Truy cập nội dung luôn

Hiệu quả những mô hình nông nghiệp xanh ở Quảng Ngãi.

04/03/2021 08:41    563

Mô hình sản xuất lúa cao sản trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.

Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 99 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm gần 20% diện tích tự nhiên và đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng chiếm diện tích khá lớn. Với lợi thế này, hàng năm, nông dân trong tỉnh đã đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp xanh đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiện nay mô hình xanh được coi là thế mạnh của ngành nông nghiệp nhằm sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn ngày càng có hiệu quả hơn. Gần đây, tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác giao đất, giao rừng lâu dài cho nông dân, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp xanh. Nhiều dự án, mô hình kinh tế tập thể, hộ gia đình đã được đầu tư phát triển đa dạng theo mô hình xanh, từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch trong tương lai. Nhờ đó nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh dần dần thay đổi tư duy sản xuất để trở thành “người nông dân thông thái” trên cánh đồng. Không chỉ vậy, nông dân còn năng động, sáng tạo nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương thức “quản lý dịch hại tổng hợp” như: “ruộng lúa, bờ hoa”, “vườn rau, bờ hoa”, hoặc sử dụng các chất dẫn dụ côn trùng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho rằng: Hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp xanh được nông dân trong tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nhanh vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đáp ứng sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng. Nhìn lại thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu, có thể nói, những kết quả mà tỉnh này đạt được là không hề nhỏ. Đến giữa năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng 399 cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng, và cánh đồng mẫu trong sản xuất lạc, mía, dưa hấu… với tổng diện tích gần 7.500 ha. Với việc thực hiện canh tác mô hình nông nghiệp xanh trên các cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế đáng kể. Do đó, sản lượng lương thực cây có hạt qua các năm đều tăng. Đối với lúa, cây lương thực chính ở Quảng Ngãi, năng suất bình quân năm 2016 đạt 54,9 tạ/ha, sản lượng 416.313 tấn đến năm 2019 đạt năng suất 59,7 tạ/ha (tăng 8,74%), sản lượng 434.409 tấn (tăng 4,35%)…

Nông dân xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức sản xuất rau sạch.

Nông dân xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức sản xuất rau sạch.

Ði thăm những mô hình nông nghiệp xanh ở một số địa phương, chúng tôi thấy nhiều hộ nông dân đã đầu tư khá lớn về giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều gia đình đã mua sắm máy làm đất, máy gặt lúa và xây dựng chuồng trại chăn nuôi thông thoáng. Nổi bật là mô hình Măng Tây xanh hữu cơ ở xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh), Đức Chánh, Đức Thắng (huyện Mộ Đức) và phường Phổ Hòa (thị xã Đức Phổ). Riêng nông dân xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức với sự sáng tạo trong sản xuất rau sạch bằng cách trồng luân phiên các loại rau và hoa màu xen canh như khi cây ớt vừa thu hoạch đến lứa cuối vụ, nông dân sẽ trồng khổ qua cho thân dây khổ qua leo lên cây ớt. Những quả ớt khô còn sót lại gây mùi nồng cay, hạn chế được một số sâu bọ gây hại, vừa tiết kiệm chi phí làm giàn lại vừa hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cho cây khổ qua, đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trong xã còn tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh cho cánh đồng rau màu của mình, hạn chế sử dụng thuốc BVTV để nâng cao chất lượng nông sản, an toàn cho người tiêu dùng. Với sự phát triển mô hình nông nghiệp xanh, huyện Bình Sơn đã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chú trọng đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đến nay huyện đã được cấp nhãn hiệu đối với cây hành tím, cây nghệ, dầu phụng và xây dựng mã vạch cho cây dưa hấu tham gia thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

