Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP tại xã Sơn Thành và xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà

16/05/2020 19:24    380

Sáng ngày 15/5/2020, tại UBND xã Sơn Thành, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà.

Tham gia Đoàn giám sát có các thành viên Đoàn giám sát; ông Lê Hồng Vinh, Phó trưởng ban Ban Văn hóa xã hội của HĐND tỉnh; Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sơn Thành.

Lãnh đạo UBND xã đã báo cáo với Đoàn giám sát kết quả thực hiện như sau:

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND xã đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện và Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh và huyện; đồng thời, tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả.

Kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015 của Chính phủ

Về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng sản xuất: Tổng diện tích rừng sản xuất do UBND xã quản lý: 42,83 ha. Qua rà soát thực tế ngoài hiện trường đã tổ chức giao khoán cho 10 hộ dân tại tiểu khu 209 thuộc thôn Làng Vẹt là 28,979 ha với số tiền giao khoán là gần 12 triệu đồng; với định mức khoán là 400.000 đồng ha/năm.

Về khoán bảo vệ rừng phòng hộ do Trạm Quản lý rừng thuộc ban quản lý rừng phòng hộ thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh: năm 2017 khoán cho 54 hộ với diện tích giao khoán là 709,5 ha; năm 2018 giao khoán cho 54 hộ với diện tích giao khoán là 559,4 ha; với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng cho cả 2 năm 2017 và năm 2018.

Về trình tự, thủ tục, hạn mức giao khoán bảo vệ rừng

Trình tự, thủ tục khoán: bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật

Hồ sơ nhận khoán: Đề nghị nhận khoán; xét duyệt; ký kết hợp đồng thực hiện theo đúng quy định và tổ chức bàn giao diện tích khoán ngoài thực địa; lập biên bản giao, nhận diện tích và các tài sản trên diện tích khoán. Sau khi nhận bàn giao diện tích khoán tại thực địa, bên nhận khoán có trách nhiệm tiếp nhận ranh giới, mốc giới, diện tích nhận khoán và các tài sản trên diện tích khoán.

Ngoài ra, các chính sách quy định theo Nghị định 75/2015 như: Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; Chính sách tín dụng cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ và cho vay phát triển chăn nuôi chưa thực hiện.

Về kết quả thực hiện Nghị định số 56/2017 của HĐND tỉnh

Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND xã đã triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 56/2017 của HHĐND tỉnh. Tuy nhiên các hộ dân không đăng ký trồng rừng chuyển hóa gỗ lớn vì chu kỳ khai thác, hưởng lợi lâu (trên 12 năm) không đáp ứng nhu cầu kinh tế vì vậy các chính sách tại Nghị quyết này chưa tổ chức triển khai thực hiện được.

Ông Lê Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa xã hội phát biểu

Sau Báo cáo của UBND xã, các Thành viên trong Đoàn đã nêu các vấn đề đề nghị địa phương cần giải thích làm rõ những khó khăn, tồn tại và kiến nghị trong việc tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua và triển khai trong thời gian đến. Các thành phần dự họp đã phát biểu giải trình làm rõ thêm báo cáo của UBND xã và ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu làm rõ quyết tâm của huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đồng thời cũng nêu những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện trong việc thực hiện bảo vệ phát triển rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường trong cả giai đoạn nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện, đây là quyết tâm của toàn huyện. Tuy nhiên, trong thời gian đến Trung ương, tỉnh cần bố trí đủ kinh phí và kịp thời cho địa phương để chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định; tăng định mức khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm quản lý bảo vệ đối với các hộ dân khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của Nhà nước và yêu cầu các cấp trong huyện khi giao khoán rừng phải sát với hiện trường để họ nắm rõ mốc giới lô rừng mà Nhà nước giao quản lý bảo vệ; kịp thời phát hiện và phải có biện pháp xử lý răn đe đối với những hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng, mất rừng.

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của các Thành viên dự họp; biểu dương những kết quả đã đạt được và chỉ ra những tồn tại mà trong thời gian đến cần phải tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm chắc các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đoàn giám sát tiếp thu các kiến nghị của địa phương để báo cáo HĐND tỉnh về tình hình kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đoàn giám sát tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà

Chiều cùng ngày 15/5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà.

