Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

17/09/2020 10:06    4666

Vùng rau sạch ở xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Ngãi đang có bước khởi sắc, góp phần nâng cao giá trị thu nhập, ổn định đời sống nông dân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Quảng Ngãi vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Có thể nói, gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt các địa phương thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới đã thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư sản xuất những mô hình kinh tế lớn có hiệu quả. Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho rằng: Hiện nay Quảng Ngãi vẫn là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, việc tìm hướng đi mới, phù hợp không chỉ giúp ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững, tạo cho nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính nông dân trong tỉnh sản xuất thay vì phải nhập từ các nơi về. Hiện nay Tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới và có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện đồng bằng đến năm 2020. Cả tỉnh hiện nay đã hình thành 7 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với tổng diện tích canh tác khoảng gần 300 ha (bao gồm các huyện Bình Sơn 82 ha, Sơn Tịnh 37 ha, Nghĩa Hành 32 ha, Tư Nghĩa 48 ha, Mộ Đức 35 ha, Đức Phổ (8 ha), Thành phố Quảng Ngãi 54,9 ha). Các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ đã thực hiện thành công nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đầu tư sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Trong chăn nuôi, có nhiều công ty liên kết với nông dân đầu tư phát triển đàn heo sạch, nâng cao giá trị gia tăng trong chăn nuôi. Điển hình là hàng chục hộ nông dân ở xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) đã tham gia mô hình nuôi heo bằng thảo dược. Đây là mô hình được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn và kỹ thuật. Nhờ cho heo ăn các loại thức ăn truyền thống trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược (với tiêu chí thức ăn chăn nuôi 3 không: Không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng chất kích thích tăng trọng) nên sản phẩm đảm bảo an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay nhiều mô hình trang trại tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều, với sự liên kết giữa doanh nghiệp cùng nông dân đầu tư vốn, kỹ thuật trồng măng tây, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi heo, nuôi thỏ, lợn, gà đồi với sản phẩm sạch. Đặc biệt khâu bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, nên sản phẩm nông nghiệp an toàn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Tại xã Bình Thới (huyện Bình Sơn) thực hiện đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đã chuyển hàng chục ha đất lúa kém năng suất sang “dồn điền đổi thửa” và cải tạo đất trồng rau, đậu các loại, đảm bảo đạt năng suất cao. Hiện có 15 hộ dân trồng rau sạch trên cánh đồng Cây Ghen với hàng chục ha, hàng năm mỗi gia đình đã thu nhập trên hàng chục triệu đồng, góp phần giảm nhanh hộ nghèo ở địa phương. 

Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn.

Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn.

Ra đảo Lý Sơn thăm mô hình sản xuất tỏi sạch, chúng tôi cảm nhận về phương thức sản xuất mới của nông dân trên đảo, bước đầu bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn. Đứng trên cánh đồng tỏi Lý Sơn mênh mông, xanh mướt xen lẫn bãi bồi cát trắng đã tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Gió từ biển thổi vào quyện mùi, nồng và hăng của tỏi, người chưa quen thoáng chút khó chịu, quen rồi lại thích thú bởi mùi đặc trưng trên đảo. Với diện tích trên 330 ha đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.300 tấn tỏi khô và 3.700 tấn hành. Hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững đã được lãnh đạo huyện Lý Sơn đặt lên hàng đầu, đảm bảo cho nông dân liên kết với doanh nghiệp đầu tư mô hình sản xuất tỏi sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng, sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có tỏi hữu cơ đang là hướng đi mới của huyện đảo Lý Sơn. Huyện đã yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch, thu hút, kết nối các nhà đầu tư làm nông nghiệp bền vững, đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo. 
Đưa chúng tôi đi thăm ruộng tỏi, sản xuất bằng phương pháp hữu cơ có diện tích khoảng hàng chục héc-ta, một số bà con trên đảo cho hay: Trồng tỏi sạch là khác với tỏi trồng đại trà, thời gian thu hoạch tỏi hữu cơ thường lâu hơn, năng suất cũng thấp hơn nhưng bù lại sản phẩm tỏi sạch tăng giá gấp ba đến bốn lần so với tỏi bán trên thị trường. Một nông dân có kinh nghiệm trồng tỏi lâu năm trên đảo nói: Khó khăn nhất là phục hồi môi trường đất đã bị bào mòn. Bà con mua phân chuồng, bánh dầu ủ sâu dưới đất, thay thế cho lớp đất, cát bạc màu. Không dùng phân thuốc hoá học, phương thức canh tác tỏi hoàn toàn tự nhiên với phân hữu cơ từ phế phẩm cá, rong biển, rác hữu cơ từ nhà máy rác sinh hoạt. Kết thúc vụ tỏi, chuyển qua trồng đậu phộng để cải tạo đất. Điều đặc biệt ở mô hình sản xuất tỏi sạch theo hướng bền vững là để nguyên cỏ dại, cỏ chỉ được loại bỏ khi mọc cao hơn ngọn cây tỏi. Cỏ dại được giữ lại nhằm đảm bảo độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại tỏi. Gần đây, bà con trồng tỏi sạch theo hướng bền vững đã nâng cao giá trị gia tăng kinh tế đáng kể. Nhiều hộ nông dân trên đảo đã thu nhập kinh tế khá, từng bước ổn định cuộc sống. 

Cánh đồng lúa giống cao sản ở huyện Mộ Đức.

