Truy cập nội dung luôn

Phòng chống dịch cúm A (H5N8)

20/12/2021 11:03    341

Dịch cúm A (H5N8) tại tỉnh Quảng Ngãi được ghi nhận lần đầu tiên vào cuối tháng 11/2021, tại một hộ dân ở thôn Đông Yên 1 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) và tiến hành tiêu hủy đàn gà 800 con. Và mới đây vào ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã tiến hành tiêu hủy đàn gà hơn 1.395 con của hộ ông Phan Văn Đủ và hộ ông Nguyễn Dồi ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh có triệu chứng chứng sốt, bỏ ăn, xù lông, ỉa chảy, ho, sưng phù đầu và mặt, mào, tích thâm tím, xuất huyết ở chân, đi lại khó khăn.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để ngăn ngừa nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng, cần tăng cường các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh:

1. Đối với người chăn nuôi gia cầm

* Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, gồm các biện pháp sau đây:

- Cách ly:

Khi thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi sẽ góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại. Cách ly gia cầm từng lứa tuổi, giữa các đàn vật nuôi, giống vật nuôi và môi trường xung quanh.

Đối tượng cần kiểm soát là giống gia cầm nhập nuôi, con người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, chất độn chuồng, động vật khác…

- Vệ sinh làm sạch

Vệ sinh làm sạch chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp rất hiệu quả trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.

Loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường, trần nhà,... Khi tất cả các chất bẩn bị loại bỏ, sẽ không còn các chất hữu cơ để nuôi dưỡng và chứa mầm bệnh; 

Việc vệ sinh làm sạch phải được thực hiện thường xuyên vệ sinh trước và sau khi ra vào trại: Phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ; quần áo, giày dép, tay chân; chuồng nuôi...

 - Khử trùng

Khử trừng là một trong 3 nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trai, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi.

Thường xuyên khử trùng phương tiện vận chuyển, quần áo, dụng cụ (bơm, kim tiêm,…) trước khi vào trại

Định kỳ khử trùng chuồng nuôi (cả bên trong và bên ngoài)

Tổng vệ sinh, khử trùng sau khi kết thúc mỗi lứa.

- Chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm đúng kỹ thuật để gia cầm khỏe mạnh.

* Dùng vắc xin phòng bệnh

Bệnh cúm gia cầm độc lực cao do vi rút gây nên, không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bên cạnh công tác CN ATSH, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là giải pháp tối ưu. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho GC, cần chú ý:

Chủ động tiêm vắc xin phòng CGC theo đúng lịch trình và dịch tễ của từng vùng, loại vắc xin có thể tham khảo thú y địa phương (H5N1 hay H5N6...). (theo OIE chủng virus CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus CGC A/H5N6).

Tuân thủ đúng lịch dùng vắc xin phòng các bệnh đúng thời gian, quy cách. Liều sử dụng, đường đưa vắc xin đúng theo chỉ định của nhà sản xuất và hướng dẫn của thú y địa phương. 

Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương để kịp thời xử lý.

2. Đối với những người buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm

Chỉ thu mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, không mắc bệnh và bán ở những khu vực được phép trong chợ;

Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm;

Rửa sạch giày dép, thay quần áo, rửa sạch và khử trùng phương tiện, dụng cụ nhốt gia cầm hoặc chứa sản phẩm gia cầm khi rời khỏi chợ.

3. Đối với cộng đồng

Chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh.

Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm;

Nấu chín kỹ thức ăn (thịt gia cầm và trứng), đặc biệt không ăn sống, tái (tiết canh, thịt, trứng tái...);

Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm.

Tránh tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết.

Nếu tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp.

Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương

Ngọc Phương

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 596

Tổng số lượt xem: 4152680