Truy cập nội dung luôn

ISO 56000 - Bộ tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo và những điều cần biết

29/09/2022 14:39    165

ISO 56000 là gì?

Nhằm giúp cho hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả và bền vững, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 279 đã xây dựng bộ tiêu chuẩn hướng dẫn mới với nội dung Quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management - IM) và được gọi là ISO 56000.

Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới.

Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế.

ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, v.v.

Hỏi: Lợi ích của ISO 56000 đối với doanh nghiệp?

Đáp: Đích đến cuối cùng của mỗi doanh nghiệp bao giờ cũng là sự bền vững và trường tồn. Và ISO 56000

sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu này thông qua việc:

- Cải thiện khả năng quản lý cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp

- Nâng cao doanh thu, lợi nhuận cũng như năng lực và khả năng cạnh tranh với đối thủ

- Tối ưu năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí và chất thải.

- Củng cố và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đối tác cùng các bên liên quan khác.

- Nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp

- Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển ra các thị trường mới trên trường quốc tế.

- Tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 gồm những tiêu chuẩn nào?

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 với 10 tiêu chuẩn thành phần. Trong đó bao gồm cả các tiêu chuẩn đã được ban hành và các tiêu chuẩn tới nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. Cụ thể như sau:

- ISO 56000:2020: Quản lý đổi mới - Các nguyên tắc cơ bản và từ vựng.

- ISO 56002:2019: Quản lý đổi mới - Hệ thống quản lý đổi mới - Hướng dẫn.

- ISO 56003:2019: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để hợp tác đổi mới - Hướng dẫn.

- ISO/TR 56004:2019: Đánh giá Quản lý Đổi mới - Hướng dẫn.

- ISO 56005:2020: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ - Hướng dẫn.

Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn ISO 56000 mới về quản lý đổi mới sáng tạo đã được phát triển bởi các chuyên gia đổi mới sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới. Bộ tiêu chuẩn cung cấp thông tin về quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình (bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa) một cách tổng thể, có hệ thống. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động quản lý các hoạt động đổi mới sáng tạo nêu trong bộ tiêu chuẩn ISO 56000 để giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Theo Bản tin TBT số 03-2022

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1102

Tổng số lượt xem: 4244531