Truy cập nội dung luôn

Sắc xuân trên những cánh đồng.

20/01/2020 09:28    461

​Đi trên những cánh đồng phì nhiêu của tỉnh Quảng Ngãi trong tiết trời ấm áp của mùa xuân ngày cuối năm, chúng tôi thấy nông dân đang tất bật làm đất, gieo sạ vụ lúa Đông xuân. Đây là những cánh đồng đang liên kết với Trung tâm khuyến nông địa phương sản xuất lúa chất lượng cao.

Nỗ lực sản xuất vụ Đông Xuân  

Vụ sản xuất Đông xuân 2019-2020, tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực làm đất, gieo sạ trên 38.000 ha lúa đúng thời vụ, phấn đấu năng suất đạt 60,1 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 230.000 tấn. Hiện nay bà con nông dân trong tỉnh đang tất bật đợt cao điểm làm đất, nạo vét kênh mương dẫn nước vào ruộng và xuống giống trong thời vụ cho phép đến cuối tháng 12-2019. Vụ Đông xuân năm nay, hầu hết nông dân sử dụng giống lúa chủ lực để gieo sạ như DT45, Thiên ưu 8, Hà Phát 3, Đài Thơm 8 và nhiều giống lúa bổ sung khác. Đặc biệt, nhiều địa phương đã cơ cấu giống lúa triển vọng cho năng suất cao như QNg11, QNg6, QNg128, HN6, Bắc Thịnh, VNR10, ĐT100, HĐ34...

 

Về huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Mộ Đức… trong những ngày xuân ấp áp tràn về khắp đồng quê, chúng tôi bắt gặp không khí vui tươi, tiếng nói, nụ cười của nông dân đang gieo sạ lúa trên cánh đồng mẫu lớn vừa được cải tạo xong. Trên cánh đồng xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa có những chiếc máy cày làm đất trên cánh đồng mẫu lớn với hàng chục ha. Đây là một chủ trương đúng đắn của địa phương về cải tạo đồng ruộng, thực hiện “dồn điền, đổi thửa” nhằm tăng năng suất, giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm giống và phân bón. Hiện nay, huyện Tư Nghĩa đã có khoảng 32 cánh đồng mẫu lớn với trên 500 ha (bình quân mỗi cánh đồng từ 7-20ha) và năng suất lúa vụ Đông xuân này dự kiến sẽ đạt trên 70tạ/ha…

 

lamdat.jpg
Nông dân Quảng Ngãi làm đất sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

Rời cánh đồng Tư Nghĩa, đến huyện Nghĩa Hành trong buổi sáng giữa tháng 12 này, chúng tôi thấy nhiều con “trâu sắt” đang chạy đua với thời vụ, với công suất tăng ca, tăng giờ trên cánh đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện phấn đấu gieo sạ trên 3.000 ha lúa, cơ cấu các giống chủ lực như TBR225, DT45, MT10, VTNA2, Hà phát 3, Thiên ưu 8, giống bổ sung gồm ĐH815-6, PC6, Đài thơm 8, OM6976... Hiện nay, các xã trong huyện đang ra quân với hàng ngàn nông dân cùng máy cày, máy băm khẩn trương làm đất, nạo vét kênh mương nội đồng và gieo sạ lúa đông xuân đảm bảo lịch thời vụ. Riêng năm 2019, huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa”, hình thành cánh đồng mẫu lớn với hàng trăm ha. Mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu lớn là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” thâm canh sản xuất lúa chất lượng cao. Đồng thời, nông dân sản xuất giảm được chi phí vật tư, phân bón, đảm bảo gia tăng giá trị sản xuất trên đồng ruộng. HTX NN 2 Hành Thịnh được Trạm khuyến nông huyện chọn làm thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa đông xuân tại xứ đồng Đồng Gò, thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh với qui mô 15 ha, sử dụng giống lúa thuần chất lượng VN121. Mô hình này có khoảng 250 hộ nông dân tham gia, chủ yếu là mô hình sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống, đảm bảo cung ứng cho nông dân sản xuất tại địa phương.

