Truy cập nội dung luôn

Nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả

09/06/2021 16:18    446

Sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, các mô hình khuyến nông trong liên kết sản xuất, tưới tiết kiệm, sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ… đã và đang giúp nhiều nông dân tỉnh Quảng Ngãi nâng cao hiệu quả canh tác.

Mô hình trồng đậu phụng (lạc) L14 tại xã Trà Bình,  huyện Trà Bồng.

Mô hình trồng đậu phụng (lạc) L14 tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng.

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi thực hiện 13 mô hình. Qua triển khai thực hiện, các mô hình khuyến nông đã và đang phát huy hiệu quả, giúp người dân nhân rộng để tăng giá trị trên một đơn vị canh tác. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm sinh và ngành nghề nông thôn, Trung tâm đã xây dựng được 5 mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Hè Thu thiếu nước tưới; mô hình trồng cây dưa leo, khổ qua thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình máy băm nghiền thức ăn gia súc đa năng; mô hình xây dựng hầm biogas composite … Nổi bật như mô hình trồng cây cây đậu phụng (lạc) trên đất lúa vụ Hè Thu đã góp phần tiết kiệm nước tưới từ 50 – 60% so với trồng lúa, năng suất mô hình đạt 27 tạ/ha, với giá bán tại thời điểm thu hoạch là 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 14 triệu đồng/ha, cao gấp gần 7 lần so với trồng lúa.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện 4 mô hình tại 4 huyện gồm: Mô hình chăn nuôi vịt biển Đại xuyên 15 tại huyện Mộ Đức; mô hình nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt tại huyện Tư Nghĩa; mô hình phát triển chăn nuôi gà thả vườn quy mô trang trại vừa và nhỏ đảm bảo an toàn dịch bệnh tại huyện Nghĩa Hành và mô hình phát triển chăn nuôi dê sinh sản ở vùng trung du, miền núi tại huyện Sơn Hà. Trong bối cảnh thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, các mô hình khuyến nông trong chăn nuôi đã trở thành điểm tựa để người dân yên tâm sản xuất. Điển hình như mô hình nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt với quy mô 50 con, sau 3 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò tăng trọng trên 80 kg, tiêu tốn 3,37 kg thức ăn/kg tăng trọng, thu nhập bình quân đạt 3,8 triệu đồng/con. Mô hình chăn nuôi vịt biển Đại xuyên 15 với quy mô 2.000 con (5 hộ tham gia), sau 3 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng bình quân gần 3 kg/con, tỷ lệ sống 93%, với giá bán tại thời điểm tổng kết mô hình là 55.000 đồng/kg, mô hình cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Các mô hình chăn nuôi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi và đã trở thành một nghề đem lại thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt tại xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ.

Mô hình chăn nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt tại xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ.

Bên cạnh những mô hình thành công trong trồng trọt, chăn nuôi, Trung tâm cũng đã triển khai hiệu quả các mô hình thủy sản. Trong đó, mô hình lắp đặt đèn LED trên tàu khai thác xa bờ đã giúp giảm lượng dầu so với truyền thống 40%, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho ngư dân. Hay như mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Sơn Tây, Sơn Hà đã chuyển giao kỹ thuật nuôi đối tượng mới như cá thát lát cườm và cá lăng nha nuôi trong lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với nuôi cá điêu hồng và các loài cá truyền thống trong lồng bè. Mô hình nuôi ghép ốc hương với hải sâm tại xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức với quy mô 1.700 m2, sau gần 6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân của ốc hương 110 con/kg, hải sâm 300 g/con. Tỷ lệ sống của ốc hương đạt 80%, tỷ lệ sống của hải sâm đạt 75%. Sản lượng ốc hương 3.700 kg, sản lượng hải sâm 114 kg. Lợi nhuận gần 280 triệu đồng...

Mô hình nuôi cá lăng nha tại hồ chứa nước thủy lợi Suối Loa xã Ba Động, huyện Ba Tơ

Mô hình nuôi cá lăng nha tại hồ chứa nước thủy lợi Suối Loa xã Ba Động, huyện Ba Tơ

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao một số mô hình đến với bà con nông dân như: mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện gắn với tiêu thụ sản phẩm; nuôi ghép cá mú với cá dìa; nuôi ghép ốc hương với hải sâm; trang bị đèn LED trên tàu khai thác xa bờ… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phát triển mô hình mới như: Chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng nhựa HPDE; nuôi tôm hùm thương phẩm trong ao có mái che… Để các mô hình phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục kết nối giữa khoa học - công nghệ và sản xuất, giữa sản xuất và gắn kết tiêu thụ sản phẩm. Qua thực hiện mô hình phát hiện ra những nhân tố, sáng kiến mới, cách làm hay để tổng kết, đánh giá, phổ biến và nhân rộng mô hình.

Theo Bản tin KH&CN số 02-2021.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 712

Tổng số lượt xem: 4152332