Truy cập nội dung luôn
BAN DÂN TỘC

TỈNH QUẢNG NGÃI

HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP tại huyện Sơn Hà

19/05/2020 21:49    349

Sáng nay 19/5/2020, tại UBND huyện Sơn Hà, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 (Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND). Đoàn giám sát do ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Lãnh đạo huyện Sơn Hà.

 

Tham gia Đoàn giám sát có các thành viên và đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Phùng Tô Long, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Đinh Xuân Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; lãnh đạo các cơ quan tham mưu UBND huyện; Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Trạm Quản lý rừng phòng hộ huyện và lãnh đạo UBND các xã có liên quan.

Sau khi nghiên cứu các báo cáo của UBND huyện, các Thành viên và Trưởng đoàn giám sát đã nêu những vấn đề cần được làm rõ thêm về kết quả đạt được, nguyên nhân tồn tại, biện pháp khắc phục trong thời gian đến và những kiến nghị để việc tổ chức thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND đạt được mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo Trạm Quản lý rừng phòng hộ huyện báo cáo giải trình với Đoàn giám sát

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng tham mưu; UBND xã phối hợp với Tram Quản lý rừng phòng hộ và Kiểm lâm huyện tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh; đồng thời, tổ chức xét chọn danh sách hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bên thực hiện dự án theo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt hiệu quả.

Kết quả thực hiện Nghị định số 75/2015 của Chính phủ

Tổng diện tích rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn huyện được giao khoán bảo vệ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP từ năm 2016 – 2019 là 13.472 ha với 705 hộ tham gia (diện tích khoán bảo vệ rừng tự nhiên là 9.650,45ha; diện tích khoán bảo vệ rừng trồng là 3.821,55ha). Trong đó: Năm 2016 huyện đã triển khai nhưng chưa có nguồn vốn để thực hiện theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; năm 2017: khoán bảo vệ rừng là 4.162,8ha, chiếm tỷ lệ 99,28% so với kế hoạch, với 217 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ; kinh phí thực hiện là 1.645.669.000 đồng; năm 2018: khoán bảo vệ rừng là 5.135,64 ha, chiếm tỷ lệ 75,91,78% so với kế hoạch, với 305 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ; kinh phí thực hiện là 2.054.255.000 đồng và năm 2019: khoán bảo vệ rừng, chiếm tỷ lệ 99,96% so với kế hoạch, với 201 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ; kinh phí thực hiện là 1.701.560.000 đồng. Định mức mức khoán hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

Về trình tự, thủ tục giao nhận khoán bảo vệ rừng và Công tác kiểm tra, nghiệm thu thực hiện đúng theo quy định gồm:

Tổ chức họp dân về xét chọn các hộ bảo vệ rừng; biên bản họp dân, kèm danh sách về việc xét chọn các hộ bảo vệ rừng; danh sách đề nghị nhận bảo vệ rừng của thôn, đơn xin nhận bảo vệ rừng; Hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với từng hộ dân; hồ sơ thuyết minh về kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP được cấp thẩm quyền phê duyệt; Biên bản giao nhận diện tích bảo vệ rừng; Kế hoạch tuần tra, kiểm tra và kiểm soát lâm sản trên địa bàn xã; biên bản tuần tra, truy quét; Biên bản nghiệm thu và danh sách nhận tiền nghiệm thu bảo vệ rừng và Tờ trình về chi tiền hỗ trợ bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã, thị trấn quản lý và được giao khoán bảo vệ

Năm 2018, trên địa bàn huyện từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ với diện tích 80,337 ha chiếm 38,8% so với tổng diện tích kế hoạch, với 18 hộ nhận giao khoán; kinh phí thực hiện là 32.135.00 đồng; định mức khoán hỗ trợ là 400 nghìn đồng/ha/năm.

UBND các xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục đúng theo quy định. Tổ chức họp dân xét chọn hộ tham gia bảo vệ rừng, niêm yết công khai danh sách, xây dựng phương án bảo vệ rừng gửi phòng ban chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, diện tích này nhỏ lẻ manh mún, khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ, có một số diện tích ít rừng, chủ yếu là cây bụi, dây leo các loại. Tình trạng các hộ dân lấn chiếm trái phép một số diện tích rừng để trồng keo, mì vẫn còn xảy ra.

