Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

UBND huyện Trà Bồng tiếp, làm việc với Đoàn tỉnh Đắk Nông về tham quan, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chương trình 135

22/07/2020 16:01    349

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Trà Bồng

Sáng 21/7/2020, tại phòng họp UBND huyện Trà Bồng, ông Hồ Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đã tiếp, làm việc với Đoàn cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông do bà HDJRân Knul, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh làm Trưởng đoàn và 16 Thành viên là lãnh đạo Phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã có thực hiện Chương trình 135 của tỉnh Đắk Nông. Tham dự buổi làm việc có ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo Phòng chuyên môn của Ban Dân tộc; lãnh đạo các Phòng chuyên môn của huyện Trà Bồng và đại diện các xã có liên quan.

 

Ông Hồ Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đã báo cáo với Đoàn khái quát về tình hình của huyện: Trà Bồng là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm huyện là thị trấn Trà Xuân, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50 km; phía Bắc giáp huyện Bắc Trà My và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; phía Nam giáp huyện Sơn Hà và huyện Sơn Tịnh; phía Tây giáp huyện Sơn Tây, phía Đông giáp huyện Bình Sơn.

Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng phát biểu

Huyện Trà Bồng đã tổ chức công bố thực hiện Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng... Sau khi nhập huyện Trà Bồng có diện tích tự nhiên trên 760 km2 và quy mô dân số hơn 53 nghìn người. Ngoài ra, còn thành lập mới xã Sơn Trà trên cơ sở sáp nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê; xã Hương Trà trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Trà Nham và xã Trà Lãnh; xã Trà Tây trên cơ sở sáp nhập xã Trà Trung và Trà Thọ. Huyện Trà Bồng hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn Trà Xuân.

Trà Bồng là huyện nghèo đang được hưởng Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, chương trình 135 của Chính phủ. Nhìn chung trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, sự quan tâm sâu sát của HĐND huyện, sự tham mưu tích cực của các phòng ban chuyên môn UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội đoàn thể chính trị xã hội huyện. Đặc biệt là sự đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức của Nhân dân trên địa bàn huyện. Do đó, việc thực hiện công tác dân tộc và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đã có hiệu quả, góp phần ổn định về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên.

Để thực hiện Chương trình ngay từ đầu, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình; UBND huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các tiểu dự án của Chương trình đảm bảo tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan phối hợp với cơ sở để thực hiện các Chương trình, chính sách đảm bảo đúng quy trình theo quy định của pháp luật; thực hiện phân cấp cho Chủ tịch UBND xã làm chủ đầu tư.

Để Chương trình triển khai đạt hiệu quả trước hết khi chọn công trình, mô hình sản xuất phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân trong vùng của người trực tiếp được hưởng lợi; vận động tuyên tuyền Nhân dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thực hiện thi công công trình phục vụ vì lợi ích công cộng. Đến nay, người dân đã biết làm chuồng trại, biết chăn dắt trâu bò, biết trồng cỏ để chăn nuôi; kết quả này là một quá trình vận động, tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.

Bà HDJRân Knul, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông đã chia sẽ kinh nghiệm và các quy định của tỉnh Đắk Nông về thực hiện các chính sách dân tộc nói chung và thực hiện Chương trình 135 nói riêng.  

Ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã thông tin tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù riêng có của tỉnh Quảng Ngãi đối với đồng bào DTTS như: chính sách cấp radio cho người có uy tín; chính sách khen thưởng hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững; chính sách khuyến khích sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người đồng bào DTTS; chính sách khuyến khích làm ra nhiều sản phẩm đối với huyện Sơn Tây và huyện Trà Bồng (nay là các xã của huyện Tây Trà cũ); chính sách cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS nhân dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã quan tâm trong việc ban hành Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản khác để tập trung phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để giảm nghèo nhanh và bên vững nhờ vậy mà tỉ lệ giảm nghèo các huyện miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung đã được Kế hoạch đề ra. 

Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng tặng quà cho Đoàn

Bà HDJRân Knul, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông tặng quà cho UBND huyện

Buổi làm việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã đạt được mục đích nội dung đề ra và hai bên cam kết sẽ tạo cơ hội tiếp tục gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình 135 nói riêng và thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói chung ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu mong đợi của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”.

Trước đó, Đoàn đã tham quan mô hình hộ chăn nuôi gà tại xã Trà Phú, huyện Trà Bồng và vườn ươm cây giống quế tại Cầu Đỏ, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng.

Đoàn tham quan mô hình hộ chăn nuôi gà tại xã Trà Phú, huyện Trà Bồng

Đoàn tham quan mô hình vườn ươm cây giống quế tại Cầu Đỏ, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng.

Đoàn viếng hương và thăm quan Di tích lịch sử cấp Quốc gia: ĐIỆN TRƯỜNG BÀ

Dịp này, Đoàn đến viếng hương và thăm quan Di tích lịch sử cấp Quốc gia: ĐIỆN TRƯỜNG BÀ. Điện Trường Bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 2014 và năm 2017 được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Cây đa lá lệch phía trước điện được công nhận là cây di sản. Lễ hội Điện Trường Bà là điểm nhấn văn hóa đặc sắc của huyện vùng cao Trà Bồng, đã và đang mở ra hướng phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Điện Trường Bà là nơi tín ngưỡng, tâm linh do người Việt, cùng các dân tộc anh em góp công tạo lập, trở thành nơi hành hương của đồng bào Chăm, Co, Kinh, Hoa và các dân tộc khác. Nơi đây, có thờ hai vị nhân thần có công trong việc mở cõi là Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Quan chiếu vương Mai Đình Dõng. Thường niên vào các ngày 15,16 tháng 4 âm lịch), Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ban quản lý di tích Điện Trường Bà tổ chức Lễ hội Điện Trường Bà. Lễ hội Điện Trường thường diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc mang tính tâm linh và nét văn hóa dân gian các dân tộc Kinh, Co, Chăm và Hoa như: Lễ hoa đăng, lễ mộc dục, lễ tế ngoại đàn, lễ tế chính điện, lễ thỉnh Bà xem hát bộ, thu hút hàng nghìn du khách và người dân địa phương tham dự.

Đoàn thăm quan Di tích lịch sử cấp Quốc gia: ĐIỆN TRƯỜNG BÀ.

                Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 753

Tổng số lượt xem: 4536724