Truy cập nội dung luôn

Hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc (đậu phộng) trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”.

25/06/2021 10:04    268

Cơ quan chủ trì báo cáo kết quả thực hiện dự án tại Hội nghị.

Chiều ngày 24/6/2021, tại hội trường UBND xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Tịnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc (đậu phộng) trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi” do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Tịnh tổ chức thực hiện, KS. Huỳnh Ngọc Tuấn làm chủ nhiệm dự án. Tham dự Hội nghị có đại diện phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã, HTX DVNN Tịnh Thọ và 40 hộ dân tham gia dự án.

Qua báo cáo tổng kết thực hiện, trong 2 năm dự án đã tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung và đảm bảo tiến độ như thuyết minh đã phê duyệt; Đã hoàn thiện và chuyển giao 5 hướng dẫn kỹ thuật, bao gồm: Hướng dẫn thâm canh tổng hợp cây lạc áp dụng cơ giới hóa trên đất lúa và màu kém hiệu quả; Hướng dẫn kỹ thuật ép dầu, đóng chai và dán nhãn sản phẩm dầu lạc Tịnh Thọ; Hướng dẫn xử lý, đóng gói khô dầu lạc; Hướng dẫn ủ chua thân lá lạc làm TAGS và Hướng dẫn xử lý phế phụ phẩm làm phân bón hữu cơ.

Mua sắm máy cày Kubota, máy phay đất và lên luống, thiết bị gieo hạt, máy thu hoạch lạc, máy bứt củ lạc, máy băm chặt thân xác thực vật, máy xạc vỏ lạc, máy ép dầu lạc, máy lọc dầu lạc, máy đóng nắp chai cầm tay, máy tính để bàn và máy in để trang bị cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ. Qua đó đã nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của HTX cũng như thực hiện các nội dung của dự án.

Máy ép dầu lạc của dự án.

Máy ép dầu lạc của dự án.

Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây lạc có áp dụng cơ giới hóa trên đất canh tác lúa và màu kém hiệu quả với quy mô 80 ha, năng suất quả khô đạt từ 34,0-38,9 tạ/ha (bình quân đạt 37,0 tạ/ha) với sản lượng lạc vỏ trong kỳ dự án đạt 296,0 tấn và tổng lợi nhuận của mô hình là 4.002,50 triệu đồng. Trong đó, lãi ròng từ 1 ha sản xuất lạc đạt từ 36,43-58,06 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 25,09-29,10 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức trồng lạc truyền thống và từ 32,86-51,89 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa ở địa phương, đáp ứng mục tiêu đã được phê duyệt.

Xây dựng mô hình ép dầu, đóng chai và dán nhãn sản phẩm “Dầu lạc Tịnh Thọ” với quy mô 95,5 tấn lạc vỏ (67,8 tấn lạc nhân) với sản lượng dầu đạt là 32.196 lít dầu, tăng 91,0% về quy mô và 84,0% về sản lượng dầu so với mục tiêu của dự án đề ra (50 tấn lạc vỏ và 17.500 lít dầu). Năng suất dầu đạt trung bình 1,0 lít/2,1 kg lạc nhân và lợi nhuận của mô hình đạt 373,47 triệu đồng/kỳ dự án.

Người dân tham gia dự án ý kiến tại Hội nghị.

Người dân tham gia dự án ý kiến tại Hội nghị.

Xây dựng mô hình xử lý, đóng gói khô dầu lạc và liên kết tiêu thụ sản phẩm với số lượng là 6.548 kg khô dầu lạc, tăng 31,0% so với kế hoạch (5.000 kg). Lợi nhuận của mô hình đạt 44,09 triệu đồng/kỳ dự án.

Dự án còn xây dựng mô hình ủ chua thân lá lạc làm thức ăn gia súc với quy mô 20 tấn thân lá lạc tươi; mô hình xử lý phế phụ phẩm cây lạc để làm phân bón hữu cơ với quy mô 50 tấn nguyên liệu, sản lượng phân hữu cơ thu được thu được là 33,14 tấn.

Cơ quan chủ trì lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân tham gia dự án.

Cơ quan chủ trì lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân tham gia dự án.

Ngoài ra, dự án đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Dầu lạc Tịnh Thọ” số 383934 theo Quyết định số: 27878/QĐ-SHTT do Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ ký ngày 08 tháng 4 năm 2021; lập trang facebook “Hợp Tác Xã T.Thọ” để giới thiệu và bán hàng qua mạng xã hội các sản phẩm của dự án cũng như các sản phẩm khác của HTX. Đào tạo được 10 kỹ thuật viên là cán bộ khuyến nông, hội nông dân xã và các nông dân điển hình tiên tiến ở địa phương. Tổ chức tập huấn và tham quan mô hình cho 350 lượt hộ nông dân trong và ngoài vùng dự án. Đồng thời, đã thiết lập được mối liên kết giữa Doanh nghiệp - HTX Nông nghiệp - Nông dân, qua đó đã tạo được sự yên tâm và đồng thuận của người dân ở vùng dự án do đầu ra sản phẩm được đảm bảo.

Bà Võ Thị Thúy Nga phụ trách Phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Bà Võ Thị Thúy Nga phụ trách Phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Trao đổi tại Hội nghị, người dân tham gia thực hiện dự án rất phấn khởi vui mừng với kết quả đạt được. Dự án đã đem lại lợi nhuận cao so với trước kia chưa có dự án, bà con mong muốn sau khi kết thức dự án, HTX DVNN Tịnh Thọ giúp cho bà con về khâu chọn giống có chất lượng, ngồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giống tốt, đảm bảo chất lượng thì sản xuất sẽ thành công và đạt kết qua cao, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời tiếp tục phổ biến, chuyển giao các hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong toàn xã để bà con nắm bắt, vận dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất thâm canh cây lạc trên địa bàn.

Văn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1178

Tổng số lượt xem: 4244811