Truy cập nội dung luôn

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

07/06/2022 14:29    175

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, đồng thời còn là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Ngày gia đình Việt Nam (28/6) là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, gia đình được hình thành, phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học… đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự "no ấm, bình đẳng, tiến bộ" mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Nó được thể hiện qua thái độ, hành vi, cách cư xử trong gia đình, trong đó phải đảm bảo các nguyên tắc: Đối với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn và quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới phải biểu lộ thái độ thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ phải hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ chồng phải hoà thuận trên cơ sở tình yêu thương chung thuỷ và sự hiểu biết lẫn nhau.

Thực tiễn đã chứng minh, gia đình yên ấm hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách và bảo đảm cho lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm vun đắp, tham gia xây dựng tổ ấm gia đình, trong đó người vợ, người mẹ có vai trò rất quan trọng. Trong giáo dục con cái phải kết hợp chặt chẽ giữa môi trường "Gia đình - nhà trường - xã hội" thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn.

Xây dựng gia đình mới xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp nhất của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của thời đại về gia đình đó là, phải biết "gạn đục khơi trong" gạt bỏ và hạn chế những yếu tố tiêu cực nhằm tạo sự phát triển của từng gia đình và xã hội, phải dựa trên cơ sở "Hôn nhân tiến bộ" coi tình yêu chân chính là cơ sở tinh thần chủ yếu. Hôn nhân "một vợ một chồng" đồng thời phải xây dựng mối quan hệ bình đẳng, thương yêu, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng với các tổ chức chính trị, xã hội khác, đảm bảo các quyền lợi cho phụ nữ và bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Vì thế, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, bạn hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.

Trong thời đại hiện nay mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng, đề cao tự do cá nhân đang tác động xấu đến đạo đức xã hội và tệ nạn xã hội "tấn công" vào nhiều gia đình ảnh hưởng đến lối sống tốt đẹp trong gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn… ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa. Trong xã hội hiện đại những bữa cơm chung với gia đình ít dần; bố mẹ lúc rảnh thì cắm cúi với điện thoại, mạng xã hội, lũ trẻ dán mắt vào tivi, máy tính bảng... Mối liên kết giữa ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc ngày càng lỏng lẻo, ảnh hưởng tới không khí ấm áp, vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình.

Bữa cơm gia đình giúp gắn kết các thành viên.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, cùng nhau gắn kết bằng các hoạt động mà ngày thường họ bận rộn, không có đủ thời gian dành cho nhau.

Để gia đình thực sự trở thành bến đỗ bình yên, hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hóa, đồng thời tiếp thu được những giá trị cốt lõi của cuộc sống, các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam.

Nguồn: https://www.angiang.dcs.vn/

Trí Nguyễn

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 859

Tổng số lượt xem: 4221574