Truy cập nội dung luôn

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT SẢN XUẤT DƯA HẤU THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

06/09/2023 08:40    349

Mô hình sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những nội dung của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao nhận thức và năng lực canh tác của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi” đã được Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện thành công tại HTX SXNN kỹ thuật cao Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật này.

 

Mô hình sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX SXNN kỹ thuật cao 
Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

 

1. Thời vụ trồng
Vụ sớm gieo trồng vào tháng 10 dương lịch và thu hoạch vào tháng 12 dương lịch. Vụ chính: gieo vào tháng 11 dương lịch và thu hoạch vào dịp tết. Vụ xuân hè gieo vào tháng 2 – 5 dương lịch.
2. Chọn đất trồng
- Dưa hấu có thể trồng trên chân đất cát pha đến thịt nhẹ. 
- Vùng sản xuất dưa hấu áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của nhà nước. 
3. Chuẩn bị giống và gieo hạt
a. Chuẩn bị giống
- Dạng quả tròn: TN 12, TN 10, Hồng lương, Hắc long, An tiêm, Mặt trời đỏ…
- Dạng quả dài: Hắc Mỹ nhân, Apolo, HMN386, HMN755, Thiên Long, Phù Đổng, Chia Tai, …
Giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất.
b. Gieo hạt
- Xử lý nẩy mầm hạt: Ngâm hạt dưa vào nước ấm có nhiệt độ từ 30 – 400C hoặc có thể pha nước theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh, thời gian ngâm từ 4 – 6 giờ tuỳ thời vụ. Sau khi ngâm vỏ hạt dưa có nhớt, dùng tro hoặc cát trộn vào xát sạch nhớt, rửa sạch để ráo và đem ủ. Thời gian ủ khoảng 24 – 36 giờ, nhiệt độ ủ phải đảm bảo 32 – 35oC. 
Ngay sau khi hạt xuất hiện rễ trắng nhỏ (nứt nanh) lúc đó hạt được xem là nảy mầm thì đem gieo. 
- Trồng cây con ra ruộng: Những cây giống đủ tuổi và sẵn sàng để trồng ra ruộng khi có 4 – 5 lá thật. 
- Mật độ và khoảng cách trồng: Hàng cách hàng: 2,5 m (hàng đơn) và 4,5 m (hàng kép) x Cây cách cây từ 40 – 45 cm. Mật độ từ: 9.000 – 11.000 cây/ha (tương ứng từ 450 – 550 cây/ 500 m2).

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra cây dưa hấu sau trồng 15 ngày.


4. Quản lý đất trồng và làm đất
- Đất không được có tồn dư hóa chất độc hại. 
- Đất cày bừa thật kỹ trước khi trồng 7 – 10 ngày, bón vôi cải tạo đất. 
- Lên luống: cao 20 – 40 cm, rộng 40 – 50 cm. Khoảng cách giữa 2 luống là 5 m. Sau khi trải bạt cho nước vào rãnh để cân mực nước, dùng cây đục lổ (dùng lon nước bò húc, nước yến mài sắc hoặc bỏ than nóng để đục lổ) theo chiều dọc của luống cách mặt nước 3 – 5 cm, đường kính lỗ khoảng 7 cm (mỗi luống 2 hàng lỗ). Khoảng cách giữa 2 lỗ 40 cm.
5. Bón phân
- Lượng phân bón cho 1 ha: 25 tấn phân chuồng + 110 kg N + 80 kg P2O5 + 90 kg K2O + 500 kg vôi/ha. Lượng phân bón thương phẩm trên 1 ha là 25 tấn phân chuồng + 240 kg urê + 530 kg lân supe + 150 kg KCl + 500 kg vôi/ha. 
- Cách bón: Cách bón phân cho từng loại được áp dụng như sau:
+ Bón lót: 100% Phân chuồng + 100% Vôi + 100% Lân + 50% Đạm + 50% Kali.
+ Thúc lần 1 (sau trồng 20 ngày): 25% Đạm + 20% Kali.
+ Thúc lần 2 (cây đậu quả, sau trồng 35 – 40 ngày): 15% Đạm + 15% Kali.
+ Thúc lần 3 (nuôi quả, sau trồng 45 – 50 ngày): 10% Đạm + 15% Kali.
*Phun các phân vi sinh vật: Bắt đầu phun từ khi dưa có 3 – 4 lá thật, sau đó cứ 5 ngày phun một lần (nếu có).
Lưu ý: Cần kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.
6. Nước tưới và chăm sóc
a. Nước tưới
- Nước tưới phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam.
- Sử dụng nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý.
- Dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
b. Chăm sóc
- Trồng dặm: Sau khi gieo dự phòng 5 – 10% lượng giống cho vào bầu tiến hành trồng dặm khi cây lên thẳng hàng.
- Tưới nước: Giai đoạn cây con không cần tưới nhiều chỉ cần đủ ẩm. Khi cây bắt đầu cho trái tưới nước nhiều để nuôi quả.
- Tỉa cành, ghim dây: Sau khi trồng dưa 4 – 5 lá thật, chọn chồi nách phát triển giữ lại 2 – 3 chồi khoẻ sát gốc, tỉa bỏ những chồi thừa, sau đó tiến hành dùng ghim tre cố định ngọn.
- Thụ phấn bổ sung: Khi cây ra nụ cái thứ 3 trên thân chính hoặc nụ cái thứ 2 trên nhánh phụ thì tiến hành thụ phấn bổ sung.
- Tuyển trái: Sau khi thụ phấn 5 – 7 ngày tiến hành chọn trái giữ lại trái dài, trái tròn đều (nếu là dưa tròn) nhiều lông tơ, cuống lớn, những trái còn lại trên gốc tiến hành cắt bỏ. 
- Trở trái: Dưa trước khi thu hoạch 14 – 16 ngày phải thường xuyên theo dõi và trở trái.
7. Phòng trừ sâu bệnh
Dưa hấu thường bị các loại sâu bệnh hại chính sau đây: Rầy lửa, bọ trĩ, bọ rầy, sâu ăn tạp, sâu ăn lá, bệnh héo rũ, bệnh héo cây con, bệnh thán thư, bệnh đốm lá gốc, bệnh đốm phấn... Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, luân canh với cây trồng khác họ. Sử dụng thuốc BVTV phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả cao.

Dưa hấu đến giai đoạn thu hoạch.

 


8. Thu hoạch
Ngưng tưới 5 – 7 ngày trước khi thu; cắt chừa phần dây ở 2 đầu cuốn (chữ thập) từ 5 – 7 cm.
9. Các hướng dẫn khác thực hiện theo quy trình VietGAP
Công tác bảo hộ lao động, truy xuất nguồn gốc, đánh giá mối nguy, đánh giá nội bộ, đánh giá chứng nhận thực hiện theo TCVN 11892-1:2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn %.

Theo Bản tin KH&CN số 04-2023.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1139

Tổng số lượt xem: 4243556