Truy cập nội dung luôn

Trồng đậu phụng, mè đen để “né” hạn mang lại hiệu quả cao

14/02/2022 10:34    598

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài gây hạn hán trên diện rộng trong vụ Hè Thu. Do đó những vùng trồng lúa chuyên canh trước đây không còn phù hợp, cần có những loại cây trồng chịu được nắng hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con nông dân chuyển hướng cây trồng cạn trên những chân ruộng không chủ động nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả. Trăn trở với điều đó, vụ Hè Thu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi nền canh tác 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa Đông Xuân + 1 vụ lạc (đậu phụng) và vừng (mè) vụ Hè Thu cho hiệu quả kinh tế cao.

Người dân thôn Phú Châu, xã Hành Đức  thu hoạch đậu phụng.

Người dân thôn Phú Châu, xã Hành Đức thu hoạch đậu phụng.

Mô hình trồng đậu phụng giống L14 tại xứ đồng Cửa Đình, thôn Phú Châu, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trên diện tích 10ha, với 77 hộ nông dân tham gia. Giống đậu phụng L14 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và sâu bệnh hại, trồng đậu phụng giống L14 trên nền đất lúa giảm được từ 4 – 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phụng giảm 1/3 so với trồng lúa, năng suất đạt gần 29,5 tạ/ha, lợi nhuận bình quân hơn 22,6 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí và công lao động).

Ông Hồ Quang Út, Trưởng thôn Phú Châu, xã Hành Đức cho biết: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt gần 5 triệu đồng/ha, trong khi trồng đậu phụng giống L14 lại cho lợi nhuận trên 22,6 triệu đồng, tính ra trồng đậu phụng cho lãi cao hơn gấp gần 4,6 lần so với trồng lúa. Hiện nhu cầu sử dụng dầu đậu phụng rất cao nên đầu ra của đậu phụng rất ổn định. Không những thế, trồng đậu phụng trả lại cho đất nguồn dinh dưỡng, thân cây đậu phụng sau khi thu hoạch được tận dụng làm phân xanh.

Ông Nguyễn Kim, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phụng trên xứ đồng Cửa Đình vui mừng chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia mô hình với 6 sào trồng đậu phụng (500m2/sào) giống L14, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch phơi khô được 147 kg/sào, với giá bán 29.000 đồng/kg, gia đình thôi thu được gần 25,6 triệu đồng. So với trồng lúa thì trồng đậu phụng cho lãi cao hơn nhiều và đầu ra dễ tiêu thụ".

Ông Tạ Ngọc Tiên, Bí thư Chi bộ thôn Phú Châu, xã Hành Đức tham gia mô hình với 02 sào trồng đậu phụng giống L14 nhận định: Giống đậu phụng L14 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cấp rất đạt yêu cầu, đậu giống có vỏ mỏng, nhân chắc rất ít lép, tỷ đậu nhân/đậu vỏ trên 72%, tỷ lệ nảy mầm đạt gần 100%. Thời tiết vụ Hè Thu năm nay tuy nắng nhiều nhưng giai đoạn nuôi trái có mưa đất đủ ẩm nên cây đậu phát triển rất tốt, năng suất đậu phụng khô bình quân đạt gần 150 kg/sào, đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Mô hình "Trồng mè đen trên chân đất lúa thiếu nước tưới” được triển khai ở vụ Hè Thu tại xứ đồng Ruộng Vườn, thôn Đồng Miếu, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành và xứ đồng Sũng Quê, thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn trên tổng diện tích 10ha, với 86 hộ nông dân tham gia.

Giống mè đen có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 75 – 80 ngày, chiều cao cây từ 95 – 100 cm, khả năng phân cành trung bình 3 – 4 cành/cây, độ cao đóng trái thấp khoảng 30 – 35cm, không đổ ngã. Nhiều quả (bình quân trên 56 quả/cây), dạng trái dài, lớn, có 4 múi, các trái đóng sít nhau trên đốt thân, cành. Mè đen có khả năng sinh trưởng, phát triển ổn định trong điều kiện khô hạn do có tính chịu hạn khá nên rất phù hợp trồng trên các vùng đất thiếu nước tưới vụ Hè Thu.

Ông Đặng Sơn ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia mô hình trồng được 2,2 sào (500 m2/sào ) giống mè đen, thu hoạch được gần 120 kg hạt mè khô, với giá bán 50 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu được gần 6 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (bao gồm cả công lao động) thì gia đình tôi còn lãi 2,7 triệu đồng cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Ông Lê Đức Khải ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn cho biết: Gia đình tôi trước đây trồng 2,8 sào lúa, nhưng trong vụ Hè Thu, vùng đất này thường bị khô hạn, thiếu nước tưới vào cuối vụ nên năng suất lúa rất thấp. Năm nay, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng mè đen, lúc đầu do chưa nắm được kỹ thuật nên tôi hơi lo lắng, nhưng sau đó được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi tập huấn kỹ thuật trồng mè đen, trong suốt vụ trồng tôi áp dụng đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn. Đến cuối vụ, gia đình tôi thu được gần 150kg hạt mè đen khô, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, gia đình còn lãi 3,5 triệu đồng”.

Mô hình trồng mè đen trên xứ đồng Sũng Quê, thôn Trung An, xã Bình Thạnh.

Mô hình trồng mè đen trên xứ đồng Sũng Quê, thôn Trung An, xã Bình Thạnh.

Còn ông Mai Thanh Bình ở thôn Đồng Miếu, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành tham gia mô hình trồng mè đen trên diện tích 02 sào (1.000m2) cho biết: “Vùng đất này trước đây thường bị bỏ hoang vì không thể canh tác được do thiếu nước tưới trong vụ Hè Thu, nhưng năm nay được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây mè đen, mặc dù thời tiết nắng nóng, không có mưa giai đoạn cây con nhưng khi cây mè có trái thời tiết có mưa, đất đủ ẩm nên cây mè đen sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 50kg hạt khô/sào, với giá bán 50.000đồng/kg, người dân có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/sào.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thiếu nước tưới sản xuất kém hiệu quả trong vụ Hè Thu sang trồng các loại cây trồng cạn như đậu phụng, mè đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, tận dụng công lao động nông nhàn, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời giảm áp lực lượng nước tưới do những loại cây trồng này có thể tiết kiệm 40 – 50% lượng nước tưới khi vào vụ sản xuất. 

Đây là những cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm gần đây. Mô hình được đánh giá là điểm sáng để các vùng khác có cùng điều kiện học tập, ứng dụng và nhân rộng.

Theo Bản tin KH&CN số 06-2021.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 930

Tổng số lượt xem: 4153946