Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi : Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

21/08/2021 09:27    469

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi nên luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

 

Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có nhiều bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 (tính theo giá so sánh 2010) gấp 1,48 lần so với năm 2016, gấp 6,4 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển. Các tiềm lực về con người, tài nguyên từng bước được khơi dậy và phát huy giá trị. Hoạt động văn hóa, thông tin, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới. Kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, bình quân trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm được 4,95% hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế các huyện miền núi phát triển chưa bền vững. Năng suất, chất lượng, giá trị nông sản còn thấp; kinh tế rừng chưa được phát huy đúng mức, phần lớn diện tích rừng trồng vẫn là cây keo. Công tác bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế, tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở một số nơi vẫn còn xảy ra. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Chất lượng giáo dục, trình độ dân trí vẫn còn thấp, đến cuối năm 2020 chỉ có 18,31% trường mầm non, 33,33% trường tiểu học, 30,43% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, chỉ có 69,86% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn trên 25%. Giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2020, vùng miền núi của tỉnh còn 14.136 hộ nghèo và 7.385 hộ cận nghèo. Chỉ có 08/63 xã đạt chuẩn quốc gia về Nông thôn mới.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Kết luận số 65/KL-TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và các Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14; Tỉnh ủy Quảng Ngãi đa ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của miền núi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả toàn diện các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong bối cảnh hiện nay, để đạt dược các mục tiêu về phát kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của các huyện miền núi phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, phù hợp với tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân. Huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên về đất đai, khoán sản…

2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền núi. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, nâng cao năng lực sản xuất của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các dịch vụ sản xuất. Khuyến khích phát triển kinh tế vườn, rừng; kinh tế trang trại, gia trại. Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ theo hướng xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, từng bước thay thế cây keo. Xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho nông sản gắn với việc phát triển du lịch sinh thái ở những nơi có điều kiện phù hợp.

3. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; kêu gọi đầu tư, nhất là các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp với quy mô, trình độ công nghệ thích hợp, sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ. Khuyến khích, tạo điều kiện phục hồi, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống gắn với sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Phát triển các ngành dịch vụ; tiếp tục chú trọng phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện như khu du lịch sinh thái Cà Đam, Nước Trong và các điểm du lịch sinh thái ở Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long,…

4. Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục; đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng dạy và học của trường dân tộc nội trú các huyện. Thực hiện tốt chế độ hỗ trợ kinh phí cho học sinh trong độ tuổi đi học, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Xây dựng Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho vùng miền núi của tỉnh mang tính tổng thể, dài hạn. Quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số cho cả trước mắt và lâu dài; đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định. Tập trung bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng đào tạo cán bộ, học sinh người dân tộc thiểu số gắn với vị trí việc làm. Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Chú trọng đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

5. Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến cơ sở. Tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có năng lực cho các cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên. Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về tiêm chủng mở rộng; chú trọng phòng, chống các loại dịch bệnh, thanh toán các bệnh truyền nhiễm.

6. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; nâng cao chất lượng gia đình, thôn, cơ quan văn hóa gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị văn hóa hiện đại; đồng thời bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.

7. Thực hiệt tốt các chính sách về giảm nghèo và an sinh xã hội. Thực hiện toàn diện, đồng bộ và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào các chính sách của Nhà nước.

8. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh hiệu quả với âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Thường xuyên tuyên truyền, thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện của các Sở ngành và chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số; kinh tế - xã hội ở vùng miền núi của tỉnh trong thời gian sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tương lai.

                                                                                                                                 QUANG BÌNH

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 673

Tổng số lượt xem: 4536843