Truy cập nội dung luôn

Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống trầm cảm ở người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi

29/03/2022 15:07    529

Qua 3 năm triển khai, đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi” đã đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Tp Quảng Ngãi, giúp người bệnh vượt qua những vấn đề về tâm lý, ổn định cuộc sống, hòa nhập cùng gia đình và xã hội.

Người cao tuổi (NCT) là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm. Theo số liệu nghiên cứu trong nước, tỷ lệ NCT mắc bệnh trầm cảm chiếm khoảng 10-40% trong cộng đồng. Hiện nay, tại các địa phương trong cả nước vẫn chưa có mô hình can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở NCT khả thi nào được thống nhất ứng dụng. Từ thực tế đó, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng đã thực hiện đề tài KH&CN: “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống trầm cảm ở người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi”.

Chi hội người cao tuổi tổ dân phố Liên Hiệp 2C,  phường Trương Quang Trọng tổ chức tuyên truyền  nội dung về phòng chống bệnh trầm cảm cho người  cao tuổi đến hội viên.

Chi hội người cao tuổi tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng tổ chức tuyên truyền nội dung về phòng chống bệnh trầm cảm cho người cao tuổi đến hội viên.

Đề tài được triển khai từ tháng 4.2019 tại 4 xã/phường của thành phố Quảng Ngãi, gồm xã Tịnh Thiện, xã Nghĩa Dũng; phường Lê Hồng Phong và phường Trương Quang Trọng. Để xác định số lượng NCT có dấu hiệu trầm cảm, đề tài đã tiến hành điều tra, sàng lọc từ thang đánh giá trầm cảm (GDS-15) và khám y tế các dấu hiệu lâm sàng về trầm cảm từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần- Bệnh viện tâm thần cho trên 1.572  NCT. Kết quả sàng lọc cho thấy, có 109 người  NCT có dấu hiệu trầm cảm, chiếm tỷ lệ 6,9%. Trong đó, có 83 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức nhẹ (chiếm 5,3%); có 25 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa (chiếm 1,5%) và 01 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức nặng (chiếm 0,1%).

Trên cơ sở thực trạng trầm cảm ở NCT tại thành phố Quảng Ngãi, đề tài đã xây dựng mô hình can thiệp cộng đồng phòng chống trầm cảm ở NCT và đã hình thành Tổ Dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT phòng chống trầm cảm đặt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi và thành lập hai Tổ cộng tác tại cộng đồng đặt tại Trạm Y tế xã Tịnh Thiện và Trạm Y tế phường Trương Quang Trọng. Nhiệm vụ của tổ Dịch vụ là tiếp nhận, tư vấn hỗ trợ cho NCT có dấu hiệu trầm cảm tại cộng đồng cũng như tham gia các hoạt động can thiệp cộng đồng cho NCT trầm cảm với 03 hoạt động chính là hoạt động thăm khám điều trị tại bệnh viện; hoạt động tổ chức sinh hoạt cộng đồng; hoạt động tư vấn tâm lý cho NCT và người thân NCT tại các cơ sở địa phương thành phố Quảng Ngãi. Trên cơ sở các hoạt động này, đề tài cũng xây dựng 03 bộ tài liệu tập huấn cho nhóm nòng cốt – đây là Bộ tài liệu được xây dựng để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nhận diện bản thân người cao tuổi có nguy cơ trầm cảm về tâm lý và xã hội cũng như hướng dẫn tổ chức các hoạt động cộng đồng cho cán bộ xã phường, cán bộ y tế, chi hội viên người cao tuổi, tổ dân phố, gia đình có người cao tuổi.

Cán bộ chuyên môn của đề tài thăm hỏi người cao tuổi tham gia mô hình.

Cán bộ chuyên môn của đề tài thăm hỏi người cao tuổi tham gia mô hình.

Mô hình can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở NCT tại thành phố Quảng Ngãi được thực hiện từ 10.2020 đến tháng 6.2021 với 49 NCT tham gia; trong đó có 23 NCT tại xã Tịnh Thiện và 26 NCT ở phường Trương Quang Trọng. Qua thăm khám, có 01 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức độ nặng (4,3%), 14 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức độ vừa (28,6%), 34 NCT có biểu hiện trầm cảm ở mức độ nhẹ (69,4%). Nội dung của mô hình là 05 hoạt động trọng tâm “5H”, đó là: Hoạt động nhận thức bản thân; hoạt động khẳng định giá trị bản thân; hoạt động tập thể; hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; hoạt động sàng lọc và can thiệp điều trị.

Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, với các chủ đề như giao lưu, làm quen; chia sẻ, xác định giá trị bản thân; xác định được vai trò và vị trí của bản thân trong gia đình và xã hội; các hoạt động mang tính sáng tạo như hát, làm thơ, vẽ tranh,… NCT được trao đổi, trò chuyện; chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết cá nhân; chia sẻ những bài tập dưỡng sinh hay những bài thuốc dân gian giúp cải thiện giấc ngủ, giảm đau xương khớp, đau đầu, … Ở các buổi sinh hoạt cộng đồng NCT có thời gian thư giãn, vui vẻ, chơi các trò chơi và thể hiện được điểm mạnh của bản thân.

Song song với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, NCT còn được nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên tại địa phương đến thăm hỏi, theo dõi tình trạng sức khỏe và tư vấn tâm lý cá nhân. Hoạt động tư vấn tâm lý cá nhân này vừa là theo dõi sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của NCT, vừa là nơi để NCT có thể chia sẻ những vấn đề, những câu chuyện riêng tư của mình. NCT có thể nói ra những suy nghĩ, lo âu, hay những điều mà họ cảm thấy không hài lòng về cuộc sống. Ở hoạt động tư vấn tâm lý cá nhân, NCT không chỉ cảm thấy mình được quan tâm đến sức khỏe mà còn vui vẻ hơn khi được nói ra những câu chuyện chẳng thể chia sẻ cùng gia đình, bạn bè hay người quen. Hoạt động diễn ra thường xuyên trong tháng giúp tâm trạng NCT cũng thoải mái hơn.

Cán bộ chuyên môn của đề tài thăm hỏi người cao tuổi tham gia mô hình.

Cán bộ chuyên môn của đề tài thăm hỏi người cao tuổi tham gia mô hình.

Bên cạnh các buổi sinh hoạt cộng đồng và tư vấn tâm lý cá nhân, những NCT có dấu hiệu trầm cảm ở mức độ vừa và nặng còn được thăm khám y tế theo chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi. Để đảm bảo NCT tham gia đầy đủ, nhanh chóng và an toàn khi di chuyển, các nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên luôn hỗ trợ đưa đón NCT trong mỗi buổi thăm khám. NCT được khám y tế và cấp thuốc đúng với tình trạng sức khỏe đã giúp NCT cải thiện được một số tình trạng như mất ngủ thường xuyên, lo lắng và cảm giác bất an về sức khỏe.

Theo nhận xét chung của các tổ viên trong Tổ cộng tác tại cộng đồng, sau quá trình can thiệp, hầu hết NCT có những cải thiện rõ ràng về hành vi, suy nghĩ và sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất. NCT tự tin hơn khi chia sẻ câu chuyện, vấn đề, nói lên quan điểm của bản thân với những người xung quanh. Hầu hết những NCT tham gia đều có cải thiện tích cực. Bắt đầu từ sự gặp gỡ còn e ngại dẫn đến thân quen; từ chưa thể nở nụ cười đến cười thật tươi.

Sau thời gian triển khai mô hình can thiệp, kết quả đánh giá dựa trên thang đo GDS-15 và chuẩn đoán lâm sàng của các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi cho thấy, trong số 49 NCT sau khi được can thiệp thì có 19 NCT (39%) có chuyển biến rõ rệt, trở về trạng thái bình thường, 21 NCT (42%) ở mức nhẹ và chỉ còn 9 NCT (18%) ở mức độ vừa, không còn ở mức độ nặng. Điều đó cho thấy, có một sự chuyển biến có ý nghĩa sau quá trình can thiệp cộng đồng phòng chống trầm cảm cho NCT. Qua đó giúp NCT vượt qua được khó khăn trong đời sống tinh thần, hòa nhập với cộng đồng, sống vui và có ích cho xã hội.

Hội viên Chi hội người cao tuổi ở tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng sinh hoạt văn nghệ.

Hội viên Chi hội người cao tuổi ở tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng sinh hoạt văn nghệ.

Với kết quả đạt được, đề tài mở ra bước ngoặt lớn về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NCT, đặc biệt là NCT có biểu hiện rối loạn trầm cảm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của người cao tuổi và đáp ứng các nhu cầu của xã hội.

Theo Bản tin KH&CN số 01-2022

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 895

Tổng số lượt xem: 4154467