Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tọa đàm về tình hình sử dụng, dạy và học đối với ngôn ngữ, chữ viết Co và Hrê tại tỉnh Quảng Ngãi

20/04/2022 14:42    417

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Sáng ngày 19/4/2022, tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra buổi tọa đàm về tình hình sử dụng, dạy và học đối với ngôn ngữ, chữ viết Co và Hrê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tham dự buổi tọa đàm, về phía Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng; TS Phan Lương Hùng, Trưởng phòng NC Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số; TS Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Quản lý khoa học cùng với các thành viên trong Đoàn; phía tỉnh Quảng Ngãi có ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Trần Đình Thám, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cùng với đại diện lãnh đạo và các phòng chuyên môn thuộc các sở: Nội vụ, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên; ngoài ra tại buổi tọa đàm còn có mặt của các giảng viên dạy tiếng Co, tiếng Hrê và đại diện tri thức người dân tộc Co và người dân tộc Hrê.

Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu và đánh giá một số vấn đề về chữ viết dân tộc Co và Hrê tại tỉnh Quảng Ngãi, trước đó Đoàn Viện Ngôn ngữ học đã khảo sát thực địa về tình hình sử dụng, nguyện vọng của cư dân Co đối với ngôn ngữ, chữ viết Co tại huyện Trà Bồng và tình hình sử dụng, nguyện vọng của cư dân Hrê đối với ngôn ngữ, chữ viết Hrê tại huyện Sơn Hà.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại

buổi Tọa đàm

Tọa đàm đã nghe GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp trình bày một số vấn đề thời sự về chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Báo cáo kết quả của công tác khảo sát vừa qua tại 02 huyện Trà Bồng và Sơn Hà, đã đề cập một số thay đổi gần đây về cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam cũng như một số vấn đề khác có liên quan đến vấn đề chữ viết các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi như chính sách ngôn ngữ, một số kết quả thực thi chính sách ngôn ngữ đối với chữ viết, một số vấn đề trong xây dựng chữ viết như vấn đề phương ngữ và hiện trạng năng lực của người dân tộc thiểu số đối với chữ viết của dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi Tọa đàm

 

Trong thời gian qua, việc sử dụng, dạy và học ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Co và Hrê tại tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện trên cơ sở Đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy – học tiếng Co cho cán bộ, công chức, viên chức (người Kinh) công tác tại huyện Trà Bồng và huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Trà Bồng chủ trì. Kết quả Đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu ngày 27/12/2016; UBND tỉnh ban hành Công văn số 4796/UBND-NC về việc cho phép Trường Đại học Phạm Văn Đồng sử dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy – học tiếng Co cho cán bộ, công chức, viên chức (người Kinh) công tác tại huyện Trà Bồng và huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi” để xây dựng chương trình dạy – học và thực hiện bồi dưỡng tiếng Co cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Trà Bồng; Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-ĐHPVĐ ngày 04/10/2013, Quyết định số 294/QĐ-ĐHPVĐ ngày 03/9/2019 về việc ban hành Chương trình dạy học tiếng Hrê, tiếng Co để tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi; ngày 19/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4302/BGDDT-GDDT về việc cho phép Trường Đại học Phạm Văn Đồng dạy và cấp chứng chỉ tiếng Hrê và tiếng Co.

TS. Phan Lương Hùng,  Trưởng phòng NC Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số thuộc Viện Ngôn ngữ học phát biểu

 

TS Phan Lương Hùng cho rằng, hiện nay bộ chữ viết của dân tộc Co cũng như của dân tộc Hrê vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều, tuy có sự gần gũi hơn với chữ Quốc ngữ nhưng mặt khác, lại bộc lộ nhiều điểm bất hợp lí, thiếu nhất quán trong việc thể hiện các đặc điểm phát âm, cồng kềnh.

Ông Đinh Cơi, người Hrê ở huyện Sơn Hà, Giảng viên tiếng Hrê

 

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, xoay quanh các nội dung thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả của các bộ chữ viết dân tộc Co và Hrê cũng như yêu cầu việc đồng nhất bộ chữ Co và Hrê vào thành một bộ chữ và cách gõ bộ chữ này trên bàn phím vi tính hiện nay.

Tổng kết buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã đánh giá cao kết quả khảo sát tại 02 huyện cũng như các ý kiến thảo luận, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với công tác này, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của chữ viết các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc cũng như sự cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở tỉnh trong bối cảnh của khu vực và giải quyết những vấn đề thực tiễn của đời sống trong tình hình hiện nay.

Báo cáo của các địa phương sẽ là cơ sở để Viện Ngôn ngữ đánh giá các chính sách sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời có giải pháp để thực hiện các chính sách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều đồng bào DTTS đã quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là việc quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người./.

 

 

Mạnh Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 950

Tổng số lượt xem: 4535438