Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP tại huyện Minh Long

15/05/2020 19:16    246

Chiều ngày 14/5/2020, tại UBND huyện Minh Long, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo huyện Minh Long.

Tham gia Đoàn giám sát có ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh; bà Đinh Thị Mai Sình, Thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh; ông Lê Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh; ông Bùi Đức Chánh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh và đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đinh Văn Điết, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long; ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; đại diện các cơ quan tham mưu của huyện và lãnh đạo các xã.

Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện báo cáo với Đoàn

Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Minh Long được UBND huyện ủy quyền báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP: Minh Long là huyện miền núi được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, có 5 xã với 31 thôn; đến ngày 31/12/2019 có 5.045 hộ với 18.908 người; trong đó có 3.821 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 14.729 nhân khẩu, chiếm 76%. Kết quả triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP đạt được như sau:

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng tham mưu; UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Long và Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân thông qua bằng nhiều hình thức như Hội nghị tổng kết sản xuất nông lâm nghiệp, Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững, tổ chức quán triệt đến UBND các xã, các đơn vị chủ rừng; đồng thời UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tổng hợp nhu cầu đăng ký kế hoạch thực hiện triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Đồng thời, tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả theo quy định.

Kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015

Tổng diện tích rừng là 19.590 ha. Diện tích rừng đã được giao khoán bảo vệ cho các hộ và cộng đồng dân cư là 8.790,75 ha; trong đó rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ là 8.566,45 ha chiếm 95% diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện và rừng tự nhiên sản xuất là 224,3 ha, chiếm 35%. Kinh phí thực hiện nội dung này từ nguồn kinh phí Chương trình 30a/CP của Chính phủ và theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP.

 Tổng diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đã được giao khoán bảo vệ cho các hộ và cộng đồng dân cư là 8.790,75 ha; trong đó rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ là 8.566,45 ha chiếm 95% diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện và rừng tự nhiên sản xuất là 224,3 ha, chiếm 35%. Kinh phí thực hiện nội dung này từ nguồn kinh phí Chương trình 30a/CP của Chính phủ và theo Nghị định 75/NĐ-CP quản lý bảo vệ rừng phòng hộ từ năm 2018 đến nay đã giao khoán cho 07 cộng đồng dân cư là 2.493 ha; với kinh phí hằng năm được cấp là gần 1.200 triệu đồng với định mức giao khoán quản lý bảo vệ là 400.000 đồng/ha.

Đối với rừng sản xuất do UBND xã quản lý: Năm 2018, tại xã Long Môn,  UBND đã giao cho 11 hộ gia đình thuộc thôn Cà Xen và thôn Làng Ren nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích là 122 ha; kinh phí thực hiện 48,8 triệu đồng; định mức khoán hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm và từ năm 2019 tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng đến nay nhưng chưa được cấp kinh phí.

Về trình tự, thủ tục giao nhận khoán bảo vệ rừng, công tác kiểm tra, nghiệm thu, kết quả thực hiện bảo vệ rừng, đánh giá hiệu quả tác động của phương thức giao khoán này đối với bảo vệ, phát triển rừng được thục hiện đúng theo quy định. Giao khoán bảo vệ rừng, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho một bộ phận hộ nhận khoán bảo vệ rừng, giảm thiểu các tác nhân xâm hại đến rừng, ổn định tình hình quản lý, bảo vệ rừng.

Ngoài ra, các chính sách quy định theo Nghị định 75/2015 như: Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; Chính sách tín dụng cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ và cho vay phát triển chăn nuôi chưa thực hiện.

Về kết quả thực hiện Nghị định số 56/2017 của HĐND tỉnh

Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan, UBND xã đã triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 56/2017 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, các hộ dân không đăng ký trồng rừng chuyển hóa gỗ lớn vì chu kỳ khai thác, hưởng lợi lâu (trên 12 năm) không đáp ứng nhu cầu kinh tế vì vậy các chính sách tại Nghị quyết này không tổ chức triển khai thực hiện được.

Tồn tại, hạn chế

Hầu hết các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị định 75/2015/NĐ-CP như hỗ trợ tín dụng, trồng rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ gạo thực hiện không được đầy đủ và liên tục. Diện tích đất rừng giao khoán bảo vệ chưa được khai thác hết tiềm năng như trồng cây dược liệu dưới tán rừng… nên hiệu quả thu nhập từ rừng chưa tương xứng với thế mạnh của rừng. Địa phương không được cấp trên bố trí kinh phí kịp thời, đầy đủ để thực hiện khoán bảo vệ rừng hàng năm theo quy định trong Nghị định của Chính phủ. Cơ chế tín dụng tuy có triển khai nhưng thiếu đồng bộ về thông tin.

Giải pháp khắc phục

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng đến người dân trong xã được giao đất gắn với giao rừng nói riêng và khoán bảo vệ rừng, để người dân thấy được tầm quan trọng và vai trò to lớn của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái.

Tập huấn nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, cần phải chủ động phối hợp tổ chức thực hiện.

Tiếp tục thực hiện các Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng giữa lực lượng Kiểm lâm với các lực lượng: Công an, Quân sự, chủ rừng và thường xuyên tổ chức tuần tra truy quét bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở.

Ông Đinh Văn Điết, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Long phát biểu

Kiến nghị

Hàng năm, cấp trên cần bố trí đủ và kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định để địa phương chủ động thực hiện; tiếp tục thực hiện các chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu

Các Thành viên dự họp đã tham gia phát biểu làm rõ những vấn đề tồn tại, vướng mắc và ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đã tiếp thu các kiến nghị của địa phương; đồng thời đề nghị địa phương khắc phục khó khăn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách vay vôn ưu đãi tại Ngân hành chính sách xã hội huyện, nhằm hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập giảm nghèo nhanh và bền vững.

Quang cảnh Đoàn giám sát tại huyện Ba Tơ

Đoàn giám sát tại huyện Sơn Tây và huyện Ba Tơ

Trước đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND tại: xã Sơn Liên, xã Sơn Bua và làm việc với UBND huyện Sơn Tây; xã Ba Trang, huyện Ba Tơ và Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Ba Tơ. Đồng thời, Đoàn đã kiểm tra hiện trạng rừng chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Ba Tơ tại xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ và sáng ngày 14/5/2020, Đoàn giám sát cũng đã làm việc với lãnh đạo xã Long Môn, huyện Minh Long về nội dung này.

                         Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 725

Tổng số lượt xem: 4610966