Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương

21/06/2021 10:39    543

Hiện nay việc bảo hộ và phát triển nhãn hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng không những khẳng định được vai trò của người sản xuất và nâng tầm giá trị sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn thông minh nhất.

Nấm linh chi của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm linh chi Đức Nhuận, huyện Mộ Đức là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Nấm linh chi của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm linh chi Đức Nhuận, huyện Mộ Đức là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Những tín hiệu vui

Có thể thấy, gần đây Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương. Đặc biệt, với đề án “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”, giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 đã triển khai có hiệu quả, bước đầu nhiều địa phương chú trọng đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tổ chức công bố văn bằng bảo hộ, nâng tầm giá trị cho sản phẩm đặc trưng, tạo hiệu ứng tốt trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Đến nay, những sản phẩm đặc trưng từ đồng bằng, biển đảo và miền núi đã bắt đầu định danh trên thị trường. Qua đánh giá, phân hạng và công nhận nhiều sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh và hàng chục sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, một số sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Tín hiệu vui là nhiều sản phẩm nông sản địa phương đã có thương hiệu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn trong nước như: Nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, mạch nha Kim Hồng, tỏi đen Volcano, bánh tráng Huy Cường, ớt xiêm Sơn Hà, nước mắm truyền thống Phương Loan, Đức Hải, Phát Hải… Dự kiến đến cuối năm 2021, Quảng Ngãi có hàng chục sản phẩm nông sản từ các làng nghề, nông sản truyền thống sẽ được đánh giá, công bố bảo hộ, gắn nhãn hiệu và phân hạng đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh…

Đến thăm Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm linh chi Đức Nhuận, huyện Mộ Đức trong những ngày giữa tháng 4 này, chúng tôi chứng kiến hai nhóm lao động nhộn nhịp đang vận chuyển mùn cưa đưa vào máy sàn loại chất thải. Phía bên kia dây chuyền, mùn cưa sạch chuyển thẳng vào công đoạn hấp, phối trộn phôi nấm linh chi. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm linh chi Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết:  HTX đang thực hiện thẩm định nguyên liệu, cấy giống chuẩn bị cho đợt trồng nấm mới. Các quy trình nguyên liệu, phối trộn, hấp thanh trùng, cấy giống được HTX thực hiện theo quy chuẩn nghiêm ngặt. Đặc biệt, hiện nay nấm linh chi Giang Phong đã có thương hiệu và đạt chuẩn OCOP với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng chấp nhận. Còn tại cơ sở sản xuất nước mắm Đức Hải, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, bà Phạm Thị Thuý Vân vui vẻ nói: Khi xây dựng nhãn hiệu nước mắm cho riêng mình, hiện nay sản phẩm đã có nhiều cải tiến mẫu mã, bao bì và độ đạm dinh dưỡng khá cao. Mỗi tháng, cơ sở này đã chế biến khoảng trên 300 lít nước mắm nguyên chất, cung ứng cho chuỗi cửa hàng, siêu thị, được người tiêu dùng ưa thích. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: Huyện xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đạt chuẩn OCOP sẽ kích thích sản xuất nông sản phát triển. Với địa phương thuần nông, ven biển thì chúng tôi thấy cần có biện pháp bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, từ đó sẽ tăng dần giá trị sản phẩm và được khẳng định từ uy tín, tin dùng của thị trường. Đặc biệt, với Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ giúp cho địa phương xác định lợi thế, tập trung cho sản phẩm chính để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, đảm bảo chất lượng hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn…

Chôm chôm Nghĩa Hành được gắn nhãn hiệu, người tiêu dùng ưa thích.

Chôm chôm Nghĩa Hành được gắn nhãn hiệu, người tiêu dùng ưa thích.

