiện trạng rừng tại xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ

Trước đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vào sáng ngày 08/5/2020 và chiều cùng ngày, Đoàn đã kiểm tra hiện trạng rừng chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn tại xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ.

Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 734

Tổng số lượt xem: 4536024