Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây

05/05/2020 08:27    358

Chiều ngày 05/5/2020, tại UBND xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo UBND xã Sơn Bua.

 

Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây

Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây

Tham gia Đoàn giám sát có các thành viên và đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, các Sở, ngành có liên quan. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Hoàn Hưng, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sơn Bua. Ông Cao xuân Chung, Phó chủ tịch UBND xã đã báo cáo với Đoàn giám sát kết quả thực hiện như sau:

Ông Cao Xuân Chung, Phó chủ tịch UBND xã báo cáo với Đoàn giám sát

Ông Cao Xuân Chung, Phó chủ tịch UBND xã báo cáo với Đoàn giám sát

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND xã Sơn Bua đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Tây (nay là Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tây) và Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh và huyện; đồng thời, tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả.

Kết quả thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP:

Năm 2016: Tuy chưa được cấp kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP nhưng địa phương vẫn giao hơn 455 ha rừng tự nhiên sản xuất cho 49 cá nhân và 05 cộng đồng dân cư bảo vệ quản lý đạt hiệu quả.

Năm 2017: xã Sơn Bua có hơn 3.453 ha rừng; diện tích giao khoán bảo vệ rừng là hơn 1.401 ha, chiếm tỷ lệ 40,5% so với tổng diện tích rừng từ nguồn kinh phí được cấp theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; định mức khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm. Trong đó: Trạm quản lý bảo vệ rừng Sơn Tây theo dõi là 945,56 ha, với 54 hộ nhận khoán; UBND xã quản lý, theo dõi 455,535 ha, với 49 hộ và 05 cộng đồng dân cư nhận khoán, bảo vệ.

Năm 2018: Diện tích giao khoán bảo vệ rừng 1.606,69 ha, chiếm tỷ lệ 46,3% so với tổng diện tích rừng. Trong đó khoán cho hộ gia đình quản lý bảo vệ rừng phòng hộ là 1.318,69 ha, với 66 hộ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; định mức khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm. Bảo vệ rừng sản xuất tự nhiên là 288/445,535 ha với 38/49 hộ và 05/05 cộng đồng đủ điều kiện thành rừng.

Năm 2019: Diện tích giao khoán bảo vệ rừng 1.397,62 ha, chiếm tỷ lệ 39,7% so với tổng diện tích rừng. Trong đó khoán cho hộ gia đình quản lý bảo vệ là 1.397,62 ha, với 69 hộ; từ nguồn kinh phí được cấp theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; định mức khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm.

Các cơ chế chính sách khác như: Hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ; Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy và chính sách tín dụng chưa thực hiện do chưa có nguồn kinh phí.

 Kết quả thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh

Sau khi Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, UBND xã đã triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định Tuy nhiên, các hộ dân không đăng ký trồng rừng chuyển hóa gỗ lớn vì chu kỳ khai thác, hưởng lợi lâu (trên 12 năm) không đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, nên các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này chưa tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

Tồn tại, hạn chế

Nhiều cơ chế, chính sách thiết thực được quy định cụ thể trong Nghị định 75/2015/NĐ-CP nhằm hướng tới mục tiêu là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhưng chưa đi vào cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ và chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn trồng rừng sản xuất, chăn nuôi, …chưa được triển khai thực hiện do không có kinh phí. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng không được hưởng lợi gì dưới tán rừng (vì dưới tán rừng không có lâm sản gì để được khai thác) nên không mấy mặn mà với người có trách nhiệm được giao bảo vệ rừng.

Giải pháp

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân trên địa bàn hiểu rõ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên vận động Nhân dân bảo vệ phát triển rừng, tăng gia sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển nông nghiệp và trồng rừng; khuyến khích hộ dân giành một quỹ đất để trồng cây nguyên liệu gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phục sinh các nguồn nước và tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.

Hàng năm, Trung ương, tỉnh cần bố trí đủ kinh phí cho UBND xã để tổ chức thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định. Tăng định mức khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm quản lý bảo vệ đối với các hộ dân khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của Nhà nước. Giao khoán rừng phải sát với hiện trường để họ nắm rõ mốc giới lô rừng mà Nhà nước giao quản lý bảo vệ. Khen thưởng và động viên kịp thời đối với những hộ có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tốt, đồng thời phải có biện pháp xử lý răn đe đối với những hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng.

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ tại xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây

Sáng cùng ngày 05/5/2020, tại UBND xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo xã Sơn Liên.

Thành viên trong Đoàn giám sát phát biểu

Thành viên trong Đoàn giám sát phát biểu

Tham gia Đoàn giám sát có các thành viên và đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, các Sở, ngành có liên quan. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Hoàn Hưng, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây. Lãnh đạo UBND xã Sơn Liên đã báo cáo với Đoàn giám sát kết quả thực hiện như sau:

Công tác tuyên truyền

UBND xã đã chủ động tuyên truyền, triển khai rộng rãi đến từng thôn, khu dân cư và già làng, người có uy tín, từng hộ dân thông qua các cuộc họp thôn, khu dân cư, truyền thanh của địa phương... biết và hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng thôn, hộ nhận khoán bảo vệ và phát triển có hiệu quả diện tích rừng được giao.

Kết quả thực hiện

Năm 2017: Diện tích giao khoán bảo vệ là 278,10 ha, chiếm tỷ lệ 55,22% so với tổng diện tích rừng, trong đó: khoán hộ gia đình bảo vệ là 278,10 ha, với 20 hộ; Kinh phí thực hiện là  101,970 triệu đồng, định mức khoán hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Năm 2018: Diện tích giao khoán bảo vệ là 359,79ha, chiếm tỷ lệ 76,61% so với tổng diện tích rừng, trong đó: khoán hộ gia đình bảo vệ là 359,79 ha, với 24 hộ; Kinh phí thực hiện là 143,916 triệu đồng, định mức khoán hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Năm 2019: Diện tích giao khoán bảo vệ là 374,62 ha, chiếm tỷ lệ  76,18% so với tổng diện tích rừng, trong đó: khoán hộ gia đình bảo vệ là 374,62 ha, với 25 hộ;  phí thực hiện là 149,848 triệu đồng, định mức khoán hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Ông Đỗ văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh phát biểu

Ông Đỗ văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh phát biểu

 

                                Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 615

Tổng số lượt xem: 4536086