Truy cập nội dung luôn

SẢN XUẤT ỚT THƯƠNG PHẨM THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

13/06/2023 14:48    431

Mô hình sản xuất ớt thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP do Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế triển khai ở xã Nghĩa Hiệp đã góp phần nâng cao được nhận thức và năng lực của người dân trong sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn.

Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất ớt thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nghĩa Hiệp, huyện tư Nghĩa

Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất ớt thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nghĩa Hiệp, huyện tư Nghĩa

Mô hình sản xuất ớt thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Tây Hiệp, xã Nghĩa Hiệp trên diện tích 1 ha, với 13 hộ tham gia. Giống ớt sử dụng trong mô hình là giống ớt hai mũi tên đỏ HMT95. Mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật VietGAP theo TCVN 11892-1:2017. Cụ thể: Đất trồng, chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác, đáp ứng QCVN 03-MT:2015/BTNMT, lượng kim loại nặng cho phép trong tầng đất mặt đối với đất nông nghiệp là (mg/kg đất khô): As (15,0), Cd (1,5), Pb (70,0), Cr (150,0), Cu (100,0) và Zn (200,0). Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch đáp ứng hạng A2, và khi rửa sản phẩm, sơ chế đáp ứng hạng A1 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT. Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới. Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng. Sử dụng nhân lực bắt giết sâu. Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý. Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Khuyến cáo phòng trừ theo quy tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau; ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thảo mộc, trong trường hợp buộc phải sử dụng thuốc hóa học người dân nên sử dụng thuốc có độ độc nhóm 4 (nhãn màu xanh). Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. 

ThS. Lê Khắc Phúc, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết: Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn; hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cập nhật danh mục các hoạt chất bị cấm trong sản xuất rau; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch.

Mô hình bắt đầu xuống giống trồng vào ngày 15/12/2022 với mật độ trồng 33.000 cây/ha (3,3 cây/m2). Khoảng cách cây 40cm; khoảng cách hàng 60cm. Đất được phơi ải, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi trước khi trồng 10-15 ngày. Luống rộng 1,4m, mặt luống 90 cm, cao 35 cm, rãnh luống rộng 40cm. Lượng phân bón cho 1 ha: Phân chuồng hoai mục 25 tấn; 300 kg Ure, 500 kg lân supe, 300 kg Kali. Nếu đất có độ pH dưới 5,5 bón thêm từ 400 vôi bột khi làm đất. Cách bón: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + toàn bộ phân lân + 1/3 phân đạm + 1/3 kali. Lượng đạm và kali còn lại chia đều bón thúc 4 lần: lần 1, sau trồng từ 15 đến 20 ngày, kết hợp xới vun; lần 2, khi cây ra nụ hoa, kết hợp xới vun; lần 3, khi cây ra quả rộ; lần 4, sau khi thu đợt 1. 
Sau 63 ngày trồng, sản lượng ớt thu được (qua 4 đợt thu) của ruộng mô hình đạt 8.000kg, với giá bán 20.000 đồng/kg, mô hình thu về 160.000.000 đồng. Trong khi đó, ruộng đối chứng, sản lượng ớt đạt 7.680kg, giá bán 18.000 đồng/kg, tổng thu thập 138.240.000 đồng. Như vậy, so với ruộng đối chứng, ruộng ớt mô hình cho thu nhập cao hơn 21.760.000 đồng.

Ông Nguyễn Thanh Nam – hộ dân tham gia mô hình ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa.

Ông Nguyễn Thanh Nam – hộ dân tham gia mô hình ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa.

Ông Nguyễn Thanh Nam – hộ dân tham gia mô hình ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa theo dõi, hướng dẫn chúng tôi tận tình để thực hiện đúng theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, vào cuối năm thời tiết mưa nhiều nên xuất hiện nhiều bệnh hại như thán thư, bệnh lở cổ rễ, chết cành… nên đã ảnh hưởng đến năng suất của mô hình. Thế nhưng, điều quan trọng là bà con chúng tôi biết được cách sử dụng các loại thuốc BVTV an toàn, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế tối đa thuốc hoá học và cũng nhờ việc giảm sử dụng lượng phân hoá học nên đã giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Ông Lê Thanh Tài, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết: Việc triển khai sản xuất theo quy trình VietGAP đã giảm việc sử dụng thuốc BVTV xuống còn 35-38%, các hộ nông dân thực hiện đúng theo quy trình  đã hướng dẫn. Ước tính khi kết thúc vụ trồng sẽ thu hoạch được toàn bộ (thu hoạch 7-8 lần/vụ) khoảng 16 tấn/ha, so với ruộng đối chứng đem lại hiệu quả cao hơn, bà con nâng cao nhận thức trong việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV; qua đó thay đổi thói quen sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn.

Từ kết quả đem lại, có thể thấy hiệu quả kinh tế của mô hình mới chỉ là một phần nhỏ mà quan trọng hơn là sự chuyển biến tích cực của người nông dân cả về nhận thức và hành động, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Không những thế, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 

Theo Bản tin KH&CN số 02-2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1392

Tổng số lượt xem: 4245050