Cánh đồng lúa giống cao sản ở huyện Mộ Đức.

Riêng huyện Mộ Ðức thực hiện nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, đã quy hoạch ba vùng kinh tế động lực, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất an toàn. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía tây của huyện có khoảng 210 ha, hiện nông dân đã liên kết với doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp bền vững. Nông dân từng bước mở rộng diện tích trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu, với quy mô 200 đến 250 ha. Trước mắt, mô hình này sẽ được trồng thử nghiệm khoảng 5 ha tại các xã Ðức Lân, Đức Tân theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả quy trình từ khâu làm đất bằng máy và hệ thống tưới phun đều tự động, vừa tiết kiệm nước tưới, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: “Dự án trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu là mô hình mới, trước giờ người dân địa phương chưa biết. Khi dự án triển khai thành công và được nhân rộng, sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Do đó, địa phương luôn chú trọng, đẩy mạnh việc giao đất cho nhà đầu tư”. Mặc dù tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được xem là ngành mũi nhọn tại vùng trung tâm huyện, nhưng Mộ Ðức đã mời gọi nhà đầu tư liên kết nông dân sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn xuất khẩu, với quy mô khoảng 2.000 ha. Ðối với vùng kinh tế trọng điểm phía đông, huyện tập trung xây dựng vùng sản xuất rau an toàn; đã thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư những dự án trồng hành tỏi, bầu, bí, đậu các loại trên đất cát ven biển, với quy mô hàng chục héc-ta. Ðây là hướng phát triển đúng, mở ra nhiều cơ hội về giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đồng thời khai thác được lợi thế của đất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc đẩy mạnh liên kết nhà đầu tư, huyện Mộ Đức có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân dồn điền, đổi thửa, mua các loại máy móc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi mới với quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, chất lượng cao. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân đổi mới tư duy, nhận thức rõ hơn về cơ chế, chính sách, hình thức hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và trách nhiệm của địa phương, của thôn xóm, của mỗi gia đình trong xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Thực hiện Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, với giá trị sản xuất bình quân gần 70 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm gần 45%... Toàn tỉnh đã chuyển hàng nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, dồn điền, đổi thửa, xây dựng nhiều cánh đồng lớn đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay việc tái cơ cấu nông nghiệp còn thiếu tính bền vững và có những nút thắt cần tháo gỡ. Trước hết, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng tập trung chuyên canh chưa được quan tâm đúng mức. Theo định hướng của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tăng giá trị gia tăng như lúa, bắp và hành, tỏi Lý Sơn... nhưng hiện nay sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, không đủ diện tích để xây dựng cánh đồng lớn. Chưa phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhà nước, liên kết sản xuất còn rời rạc. Diện tích cây trồng bảo đảm an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP chưa đủ lớn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa an toàn. Công tác quản lý kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp tại cơ sở còn nhiều bất cập. Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong nhân dân không nhiều. Hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm không ổn định, điệp khúc được mùa rớt giá thường xuyên tái diễn.

Mô hình liên kết nuôi heo ky ở Sơn Hà.

Mô hình liên kết nuôi heo ky ở Sơn Hà.

Ðối với ngành chăn nuôi, nông dân chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, cho nên vẫn bấp bênh. Ðơn cử như chăn nuôi bò, xác định đây là đối tượng chiếm lợi thế cạnh tranh trong chăn nuôi nông hộ, chính quyền và ngành chăn nuôi khuyến khích nông dân tăng đàn, thực hiện chương trình Zêbu hóa đàn bò, nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào thị trường, lại chưa được định hướng thông tin kịp thời, nông dân thường rơi vào cảnh “tái đàn lúc giá tăng, giảm đàn khi giá thấp”, khiến hiệu quả chăn nuôi thấp, thậm chí thua lỗ.
Kinh tế hợp tác, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn nông thôn còn hạn chế. Số lượng mô hình, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, phần lớn người sản xuất dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nghề hoặc tập huấn kỹ thuật còn thấp. Hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa xác định được đối tượng cây trồng, vật nuôi để tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thực tế, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ cần tuân theo quy luật cung-cầu, mà phải tổng hòa nhiều vấn đề, như tập quán sản xuất, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách là “điểm tựa” quan trọng cho tái cơ cấu ngành, song đến nay vẫn còn nhiều nút thắt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; một số chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống như: hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và khuyến khích phát triển cơ giới hóa, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng…

Mô hình giống keo lại của nông dân Nghĩa Hành.

Mô hình giống keo lại của nông dân Nghĩa Hành.

Ðể tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch, phát triển các ngành hàng chủ yếu, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, các giải pháp đối với nông sản chất lượng cao, đặc trưng của tỉnh. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa; phát triển nhanh cơ giới hóa sản xuất. Phát triển thêm các tổ hợp tác, HTX chuyên ngành, làm đầu mối triển khai các mô hình liên kết chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Sớm nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Thí điểm mô hình nông dân góp vốn cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thu hút mạnh sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp lớn. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho nông dân, gắn đào tạo nghề với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên nguồn lực, chính sách thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 Để xây dựng được một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Qua đó hoàn thành các mục tiêu năm 2020, nâng giá trị sản xuất bình quân lên 85 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn khoảng 35 triệu đồng/người/năm; duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 5%/năm.

 

Theo Bản tin KH&CN sô 04/2020.

Minh Trí

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1301

Tổng số lượt xem: 4240470