Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ksor Phước, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng: Một số suy nghĩ về thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku 19-4-1946

25/11/2020 15:09    1062

Đoàn cựu sinh viên khóa D7 SQAN (Học viện ANND) cùng tác giả (sáng 28-11-2019)

Nếu có dịp đến Thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, bạn nên tranh thủ đến thăm quan Quảng trường Đại Đoàn Kết ngay trung tâm Thành phố. Nơi đây có nhiều điểm nhấn, cảnh đẹp rất đậm đà bản sắc Tây Nguyên có một không hai của Việt Nam. Nhưng điểm nhấn vừa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc đó là tấm bia bằng nguyên khối đá khắc toàn văn thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19-4-1946.

 

Thế hệ chúng ta ngày nay được thừa hưởng “tự nhiên” quyền công dân Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam, có thể không hiểu hết tâm trạng vô cùng sung sướng, vô cùng hạnh phúc của ông bà, cha mẹ chúng ta ở thời điểm 4-1946 khi nghe thư Bác gởi Đại hội các dân tộc thiểu số phía Nam tại Plei ku (Gia Lai).

Khi còn sinh thời ba tôi có kể lại ký ức của mình về sự kiện này. Lúc này (4-1946) ba tôi, chuẩn bị ra Bắc tham gia trong đoàn thanh niên các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên để gặp Bác Hồ và tham gia Nha dân tộc Trung ương. Trước khi đi ông đã đến dự Đại hội và nghe cán bộ Trung ương về trực tiếp đọc thư Bác, bác Nay Phin dịch sang tiếng Jrai (bấy giờ ba tôi chỉ biết tiếng Jrai, Ê Đê và tiếng Pháp). Ba tôi đã nhờ bác Nay Phin dịch thư Bác qua cả tiếng Pháp (vì có nhiều từ chính trị… mà tiếng Jrai chưa có)… Ông nói với tôi: “qua nghe hai bản dịch tiếng Jrai và tiếng Pháp, ba rất xúc động và ngạc nhiên, vì lần đầu tiên trong đời được nghe thư của vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam coi các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và người Kinh đều có quyền công dân nước Việt Nam, bình đẵng như nhau; phải coi nhau như anh em ruột thịt; đất nước Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam không chỉ của người Kinh, mà là của tất cả các dân tộc …”. Ba tôi nói: trước 2-9-1945, dưới chế độ thực dân và nữa phong kiến, ở Tây nguyên thực dân Pháp và chế độ phong kiến Việt Nam đều coi người các dân tộc thiểu số là “mọi”, còn công nhân làm thuê (đa số là công nhân người Kinh) trong các đồn điền café, chè… gọi là “Kuli”. Trong xã hội bấy giờ coi người Pháp là thượng đẳng, có quyền hành tuyệt đối cao nhất; người Kinh ở vị trí thứ hai; còn các dân tộc thiểu số thuộc nhóm người hạ đẳng.

Đoàn cựu sinh viên khóa D7 SQAN (Học viện ANND) cùng tác giả (sáng 28-11-2019)

Ngày 19-4-1946 tại khu vực Ủy ban hành chính tỉnh (lúc đó có ngôi nhà sàn nằm trong khuôn viên rất nhiều cây), có khoảng 1.000 đại biểu các dân tộc ở Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Các đại biểu dự đã tập trung (đứng và ngồi) ở cả bên trong và xung quanh nhà sàn, nghe phái viên của Trung ương đọc thư của Bác Hồ gởi đại hội (thư Bác gởi do đồng chí Tố Hữu - và đồng chí Bùi San - đại diện Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp đem đến).

Để hiểu đầy đủ hơn thư Bác, chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh lịch sử Đảng và Bác Hồ chủ trương Đại hội các dân tộc thiểu số phía Bắc 12-1945 và phía Nam năm 4-1946.

Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Một là, nhân dân ta đang đói cần phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, Bác đề nghị mở một cuộc quyên góp, cứ mười ngày một lần, tất cả đồng bào cùng nhịn ăn một bữa; gạo tiết kiệm được góp lại phát cho người nghèo. Hai là nạn dốt với hơn chín mươi phần trăm đồng bào mù chữ; Bác đề nghị mở chiến dịch ba tháng chống nạn mù chữ để học đọc, học viết tiếng quốc ngữ. Ba là phải có một hiến pháp dân chủ và tổ chức Tổng tuyển cử để sớm có Nhà nước Dân chủ Nhân dân hợp Hiến đầu tiên. Bốn là phải giáo dục lại nhân dân, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động; Bác đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH. Năm là bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết).