 

 

Phát triển vùng lúa chất lượng cao  

Quảng Ngãi là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển khá ổn định. Ngoài hàng chục nghìn ha cây trồng chính như ngô, mì, khoai lang và cây công nghiệp ngắn ngày thì cây lúa được coi là cây lương thực chính có giá trị kinh tế lớn, với diện tích canh tác hằng năm khoảng gần 38 nghìn ha. Những năm qua, nông dân thực hiện chuyển dịch mùa vụ, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, trong đó Ðề án chuyển đổi ba vụ lúa bấp bênh sang sản xuất hai vụ ăn chắc trong năm đã được các huyện triển khai thực hiện thành công.

 

Có thể thấy, gần đây Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi tại các vùng chuyên canh cây lúa đã tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt và triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Văn Tô cho biết: Hiện nay nhiều huyện trong tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao với hàng trăm ha. Địa phương sử dụng các bộ giống lúa có chất lượng và hiệu quả, đảm bảo giảm chi phí sản xuất và đạt giá trị gia tăng cao. Qua đánh giá trong vụ sản xuất vừa rồi, nông dân đã giảm được chi phí sản xuất đáng kể (chủ yếu giảm thuốc bảo vệ thực vật và chăm bón lúa). Sản lượng lúa tăng gấp 1,5 lần so với các vùng sản xuất lúa đại trà bình thường và chất lượng gạo thơm ngon, có thể xuất khẩu đạt giá trị kinh tế cao. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao không những góp phần ổn định lương thực cho địa phương mà nhiều gia đình nông dân đã từng bước xóa được cảnh “đói cơm, lạt muối” và vươn lên làm giàu.

 

Chúng tôi về huyện Mộ Ðức, huyện trọng điểm lúa của tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai thực hiện vùng lúa chất lượng cao. Nhìn cánh đồng Ðức Tân trải dài ngút tầm mắt, chúng tôi thấy hàng trăm nông dân cùng các loại máy cày, băm đất đang vào vụ làm đất, gieo sạ lúa đông xuân. Mộ Ðức được đánh giá là nơi đi đầu trong mô hình thực hiện quy trình “ba giảm, ba tăng” vùng lúa chất lượng cao. Ðó là giảm lượng lúa giống/ha, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với cây lúa. Năm 2019, huyện đã chi ngân sách thực hiện công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và hỗ trợ giống cho hàng trăm hộ nông dân đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao. Các HTXNN Bồ Ðề, Ðức Thạnh I, Ðức Thạnh II, Nam Hòa và Ðức Tân là những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện hàng chục mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Qua đánh giá ban đầu về quy trình thâm canh, chăm bón và kết quả của những giống lúa mới đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nông dân trong huyện tiếp tục đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích vụ sau tăng cao hơn vụ trước. Nhiều diện tích sản xuất lúa đại trà trước đây năng suất, chất lượng kém nay nông dân đã bắt đầu chuyển sang làm lúa chất lượng cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho rằng: Việc chuyển hướng phát triển vùng lúa chất lượng cao là phù hợp yêu cầu khách quan. Hiện Quảng Ngãi hội đủ các điều kiện cơ cấu, đầu tư cho sáu huyện trọng điểm lúa của tỉnh, bảo đảm mở rộng vùng lúa chất lượng cao lên hàng chục nghìn ha trong những năm tới, trọng tâm các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Ðức, Nghĩa Hành và Đức Phổ. Với giải pháp của chương trình này là tập trung nguồn vốn cho công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và bố trí vùng sản xuất lúa chủ động nguồn nước tưới; thực hiện tốt việc tuyển chọn bộ giống lúa và cơ cấu phù hợp từng chân ruộng. Ðây là yếu tố cơ bản để nông dân sử dụng giống lúa đúng cơ cấu trong từng vụ sản xuất và bảo đảm tính hiệu quả trong từng bộ giống lúa. Ngành nông nghiệp phải tổ chức tập huấn cho nông dân kịp thời, đầy đủ chương trình kỹ thuật, những quy trình cơ bản về sản xuất và thâm canh tăng năng suất cây lúa...

 

 

mohinhlua.jpg  Mô hình giống lúa cao sản ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh  

Cánh đồng hoa ngày Tết

 

 

Cuối năm, đi trên những cánh đồng hoa ở các xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi), Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) hay vùng ven sông Vệ (huyện Mộ Đức), chúng tôi hòa cùng niềm vui với nông dân đang chăm bón, thu hoạch những cánh đồng hoa bắt đầu khoe sắc rực rỡ trong mùa xuân về.

