Truy cập nội dung luôn

Nghiệm thu kết quả đề tài: “Nghiên cứu thực nghiệm mô hình liên kết trồng và tiêu thụ Tam thất bắc (Panax notoginseng (Burk F.H. Chen)) ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi”

29/03/2023 19:03    665

TS.BSCK II Nguyễn Tấn Đức – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ trì buổi nghiệm thu.

Chiều ngày 28/03, Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu kết quả đề tài: “Nghiên cứu thực nghiệm mô hình liên kết trồng và tiêu thụ Tam thất bắc (Panax notoginseng (Burk) F.H. Chen) ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi” do Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại chủ trì thực hiện, ThS. Vũ Thị Vân Phượng và ThS. Phạm Thị Tươi là đồng chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá đúng khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả của cây Tam thất bắc làm cơ sở cho việc sản xuất hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi; Xây dựng mô hình liên kết trong việc trồng, sơ chế và bao tiêu sản phẩm hàng hóa từ cây dược liệu Tam thất bắc.

ThS. Vũ Thị Vân Phượng đại diện nhóm thực hiện đề tài trình bày tại buổi nghiệm thu.

ThS. Vũ Thị Vân Phượng đại diện nhóm thực hiện đề tài trình bày tại buổi nghiệm thu.

Sau hơn 30 tháng thực hiện, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã Khảo sát đánh giá điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình,… và các điều kiện kinh tế, xã hội và chọn hộ tham gia xây dựng các mô hình ở 3 huyện Ba Tơ, Trà Bồng và Sơn Tây; Lấy mẫu và phân tích 09 mẫu đất, 03 mẫu nước tại nơi dự kiến xây dựng mô hình liên kết trồng Tam thất bắc thương phẩm; Chọn hộ dân tham gia xây dựng các mô hình liên kết trồng và tiêu thụ Tam thất bắc tại 3 huyện (Ba Tơ, Sơn Tây và Trà Bồng) tỉnh Quảng Ngãi với Mô hình trồng dưới tán rừng 1.000 m2, Mô hình trồng dưới giàn che 500 m2 và Mô hình trồng trong vườn hộ 1.000 m2; Xây dựng mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ Tam thất bắc giữa cơ quan chủ trì đề tài, người dân sản xuất, Doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ; Phân tích chất lượng dược liệu Tam thất bắc tại các mô hình trồng; Hoàn thiện 06 hướng dẫn kỹ thuật canh tác Tam thất bắc trong các điều kiện khác nhau và 01 Hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, chế biến dược liệu Tam thất bắc; tổ chức đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc Tam thất bắc tại Bắc Hà, SaPa - Lào Cai; đã đào tạo 12 kỹ thuật viên cơ sở; 03 lớp tập huấn với 50 lượt người tham gia; Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư thương mại đã tham gia một số hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm từ cây tam thất bắc…

Cây Tam thất bắc được triển khai trồng ở một số hộ dân tỉnh Quảng Ngãi

TS. BSCK II Nguyễn Tấn Đức – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đi kiểm tra thực tế mô hình trồng cây Tam thất bắc tại một số hộ dân tham gia thực hiện đề tài.

Hội đồng nghiệm thu kết quả đề tài đã tham gia phản biện, ý kiến về các nội dung đã thực hiện của đề tài, đồng thời yêu cầu cơ quan Chủ trì và Chủ nhiệm đề tài làm rõ một số vấn đề của các thành viên Hội đồng đưa ra; bổ sung các nội dung để hoàn thành báo cáo tổng kết.

Với mục tiêu của đề tài, sản lượng củ Tam thất bắc khô (sau 3 năm trồng) dự kiến đạt trung bình 2000 kg/ha, sản lượng nụ hoa Tam thất tươi dự kiến 400 kg/ha. Tuy nhiên,  trên thực tiễn đề tài chỉ thu hoạch được 97 kg nụ hoa tam thất và sơ chế, chế biến được 120 hũ trà hoa tam thất loại 100 g. Thu hoạch được 150 kg củ tam thất, sấy khô được 30 kg củ.

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả đề tài đã thực hiện.

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả đề tài đã thực hiện.

 

Theo giải trình của nhóm thực hiện đề tài, nguyên nhân chủ yếu do mô hình liên kết trồng Tam thất bắc dưới giàn che ở Ba Tơ sau khi trồng, gặp thời tiết nắng nóng, nguồn nước tưới khan hiếm, bên cạnh đó năm 2020 cơn bão số 9 gây sập đổ giàn che, cây Tam thất bắc bị dập nát, gẫy thân, gây hỏng mất 40% cây Tam thất bắc nên tỷ lệ cây chết của cây Tam thất bắc trong năm 2020 lên đến 77,5 - 78,0%. Sang năm 2021, tỷ lệ cây chết giảm, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn cao (60,0%) do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài liên tục, không chủ động được nguồn nước tưới (năm 2021 vùng trồng vẫn chưa có lưới điện Quốc Gia), kiến đỏ phá hoại. Năm 2022, mặc dù đã tìm biện pháp để phòng trừ kiến đỏ, tìm biện pháp khắc phục vấn đề nước tưới, tỷ lệ chết giảm xuống, tuy nhiên vẫn có 30% tỷ lệ cây chết do nắng nóng và kiến đỏ phá hoại. Vì vậy đề tài không tính năng suất củ ở mô hình Ba Tơ.

Với những nội dung thực hiện chưa đạt được của đề tài, Hội đồng đã nghiệm thu với kết quả đánh giá Không đạt.

Quốc Dương

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 979

Tổng số lượt xem: 4235601