Về kết quả thực hiện Nghị định số 56/2017 của HĐND tỉnh

Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan, UBND xã triển khai thông báo trong các buổi họp dân trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu để đăng ký trồng rừng chuyển hóa nguyên liệu gỗ lớn và nội dung các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND tỉnh. Tuy nhiên, các hộ dân không đăng ký trồng rừng chuyển hóa gỗ lớn vì chu kỳ khai thác, hưởng lợi lâu (trên 12 năm) không đáp ứng nhu cầu kinh tế. Vì vậy, các chính sách tại Nghị quyết này chưa tổ chức triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Nhiều cơ chế, chính sách thiết thực được quy định cụ thể trong Nghị định 75/2015/NĐ-CP nhằm hướng tới mục tiêu là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhưng chưa đi vào cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ và chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn trồng rừng sản xuất, chăn nuôi, …chưa được triển khai thực hiện do không có kinh phí. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng không được hưởng lợi gì dưới tán rừng (vì dưới tán rừng không có lâm sản gì để được khai thác) nên không mấy mặn mà với người có trách nhiệm được giao bảo vệ rừng.

Do trình độ và nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất; nhu cầu sử dụng về nguyên liệu gỗ, nguyên liệu sắn và giá cả các loại cây nguyên liệu tăng cao nên đã kích thích người dân lén lút lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất và trồng rừng sản xuất và chuyển hóa rừng trồng nhỏ sang gỗ lớn chu kỳ dài, rủi ro cao nên người dân không dám mạnh dạn vay vốn trồng và chuyển hóa rừng trồng; công tác kiểm tra đánh giá về hiện trạng rừng, bàn giao ngoài thực địa để người dân nhận khoán bảo vệ cũng chưa sát với thực tế; diện tích giao khoán bảo vệ cho một hộ gia đình là quá ít (có 5-7ha cho một hộ) dẫn đến thu nhập từ quản lý bảo vệ rừng không cao và khi rà soát xây dựng đề án về chính sách tín dụng chưa sát với tình thực tế nên khi tổ chức thực hiện thì không thực hiện được.

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu làm rõ quyết tâm của huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững; những vấn đề vướng mắc khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách về việc bảo vệ phát triển rừng bên vững gắn với bảo vệ môi trường trong cả giai đoạn nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân trên địa bàn hiểu rõ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên vận động Nhân dân bảo vệ phát triển rừng, tăng gia sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển nông nghiệp và trồng rừng; khuyến khích hộ dân giành một quỹ đất để trồng cây nguyên liệu gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phục sinh các nguồn nước và tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình.

Đồng thời, kiến nghị: hàng năm, Trung ương, tỉnh cần bố trí đủ kinh phí cho UBND huyện để tổ chức thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định. Tăng định mức khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm quản lý bảo vệ đối với các hộ dân khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của Nhà nước. Giao khoán rừng phải sát với hiện trường để họ nắm rõ mốc giới lô rừng mà Nhà nước giao quản lý bảo vệ. Khen thưởng và động viên kịp thời đối với những hộ có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tốt, đồng thời phải có biện pháp xử lý răn đe đối với những hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng.

Bà Đinh Thị Mai Sinh, Chủ tịch HĐND huyện Minh Long, Thành viên Đoàn giám sát phát biểu

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của các Thành viên dự họp; biểu dương những kết quả đã đạt được và chỉ ra những tồn tại mà trong thời gian đến cần phải tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm chắc các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đoàn tiếp thu các kiến nghị của địa phương để báo cáo HĐND tỉnh về tình hình kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc tại huyện Minh Long

Đoàn giám sát tại huyện Sơn Tây, Ba Tơ và huyện Minh Long

Trước đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND: Tại huyện Sơn Tây: Đoàn làm việc với lãnh đạo xã Sơn Liên, xã Sơn Bua và làm việc với UBND huyện Sơn Tây. Tại huyện Ba Tơ Đoàn đã làm việc với lãnh đạo xã Ba Trang, huyện Ba Tơ; Đoàn cũng đã kiểm tra hiện trạng rừng chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Ba Tơ tại xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ và Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Ba Tơ. Tại huyện Minh Long Đoàn đã làm việc với lãnh đạo xã Long Môn và làm việc với lãnh đạo huyện Minh Long./.

   Hoài Châu

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 861

Tổng số lượt xem: 4609671