 

Tại xã Nghĩa Hà với hàng trăm nông dân chuyên trồng hoa phục vụ ngày Tết, chủ yếu là hoa cúc, hoa lay ơn và hoa vạn thọ…Đứng bờ nam ven sông Trà Khúc thả tầm mắt xa xa, tôi thấy cánh đồng hoa cúc rực vàng như bức tranh đầy màu sắc. Từ trên cao, cánh đồng hoa cúc xen lẫn với những thửa rau xanh ngát ven sông Trà ví như bức tranh dệt lụa giữa mùa xuân mới. Những thửa ruộng hoa cúc rực vàng gần sát với các khu dân cư mang vẻ đẹp làng quê thanh bình. Người dân nơi đây chủ yếu trồng các loại hoa cúc như: tai chuột, vàng hòe, vàng nghệ, tím … được bán vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, nhiều nhất là những ngày giáp Tết Nguyên đán. Theo lãnh đạo địa phương, liên tục 10 năm qua, người dân xã Nghĩa Hà không ngừng mở rộng diện tích trồng các loại hoa cúc, hoa lay ơn phục vụ thị trường ngày Tết. Nhiều hộ dân giàu lên nhờ trồng các loại hoa bán trong các ngày lễ, dịp Tết. Có người thu nhập từ trồng và bán hoa với trên trăm triệu đồng trong năm…

 

Có thể thấy, mỗi dịp xuân về, thương lái từ các địa phương trong tỉnh đã tập trung về các vùng hoa ở Nghĩa Hiệp, Đức Nhuận, Nghĩa Hà để mua các loài hoa. Hơn 5 năm gắn bó với nghề mua bán hoa, hai vợ chồng ông Trần Tân, ở huyện Mộ Đức, hàng ngày chạy xe máy hơn 20 km đến làng hoa Nghĩa Hà mua hoa về bán lại cho các đầu mối những chợ lẻ đã có thu nhập ổn định và nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Ông Nguyễn Hòa, ở xã Nghĩa Hà cho hay: 10 năm trước, ban đầu chỉ vài hộ trồng hoa cúc, sau đó người dân nhận thấy trồng hoa có thu nhập cao, ổn định cuộc sống nên nhiều hộ đã đầu tư tiền mua giống và thuê đất trồng hoa nên hiện nay đất ở đây rất khan hiếm. Có người muốn thuê đất trồng hoa nhưng cũng rất khó khăn.

 

hoatet1.jpg
Ruộng hoa lay ơn của bà Nguyễn Thị Loan xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi

 

Hiện xã Nghĩa Hà có khoảng 100 hộ dân trồng các loại hoa, trong đó chủ yếu hoa cúc đang phát triển mạnh ở các thôn Hổ Tiếu, Bình Đông, Hàm Long… Bà Nguyễn Thị Loan, ở xã Nghĩa Hà vui vẻ cho hay: Năm nay gia đình trồng 15.000 cây cúc giống trên diện tích 500 m2. Từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch sau hơn 2 tháng, gia đình đã đầu tư chăm sóc, chi phí phân bón, tưới nước chỉ khoảng 4 triệu đồng. Ngay trong dịp Tết này, gia đình thu hoạch hoa và bán ra thị trường với giá cao, ước thu nhập khoảng 45 triệu đồng. Còn ông Hà Văn Minh cùng ở xã Nghĩa Hà chia sẻ: Nông dân ở đây đang tất bật thu hoạch các loại hoa, nhất là hoa cúc vàng, cúc xanh hình nút áo trong những ngày cuối năm. “Mỗi sào trồng 15.000 cây giống, đến lúc thu hoạch còn khoảng 10.000-12.000 cây hoa cúc. Sau khi trừ chi phí thì mỗi sào 500 m2 thu lãi 20-35 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng các loại rau, màu khác trên cùng đơn vị diện tích…”

Xuân về trên khắp miền quê đang hòa quyện sắc xuân trên những cánh đồng với dòng người nhộn nhịp sản xuất vụ Đông xuân. Cùng những sắc hoa đua nở tỏa ngát hương trong mùa xuân ấp áp tràn về báo hiệu những niềm vui và hy vọng thành công năm Canh Tý-2020 đối với nông dân Quảng Ngãi.    MINH TRÍ (Theo Bản tin KH&CN, số 06/2019)

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 840

Tổng số lượt xem: 4155192