Truy cập nội dung luôn

Giải pháp phát triển cây sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi

06/09/2023 08:54    239

Mô hình canh tác tổng hợp cho phát triển cây sắn bền vững tại miền trung du xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Với mục tiêu đề xuất được giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất sắn và ổn định độ phì nhiêu đất, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sắn bền vững tại Quảng Ngãi và vùng phụ cận”.

Tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong năm vùng trọng điểm trồng sắn của nước ta với diện tích hàng năm dao động từ 16-17 nghìn ha, sắn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc miền núi, cây hàng hóa ở vùng miền xuôi, phân bố ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, trải dài từ các huyện vùng núi, xuống vùng trung du và đến các huyện vùng đồng bằng ven biển. Với năng suất trung bình 19,4 tấn/ha, sản lượng hàng năm khoảng trên 300 nghìn tấn phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột xuất khẩu.

Mặc dù trong những năm gần đây được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành của tỉnh năng suất sắn của tỉnh đã được cải thiện, tuy nhiên so với các tỉnh khác thì năng suất sắn trung bình của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn ở mức trung bình thấp và không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở các tỉnh miền núi năng suất thường thấp hơn so với các tỉnh trung du và đồng bằng.

Xuất phát từ những vấn đề trên, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm nghiên cứu xác định nguyên nhân suy giảm năng suất, chất lượng sắn và đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ phát triển sắn bền vững tại Quảng Ngãi và vùng phụ cận.

Để xác định các yếu tố hạn chế chính làm suy giảm năng suất, chất lượng sắn ở Quảng Ngãi và vùng phụ cận, đề tài đã tiến hành lấy 400 mẫu đất trồng sắn tại Quảng Ngãi (trong đó 150 mẫu ở huyện Ba Tơ, 150 mẫu ở huyện Mộ Đức và 100 mẫu ở huyện Sơn Tịnh) và phân tích các tiêu lý hóa đất; điều tra hộ nông dân xác định các yếu tố hạn chế về kỹ thuật canh tác; điều tra, đánh giá ảnh hưởng của các loại sâu, bệnh hại trên cây sắn tại 270 hộ thuộc 03 huyện, lấy 240 mẫu thân, lá, củ, dịch hại và 45 mẫu đất để phân tích và giám định tác nhân gây bệnh; điều tra về ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn đến năng suất sắn tại Quảng Ngãi và vùng phụ cận (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và huyện  Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định). Qua kết quả điều tra và đánh giá, đề tài đã xác định 03 nguyên nhân chính làm suy giảm năng suất, chất lượng sắn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng phụ cận bao gồm: (1) Giống bị nhiễm bệnh khảm lá lây từ vụ trước sau vụ sau là nguyên nhân chính ở giai đoạn hiện nay dẫn đến năng suất sắn bị giảm mạnh trong ba năm trở lại đây. Năng suất giảm do bệnh khảm lá tùy theo mức độ cây bị nhiễm bệnh và điều kiện chăm sóc kết quả điều tra ước tính bệnh khảm lá sẵn đã làm giảm năng suất sắn từ 16,1%-27,8% năng suất và hàm lượng tinh bột trong củ; (2) Bón phân không đủ và không cân đối là nhuyên nhân thứ hai dẫn đến năng suất sắn của tỉnh Quảng Ngãi thấp và không đồng đều giữa các vùng trồng. Tùy theo mức độ đầu tư mà năng suất đạt được là khác nhau. Kết quả điều tra cho thấy năng suất chệnh lệnh năng suất giữa các nhóm hộ đầu tư phân bón thấp năng suất bằng 41,6% -54,3% năng suất của những hộ đầu tư phân bón ở mức cao; (3) Độ phì đất thấp là nguyên nhân nội tại của vùng, kết quả điều tra cho thấy đất trồng sắn chua, nghèo hữu cơ, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất đều thấp. Lượng các chất dinh dưỡng đa lượng có trong đất chỉ cung cấp được 29,0-40,0% đạm, 28,2-35,6% lân và kali 17,4-22,0% so với nhu cầu của cây sắn.

