Truy cập nội dung luôn

kỹ thuật ươm giống và trồng ớt dưới tán rừng (rừng keo và vườn nhà)

09/12/2020 10:42    2878

Thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển vùng ớt Xiêm rừng tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi”, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã trồng thử nghiệm thành công mô hình trồng ớt xiêm dưới tán rừng trồng keo (rừng chưa khép tán). Kết quả mô hình đã cho hiệu quả kinh tế, năng suất thực thu đạt trung bình 165gam/cây. Ước tính trung bình 500m2 đạt năng suất khoảng 51kg, doanh thu ước tính 7.650.000 đồng/500m2. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật ươm giống và trồng ớt dưới tán rừng (rừng keo và vườn nhà) để bà con có thể tham khảo áp dụng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho gia đình.

1. Kỹ thuật ươm giống 
1.1. Xử lý hạt giống

Trước khi gieo nên xử lý hạt bằng cách ngâm hạt vào trong nước muối pha loãng với nồng độ 0,1% (tức là cứ mỗi lít nước pha vào 1 gram muối), vớt bỏ những hạt bị lép lửng nổi lên trên.
Xử lý hạt ớt bằng nước ấm 3 sôi 2 lạnh (560C) trong 30 phút, hong khô dưới ánh nắng mặt trời, gieo hạt vào bầu đã được xử lý thuốc để ngăn ngừa mầm bệnh, sâu hại tấn công.
1.2. Gieo hạt trên khay
Gieo hạt trên khay xốp hoặc nhựa, kích thước 40cm x 60cm, mỗi khay có từ 40 đến 50 lỗ. Giá thể gồm đất phù sa, than bùn hoặc mùn mục và phân chuồng ủ hoai theo tỷ lệ 2:2:1. Các thành phần giá thể được trộn đều, và lấp đầy miệng lỗ. Mỗi lỗ gieo một hạt.
1.3. Giao hạt trong bầu
Chất liệu làm bầu: Dùng 2 phần đất bột tơi xốp trộn đều với 2 phần phân chuồng đã ủ mục và 1 phần tro trấu, sau đó cho thêm thuốc trừ nấm bệnh, kiến, dế như Zineb, Benlate... tất cả những chất liệu trên được trộn đều với nhau tưới nước cho hơi ẩm rồi cho vào bầu. 
Gieo mỗi bầu 2 hạt giống (để sau này chọn lấy một cây tốt), xếp gọn bầu vào một khu vực, phía dưới rải một lớp trấu mỏng. Khi tưới nước cần tưới phun sương hoặc bằng ô doa. Lưu ý gieo thêm khoảng 5% so với kế hoạch để sau này có cây để trồng dặm.
1.4. Gieo hạt trên luống
Đất làm luống ươm phải tốt, có lưới che nắng, nếu không cây giống sẽ yếu ớt, khi trồng ra ruộng, gặp nắng cây giống sẽ bị ảnh hưởng ở giai đoạn đầu.
Chiều rộng của luống từ 1 – 1,2m, chiều dài tuỳ thuộc vào diện tích vườn, khoảng cách giữa các luống tối thiểu 40cm để đảm bảo quá trình đi lại, vận chuyển cây giống.
Khi cây có từ 4-5 lá thật (40-45 ngày sau gieo), thì đưa bầu giống trồng ra ruộng sản xuất. Cây giống phải là những cây phát triển tốt, không sâu bệnh.
2. Kỹ thuật trồng ớt dưới tán rừng 
2.1. Đất đai

Đối với khu vực đồi núi thuộc huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, chủ yếu là đất xám và đất đỏ vàng, vàng đỏ (Ferralit) với độ dốc lớn, việc canh tác ớt dưới rừng tán rừng keo 1-2 năm tuổi cần chú ý bảo vệ đất, chống xói mòn như che tủ bề mặt đất bằng rơm rạ, cỏ khô, tàn dư hữu cơ hoặc trồng cây theo đường đồng mức, hố vảy cá.
Phù hợp nhất để trồng ớt là đất rừng keo 1-2 năm tuổi, hoặc rừng keo mới khai thác để trồng mới.
2.2. Làm đất
Dùng cuốc nhỏ để tạo các hố nhỏ dọc theo giữa 2 luống cây keo. Hố cách hố là 100cm. Hố sâu 30cm, rộng và dài 40cm. 
Trước khi trồng ớt, phát quang cỏ dại, cây dại xung quanh hố trồng ớt Xiêm.
2.3. Nguồn nước tưới
Nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước mưa và độ ẩm không khí nên lưu ý chọn thời vụ hợp lý để tận dụng nước mưa.
2.4. Giống
Sử dụng giống ớt thuần chủng xiêm có nguồn gốc nương rẫy tự nhiên, hoặc hoặc từ vườn ươm giống của mô hình.
Tiêu chuẩn cây giống: Cây 4-5 lá, cây con khỏe mạnh, không bị sâu bệnh
2.5. Thời vụ
Ớt có thể trồng được 3 vụ trong năm:
Vụ sớm: Gieo hạt tháng  9, thu hoạch từ tháng 12-01 dương lịch.
Vụ chính (Đông Xuân): Gieo hạt tháng 10-11, thu hoạch tháng 2-3 dương lịch.
Vụ Hè Thu: Gieo hạt tháng 4-5, thu hoạch 8-9 dương lịch
2.6. Gieo trồng
Trồng xen với rừng keo 1-2 năm tuổi khoảng cách 100 x 100 cm. Khoảng 500 cây/sào. 
2.7. Chăm sóc
Tỉa nhánh: 
Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.
Làm giàn: 
Mục đích của làm giàn là để giữ cho cây đứng vững, dễ thu trái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đỗ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây, khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng.
Đối với rừng keo tràm: Có thể tận dụng các cây keo để làm giàn.
Lượng phân và cách bón phân: 
Lượng phân bón khuyến cáo áp dụng cho 1 gốc: 1,5 kg phân chuồng  + 0,02 kg đạm Urê + 0,03 kg Lân Super + 0,02 kg Kali clorua + 0,06 kg vôi bột.
2.8. Phòng trừ sâu bệnh hại
(1) Biện pháp canh tác:
Luân canh với cây trồng khác để hạn chế tàn dư sâu bệnh hại.
Bón phân cân đối, hợp lý.
(2) Biện pháp vật lý – cơ học:
Làm đất phơi ải, xử lý vôi, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh.
Vun gốc, thoát nước tốt để tránh mầm bệnh lây lan.
(3) Biện pháp sinh học: 
Tạo điều kiện để thiên địch phát triển như ong ký sinh.
2.9. Thu hoạch
Thu hoạch từng đợt khi bắt đầu thấy xuất hiện quả chín trên cây.

Theo Bản tin KH&CN số 05-2020.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 629

Tổng số lượt xem: 4152445