Ông Đinh Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Sơn Nham báo cáo với Đoàn giám sát

Ông Đinh Văn Bay, Chủ tịch UBND xã đã báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện đạt được như sau;

Xã Sơn Nham là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hà. Xã Sơn Nham có diện tích tự nhiên là 6.036,60 ha, có 06 thôn, địa hình bị chia cắt bởi sông Trà Khúc thành 2 địa bàn: 02 thôn nằm ở bờ Bắc (thôn Xà Nay và thôn Xà Riêng), 04 thôn nằm ở bờ Nam (thôn Canh Mo, thôn Bầu Sơn, thôn Cận Sơn và thôn Chàm Rao), với 1.390 hộ -  4.990 khẩu, (85,5% là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 23,8% và 176 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 12,66%; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 4 đến 5%. Nguyên nhân nghèo: do trình độ dân trí còn thấp, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi của người dân còn hạn chế, một bộ phận Nhân dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi; địa hình, thời tiết khó khăn, phức tạp.

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Xã luôn xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là một trong những lĩnh vực trọng tâm quan trọng xuyên suốt lâu dài nên hàng năm UBND xã đã chủ động triển khai những nội dung nhiệm vụ liên quan như: kiện toàn Ban Chỉ đạo; ban hành Chỉ thị; các Kế hoạch, Phương án; thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của cấp trên liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua các cuộc họp dân quân chính xã, họp trực báo và lồng ghép tại các cuộc họp ở thôn xóm.

UBND xã đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp với bộ phận Địa chính rà soát hiện trạng, diện tích rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã quản lý để tổ chức thực hiện; đồng thời tổ chức họp xét, chọn hộ tham gia nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, UBND xã xây dựng Kế hoạch và Dự toán thực hiện kinh phí chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng do UBND xã quản lý trong 02 năm 2017 và năm 2018 với 03 hộ tham gia quản lý bảo vệ 30,89 ha tại các tiểu khu 197, 205, 207, 208, 217 thuộc thôn Bầu Sơn, Cận Sơn và Chàm Rao.

Công tác xét chọn các hộ nhận khoán thực hiện theo đúng quy định: Hàng năm UBND xã tổ chức họp dân tại các thôn để xét chọn các hộ nhận khoán, bảo vệ rừng, đối tượng xét chọn ưu tiên cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có sức khỏe đảm bảo, nhiệt tình trong công việc giao nhận khoán.

Về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ

Năm 2017: Tổng diện tích giao khoán cho 64 hộ dân bảo vệ là: 1.632,30 ha; với tổng số kinh phí thực hiệnlà 652.920.000 đồng; năm 2018: Tổng diện tích giao khoán cho 64 hộ dân bảo vệ là: 1.629,80 ha; với tổng số kinh phí thực hiện là651.920.000đồng và năm 2019: Tổng diện tích giao khoán cho 63 hộ dân bảo vệ là: 1.682,35 ha; với tổng số kinh phí thực hiện là 672.940.000 đồng. Tất cả từ nguồn kinh phí theo Nghị đinh số 75/2015/NĐ-CP, với định mức giao khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm.

Tồn tại

Trách nhiệm của một số hộ nhận khoán chưa cao, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân chưa thực sự mang lại hiểu quả; công tác xử lý các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn, hầu hết là người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Đối với diện tích rừng do UBND xã quản lý, kinh phí hỗ trợ không được duy trì thường xuyên nên việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Việc thực hiện Nghị định 75/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ tại xã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đơn vị phối hợp triển khai tích cực. Tuy nhiên nhiều nội dung thuộc Nghị định 75 vẫn chưa được triển khai như trợ cấp gạo, trồng rừng thay thế nương rẫy, chính sách tín dụng cho vay và hỗ trợ lãi suất vay.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà phát biểu

Đoàn giám sát đã chỉ ra những việc mà UBND xã phải tập trung tổ chức thực hiện để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực sự được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước đã ban hành nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1268

Tổng số lượt xem: 4588047