Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Minh Long quyết tâm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

25/12/2020 08:34    484

Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị tập huấn cho cộng đồng để nâng cao nhận thức

Huyện Minh Long tập trung công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (Đề án). 5 năm qua (2016 - 2020) Minh Long đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như sau:

 

Đặc điểm kinh tế xã hội

Huyện Minh Long có diện tích là 23.923,43 ha; có 5 xã; dân số toàn huyện: 19.078 nhân khẩu với 5.167 hộ, có 2 dân tộc chủ yếu sinh sống là Kinh và Hrê, trong đó: dân tộc Hrê là 14.492 khẩu với 3.979 hộ (chiếm 76%) và dân tộc Kinh là 4.586 khẩu (chiếm 24%); người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp. Hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) có 510 hộ/565 hộ nghèo toàn huyện, chiếm tỷ 94,44%; hộ cận nghèo 45 hộ/72 hộ cận nghèo toàn huyện chiếm tỷ lệ 65,21 %.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền nên tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, vùng đồng bào DTTS có bước phát triển về nhiều mặt; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, Quốc phòng - An ninh, trật tự - an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững mạnh, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội vùng DTTS có những chuyển biến tích cực; Trạm y tế, nhà văn hóa, trường học ngày càng được xây dựng hoàn thiện; số trạm y tế, trường, lớp học đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ngày tăng.

Tiết mục “ Hãy nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tham gia Hội thi tuyên truyền

Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Nữ chưa đủ 18 tuổi mà lấy chồng thì gọi là tảo hôn; Nam chưa đủ 20 tuổi mà lấy vợ thì gọi là tảo hôn)

Qua 5 năm (2016 – 2020) toàn huyện đã quyết liệt bằng nhiều giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện Đề án nên tình trạng tảo hôn ngày càng giảm rõ rệt và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, cụ thể: tổng số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện là: 81 cặp tảo hôn, trong đó: năm 2016 có: 236 người kết hôn đúng quy định, có 23 người tảo hôn; năm 2017 có: 204 người kết hôn đúng quy định, có 24 người tảo hôn; năm 2018 có: 172 người kết hôn đúng quy định, có 12 người tảo hôn; năm 2019 có: 182 người kết hôn đúng quy định, có 13 người tảo hôn và năm 2020 có: 228 người kết hôn đúng quy định thì chỉ còn: 09 người tảo hôn. Như vậy giai đoạn 5 năm (2016-2020) có 794 người kết hôn đúng quy định và có 81 người tảo hôn, tỉ lệ tảo hôn bình quân chiếm 9,6%

Lãnh đạo huyện và đông đảo Nhân dân trong vùng đến xem và cỗ vũ Hội thi

Nguyên nhân phổ biến của tình trạng tảo hôn

Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế dẫn đến việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên nên tình trạng trẻ em bỏ học yêu sớm và kết hôn sớm.

Quan điểm về đời sống của con người trong thời buổi hiện nay được xem là cởi mở hơn, đơn giản hơn, không bị gò bó bởi thành kiến đạo đức ngày xưa; các hình phạt của “Luật làng” theo phong tục khi quan hệ tình dục trước hôn nhân ở một số nơi đã bị hạn chế hoặc mất tác dụng. Tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới.

Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn và cận huyết thống.

Kết quả triển khai thực hiện Đề án

1. Quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 38-KH/HU ngày 12/4/2017 về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giới tính, ngăn ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”;

UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng Thành viên, cơ quan phụ trách, Phòng Dân tộc huyện là cơ quan Thường trực; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cả giai đoạn 2016-2020; hàng năm UBND huyện đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và có nhiền văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giám sát việc thực hiện.

Cấp xã cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân và từng thôn, khu dân cư để triển khai thực hiện.

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tổ chức việc Sơ kết thực hiện Đề án tại thành phố Quảng Ngãi

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng

UBND huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tệ nạn tảo hôn và những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức, phong phú, sinh động, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương như: tổ chức Hội thi tuyên truyền; Hội nghị tập huấn, tư vấn, hỗ trợ cho các em trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên, nhằm nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và gia đình theo; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vi phạm về tảo hôn, tổ chức tảo hôn.

