Truy cập nội dung luôn

Hoạt động đánh giá sự phù hợp của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Thực trạng và giải pháp

21/09/2020 09:42    547

Hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) đóng một vai trò quan trọng trong thương mại và phát triển bền vững; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; là cầu nối giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng của sản phẩm, hàng hoá; giúp nhà sản xuất, người cung cấp, người tiêu dùng xác định được mức độ phù hợp của sản phẩm, hàng hoá so với các mức quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng. Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, ĐGSPH được chấp nhận và áp dụng tại hầu hết các nước và được các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước thừa nhận, do đó sẽ là bằng chứng phù hợp và là chìa khóa giúp sản phẩm của doanh nghiệp vượt qua cánh cửa của hàng rào kỹ thuật, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoạt động ĐGSPH trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian gần đây đã được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá sự phù hợp của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành điều tra, khảo sát và thu được kết quả nhất định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, có 335 doanh nghiệp (trong đó, doanh nghiệp lớn chiếm 9,85%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 62,68%, và doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 27.46%) đang hoạt động sản xuất trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong số các doanh nghiệp sản xuất, có 56 doanh nghiệp có hoạt động xuất/nhập khẩu. 

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đánh giá sự phù hợp.

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đánh giá sự phù hợp.

Kết quả điều tra cho thấy, doanh nghiệp dần nhận thức về vai trò của hoạt động ĐGSPH đến sự phát triển trong giai đoạn hội nhập. Đã có 174/335 (đạt 51,94%) doanh nghiệp có biết về hoạt động ĐGSPH, tuy nhiên doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về hoạt động này chỉ có 89 doanh nghiệp, đạt thấp 26,57%; còn lại các doanh nghiệp chỉ nắm bắt hoạt động thông qua cơ quan quản lý nhà nước với một số hoạt động bắt buộc riêng biệt như thử nghiệm mẫu, giám định chất lượng, hiệu chuẩn, chứng nhận và công bố hợp quy sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thực trạng ĐGSPH của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn thấp, có 158/335 doanh nghiệp, tỷ lệ 47,16% (trong đó, có 124 doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm; 30 doanh nghiệp thực hiện giám định chất lượng; 37 doanh nghiệp thực hiện hiệu chuẩn trang thiết bị; 17 doanh nghiệp chứng nhận/công bố hợp chuẩn; 54 doanh nghiệp chứng nhận và công bố hợp quy; 91 doanh nghiệp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn). Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ĐGSPH được thể hiện cụ thể như sau:
Doanh nghiệp thực hiện hoạt động thử nghiệm chiếm tỷ lệ cao nhất, tuy nhiên đa phần là thử nghiệm từng chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm đơn lẻ; hoạt động giám định chủ yếu là theo yêu cầu của khách hàng. Đối với 37 doanh nghiệp thực hiện hiệu chuẩn 73 thiết bị, dụng cụ, có 21 doanh nghiệp thực hiện hiệu chuẩn từ 2 thiết bị, dụng cụ trở lên. 
Hoạt động chứng nhận/công bố hợp chuẩn cho sản phẩm của doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp nhất, 5,07%. Các doanh nghiệp chứng nhận/công bố hợp chuẩn cho 37 sản phẩm bao gồm: gạch nung và không nung các loại, ngói màu; xi măng, bê tông thương phẩm, ống cống bê tông ly tâm; tinh bột sắn; lò hơi, bình áp lực; tôm, cá, mực tẩm bột; xăng, nhiên liệu điêzen, LPG, nhiên liệu tuốc bin hàng không Jet A-1; thép thành phẩm, vật liệu cấp phối xỉ thép; thiết bị cung cấp nhiệt công nghiệp, cung cấp nước sạch, cẩu trục, kết cấu thép, bình bồn, thiết bị thu hồi nhiệt; dây thép mạ kẽm, đinh thép. 
Hoạt động chứng nhận và công bố hợp quy cho sản phẩm của doanh nghiệp đạt 16,12%, với 76 sản phẩm của 54 doanh nghiệp bao gồm: gạch nung và không nung các loại; ngói màu; cốt liệu cho bê tông; cát nghiền; xi măng; tấm sóng amiăng xi măng; thép thành phẩm, vật liệu cấp phối xỉ thép; phân bón các loại; bia; mía; nước uống đóng chai; đá viên; bao bì nhựa, chai PET nhựa; cửa nhựa; xăng, nhiên liệu điêzen, LPG; lúa giống. Chứng nhận hợp quy là hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Có 78/335 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có sản phẩm thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên, đến nay có 54/78 doanh nghiệp (69,23%) thực hiện chứng nhận hợp quy cho 75 sản phẩm, hàng hóa. Còn 24/78 doanh nghiệp (30,77%) chưa thực hiện chứng nhận hợp quy cho 32 sản phẩm.
Hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý của doanh nghiệp đạt 27,16% với 142 hệ thống quản lý được chứng nhận của 91 doanh nghiệp. Có 69 hệ thống ISO 9001; 17 hệ thống ISO 14001; 13 hệ thống FSC; 10 hệ thống HACCP; 06 hệ thống ISO 22000; 05 hệ thống OHSAS 18001; 05 hệ thống VietGAP; 03 hệ thống ISO 17025; 02 hệ thống ISO 45001; 02 hệ thống BRC; 02 hệ thống WRAP; 02 hệ thống ISO 3834 (chuyên ngành hàn); 02 hệ thống GMP; 01 hệ thống ISO 50001; 01 hệ thống TQM; 01 hệ thống IFS; 01 hệ thống BAP.
Bên cạnh kết quả hoạt động ĐGSPH, cũng đã xác định được nhu cầu của các doanh nghiệp trong thời gian đến, có 119/335 doanh nghiệp có nhu cầu, đạt 35,52% so với doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, 93 doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm (27,76%); 23 doanh nghiệp có nhu cầu giám định (6,87%); 31 doanh nghiệp có nhu cầu hiệu chuẩn (9,25%); 10 doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa (2,99%); 19 doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa (5,67%); 38 doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp với tiêu chuẩn (11,34%). 
Có thể thấy rằng, hoạt động ĐGSPH trên địa bàn tỉnh đã dần nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động ĐGSPH thật sự là “chiếc chìa khóa” để mở cánh cửa “quy định, tiêu chuẩn” trong giai đoạn hội nhập, hướng tới việc đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp như cam kết của nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, khuyến nghị một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước
Nhà nước cần khuyến khích, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ĐGSPH của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và tập thể Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp đã được xác định, bình quân đạt 43,43% GDP, trong khi bình quân của khu vực kinh tế nhà nước là 28,45% GDP, khu vực FDI là 16,47% GDP). Cần xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hoạt động ĐGSPH (lồng ghép với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa) với một số nội dung bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về hoạt động tiêu chuẩn hóa, về vai trò của hoạt động ĐGSPH trong giai đoạn hiện nay. (2) Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, hệ thống quản lý chất lượng, cải thiện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp; (3) Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm, giám định, hiệu chuẩn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý. (4) Hỗ trợ kinh phí khi doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý: ISO 9001; ISO 14001; ISO 50001; ISO 27001; ISO 26000; ISO 45001; ISO 29001; ISO/IEC 17025; ISO 22000; OHSAS 18001; HACCP; GMP; TQM; VietGAP; BRC; WRAP; BAP; IFS; ISO 3834…; (5) Hỗ trợ kinh phí khi doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách của pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc tăng cường cơ chế quản lý, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định về chất lượng, chứng nhận hợp quy (hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa nhóm 2). 
Thứ hai, giải pháp đối với doanh nghiệp 
Để hoạt động ĐGSPH phát huy hết vai trò là công cụ nhằm đảm bảo chất lượng, sản xuất – kinh doanh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần ổn định xã hội, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, sự đồng hành hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ, thì doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về hoạt động ĐGSPH. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia mạnh mẽ vào hoạt động ĐGSPH nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có ý thức chấp hành pháp luật để đảm bảo doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Thứ ba, giải pháp đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp. 
Trên cơ sở kết quả đánh giá của đề tài, trong đó, trọng tâm là nhu cầu về hoạt động ĐGSPH của doanh nghiệp trong thời gian đến, giúp tổ chức thu thập dữ liệu, góp phần vào định hướng nâng cao năng lực của tổ chức, cũng như đổi mới phương thức làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần vào sự phát triển của cơ quan.

Theo Bản tin KH&CN số 04/2020.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1113

Tổng số lượt xem: 4240150