Truy cập nội dung luôn

Hội nghị triển khai dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ canh tác, chế biến và tiêu thụ ớt hàng hoá theo chuỗi giá trị tại huyện Bình Sơn và vùng lân cận”

26/02/2022 16:22    285

Chiều ngày 25/02/2022, Công ty Cổ phần dược và Thiết bị y tế T.W.I tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ canh tác, chế biến và tiêu thụ ớt hàng hoá theo chuỗi giá trị tại huyện Bình Sơn và vùng lân cận”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu Rau quả, các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 3 huyện: Tư Nghĩa, Bình Sơn, thành Phố Quảng Ngãi; Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương, huyện Bình Sơn; Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi và các hộ dân tham gia thực hiện dự án.

Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2143/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng với ông Bùi Đức Chiến và bà Trần Tố Tâm thuộc Công ty Cổ phần dược và Thiết bị y tế T.W.I  có địa chỉ tại thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội cùng đồng chủ nhiệm để thực hiện dự án.

Đại diện cơ quan chủ trì báo cáo triển khai thực hiện dự án.

Dự án được thực hiện trong thời gian 30 tháng từ tháng 12/2021 đến tháng 06/2024, với tổng kinh phí thực hiện là 15.668,1 triệu đồng, trong đó từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh là 2.150 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị chủ trì là 1.341,6 triệu đồng, Hợp tác xã Bình Dương 50 triệu đồng, vốn của người dân là 12.126,5 triệu đồng.

Mục tiêu của dự án là ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ để hình thành mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt hàng hoá theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập của người dân và xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ngãi.

Nội dung chính được dự án thực hiện gồm: Khảo sát, đánh giá thực trạng (canh tác, chế biến, tiêu thụ) và khả năng phát triển ớt hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; hoàn thiện và chuyển giao các quy trình kỹ thuật về canh tác, quy trình kỹ thuật chế biến ớt sấy khô phù hợp với điều kiện của tỉnh; xây dựng mô hình canh tác ớt hàng hoá tại Bình Sơn và vùng phụ cận với quy mô 100 ha, trong đó năm thứ nhất thực hiện quy mô 35 ha (Bình Sơn 32 ha, Tư Nghĩa 02 ha và thành phố Quảng Ngãi 01 ha), năm thứ hai thực hiện quy mô 65 ha (Bình Sơn 62 ha, Tư Nghĩa 02 ha và thành phố Quảng Ngãi 01 ha). Sử dụng giống ớt Đồng Tiền và ANDO 69 của Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát; giống ớt Chánh Phong của Công ty Chánh Phong và giống GL1-6 của Viện Nghiên cứu Rau quả; xây dựng mô hình chế biến (cơ sở chế biến) ớt tại huyện Bình Sơn với diện tích 200 m2; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ ớt hàng hoá tại tỉnh Quảng Ngãi; đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, quảng bá kết quả, nhân rộng mô hình…

Đại biểu tham gia thảo luận, góp ý tại Hội nghị.

Ông Phan Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Qua Hội nghị, đại biểu thống nhất nội dung triển khai thực dự án, đồng thời yêu cầu đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án khi triển khai thực hiện phải tuân thủ theo đúng nội dung thuyết minh của dự án đã được duyệt; hoàn thành và chuyển giao được các quy trình kỹ thuật về canh tác, chế biến ớt hàng hoá để cho người dân áp dụng có hiệu quả. Đối với tỉnh Quảng Ngãi, người dân trồng ớt rất nhiều và kỹ thuật canh tác cây ớt cũng đã được người dân thấu hiểu cho nên vấn đề quan trọng là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, cần phải tính đến phương án xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, ký kết được các hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị hợp tác để đảm bảo về bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho ngừời dân. Đồng thời, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, qua đó tính đến phương án lâu dài để có thể xuất khẩu sản phẩm ớt ra nước ngoài.  

Nguyễn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 794

Tổng số lượt xem: 4152000