Thành lập và thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ chi hội Nông dân, chi hội Phụ nữ vận động gia đình, người thân và Nhân dân nói không với tảo hôn tại các xã có các hội viên tham dự.

Lắp đặt: 64 cụm Pano, áp phích tuyên truyền; cấp phát tờ rơi đến trực tiếp từng thôn, xóm, khu dân cư và từng nhà.

Tổ chức Đội chiếu phim phóng sự và xây dựng chương trình, tiểu phẩm đi thông tin lưu động tuyên truyền tại các thôn, Đài phát thanh phát lại truyền hình lập chuyên mục, tin bài trên sóng phát thanh tuần/02 buổi.

Thành viên Ban Chỉ đạo, các phòng ban, ngành, hội đoàn thể trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp với nhau lồng ghép các hình thức tuyên truyền vận động về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như tổ chức tuyên truyền chuyên đề liên quan đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, treo băng rôn, khẩu hiệu...

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện chọn địa điểm, tổ chức lắp đặt và kiểm tra việc lắp đặt Pano

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá các cơ quan chuyên môn có liên quan và UBND các xã trên địa bàn huyện kết quả triển khai thực hiện công tác tuyên truyền Đề án.

Kiểm tra, giám sát thực trạng về nhận thức và nhu cầu thông tin liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng như Pháp lệnh Dân số, Kế hoạch hóa Gia đình đối với người đồng bào DTTS bằng phiếu điều tra, khảo sát cụ thể theo các mục cần thu thập, điều tra. Sau thu thập thông tin, tiến hành xử lý phân loại, đánh giá một cách toàn diện theo nội dung yêu cầu. Trọng tâm là làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan tồn tại việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và đề ra giải pháp cụ thể.

Thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của xã, bí thư thôn, thôn trưởng, mặt trận thôn… kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức Hội nghị sơ kết kết đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án.

4. Tồn tại, khó khăn

Một số địa phương vẫn chưa chủ động, tích cực trong việc triển khai tuyên truyền vận động, triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện còn chưa quyết liệt, thiếu kiên quyết trong việc xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm.

Cộng đồng, người dân đã được tập huấn, tuyên truyền bằng hình ảnh pano áp phích, nhưng nhận thức của người dân ở vùng sâu vẫn còn hạn chế về nhận thức, tập quán cũ vẫn còng tồn tại nên một số ít bậc cha, mẹ còn ép buộc hôn nhân đối với các em chưa đủ tuổi kết hôn.

 Ông Đinh Kim người có uy tín phát biểu về vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thực hiện đường lối chủ trương chính sách nói chung và Đề án nói riêng

5. Nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2025

Xây dựng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2020 – 2025; tăng cường lồng ghép các chính sách, chương trình nhằm tăng hiệu quả thực hiện Đề án.

Tập trung công tác tuyên truyền nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ tảo hôn còn cao, tổ chức tập huấn cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, tư vấn, nói chuyện ngoại khóa, xây dựng bằng hình ảnh, video... tập trung nội dung tác hại của tảo hôn đối với sức khỏe, phát triển thể chất.

Lắp đặt pano ở các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, các trục giao thông nơi đồng bào thường xuyên qua lại, lắp đặt pano, áp phích ở UBND các xã, ở đầu thông, xóm, nhà văn hóa thôn, trường học; phát tờ rơi cho các gia đình, học sinh các trường, bổ sung và đưa vào quy chế của cộng đồng để có cơ sở giáo dục răn đe.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Mở chuyên đề về nội dung tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên Đài Phát thanh - Truyền hình huyện.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn và người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia thực hiện tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao tính chủ động, phòng ngừa và xóa bỏ những thủ tục lạc hậu về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.

                                                                              Hoài Châu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 882

Tổng số lượt xem: 4591236