 

Nhưng sau đó cũng trong năm 1945 tình hình diển biến rất nhanh, nước ta phải đối mặt với muôn vàn gian khó trong nước và thù trong, giặc ngoài …vận mệnh của chính quyền cách mạng non trẻ thời điểm đó như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhìn lại bối cãnh lịch sử bấy giờ nổi lên:

Thứ nhất: trước 9-1945 thời Pháp thuộc từ những năm 80 của thế kỷ XIX, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã chia nước ta thành nhiều vùng (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và một số vùng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Tây nguyên…) nhằm mục tiêu chia cắt lãnh thổ và chia rẽ nội bộ nhân dân ta. Có một số vùng Chính quyền Nhà Nguyễn chỉ là danh nghĩa, mà thực dân Pháp gần như trực tiếp cai trị, điển hình như Tây nguyên (dưới sức ép của Pháp ngày 16-10-1899 vua Đồng Khánh đã ban dụ cho Pháp có toàn quyền tổ chức hành chính và trực tiếp cai trị vùng Tây nguyên).

Thứ hai: quan hệ nội bộ giữa các Dân tộc trên đất nước Việt Nam thời thuộc địa nữa phong kiến: do trình độ phát triển, đặc điểm, tập quán văn hóa – xã hội của các dân tộc khác nhau và do sự hạn chế của lịch sử phát triển bấy giờ, chỉ người Kinh (người Việt) mới được coi là “thần dân” “chính danh” của nước Việt, còn các dân tộc thiểu số chỉ là “thần dân hạng hai” hoặc bị gọi là “mọi”, “man di”, hoặc “chư hầu”…Không ít nơi quan hệ giữa các dân tộc thiểu số với nhau cũng xãy ra mâu thuẩn, xung đột… Tư tưởng kỳ thị, định kiến, mặc cảm, tự ti trong quan hệ giữa các dân tộc còn nặng nề.

Thứ ba: năm 1945 kinh tế nước ta chủ yếu là nông nghiệp tự sản tự tiêu, nghèo nàn lạc hậu, lại vừa mới hứng chịu nạn đói 1945 làm chết hơn hai triệu người. Trong khi đó trình độ dân trí rất thấp (hơn 90% dân số mù chữ). Cơ sở hạ tầng xã hội yếu kém… Việc đi lại, giao thương và thông tin liên lạc giữa các vùng, miền, nhất là từ đồng bằng lên miền núi vô cùng khó khăn, trắc trở.

Thứ tư: sau 2- 9-1945, lấy cớ vào tiếp quản giải giáp sự đầu hàng của quân đội phát xit Nhât, ở phía Bắc hơn hai mươi vạn quân Tưởng (Trung quốc), ở phía Nam liên quân Anh và Pháp tràn vào nước ta. Trong đó thực dân Pháp sớm bộc lộ dã tâm quyết tâm chiếm nước ta lần nữa (23-9-1945 Pháp nổ súng ở Sài Gòn và sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Bộ, chúng tự thành lập “Nam kỳ quốc” thuộc địa của Pháp).

Thứ năm: các thế lực tàn dư phong kiến và bọn phản động trong nước nổi lên như nấm, liên kết và làm tay sai cho các lực lượng nước ngoài (nhiều nhất cho Pháp và quân Tưởng) ra sức chống phá hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân ta.

Ở thời điểm này: dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước tập trung “diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.

Thứ sáu: Dân số nước ta khoảng 25 triệu người, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10%. Đồng bào Kinh cư trú tập trung ở đồng bằng và một số trung tâm tỉnh lỵ. Các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng biên giới và Đồng bằng sông Cửu Long, là những vùng có vị trí chiến lược trọng yếu (là những căn cứ địa cách mạng của cả nước) trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bấy giờ.

Đặc điểm phát triển xã hội của các dân tộc thiểu số bấy giờ, vai trò người uy tín rất quan trọng, họ thực sự có uy, có lực trong cộng đồng dân tộc mình. Tiếng nói của họ có sức mạnh kêu gọi, thu hút đồng bào mình nghe và làm theo.

 Trước tình hình vô vàn khó khăn, thách thức lớn rất nghiêm trọng trên và do sự thấu hiểu đặc điểm, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số, Đảng ta và Bác Hồ đã quyết định chủ trương tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là quyết định lịch sử rất đúng, rất trúng, rất kịp thời, rất sáng tạo của Đảng ta và Bác Hồ. Nhưng do việc đi lại và tổ chức bấy giờ rất khó khăn, nên Trung ương chủ trương tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai vùng phía Bắc và phía Nam của đất nước.