Từ kết quả nghiên cứu trên, đề tài xây dựng mô hình canh tác tổng hợp cho phát triển cây sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi và vùng phụ cận với diện tích 23,2 ha; trong đó mô hình canh tác cây sắn tổng hợp được triển khai với diện tích 13,2 ha tại 03 vùng sinh thái khác nhau, gồm xã Ba Vì, huyện Ba Tơ (3 ha); xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh (5 ha); xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (5,2 ha); tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, mô hình triển khai với diện tích 5 ha và tại huyện huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định mô hình triển khai với diện tích 5 ha. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật bao gồm: sử dụng các giống sạch bệnh, các giống có tính kháng bệnh khảm lá (KM94, HL-S14, HN5), trồng xen cây lạc ở giai đoạn thời kỳ đầu cây sắn chưa khép tán, áp dụng công thức phân bón chuyên dùng cho cây sắn ở mỗi tiểu vùng sinh thái (đồi núi, trung du và đồng bằng) kết hợp với phân hữu cơ, vùi phế phụ phẩm cây trồng xen và các biện pháp bảo vệ thực vật…

Cán bộ kỹ thuật đề tài kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây sắn tại mô hình.

Cán bộ kỹ thuật đề tài kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây sắn tại mô hình.

 

Kết quả qua 2 vụ sản xuất cho thấy: Tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi năng suất của giống KM94 sạch bệnh đạt 28,7-29,6 tấn/ha; giống HL-S12 đạt 28,5 tấn/ha và giống HL-S14 đạt 29,5 tấn/ha. Năng suất lạc trồng xen đạt từ 683,3 - 743,7 kg/ha; khối lượng chất xanh từ thân lá lạc đạt từ 1,03 - 1,42 tấn/ha; Ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi năng suất giống KM94 sạch bệnh: 34,2 tấn/ha; giống HL-S12: 29,9 tấn/ha và giống HL-S14: 29,8 tấn/ha. Năng suất lạc trồng xen đạt từ 862,5 kg - 975,7 kg/ha; khối lượng chất xanh từ thân lá lạc đạt từ 1,37-1,56 tấn/ha; Ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi năng suất các giống cũng đạt khá cao, KM94 sạch bệnh: 33,5 tấn/ha; giống KM140: 28,5 tấn/ha; giống HL-S12: 28,7 tấn/ha và giống HL-S14: 28,5 tấn/ha. Năng suất lạc trồng xen đạt 815,6 kg - 977,8 kg/ha; khối lượng chất xanh từ thân lá lạc đạt 1,24-1,56 tấn tươi/ha. Trồng xen lạc với sắn cho năng suất lạc dao động từ 0,72-0,81 tấn/ha và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng sắn thuần, lợi nhuận từ cây trồng xen đạt từ 5,2 – 9,6 triệu đồng/ha góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; Tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, áp dụng công thức phân bón chuyên dùng cho cây sắn giống KM94, giống HLS14 sạch bệnh và giống HN5 cho năng suất tăng từ 22,7-30,9% so với mức phân bón của nông dân và tăng từ 9,5% - 16,8% so với mức phân bón của khuyến nông khuyến cáo. Sản lượng tinh bột đạt của các giống trong mô hình lần lượt đạt 8,66 tấn/ha, 8,01 tấn/ha và 7,32 tấn/ha cao hơn cao hơn so với mức phân bón của nông dân từ 27,7%-51,1%. Hiệu quả kinh tế của cây sắn khi áp dụng công thức phân bón chuyên dùng đạt 30,8 triệu đồng đối với giống KM94 và 25,62 triệu đồng/ha đối với giống HL-S14, cao hơn từ 17,64 triệu và 12,46 triệu đồng/ha so