Truy cập nội dung luôn

Chọn tạo và phát triển một số giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt phục vụ sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân Quảng Ngãi và một số tỉnh khu vực Miền Trung.

17/07/2020 09:04    1245

Trong những năm qua sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất lúa ngày càng tăng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, thời tiết biến đổi thất thường, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa nếu không có các biện pháp đối phó hiệu quả, bền vững; thu nhập của người dân sản xuất lúa còn thấp nên không gắn bó với mảnh ruộng lúa, có nguy cơ bỏ ruộng. Hơn nữa, trong cơ cấu giống lúa đang sản xuất hiện nay, các giống lúa ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao phục vụ 2 vụ lúa/ năm tại Quảng Ngãi và các tỉnh Miền Trung đang rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Để giải quyết những yêu cầu cấp thiết và thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Trung tâm giống tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Chọn tạo và phát triển một số giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt phục vụ sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân Quảng Ngãi và một số tỉnh khu vực Miền Trung”.

Đề tài thực hiện thí nghiệm tập đoàn, chọn dòng thuần ưu tú. 70 dòng lúa thuần thế hệ F7-F8 được lai tạo từ các cặp bố mẹ có phẩm chất gạo tốt, năng suất cao được Trung tâm tiến hành thí nghiệm trong vụ Đông Xuân 2016 -2017 trên đồng ruộng và được đề tài thực hiện nối tiếp vụ Hè Thu 2017, qui mô 0,2 ha, tại Trạm giống cây nông nghiệp Đức Hiệp, Mộ Đức. Qua đó, xác định 10 dòng ưu tú nhất vụ Đông Xuân 2016-2017 và 8 dòng thuần ưu tú nhất vụ Hè Thu 2017. Các dòng có thời gian sinh trưởng từ ngắn ngày đến trung ngày, vụ Đông Xuân 100-110 ngày, vụ Hè Thu 89-94 ngày; ít nhiễm sâu bệnh hại, chống chịu với rầy nâu hơn giống đối chứng HT1, KD đb, các dòng đều cứng cây; năng suất cao vụ Đông Xuân đạt 81,3-88,6 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 từ 18,1-28,7%), vụ Hè Thu năng suất 66,8-74,3 tạ/ha (cao hơn 2 giống đối chứng từ 4,2-22,4%). 

Từ 18 dòng lúa thuần ưu tú nhất được chọn ra từ thí nghiệm tập đoàn và 4 dòng lúa ưu tú của vật liệu khởi đầu, thí nghiệm so sánh đánh giá các dòng thuần ưu tú thực hiện trong vụ Hè Thu 2017 và vụ Đông Xuân 2017-2018 đã xác định được 2 dòng thuần ưu tú nhất là ĐH 145Đ-12 và ĐH 11-48 để tham gia khảo nghiệm Quốc gia, đánh giá tính chống chịu sâu bệnh. Dòng ĐH 145Đ-12 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung ngày (vụ Đông Xuân 107-108 ngày, vụ Hè Thu 95 ngày), năng suất trung bình 66,9-67,6 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng HT1 trên 10%, cứng cây, khối lượng 1.000 hạt lớn, ít nhiễm sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, tỷ lệ gạo nguyên và tỷ lệ gạo trắng trong trên 80%, gạo lật có màu đỏ huyết dụ, chứa nhiều dưỡng chất, cơm ngon. Dòng ĐH 11-48 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung ngày (vụ Đông Xuân 110-111 ngày), năng suất trung bình đạt 75,8 tạ/ha và cao hơn giống đối chứng 11,6-23,7%, sức sinh trưởng mạnh, cứng cây, cây cao trung bình, bông to, dày gié, ít nhiễm sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, hạt dài 6,57mm, tỷ lệ dài/rộng 3,22, tỷ lệ gạo nguyên và tỷ lệ gạo trắng trong trên 80%, cơm ngon.
Theo kết quả khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất tại các địa phương có 3 giống lúa triển vọng đủ điều kiện công nhận sản xuất thử là QNg6, QNg13, QNg128, đề tài chọn 2 giống lúa QNg6 và QNg13 để thực hiện thí nghiệm xác định mật độ gieo sạ và liều lượng phân bón (đạm, kali) phù hợp. Giống lúa QNg6 có mật độ gieo sạ 80 kg giống/ha và liều lượng phân bón vụ Đông Xuân 150 kg Đạm (N2) + 90 kg Lân (P2O5) + 110 kg Kali (K2O)/ha, vụ Hè Thu 120 kg Đạm (N2) + 90 kg Lân (P2O5) + 90 kg Kali (K2O)/ha + nền 10 tấn phân chuồng + 300,0 kg vôi/ha là phù hợp, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đất hơi chua, có độ phì trung bình. Giống lúa QNg13 có mật độ gieo sạ 80 kg giống/ha và liều lượng phân bón vụ Đông Xuân và Hè Thu 120 kg Đạm (N2) + 90kg Lân (P2O5) + 90 kg Kali (K2O)/ha và trong vụ Hè Thu 150 kg Đạm (N2) + 90 kg Lân (P2O5) + 110 kg Kali (K2O) + nền 10 tấn phân chuồng + 300,0 kg vôi/ha là phù hợp, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đất hơi chua, có độ phì trung bình. Từ đó, xây dựng 02 hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa mới có chất lượng tốt cho giống lúa QNg6 và QNg13. 

