Truy cập nội dung luôn

Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah

21/10/2021 11:04    739

Quảng Ngãi có tổng đàn trâu khoảng 70.800 con, phân bố chủ yếu tại khu vực miền núi với 50.500 con, tuy nhiên sản lượng thịt hơi xuất chuồng của trâu chỉ chiếm 13,71 %. Hơn nữa, thực trạng đàn trâu của tỉnh hiện nay có xu hướng bị suy giảm về chất lượng, khả năng tăng trọng chậm, sức chống chịu bệnh tật kém, khối lượng trâu trưởng thành có xu hướng giảm dần; tỷ lệ nuôi sống của nghé sơ sinh và hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân là do phương thức nuôi chủ yếu còn thả rông, việc sử dụng đàn trâu đực trong vùng để giao phối tự nhiên khá phổ biến đã xảy ra tình trạng giao phối cận huyết, đồng huyết, đặc biệt là ở khu vực miền núi; qua khảo sát cho thấy, trâu đực tại Quảng Ngãi có tầm vóc nhỏ và chủ yếu được nuôi bán lấy thịt, số lượng trâu đực làm giống rất ít, do vậy nhiều trâu cái động dục nhưng không thể phối giống.

Khảo sát chọn hộ, chọn trâu cái thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah của dự án.

Khảo sát chọn hộ, chọn trâu cái thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah của dự án.

Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án để nâng cao tầm vóc đàn trâu bằng cách mua trâu đực nội từ ngoài tỉnh cho nhảy trực tiếp với trâu cái địa phương, kết quả bước đầu các dự án đã góp phần hạn chế việc giao phối cận huyết, tầm vóc đàn trâu cũng đã được nâng lên; tuy nhiên, việc sử dụng hình thức nhảy trực tiếp cải tạo đàn trâu có hạn chế là tốn kém, tốc độ lai tạo chậm và kết quả cải tiến tầm vóc con trâu lai không cao.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác chăn nuôi đàn trâu tại Quảng Ngãi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp Thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah” nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lai tạo giống trâu, phát triển nguồn thức ăn, cải thiện dinh dưỡng và phòng bệnh trong chăn nuôi trâu để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần phát triển chăn nuôi trâu thịt trên địa bàn tỉnh.

Dự án đã tiến hành điều tra thực trạng chăn nuôi trâu ở các địa phương, kết quả cho thấy số trâu bình quân của hộ chăn nuôi tại Tư Nghĩa (2016-2017) 2,33 con/hộ và Nghĩa Hành 3,99 – 4,05 con/hộ, số trâu cái sinh sản trên một trâu đực giống tại Tư Nghĩa 16-17 trâu cái/trâu đực và Nghĩa Hành 10-11 trâu cái/trâu đực; số hộ nuôi 1- 2 con trâu tại Tư Nghĩa chiếm 58,3% cao hơn so với Nghĩa Hành 17,3% và số hộ nuôi từ 3-5 con trâu của Nghĩa Hành là 70,3% và Tư Nghĩa 30,5%. Các hộ nuôi theo phương thức bán chăn thả nên phù hợp với phương thức thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên trâu cái được phối chủ yếu bằng phương thức sử dụng trâu đực nhảy trực tiếp và các hộ chăn nuôi trâu đều bố trí diện tích đất trồng cỏ (chủ yếu là cỏ voi và cỏ VA06), chưa áp dụng các phương pháp chế biến bảo quản thức ăn cho trâu như ủ rơm bằng u rê, sử dụng đá liếm… Trâu cái sinh sản chiếm tỉ lệ cao nhất (47,86% tổng đàn) và trâu đực trong độ tuổi phối giống (≥ 36 tháng tuổi) là rất thấp (chiếm 3,99%). Khối lượng trâu đực trưởng thành (3-4 năm tuổi) ở Tư Nghĩa và Nghĩa Hành là 392,15 kg, nhỏ hơn trâu đực Nghệ An 453,0 kg; tuổi của đàn trâu cái sinh sản tại 02 huyện là 6,95 năm, khối lượng của đàn trâu cái sinh sản là 422,64 kg, tuổi đẻ lứa đầu trung bình 3 – 4 tuổi, khoảng cách lứa đẻ trung bình 13,17-14,76 tháng, trâu đẻ tập trung nhất vào cuối tháng 9 năm trước đến cuối tháng 2 năm sau, đẻ ít vào các tháng 4, 5 và 6, tuổi cai sữa của nghé trên 8 tháng.

