Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi hướng đến sản xuất an toàn trong nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP

29/07/2021 16:00    650

Gần đây, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, bền vững, đặc biệt nhiều dự án sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng sản xuất rau chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP  ở thôn 6, xã Nghĩa Dung, TP. Quảng NgãiVùng sản xuất rau chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn 6, xã Nghĩa Dung, TP. Quảng Ngãi

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Hiện nay việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đang được ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những mô hình sản xuất, chăn nuôi, hình thành những diện tích trồng lúa, rau quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện nay đã quy hoạch 07 vùng sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 293ha; bao gồm các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi. Hiện có khoảng 15 tổ chức và 8 cá nhân tham gia sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận. Tỉnh cũng đã bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 30 ha tại huyện Nghĩa Hành. Trong chăn nuôi, có nhiều công ty lớn liên kết với người chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình chăn nuôi đã áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Một số trại chăn nuôi heo thương phẩm ở thành phố Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức và huyện Nghĩa Hành… cũng đã  được cấp chứng nhận VietGAP.

Đi trên vùng đất bãi bồi nằm ven hạ lưu sông Trà Khúc thuộc địa bàn TP. Quảng Ngãi và vùng đất ven sông Vệ, thuộc xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, chúng tôi thấy màu xanh trải rộng của các loại rau, quả. Đây được xem là những vùng rau lớn của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích hàng trăm héc ta. Cây rau gắn bó với nông dân vùng đất này từ bao đời nay và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình sau khi chuyển đổi mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình, Công ty TNHH MTV Thành Văn đã đầu tư dự án sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tại thôn Trường Giang, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng. Dự án được triển khai trên diện tích 5,8ha, với quy mô sản xuất, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ 37,5 tấn rau và 258,5 tấn các loại củ, quả an toàn/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 10,6 tỷ đồng. Dự án thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về tiền thuê đất theo qui định của Nhà nước. Còn tại huyện Tư Nghĩa cũng thu hút nhiều dự án nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đáng nói là dự án sản xuất rau sạch khoảng trên 5 héc ta tại xã Nghĩa Hiệp. Dự án triển khai trồng trên 40 loại rau, củ quả theo quy trình nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap. Hiện, mỗi ngày bà con cung ứng cho thị trường gần 500kg rau, củ quả các loại, có ngày không đủ cung cấp cho thị trường. Còn hộ anh Nguyễn Tấn Phụng, ở thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, vừa qua đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chuyên trồng rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGap. Với diện tích khoảng 400m2 chuyên sản xuất rau sạch khép kín bởi màn lưới chống côn trùng, hạn chế ánh nắng trực tiếp và có hệ thống tưới tự động được điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Quy trình sản xuất rau, nguồn nước tưới và hàm lượng sử dụng phân bón trong rau luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra và công nhận đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là mô hình khá hiện đại và cũng là hướng đi bền vững trong sản xuất rau an toàn nên đầu ra khá ổn định. 

Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi.

Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi.

Có thể nói, nhiều nông dân hiện nay đã dần thay đổi thói quen sản xuất để hài hòa giữa nhu cầu thị trường gắn với lợi ích kinh doanh. Điển hình như nông dân xã Bình Thới, huyện Bình Sơn sản xuất rau sạch ở cánh đồng Cây Ghen. Ông Hồ Văn Hạnh, nông dân trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết: Trồng rau sạch tốn công chăm sóc nhiều hơn trồng rau theo kiểu truyền thống, nhưng bù lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vốn đầu tư ít nên giá thành sản phẩm không cao, dễ được thị trường chấp nhận. Việc trồng rau sạch không chỉ mang lại sức khỏe cho cộng đồng mà sức khỏe bản thân người trồng cũng được đảm bảo. Những mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đã trở thành những địa chỉ tin cậy để người nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất…

Hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân Mộ Đức sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.Nông dân Mộ Đức sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang có nhiều chính sách khuyến khích nông dân và các công ty, đơn vị tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi của nông nghiệp Quảng Ngãi nhằm từng bước hình thành và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất theo công nghệ cao hoặc là ứng dụng sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP phải đảm bảo các tiêu chí như: Chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm đảm bảo không có hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép ngành chức năng xác định được từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua mã vạch, bao bì. Đây là những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đòi hỏi đơn vị sản xuất phải thực hiện đúng theo quy trình theo tiêu chí đặt ra. Vì thế, ngoài việc thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trên, nông dân đặc biệt chú trọng thực hiện trồng rau sạch theo đúng quy trình VietGAP. Theo Chi cục quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản  Quảng Ngãi: Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP là từng bước tạo cho nông dân quen dần và thay đổi nhận thức của bà con về rau sạch, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Thế nhưng, việc nhân rộng mô hình này và người sản xuất có duy trì theo đúng quy trình, tiêu chuẩn đặt ra hay không còn là một vấn đề khác. Tuy nhiên, thành công bước đầu của mô hình rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh đã đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng rau sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. 

Mô hình trồng rau cải bó xôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX sản xuất rau tuyền thống An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.

Mô hình trồng rau cải bó xôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX sản xuất rau tuyền thống An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến. Tỉnh cần tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, các địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Các đơn vị xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất-cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Tỉnh xây dựng chính sách tổng thể phục vụ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và phải có nguồn kinh phí riêng để tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận. Ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Các cấp chính quyền, hội đoàn thể, nông dân và doanh nghiệp cần chung tay, đẩy mạnh  phát triển, nhân rộng nền nông nghiệp sạch gắn với việc ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, bền vững phấn đấu đến cuối năm 2021, nâng giá trị sản xuất bình quân lên 95 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn khoảng 40 triệu đồng/người/năm.

Theo Bản tin KH&CN số 03-2021.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 896

Tổng số lượt xem: 4217238