Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Hội thảo khoa học “Giá trị nguồn dược liệu Ma Gang đối với cộng đồng dân tộc và ngành y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi”

18/03/2021 16:45    495

Quang cảnh Hội thảo

Sáng ngày 16/3/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giá trị nguồn dược liệu “Ma Gang” đối với cộng đồng dân tộc và ngành y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi. Chủ trì Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới; tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND và Phòng Dân tộc các huyện miền núi; ông Trần Văn Mẫn, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã tham dự.

 

 

 

 

 

 

 

 

Các chủng loại Ma gang đang được nghiên cứu tại Quảng Ngãi

Với đề tài khoa học: Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu “Ma gang” ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững”.

Hội thảo đã tập trung vào các nội dung: Phân tích, đánh giá các giá trị tiềm năng của các loài cây “Ma gang” có thể có và có tiềm năng ở Quảng Ngãi; thu thập và hệ thống về thành phần loài, phân loại, phân bố, giá trị sử dụng, các bài thuốc và thành phần cây cỏ sử dụng trong phương thuốc “Ma gang” để xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nội nghiên cứu của đề tài nói trên; thu thập và hệ thống các thông tin về đặc điểm hình thái học của các cơ quan dinh dưỡng và cơ quan sinh sản một số loài cây “Ma gang” trong họ Gừng để xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nội dung nghiên cứu của Đề tài; tìm hiểu đặc điểm họ Gừng qua các đại diện có ở Quảng Ngãi và Việt Nam.

 

Ths Lý Ngọc Sâm, trình bày báo cáo tại Hội thảo

Các nội dung cơ bản được báo cáo tại Hội thảo:

- Tổng quan về đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi (Ths Đinh Mạnh Bình, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi);

- Tri thức bản địa sử dụng sử dụng nguồn cây thuốc Ma gang của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi (Ths Lý Ngọc Sâm, Viện Sinh học Nhiệt đới);

- Tác dụng bảo về gan và hạ lipid máu của các cao chiết từ Ma gang (Ths Nguyễn Hoàng Minh, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh);

- Nghiên cứu quy trình nhân giống cây Gừng gió (Zingiber zerumbet (L.) Roscoe ex Sm.) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (Ths Đỗ Đức Thăng, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh);

- Bảo tồn và phát triển một số loài cây “Ma gang” quý hiếm, có giá trị ở Quảng Ngãi (Ths Lý Ngọc Sâm, Viện Sinh học Nhiệt đới).

 

Ông Đỗ Quyết Dư, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá cao Đề tài và có những đề xuất sau khi Đề tài được nghiệm thu: Cần mở rộng điều tra và thu thập mẫu vật để xác định chính xác tên của các loại “Ma gang” chưa định danh được để mô tả các đặc điểm hình thái của các loài này; cần vận động người dân bảo tồn, nhân giống, trồng đại trà để trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, gia đình; đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các huyện miền núi vận động, tuyên truyền nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của các dược liệu quý, đồng thời phải tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho người dân...

 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ trì buổi Hội thảo, tiếp thu các ý kiến của đại biểu

Thay mặt cơ quan chủ nhiệm Đề tài, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp thu tất cả các ý kiến thảo luận và đề xuất của các vị đại biểu và mong rằng, kết quả của Đề tài là sự mong mỏi của của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung trong việc đại trà hóa nguồn dược liệu quý và trở thành nguồn thu nhập chính trong việc xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương./.

                                                                                                Mạnh Bình

 

 

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 665

Tổng số lượt xem: 4586831