Trên vùng đất trung du huyện Nghĩa Hành, hiện nay đã có 4 loại cây ăn trái đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm và chuối ngự. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. Theo UBND huyện Nghĩa Hành, sau nhiều năm thực hiện đến nay, toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 300 ha cây ăn trái các loại, trong đó nhiều nhất là chuối ngự, sầu riêng, bưởi, chôm chôm… Việc được chứng nhận nhãn hiệu, trái cây Nghĩa Hành đã tạo niềm tin với người tiêu dùng, thuận lợi trong cạnh tranh trên thị trường. Người dân tự tin đầu tư mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Nghĩa Hành được người dân trong tỉnh ví von là “Nam bộ ở Quảng Ngãi”, bởi đây là địa phương nổi tiếng với những vườn cây ăn trái các loại. Từ vườn trái cây, nhiều gia đình đã có thu nhập khá, có tiền xây nhà, mua xe và vật dụng sinh hoạt đắt tiền cho gia đình.

Cây chè Minh Long sau khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu và chính thức được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã đem đến những tín hiệu vui cho người trồng chè. Với nhãn hiệu “Chè Minh Long hương vị đậm đà” đã thực sự hồi sinh đối với đồng bào trên vùng đất nghèo trước đây. UBND huyện cũng đã xây dựng dự án KH&CN “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Minh Long” Từ đó, địa phương thiết lập cơ chế quản lý và khai thác nhãn hiệu chè Minh Long, đảm bảo nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm chè trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Với mô hình quản lý chung và thống nhất trong việc tổ chức điều hành sản xuất, khai thác thương mại, từng bước đã nâng tầm giá trị sản phẩm chè của địa phương trên thị trường, từng bước tăng nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn…

Quế Trà Bồng đã được bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm lên gấp 3 lần so với trước.

Quế Trà Bồng đã được bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm lên gấp 3 lần so với trước.

Riêng sản phẩm quế Trà Bồng nổi tiếng cả nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để huyện vùng cao Trà Bồng bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm quế bản địa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Theo chỉ dẫn địa lý, quế Trà Bồng thuộc bộ Laurales, họ Lauraceae, tên thường gọi là quế bì, quế đơn. Ngoài tên địa phương, quế Trà Bồng còn có những tên gọi khác như giống quế nội hay giống quế bản địa. Các sản phẩm từ quế đều có mùi thơm nồng đặc trưng, không ngái, vị cay ngọt pha lẫn vị đắng nhẹ... Theo lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm quế Trà Bồng bay cao vươn xa, tiếp cận thị trường sâu rộng hơn, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu đã tăng giá bán từ 15% đến 20% và thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng các sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Định hướng trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích bà con phát triển, mở rộng diện tích trồng quế. Huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng quế theo hướng hữu cơ để giữ vững thương hiệu.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị sản phẩm

Tuy đạt những kết quả nêu trên, nhưng hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại trong việc bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương. Hiện nay tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ, với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Trước mắt, các địa phương thực hiện công khai các thông tin liên quan đến bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu; đồng thời xây dựng mạng lưới thị trường ổn định, phát hiện các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ cở sở sản xuất, tạo mô hình trong việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương. Nâng cao hiểu biết của xã hội về quyền và nghĩa vụ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Các Sở, ngành của tỉnh cần đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của địa phương. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, các tổ chức Hiệp hội, HTX, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thương mại khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Hơn lúc nào hết, để các sản phẩm đặc trưng ở địa phương thực sự trở thành những thương hiệu nổi tiếng của tỉnh, mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất ra các sản phẩm đều phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo hộ, phát triển nhãn hiệu. Các ngành liên quan và địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm; xác định phạm vi địa lý bảo hộ, xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm. Đặc biệt là xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương.

Tin tưởng rằng các sản phẩm hàng hóa của người nông dân, lao động ở các vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ sớm có thương hiệu riêng, khẳng định được chất lượng, qua đó hình thành nên những nhãn hiệu có năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Theo Bản tin KH&CN số 02-2021.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1070

Tổng số lượt xem: 4242580