Truy cập nội dung luôn

Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi lý sơn tỉnh Quảng Ngãi

04/12/2021 10:22    365

Tỏi là cây trồng chính của huyện đảo Lý Sơn với diện tích canh tác hàng năm khoảng 300 ha. Hiện nay, diện tích trồng tỏi có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng đến môi trường đất và áp lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất khác. Tỏi Lý Sơn đã có nhãn hiệu tập thể hành - tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận. Tuy nhiên, việc thu lợi bất chính cùng với quản lý hoạt động sản xuất, bảo hộ thương mại bằng nhãn hiệu tập thể chưa giải quyết được thực trạng mạo danh tỏi Lý Sơn dẫn đến tỏi chính hiệu Lý Sơn đã và đang bị các sản phẩm tỏi sản xuất nơi khác ngoài đảo giả mạo thương hiệu làm giảm uy tín, danh tiếng và giá trị thương mại nghiêm trọng. Việc tìm ra giải pháp để nâng cao giá trị tiêu dùng và giá trị thương mại của tỏi Lý Sơn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân trồng tỏi trên huyện đảo trở thành yêu cầu bức thiết và bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn. UBND huyện Lý Sơn thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” để bảo tồn giá trị và phát triển sản phẩm đặc thù truyền thống của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và trở thành sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia.

Người dân đang thu hoạch tỏi trên huyện đảo Lý Sơn (Ảnh: Thúy Hồng).

Người dân đang thu hoạch tỏi trên huyện đảo Lý Sơn (Ảnh: Thúy Hồng).

Dự án đã xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm tỏi Lý Sơn. Qua đó, dự án đã tiến hành thu mẫu định danh và mẫu củ tỏi thương phẩm trồng ở Lý Sơn và sản phẩm cùng loại trồng ở 03 vùng so sánh là huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa). Mẫu sản phẩm củ tỏi ở bốn vùng được lấy và tiến hành giám định tên khoa học, mô tả, đo đạc các chỉ tiêu hình thái củ tỏi, tép tỏi, đánh giá cảm quan và phân tích các hợp chất hóa học, tính chất vật lý của củ. Kết quả cho thấy, về tính chất hóa học và vật lý củ tỏi Lý Sơn, giá trị trung bình độ ẩm 62,76±1,15 (% khối lượng), khoảng giá trị dao động từ 57,71 - 69,31 (% khối lượng); giá trị trung bình của hàm lượng tro tổng số trong củ tỏi 2,01±0,13 (% khối lượng chất khô), khoảng giá trị dao động từ 1,41 -  2,7 (% khối lượng chất khô); giá trị trung bình của hàm lượng tro không tan trong axit của củ tỏi 0,12±0,01 (% khối lượng chất khô), giá trị biến thiên trong khoảng từ 0,04 đến 0,18 (% khối lượng chất khô);… Về hình dạng và cảm quan của củ tỏi Lý Sơn, đa phần củ tỏi có dạng hình trứng (hình ô van), chiều cao củ hơi cao hơn đường kính củ, đáy củ lồi và chiều cao củ lớn hơn giá trị trung bình đường kính củ khoảng 1,27 mm; số lượng củ tỏi có chiều cao lớn hơn đường kính củ chiếm đa số; hình dạng của tép tỏi khá bé, thường không phát triển đẫy có góc cạnh rõ ràng; đa phần các mẫu củ tỏi có màu sắc vỏ củ là màu trắng vôi, một số mẫu có màu sắc vỏ củ hơi ố vàng, các mẫu củ tỏi có màu vỏ tép tỏi trắng vôi, thịt củ trắng ngà có sắc xanh, mùi thơm dịu và vị cay nồng nhẹ. Về tính đặc thù của tỏi Lý Sơn, sản phẩm củ tỏi nguyên củ mang chỉ dẫn địa lý LÝ SƠN có hình dạng củ bé với ba chỉ số đặc thù về hình thái là “trọng lượng củ”, “chiều cao củ”, “đường kính củ” và hai chỉ số đặc thù về tính chất hóa học là “hàm lượng kali”, “hàm lượng các chất hữu cơ lưu huỳnh bay hơi”; cụ thể: Trọng lượng củ tỏi dao động từ 2,5 đến 20 (gam/củ), trung bình 7,87 ± 0,17 (gam/củ); chiều cao củ tỏi dao động từ 18 đến 35(mm), giá trị trung bình 26,22 ± 0,17(mm); đường kính củ tỏi dao động từ 15 đến 37,5(mm), trung bình 24,95 ± 0,21(mm); hàm lượng kali củ tỏi dao động từ 348,0 đến 371,0 (mg/100gam), trung bình 357,3 ± 2,41(mg/100gam); hàm lượng các chất hữu cơ lưu huỳnh bay hơi của củ tỏi dao động từ 0,14 đến 0,22 (% khối lượng chất khô), trung bình 0,17 ± 0,01 (% khối lượng chất khô). 

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa đặc thù của sản phẩm củ tỏi và đặc điểm đất trồng tỏi Lý Sơn, trọng lượng củ tỏi (gam) chịu ảnh hưởng của sáu yếu tố tính chất hóa học và vật lý đất trồng như: EC, hàm lượng lưu huỳnh tổng số, hàm lượng Kali tổng số, hàm lượng ion K+, hàm lượng ion Al3+ và hàm lượng kẽm (Zn). 