Tại huyện Sơn Tịnh, hiện nay nông dân cũng đang tất bật khắc phục “sa bồi, thủy phá” trên cánh đồng sau lũ lụt, chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Trao đổi với chúng tôi, bà con cho biết: Gần đây nhiều nông dân sản xuất theo mô hình “cánh đồng xanh”, gieo sạ giống lúa cao sản và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, ICM, IPM. Huyện tăng cường xây dựng mạng lưới bảo vệ thực vật ở cơ sở nên bà con đã giảm được chi phí sản xuất, hạn chế được sâu bệnh và tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích lúa. Thành công của dự án mô hình nông nghiệp xanh “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả” ở 2 xã Tịnh Đông và Tịnh Giang đã thu hút sự hưởng ứng đồng thuận của nhiều người dân. Đây là dự án cấp quốc gia, đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến với quy trình quản lý phân bón, dịch hại tổng hợp nên vừa giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa tăng chất lượng sản phẩm. Mô hình đã thực hiện trên 160 ha ngô gồm 2 giống CP333 và LVN61, năng suất bình quân đạt trên 71 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.138 tấn. Riêng dự án khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ cũng đã được bà con nông dân hưởng ứng cao. Dự án đã tổ chức xây dựng mô hình vụ Đông Xuân 2019-2020 với tổng diện tích 30 ha lạc, sử dụng các giống lạc LDH09, LDH01, L14, và có 249 hộ ở 5 thôn Thọ Bắc, Thọ Tây, Thọ Nam, Thọ Đông, Thọ Trung tham gia, năng suất bình quân ước đạt 37 tạ/ha…

Bên cạnh chú trọng sản xuất trồng trọt, hiện nay nhiều địa phương cũng quan tâm phát triển chăn nuôi sạch. Nhiều gia đình đã áp dụng chăn nuôi một cách khoa học, quá trình nuôi, chăm sóc chỉ dùng thức ăn từ những nhà sản xuất có uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh đã có những trang trại liên kết với các công ty triển khai chăn nuôi heo sạch như ở xã Tịnh Trà có nông dân Võ Ngọc Sơn, Lê Tự Quốc Tín đã áp dụng phương thức chăn nuôi sạch, hạn chế dịch bệnh, tạo thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình nuôi heo bằng thức ăn thảo dược ở HTX Tân Hòa Phú, xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX được tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Mô hình này có lợi thế là các hộ nuôi tận dụng được các loại thức ăn từ nguyên liệu có sẵn tại nhà như: cám gạo, bột bắp, bột mì phối trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược. HTX chăn nuôi được chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ qui trình tại các hộ chăn nuôi. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nên sản phẩm thịt heo có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chủ trại chăn nuôi Nguyễn Nhiên, xã Nghĩa Lâm đang phát triển mạnh đàn heo sạch.

Chủ trại chăn nuôi Nguyễn Nhiên, xã Nghĩa Lâm đang phát triển mạnh đàn heo sạch.

Từ hiệu quả những mô hình nông nghiệp xanh đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng, chủ lực, từ vùng biển như hành tỏi Lý Sơn, nén Bình Phú, nếp ngự Sa Huỳnh, đến các sản phẩm từ vùng cao như quế Trà Bồng, chè Minh Long, gà kiến và ớt xiêm Sơn Hà…đang dần tiếp cận thị trường hiện đại. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 11 sản phẩm đầu tiên đủ điều kiện công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 đến 4 sao OCOP như nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, tỏi đen Volnaco… Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: Mô hình nông nghiệp xanh đang được các xã đầu tư, nhân rộng, từng bước tạo ra “mỗi xã một sản phẩm”, giúp cho địa phương xác định lợi thế hàng hoá, tập trung cho sản phẩm chính để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu. Với địa phương thuần nông, ven biển thì chúng tôi thấy giá trị nông sản của mình sẽ tăng dần và được khẳng định từ uy tín, tin dùng của thị trường.

Để mô hình nông nghiệp xanh phát triển bền vững, hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi cần  thực hiện các giải pháp đồng bộ, xây dựng mô hình điển hình cho từng lĩnh vực để áp dụng rộng rãi. Thực hiện có hiệu quả mối liên hệ giữa nhà khoa học, người nông dân và doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu, tạo thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm<

Theo Bản tin KH&CN số 06-2020.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 978

Tổng số lượt xem: 4151824