Nghé lai sinh ra có tầm vóc cao to, khỏe mạnh khối lượng đạt từ 35,4-39,5 kg.

Nghé lai sinh ra có tầm vóc cao to, khỏe mạnh khối lượng đạt từ 35,4-39,5 kg.

Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng mô hình nuôi trâu sinh sản với số hộ chăn nuôi được chọn tại 10 xã là 243 hộ, trung bình mỗi hộ tại các xã khảo sát có 2,14 con trâu cái; trung bình số trâu cái/hộ có sự khác nhau giữa các huyện: Tư Nghĩa trung bình 2,2 con/hộ cao hơn Nghĩa Hành 2,1 con/hộ. Qua đó, dự án đã tổ chức  phối giống cho 388 lượt trâu cái động dục tại 02 huyện bằng tinh trâu Murrah, có 268 con trâu cái được thụ thai. Ông Đào Văn Đáng, thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, hộ dân tham gia dự án cho biết: Trước đây, trâu tôi nuôi đẻ con nhỏ, trâu con phát triển chậm. Từ khi tham gia dự án, trâu con sinh ra đẹp, nặng ký; sau 6 tháng nuôi, trâu đạt trọng lượng 45 kg, phát triển tốt.  

Số lượng nghé lai sinh ra là 201 con vượt so với kế hoạch đề ra là 180 con; nghé lai sinh ra có sự khác biệt rõ ràng với nghé nội về màu sắc lông đặc trưng của phẩm giống, khối lượng sơ sinh và hình dáng/kết cấu các bộ phận của nghé là đa số nghé khi sinh ra có lông màu đen tuyền, có chùm lông trắng ở đuôi, một số ít nghé lai mang đặc tính màu lông trâu mẹ, màu lông trắng-đỏ và khối lượng sơ sinh trung bình từ 35,4-39,5 kg cao hơn nhiều so với nghé nội (22-24 kg). Cá biệt có 02 con nghé lai của ông Phạm Đình Tịnh ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận, khối lượng sơ sinh lên đến 53,8 kg và 54 kg và 02 con nghé lai của ông Nguyễn Ngọc Cư thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận, khối lượng sơ sinh lên đến 48,2 kg và 50 kg. Ông Phạm Đình Tịnh ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, hộ dân tham gia dự án chia sẻ: Từ khi phối trâu Murrah cho đến khi sinh sản và lớn lên được hơn 1 năm, tôi thấy trâu Murrah nuôi rất đạt, phát triển nhanh, ăn khỏe, ít bệnh hơn trâu thường. 