 

Đại hội các Dân tộc thiểu số phía Bắc được tiến hành 3-12-1945 tại Tuyên Quang. Bác Hồ đã có thư gởi Đại hội (tạm gọi tắt: lá thư thứ nhất) Bác đến dự và phát biểu tại Đại hội…

  Thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku vào ngày 19-4-1946 (tạm gọi tắt: lá thư thứ hai) chỉ hơn nữa trang giấy với khoảng gần 300 từ, lời văn giản dị, mộc mạc, rất dể hiểu nhưng nổi lên rất rỏ tư tưởng rất mới, rất vĩ đại không chỉ của Việt Nam, mà có một không hai của tất cả các Quốc gia Dân tộc trên thế giới đương thời (1946) về quan hệ giữa các dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc với Tổ quốc và Nhà nước.

 

Mặc dù chưa lần nào đến Tây nguyên và chưa trực tiếp tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số phía Nam, nhưng bức thư Bác viết gửi Đại hội rất chứa chan tình cảm thân thương với đồng bào các dân tộc thiểu số. Mở đầu bức thư, Bác viết “Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà, thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Từ “lòng tôi”, “gần gũi” trong đoạn văn này đã thật sự rút ngắn mọi khoảng cách từ địa lý đến vị trí xã hội giữa Bác với Đại hội mà phía sau đó là cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Nam, Tây Nguyên.

 

 Nếu như trong diễn văn khai mạc (cũng là lá thư thứ nhất) tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số phía Bắc ngày 3-12-1945, Bác nói: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa”; thì ở lá thư thứ hai Người viết:“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Có hai điểm chú ý:

Thứ nhất: đọc lá thư thứ nhất Bác gởi…mọi người có thể hiểu có “hai nhóm” dân tộc ở Việt Nam trong câu: “các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa.”

 

Nhưng đến lá thư thứ hai, Bác gọi chung tất cả các dân tộc: “Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Thế gới đương thời chưa có nguyên thủ quốc gia nào nói vậy với các dân tộc ở nước họ.

Thứ hai: lá thư thứ nhất, Bác giao 4 nhiệm vụ cho các dân tộc thiểu số:

“1- Đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng.

2- Hết sức tăng gia sinh sản.

3- Ra sức cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói và ủng hộ Chính phủ để kháng chiến và cứu đói.

4- Gây sự thân thiện giữa ta và Trung Quốc, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới Việt Nam và Trung Quốc.”

 

Lá thư thứ hai Bác không giao nhiệm vụ riêng cho các dân tộc thiểu số, mà xác định rỏ trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam: “Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.”

 

Đặc biệt, lần đầu tiên của lịch sử Việt Nam, người đứng đầu Nhà nước tuyên bố, khẵng định với tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam:

“Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta.”. Như vậy Bác đã tuyên bố khẳng định với các dân tộc thiểu số là: Dân tộc chủ thể của nước Việt Nam mới là tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nhìn ra thế giới đương thời (1946) ta chưa thấy có ở nước nào (vì đến ngày nay còn không ít quốc gia kể cả các cường quốc và nước lớn vẩn xác định về “dân tộc chủ thể” của quốc gia đó).

Tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ qua lá thư gởi đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam là: các dân tộc bình đẵng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đở nhau cùng bảo vệ đất nước, cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho tất cả các dân tộc.

 

Qua 14 năm chuyên làm công tác dân tộc ở Trung ương được đến mọi vùng miền của đất nước, tôi mới cãm nhận sâu sắc hơn tư tưởng của Bác Hồ đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cũng có thể khẳng định một điều: tư tưởng, tình cảm của Bác trong lá thư này chính là kim chỉ nam định hướng lớn những chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta trong suốt 74 năm đến nay.         

Qua đọc một số bài nói chuyện sau này của Bác cho thấy: tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ về Dân tộc Việt Nam và quan hệ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam là:

Việt Nam là Quốc gia đa dân tộc; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, yêu thương và giúp đở nhau. Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một. Tổ quốc Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là của toàn thể các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nhà nước có trách nhiệm đãm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc; tăng cường cũng cố đại đoàn kết toàn dân tộc và chăm lo tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên tiến bộ cùng cả nước.

Quang nhảnh Đại hội

 

Lịch sử hơn 70 năm qua đã chứng minh sinh động tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và Đảng ta là rất chân thực, rất đúng đắn, rất nhân văn, rất trong sáng thủy chung với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chính vì vậy, Bác Hồ và Đảng ta mãi mãi là ngọn cờ, là trung tâm tập hợp đoàn kết toàn Dân tộc Việt Nam. Cả Dân tộc đoàn kết, thống nhất, đó chính là sức mạnh vô địch vĩ đại nhất. Để kết thúc bài viết này tôi xin trân trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu:

Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết,

Thành công thành công đại thành công.

          Ksor Phước, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Chủ tịch HĐDT của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1455

Tổng số lượt xem: 4587897