Đề tài đã khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng trên 5 giống QNg6, QNg13, QNg128, QNg11, TĐ 145 phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng miền Trung và Tây Nguyên thực hiện trong mạng lưới khảo nghiệm quốc gia vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Các giống đều có thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung ngày, vụ Đông Xuân 105-116 ngày, vụ Hè Thu 92-106 ngày (trong điều kiện cấy), tương đương 2 giống đối chứng HT1 và KD đb; ít nhiễm sâu bệnh hại hơn so với giống đối chứng, chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh đạo ôn; năng suất 60,8-67,3 tạ/ha vụ Hè Thu, 64,6-78,9 tạ/ha vụ Đông Xuân, cao hơn giống đối chứng HT1 10,5-14,5% vụ Hè Thu, 0,2-19,4% vụ Đông Xuân; tỷ lệ gạo lật 78,8-81,4% cao hơn giống đối chứng HT1, KD đb; tỷ lệ gạo nguyên 89,1-97% cao hơn giống HT1, KD đb; cơm mềm, ngon tương đương giống đối chứng HT1. Cùng với khảo nghiệm cơ bản, đề tài thực hiện khảo nghiệm sản xuất tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Các giống có thời gian sinh trưởng ngắn đến trung ngày (92-106 ngày vụ Hè Thu, 105-116 ngày vụ Đông Xuân; ít nhiễm sâu bệnh hại chính và tương đương giống đối chứng, khả năng chịu lạnh tương đương giống đối chứng, chịu nóng tốt hơn giống đối chứng; năng suất 56,8-65,0 tạ/ha vụ Hè Thu (cao hơn giống HT1 đối chứng 5,6-14,6%), 66,2-74,4 tạ/ha vụ Đông Xuân (cao hơn HT1 đối chứng 3,7-16,4%). Ngoài ra, đề tài tiến hành khảo nghiệm đánh giá phản ứng của giống lúa mới với bệnh đạo ôn và rầy nâu tại tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện nhân tạo. Kết quả cho thấy: 4 giống lúa QNg6, QNg13, QNg11, TĐ 145 có phản ứng kháng bệnh, tính kháng bệnh đạo ôn cao hơn so với giống đối chứng VN121, khả năng chống chịu rầy nâu cao hơn so với giống KD18 đối chứng. Đề tài thực hiện khảo nghiệm DUS cho 5 giống QNg6, QNg13, QNg128 (vụ mùa 2017, 2018) và QNg11, TĐ 145 (vụ mùa 2018, 2019), cho thấy các giống đều có sự khác biệt rõ ràng so với các giống tương tự đối chứng, có tính đồng nhất và tính ổn định. 
Đồng thời tiến hành đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới cho các giống lúa QNg6, QNg13, QNg128, TĐ 145 và được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ cho 3 giống lúa QNg6, QNg13, QNg128 và giống lúa TĐ 145 được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ. 

Các giống lúa mới QNg6, QNg13, QNg128 đã được đăng ký bảo hộ.

Các giống lúa mới QNg6, QNg13, QNg128 đã được đăng ký bảo hộ.