Ngoài ra, dự án xây dựng mô hình nuôi trâu lai Murrah hướng thịt quy mô nông hộ. Từ kết quả phối giống, dự án đã chọn 100 hộ tại 05 xã, trung bình mỗi hộ có 1,25 con nghé lai F1. Khối lượng của đàn nghé cái lai F1 Murrah sinh ra và được nuôi dưỡng tại các nông hộ giai đoạn sơ sinh; 3; 6; 9; 12 và 18 tháng tuổi có khối lượng lần lượt là 35,4; 83,21; 125,21; 159,68; 184,99 và 235,69 kg; đàn nghé đực lai Murrah F1 sinh ra và được nuôi dưỡng tại các nông hộ giai đoạn sơ sinh; 3; 6; 9; 12; 18 và 24 tháng tuổi có khối lượng lần lượt là 39,57; 91,85; 131,54; 165,94; 195,63; 236,38 và 353 kg; khối lượng của nghé đực lai Murrah F1 cao hơn khối lượng của nghé cái lai Murrah F1 ở cùng độ tuổi. Khối lượng của nghé lai Murrah ở các tháng tuổi cao hơn nhiều so với khối lượng của nghé nội cùng độ tuổi và cho thấy ưu điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo trong công tác cải tạo giống gia súc. Ông Đỗ Văn Chung, chủ nhiệm dự án cho biết: Ở mô hình nuôi trâu Murrah sinh sản, nghé Murrah đẻ ra có khối lượng sơ sinh cao, phát triển tốt. Từ kết quả mô hình nuôi trâu Murrah sinh sản, chúng tôi thấy việc triển khai mô hình này để cải tạo đàn trâu của tỉnh theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đó là lựa chọn đàn trâu là sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó đặc biệt ở miền núi để đẩy mạnh phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Mô hình nuôi trâu Murrah hướng thịt được nhân rộng giúp cải tạo và nâng cao tầm vóc cho đàn trâu của tỉnh trong giai đoạn đến.

Nghé lai Murrah qua 12 tháng tuổi có khối lượng trên 195,6 kg.

Nghé lai Murrah qua 12 tháng tuổi có khối lượng trên 195,6 kg.

Dự án đã đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản và kỹ thuật chăn nuôi thâm canh trâu lai F1 cho các hộ tham gia dự án.
Qua đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án, nghé lai Murrah 12 tháng tuổi có khối lượng trên 195,6 kg, nghé nội 12 tháng tuổi khoảng 158,8 kg; như vậy, khối lượng nghé lai F1 12 tháng tuổi hơn khối lượng nghé nội cùng độ tuổi khoảng 36,8 kg. Nghé lai Murrah 24 tháng tuổi có khối lượng trên 350-400 kg, nghé nội 24 tháng tuổi khoảng 250-300 kg; như vậy, khối lượng nghé lai F1 24 tháng tuổi hơn khối lượng nghé nội cùng độ tuổi khoảng 100 kg. Giá mua trâu nghé hiện nay khoảng 90 nghìn-100 nghìn đồng/kg hơi thì chênh lệch giữa nghé lai Murrah và nghé nội lúc 12 tháng tuổi là 3.680.000 đồng/con và lúc 24 tháng tuổi khoảng 10 triệu đồng/con. Ông Đỗ Văn Chung, chủ nhiệm dự án đánh giá: Dự án đã đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội. Trâu Murrah đem lại lợi ích kinh tế cho người dân từ 9 đến 10 triệu đồng/con, đây là phương thức sản xuất mới đem lại lợi nhuận trên một đơn vị vật nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ứng dụng phương thức chăn nuôi mới và đưa giống vật nuôi mới vào chăn nuôi cho người dân là trâu Murrah và sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu giống mới như tinh trâu Ngố của Thái Lan. Chúng tôi mong muốn tỉnh cho nghiên cứu đánh giá chất lượng thịt của trâu Murrah và hỗ trợ cho các huyện nhân rộng phát triển mô hình nuôi trâu Murrah trong thời gian đến.

Dự án được thực hiện đã góp phần chuyển dần chăn nuôi trâu từ phương thức quảng canh hiện nay sang chăn nuôi bán thâm canh với mục đích sản xuất hàng hoá; đã thay đổi nhận thức của người dân, từng bước áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi trâu, đặc biệt áp dụng phương pháp chăn nuôi có kiểm soát để bảo vệ môi trường; tăng tỉ lệ phối giống nhân tạo góp phần nâng cao thu nhập của nông hộ trong chăn nuôi trâu sinh sản, tăng đáng kể năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nghé lai Murrah ở các hộ dân; đồng thời thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020.

Theo Bản tin KH&CN số 04/2021.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 616

Tổng số lượt xem: 4152460