Truy cập nội dung luôn

“Cánh tay robot cho người khuyết tật” Sáng chế nhân văn vì cộng đồng.

22/04/2020 08:37    691

Với mong muốn giúp đỡ người khuyết tật, anh Ngô Văn Dết, cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã chế tạo thành công “cánh tay robot”, nhằm hỗ trợ vận động hàng ngày cho người khuyết tật trở nên dễ dàng hơn mà không đòi hỏi phải mất nhiều chi phí.

Chứng kiến người bị khuyết tật về tay ở xung quanh mình gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt, trong khi các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật có giá thành tương đối cao, những người dân quê có mức thu nhập thấp thì rất khó tiếp cận được sản phẩm, anh Ngô Văn Dết đã nảy ra ý tưởng chế tạo “Cánh tay robot cho người khuyết tật”. 

Để sản xuất ra robot này, anh Dết đã mất 8 tháng để mày mò, chế tạo. Ban đầu, việc chế tạo gặp nhiều trở ngại khi sử dụng cảm biến cơ vì các ngón tay robot không thể nắm giữ được đồ vật như ý muốn. Anh Dết đã sử dụng nhựa in 3D, làm khung cánh tay và bàn tay, điều khiển bằng bo mạch vi xử lý arduino và động cơ servo kết hợp cảm biến áp suất.

Công nghệ scan 3D scan bàn tay thật của người khuyết tật, anh Dết đã chép mẫu quét bàn tay trái để làm cơ sở dữ liệu thiết kế bàn tay phải. Sau khi thu hình ảnh bàn tay, ngón cái sẽ được tách riêng để thiết kế lại cho phù hợp với chức năng đóng mở, các ngón tay sẽ được chia làm hai đốt, sau đó lắp ghép lại để tạo thành các chuyển động. Lòng bàn tay sẽ có 5 khớp để kết nối với 5 ngón tay.

Ông Lê Quang Trọng thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành dùng cánh tay robot thực hiện các thao tác trong sinh hoạt hàng ngày.

Ông Lê Quang Trọng thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành dùng cánh tay robot thực hiện các thao tác trong sinh hoạt hàng ngày.

Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật được chế tạo dựa trên nguyên tắc điều khiển bằng cảm biến áp suất. Sản phẩm cánh tay robot gồm 2 phần chính: Cánh tay và cảm biến ấp suất. Cánh tay có cấu tạo, hình dạng mô phỏng theo cánh tay người thật, có thể chuyển động một cách linh hoạt với các chuyển động cơ bản của ngón tay như cầm nắm, co duỗi. Cảm biến áp suất sẽ được kết nối vào bắp tay của người khuyết tật. Khi người khuyết tật cử động cơ bắp thì cảm biến sẽ ghi nhận, xử lý tín hiệu sau đó truyền đến arduino để xử lý. Sau đó, servo sẽ quay kéo dây tại các ngón tay nắm lại. Tùy vào độ to nhỏ của vật mà người khuyết tật tác dụng một lực nhất định vào cảm biến đủ để các ngón tay có thể nắm chắc được vật. Khi không có áp lực tác dụng lên cảm biến thì servo quay ngược lại vị trí ban đầu và các ngón tay sẽ mở ra.

Sau thời gian nghiên cứu, thiết kế và chế tạo qua nhiều lần thử nghiệm, cánh tay rốt dành cho người khuyết tật hiện nay có các chức năng không hề thua kém các bàn tay trên thị trường nước ngoài, nhưng với giá thành thấp hơn nhiều chỉ khoảng 3 triệu đồng), tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các gia đình, các cá nhân có thể tiếp cận sản phẩm này. Cánh tay robot có thể coi như là một trợ thủ đắc lực cho những người khuyết tật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khi có thể giúp họ thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật như chai nước, ly trà... theo sự điều khiển của người sử dụng, giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với cuộc sống.

Trong vòng 1 năm qua, kể từ thực hiện thành công cánh tay robot này, nhóm tác giả đã cung cấp cho nhiều người khuyết tật sử dụng và đã nhận được sự đánh gía cao của người sử dụng.

Với tính độc đáo và nhân văn, “Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật” của Ngô Văn Dết đã giành giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 11 (2018-2019) và giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 1 năm 2019.

ANH KHUÊ

Theo Bản tin KH&CN số 01/2020.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 604

Tổng số lượt xem: 4152473