Truy cập nội dung luôn

Cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi

18/11/2021 08:25    463

Qua 3 năm nghiên cứu về đặc điểm thổ nhưỡng, đặc điểm nông hóa và thử nghiệm các đối tượng cây trồng mới, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã xác định được cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác ở vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi.

Thời gian qua, nhiều đối tượng cây trồng cạn được di thực và trồng trên đất cát biển ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, đã thích ứng, nâng cao thu nhập cho nông hộ vùng ven biển. Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất các đối tượng và cơ cấu cây trồng truyền thống chưa phát huy hết lợi thế so sánh của vùng đất cát biển. Do đó, để nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị đất canh tác nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát huy lợi thế so sánh của vùng đất cát biển, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã thực hiện đề tài KH&CN “Nghiên cứu xác lập cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi”.

Để đánh giá đặc điểm thổ nhưỡng, nông hóa và phân tích thành phần cơ giới của đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn, đề tài đã tiến hành lấy 42 mẫu đất tại 14 xã ven biển gồm: Xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa); xã Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Minh, Đức Thạnh và Đức Phong (huyện Mộ Đức); xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ An, Phổ Châu, Phổ Quang, Phổ Vinh và Phổ Minh (thị xã Đức Phổ). Kết quả phân tích cho thấy: Thành phần cơ giới đất cát ven biển canh tác cây trồng cạn tại tỉnh ta phần lớn là đất cát (khoảng 87%), đất thịt (khoảng 11%) và rất ít đất sét (chỉ khoảng 2%); đất bị nhiễm mặn trung bình; đất có phản ứng từ rất chua đến ít chua, chỉ số pHKCl biến động từ 4-6; hàm lượng chất hữu cơ ở tầng đất mặt (0-20 cm) và hàm lượng đạm ở mức nghèo đến trung bình; Kali tổng số ở mức nghèo; Lân tổng số dao động từ nghèo đến giàu; tồn dư về kim loại nặng trong các mẫu đất đều ở ngưỡng cho phép.

Cây đậu xanh trồng tại phường Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ cho năng suất thực thu trung bình 1,2 tấn/ha.

Cây đậu xanh trồng tại phường Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ cho năng suất thực thu trung bình 1,2 tấn/ha.

Từ kết quả trên, đề tài đã tiến hành thử nghiệm canh tác cơ cấu cây trồng tại xã Phổ Khánh, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) và xã Đức Minh, Đức Thạnh (huyện Mộ Đức) với 05 cơ cấu cây trồng dài ngày gồm: Cây dừa xiêm lùn xanh, cây na Thái, cây lựu đỏ, măng tây xanh Bejo 3025, cây nha đam Thái và 05 cơ cấu cây trồng ngắn ngày gồm: Tỏi trắng (Hải Dương)-lạc LDH.01-khoai lang Nhật; tỏi trắng (Hải Dương)-hành tím lấy củ-kiệu sẻ Phù Mỹ; cà rốt TN 391-lạc LDH.01-khoai lang Nhật; cà rốt TN 391-hành tím lấy củ-khoai môn sáp vàng; lạc-đậu xanh-khoai lang (đối chứng).    

ThS. Lê Đức Dũng, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho biết: Qua kết quả thử nghiệm cho thấy, có 03 đối tượng cây trồng dài ngày thích nghi và phát triển tốt là dừa xiêm xanh, na Thái và nha đam. Cụ thể: Sau 24 tháng trồng, cây dừa xiêm xanh có chiều cao cây đạt từ 52-79 cm; đường kính gốc từ 16-26 cm; trong đó, cây dừa xiêm trồng tại phường Phổ Vinh sinh trưởng mạnh, có độ đồng đều cao và tỷ lệ cây đã xuất hiện hoa là 6,8% (3/44 cây). Cây na Thái sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất thương phẩm ở vụ thu hoạch thứ 2 (năm thứ 3) trung bình đạt 2,72 tấn/ha, khi được chăm sóc tốt và sử dụng túi bao quả chuyên dụng thì năng suất thương phẩm đạt đến 4,30 tấn/ha. Cây nha đam sau 12 tháng trồng cho thu hoạch lứa đầu tiên và cứ mỗi tháng lại thu hoạch một lần. Chiều dài lá lúc thu đạt trung bình khoảng 45 cm, khối lượng bẹ lá đạt 385-417g.

Cây Na Thái sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất đạt 4,27 tấn/ha ở phường Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.Cây Na Thái sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất đạt 4,27 tấn/ha ở phường Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Trong 05 cơ cấu cây trồng ngắn ngày, có 02 cơ cấu cây trồng có lãi ròng và tỷ suất lãi so với vốn đầu tư đạt cao hơn so với cơ cấu đối chứng là: Cơ cấu tỏi-hành-kiệu có lãi ròng 258 triệu đồng/ha/năm và cao hơn 103% so với đối chứng; cơ cấu cà rốt-hành-khoai môn có lãi ròng 438 triệu đồng/ha/năm và cao hơn 1267% so với đối chứng. Tuy nhiên cây tỏi và cây cà rốt có hiệu quả kinh tế thấp. Cây hành tím lấy củ mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, sâu bệnh hại trên cây hành lại tương đối nhiều và xảy ra thường xuyên hơn so với các đối tượng thử nghiệm khác, chi phí đầu tư về giống cao.

TS. Nguyễn Trường Giang, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chủ nhiệm đề tài cho biết: Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn, đề xuất các đối tượng và cơ cấy cây trồng để khuyến cáo, tuyên truyền đến người dân đang canh tác cây trồng cạn trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi, gồm 03 đối tượng cây dài ngày sinh trưởng, phát triển tốt và có tiềm năng mở rộng là cây dừa xiêm xanh, cây na Thái và cây nha đam; 05 đối tượng cây trồng ngắn ngày là lạc, đậu xanh, khoai lang Nhật, khoai môn sáp vàng, kiệu. Dựa trên thời gian sinh trưởng và thời vụ canh tác đã lựa chọn và sắp xếp ra được các đối tượng cây trồng cụ thể: Cây lạc (vụ Đông Xuân), cây đậu xanh (vụ Hè - Xuân Hè), cây khoai lang Nhật, cây khoai môn sáp vàng và cây kiệu (Thu Đông). Kết quả đề tài đã xác định được đối tượng, cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp với đất cát biển của tỉnh, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm và phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Anh Khôi

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 548

Tổng số lượt xem: 4152548