với mức phân bón của nông dân. Trồng xen lạc với sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao từ 5,23-7,03 triệu đồng/ha; Tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, giống KM94 và HL-S14 sạch bệnh và giống HN5 cho năng suất tăng từ 25,4-38,3% so với mức phân bón của nông dân. Hàm lượng tinh bột đã đạt từ 28,1-28,5% ngoại trừ giống HN5 do đặc tính của giống. Sản lượng tinh bột đạt 8,46-9,46 tấn/ha. Giống HN5 mặc dù có hàm lượng tinh bột thấp nhưng sản lượng tinh bột cũng đạt 7,68 tấn/ha cao hơn so với mức phân bón của nông dân 26,9%. Hiệu quả kinh tế đạt 29,64-38,01 triệu đồng/ha. Trồng xen lạc với sắn đem lại hiệu quả kinh tế từ 10,82-11,5 triệu đồng/ha.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ hạn chế suy giảm năng suất và phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và vùng phụ cận bao gồm: Giống sạch bệnh là yếu tố tiên quyết để duy trì năng suất sắn, 02 giống có tiềm năng năng suất bao gồm KM94 sạch bệnh và HL- S14 sạch bệnh có thể cho năng suất từ 28-33 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đều đạt trên 28% tùy theo mức phân bón đầu tư. Bên cạnh đó, 02 giống HN1 và HN5 có triển vọng để đưa vào thay thế trong sản xuất, năng suất đạt từ 26,0-34,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 24,5-27,5%; Để có được năng suất sắn cao lượng phân bón trên 1 ha cho cây sắn trồng ở vùng miền núi: 120kg N + 65kg P2O5 + 105kg K2O chia làm 3 lần bón với tỷ lệ bón ở các lần như sau: bón lót tỷ lệ N:P:K là 2:1,5:1; bón thúc lần 1 tỷ lệ N:P:K là 2:1:2 và bón thúc lần 2 tỷ lệ N:P:K là 2:1:3. Lượng bón cho cây sắn vùng trung du: 115kg N+ 62kg P2O5 + 117,0kg K2O, chia làm 3 lần bón với tỷ lệ bón ở các lần như sau: bón lót tỷ lệ N:P:K là 1:1:1; bón thúc lần 1 tỷ lệ N:P:K là 2:1:2 và bón thúc lần 2: tỷ lệ N:P:K là 3:1:4. Lượng bón cho cây sắn vùng trung du: 122kg N+ 65kg P2O5 + 124,0kg K2O, chia làm 3 lần bón với tỷ lệ bón ở các lần như sau: bón lót tỷ lệ N:P:K là 1:1:1; bón thúc lần 1 tỷ lệ N:P:K là 2:1:2 và bón thúc lần 2 tỷ lệ N:P:K là 4:1:4; đồng thời kết hợp với phân hữu cơ vi sinh với lượng bón từ 3-5 tấn/ha tùy theo điều kiện của từng vùng và hộ sản xuất; Nhằm duy trì và nâng cao độ phì nhiêu đất trồng sắn trên các vùng sinh thái, hàng năm cần bón phân hữu cơ với lượng ít nhất là 3 tấn phân hữu cơ vi sinh kết hợp với trồng xen cây họ đậu để tận dụng nguồn thân lá vùi lại cho đất; Các giải pháp bảo vệ thực vật cần phải được quan tâm, trong đó hạn chế cỏ dại nên dùng loại thuốc Combrase 24EC đối với cỏ hòa thảo; thuốc Fuquy 150EC đói cỏ lá rộng. Để hạn chế tác hại của bọ phấn trắng gây bệnh khảm lá sắn trên đồng nên sử dụng các loại thuốc Imida 20sl và thuốc Actara 25WP được xem là có hiệu lực phòng trừ cao trên đồng ruộng. Đối với nhệ đỏ hại sắn cần sử dụng các loại thuốc Kyodo 25SC hoặc Ortus 5SC để phun khi mật độ nhện đỏ xuất hiện đến ngưỡng gây hại. Để hạn chế bệnh thối củ sắn cần sử dụng các chế phẩm sinh học Trico DHCT với liều dùng 50 kg/ha và SH-BV1 (SH-Lifu) với liều dùng 300 kg/ha…%

Theo Bản tin KH&CN số 04-2023.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1376

Tổng số lượt xem: 4245073