Sau khi có kết quả các bước khảo nghiệm Quốc gia, đề tài tiến hành lập báo cáo kết quả chọn tạo, khảo nghiệm 03 giống lúa mới QNg6, QNg13 và QNg128 trình và được Cục Trồng trọt công nhận sản xuất thử  giống QNg6, QNg13 tại các tỉnh duyên hải nam trung bộ và Tây Nguyên, giống QNg128 được công nhận sản xuất thử tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Tăng hơn 1 giống so mục tiêu đề tài.
Đề tài cũng đã xây dựng 12 mô hình trình diễn cho 2 giống lúa mới QNg6 và QNg13, mỗi giống 6 mô hình tại 6 huyện đồng bằng của tỉnh, tổng diện tích 60 ha, trên 2 loại chân đất (chân đất thịt độ phì khá-tốt ở Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và chân đất pha cát-bạc màu ở Sơn Tịnh, Đức Phổ). Giống lúa QNg6 thực hiện vụ Đông Xuân 2018-2019 có thời gian sinh trưởng 103-110 ngày, ít nhiễm sâu bệnh hại chính, trên chân đất thịt độ phì khá-tốt năng suất 70,5-75,6 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 9-12,3%), trên chân đất cát bạc màu năng suất 64,0-66,7 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 10,3-14,2%), lãi thuần trung bình 11.375.375 đồng/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 18,4%). Giống lúa QNg13 thực hiện vụ Hè Thu 2019 có thời gian sinh trưởng 90-97 ngày, ít nhiễm sâu bệnh hại chính, trên chân đất thịt độ phì khá-tốt năng suất 65,1-67,5 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 10,3-12,6%), trên chân đất cát bạc màu năng suất 64,1-68,5 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 13,5-14,2%), lãi thuần trung bình 8.741.000 đồng/ha (cao hơn giống đối chứng HT1 16,0%). Ông Trần Ngọc Sơn, cán bộ kỹ thuật của đề tài nhận xét: Chúng tôi thực hiện các mô hình trình diễn trong 2 vụ; vụ Đông Xuân 2018-2019 chúng tôi triển khai 6 mô hình tại Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Đức Phổ, vụ Hè Thu 2019 cũng triển khai tại 6 điểm này và ở các vùng chân đất khác nhau. Kết quả cho thấy vụ Đông Xuân, giống lúa QNg6 cho năng suất cao, cứng cây, khả năng chống đỗ ngã rất tốt, chất lượng gạo thơm ngon, khả năng kháng bệnh tốt, chịu lạnh tốt; vụ Hè Thu, giống lúa QNg13 cứng cây, chống đổ ngã rất tốt, chịu nắng tốt, không bị lép hạt, thích nghi biến đổi khí hậu.

Hội nghị đầu bờ các giống lúa QNg6, QNg13, QNg128.

Hội nghị đầu bờ các giống lúa QNg6, QNg13, QNg128.

Sau khi công nhận giống sản xuất thử, cơ quan chủ trì đề tài đã tiến hành sản xuất thử nhân rộng các giống lúa trên trong vụ Hè Thu 2019 và vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với 17 mô hình có tổng diện tích 259,1 ha. Kết quả giống QNg6, đạt năng suất trung bình 74,3 tạ/ha vượt hơn giống đ/c 11,9 % về năng suất, hơn 17,9 % về hiệu quả kinh tế; Giống QNg13 đạt năng suất trung bình 72,8 tạ/ha, vượt hơn giống đ/c 12,9 % về năng suất, hơn 22,2 % về hiệu quả kinh tế. 
Ông Đỗ Đức Sáu, chủ nhiệm đề tài đánh giá: Đề tài được thực hiện đầy đủ nội dung, tiến độ đặt ra. Các sản phẩm chính của đề tài là các giống lúa QNg6, QNg13, QNg128 đã được tổ chức sản xuất thử và thực hiện mô hình trình diễn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều cho kết quả tốt. Đồng thời, áp dụng hướng dẫn quy trình kỹ thuật ở vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các mô hình đều đạt kết quả tốt. Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ 3 giống lúa này và được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ. Các Sở Nông nghiệp các tỉnh đã đưa 3 giống lúa của đề tài vào cơ cấu giống triển vọng như tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định. Như vậy, có thể khẳng định các giống lúa này có triển vọng và có điều kiện để mở rộng, thay thế dần các giống kém hiệu quả hơn. Thời gian đến, chúng tôi sẽ thực hiện các bước để công nhận lưu hành các giống này để phục vụ cho sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Với kết quả đạt được, đề tài góp phần đem lại thu nhập cao cho người nông dân; nâng cao năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Trung qua ứng dụng vào sản xuất cơ cấu giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao; từ đó tạo định hướng cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi giống cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trinh Nữ

Theo Bản tin KH&CN số 03/2020.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1458

Tổng số lượt xem: 4272523