Truy cập nội dung luôn

Tập trung phát triển các mô hình sản xuất an toàn.

04/03/2021 09:01    395

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai ở thôn An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.

Những năm gần đây, tại Quảng Ngãi xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng cao của người dân và giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Điển hình là mô hình trồng rau sạch ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) và một số mô hình chăn nuôi ở các xã bãi ngang ven biển của tỉnh.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP

Đó là mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, được triển khai từ tháng 6.2020, với sự tham gia của 11 hộ dân là thành viên của Hợp tác xã Rau truyền thống An Mô. Ngày trước, người dân ở đây thường trồng rau theo phương thức truyền thống và bán sỉ khắp các chợ, nên thường xuyên gặp rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như về giá cả, đầu ra cho sản phẩm. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã định hướng cho thay đổi phương pháp sản xuất. Kết hợp  trồng rau theo kiểu truyền thống và trồng rau an toàn, bằng cách sử dụng phân hữu cơ thay thế cho phân hóa học. Việc đầu tư hệ thống tưới tiêu, mái che bằng lưới cũng được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng rau khi cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh.

Bà Phạm Thị Dung, một trong những thành viên tiên phong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap cho biết: "Với hơn 3 sào rau, tôi đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân hữu cơ để gieo trồng. Vụ đầu chưa hiệu quả, nhưng sau 3 vụ thì đã khá hơn. Tuy tốn công và kinh phí cao hơn sản xuất theo kiểu truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng, nên mình rất yên tâm”. Còn ông Huỳnh Tiến Dũng, Phó Giám đốc HTX Rau truyền thống An Mô  cho biết: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, phải sử dụng hoàn toàn bằng phân, thuốc hữu cơ để rau phát triển bình thường. Quan trọng nhất là phải ngưng thuốc, phân bón trước khi thu hoạch 20 ngày. Đa số người dân trồng rau ở đây đang chuyển dần sang sử dụng phân, thuốc hữu cơvà thực hiện rất tốt quy trình trồng rau theo hướng sạch, an toàn.

Không chỉ định hướng cho người dân sản xuất theo quy trình VietGAP, địa phương còn nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm qua việc liên kết với các trường học, cửa hàng rau sạch trong tỉnh và kết nối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ rau sạch của người dân. Đồng thời, hướng đến việc xây dựng thương hiệu “rau sạch An Mô”, để giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Nhiều mô hình mới ở vùng ven biển

Đầu tiên phải kể đến là dự án nuôi dê ở xã bãi ngang ven biển Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi được triển khai trong vài năm trở lại đây. Trước khi triển khai dự án, lãnh đạo TP. Quảng Ngãi đã liên kết với Công ty TNHH KH&CN Nông Tín bao tiêu sản phẩm, đồng thời hình thành chuỗi liên kết giá trị giữa địa phương với doanh nghiệp. Ông Huỳnh Đức Trung, thôn Trường Định, một trong những hộ tham gia nuôi dê chia sẻ: “Trước kia, tôi cũng nuôi nhiều mô hình như heo, bò, gà... Nhưng so ra mô hình nuôi dê vẫn nhẹ công hơn, chi phí bỏ ra cũng ít và khả năng mang lại lợi nhuận  cao hơn so với những vật nuôi khác”.

Mô hình nuôi dê ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi.

Mô hình nuôi dê ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi.

Lãnh đạo UBND xã Tịnh Khê cho biết: Năm đầu triển khai dự án, có 10 hộ tham gia, với tổng đàn 120 con dê giống, nhưng sau vài năm, nhiều hộ dân địa phương thấy hiệu quả nên đã bỏ tiền tự đầu tư nhân rộng mô hình. Đến nay, tổng đàn dê của xã đã lên đến 300 con, số hộ đăng ký nuôi theo dự án sắp triển khai lên đến 40 hộ. Sau khi thấy các hộ khác nuôi thành công, nhiều nông dân mong muốn mô hình được triển khai rộng. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Chính (28 tuổi) ở thôn Trường Định. Năm 2019, anh đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại và vào Phú Yên mua dê giống về nuôi. Đến nay, tổng đàn dê của anh đã lên đến hơn 30 con, mỗi tháng anh thu về từ 10 - 15 triệu đồng, hiện anh cũng đang tiếp tục tăng đàn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH KH&CN Nông Tín cho biết: “Công ty cung ứng giống, thức ăn và đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án. Điều quan trọng hơn là chúng tôi bao tiêu đầu ra cho các hộ nông dân bằng cách thu mua và cung ứng dê giống, dê thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nên nông dân yên tâm chăn nuôi, sản xuất”.

Cũng thuộc vùng bãi ngang ven biển, xã Đức Minh (Mộ Đức) có điều kiện phát triển kinh tế không được thuận lợi. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn nỗ lực tìm tòi thay đổi hướng làm ăn phù hợp với đặc thù của địa phương. Điển hình là lão nông Ngô Văn Tám, thôn Minh Tân Bắc đã tận dụng hơn 1ha đất rừng sản xuất ven biển làm mô hình kinh tế tổng hợp; đồng thời kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm…

Ông Tám cho biết: Trước đây, tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh do bị thương lái ép giá. Khi liên kết với doanh nghiệp, tôi chỉ cần thanh toán 30% tổng số vốn doanh nghiệp đầu tư. Khi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tôi sẽ trả các khoản chi phí còn lại, vì đã ký kết thống nhất với doanh nghiệp, nên giá cả ổn định, giúp tôi tự tin mở rộng chăn nuôi. Mỗi năm, tôi nuôi gối vụ hơn 12.000 con vịt siêu thịt và 10.000 con gà thương phẩm. Ngoài ra còn nuôi 10 con bò cái sinh sản và cải tạo hơn 300m2 đất cát ven biển để trồng rau an toàn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp của mình. “Mục đích của tôi là kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, để hỗ trợ lẫn nhau. Như trồng keo thì tận dụng diện tích dưới tán cây để nuôi gà, vịt; nuôi bò thì lấy phân cải tạo đất để trồng rau an toàn, nhờ đó giúp tôi có nguồn thu nhập khá”, ông Tám chia sẻ. Được biết, ông Ngô Văn Tám cũng là nông dân nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, cũng là một tấm gương để nhiều người học hỏi, làm theo.

Theo Bản tin KH&CN số 06-2020.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1039

Tổng số lượt xem: 4234154