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa đặc thù của sản phẩm củ tỏi và đặc điểm nước tưới tỏi Lý Sơn, trọng lượng củ chỉ chịu ảnh hưởng của biến pH nước tưới (trong số 09 biến đã tính toán), tuân theo phương trình 6 với mức ý nghĩa trên 95%, hệ số tương quan bội của phương trình hồi quy R2 = 0,1451 ở mức rất thấp, có nghĩa là tương quan của mô hình ở mức rất thấp, không đủ tin cậy để sử dụng; chiều cao củ chỉ chịu ảnh hưởng của biến nồng độ muối và TDS trong nước tưới trong số 09 biến đã tính toán, chịu ảnh hưởng của tính chất nồng độ muối và TDS nước tưới theo phương trình 7 với mức ý nghĩa trên 95%, hệ số tương quan bội của phương trình hồi quy R2 = 0,1286 ở mức rất thấp, hay tương quan của mô hình ở mức rất thấp, không đủ tin cậy để sử dụng; đường kính củ chỉ chịu ảnh hưởng của biến pH nước tưới, trong số 09 biến đã tính toán, chịu ảnh hưởng của tính chất pH nước tưới theo phương trình 8 với mức ý nghĩa trên 95%, hệ số tương quan bội của phương trình hồi quy R2 = 0,1431 ở mức rất thấp, nghĩa là tương quan của mô hình ở mức rất thấp, không đủ tin cậy để sử dụng. 

Bản đồ vùng CDĐL tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Bản đồ vùng CDĐL tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án đã xây dựng bản đồ vùng bảo hộ sản phẩm tỏi nguyên củ mang CDĐL Lý Sơn bao gồm các khoanh vi đất trên đảo Lớn (cù lao Ré) và trên đảo Bé (cù lao Bờ Bãi), nằm trong khu vực địa lý có tọa độ từ 15032’04” đến 15038’14” vĩ độ Bắc và từ 109005’04” đến 109014’12” kinh độ Đông; diện tích vùng bảo hộ sản phẩm củ tỏi mang CDĐL Lý Sơn là 398,17 (ha), nằm hoàn toàn trong địa phận huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn nữa, các yêu cầu sản xuất nhằm đảm bảo duy trì chất lượng và đặc thù của sản phẩm củ tỏi được bảo hộ CDĐL Lý Sơn được dự án xác lập căn cứ vào quy trình sản xuất hiện tại và đang được áp dụng ở Lý Sơn; việc sản xuất sản phẩm củ tỏi Lý Sơn khi tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác hiện hành cũng đồng nghĩa với việc duy trì điều kiện sản xuất cho sản phẩm đủ điều kiện bảo hộ CDĐL.

Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng các văn bản pháp quy phục vụ công tác quản lý nhà nước về CDĐL tỏi Lý Sơn gồm: Xây dựng và ban hành Quy chế “Quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Lý Sơn cho sản phẩm tỏi huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”; xây dựng và ban hành Quy chế “Cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Lý Sơn” cho sản phẩm củ tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”; xây dựng và ban hành Quy chế “Kiểm tra chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”; xây dựng và phê duyệt “Mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”; xây dựng và ban hành “Quy trình kỹ thuật trồng tỏi mang chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn”. Ngoài ra, dự án thực hiện phổ cập, quảng bá phát triển sản phẩm tỏi mang CDĐL tỏi Lý Sơn gồm: Ban hành và quy định logo sản phẩm tỏi mang CDĐL; thiết kế và ban hành hệ thống nhận diện quảng bá, giới thiệu sản phẩm tỏi mang CDĐL tỏi Lý Sơn; hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm tỏi Lý Sơn.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ CDĐL tỏi Lý Sơn, cơ quan chủ trì dự án và UBND huyện Lý Sơn đã gởi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tổ chức quản lý CDĐL là UBND huyện Lý Sơn cho sản phẩm tỏi. UBND huyện Lý Sơn đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận Đăng ký CDĐL tỏi Lý Sơn.

Khi chứng nhận CDĐL tỏi Lý Sơn được đưa vào khai thác, sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại huyện sẽ mang lại hiệu quả. Sản lượng tỏi hàng năm của huyện đạt khoảng 2.000 tấn tỏi khô thì 90% sản lượng tỏi được đưa ra thị trường là 1.800 tấn; với giá tỏi thị trường biến động khoảng 70.000 đồng/kg tỏi thường thì giá trị tăng thêm khi sử dụng CDĐL là 14.000 đồng/kg tỏi, tương đương giá trị tăng thêm hàng năm cho sản phẩm tỏi Lý Sơn mang CDĐL là 25,2 tỷ đồng/năm. 

Tỏi được phơi khô sau khi thu hoạch (Ảnh: Thúy Hồng)

Tỏi được phơi khô sau khi thu hoạch (Ảnh: Thúy Hồng)

Thành công của dự án góp phần bảo vệ danh tiếng, uy tín chất lượng cho sản phẩm đặc trưng của huyện đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi dựa trên cơ sở khoa học về nghiên cứu tính chất, chất lượng, đặc thù của củ tỏi Lý Sơn và CDĐL tỏi Lý Sơn đã được chứng nhận bảo hộ trên toàn quốc; hạn chế tối đa việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm tỏi giả mạo thương hiệu tỏi Lý Sơn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm tỏi theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất – tiêu thụ, mở rộng thị trường từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng và kinh doanh tỏi trên huyện đảo.

Nguyên Tú

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 965

Tổng số lượt xem: 4130851