Truy cập nội dung luôn

Nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa trà bồng tại Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn.

27/01/2021 11:11    667

Vườn ươm cây con giống quế Trà Bồng.

Từ xa xưa, người Co không biết chính thức từ khi nào, họ mang cây quế từ rừng tự nhiên về trồng trong vườn nhà, trồng trên nương rẫy, dọc theo các sườn núi nơi họ cư trú,.. rồi sau đó phát triển thành vườn quế và đồi quế, trở thành cây đặc sản nổi tiếng ở huyện Trà Bồng. Quế được coi là loài cây trồng truyền thống, chủ lực của người Co. Giống Quế bản địa Trà Bồng đã được nghiên cứu và chứng minh có chất lượng và hàm lượng tinh dầu cao hơn các giống Quế khác, quế càng nhiều tuổi thì chất lượng và hàm lượng tinh dầu càng cao, vỏ quế bán càng có giá trị cao. Năm 2010, sản phẩm Quế Trà Bồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, cây Quế Trà Bồng đã dần lấy lại vị trí của nó trên thị trường. Tuy nhiên, việc lấy giống đem trồng không có tính chọn lọc dễ tạo điều kiện để sâu bệnh hại phát triển, đã làm suy giảm năng suất và phẩm chất tinh dầu Quế Trà Bồng. Trước thực trạng đó, để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống cây Quế bản địa đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn giống ổn định có chất lượng phục vụ cho sản xuất tại địa phương, góp phần làm giàu quỹ gen tỉnh Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ngãi đã đăng ký thực hiện nhiệm vụ ‘‘Nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng tại tỉnh Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn”.

Mục tiêu của nhiệm vụ là là điều tra, tuyển chọn, lưu giữ tại chỗ cây giống quế bản địa Trà Bồng có chất lượng cao (cây trội); đồng thời thu hái hạt giống để nhân giống phục vụ trồng bảo tồn chuyển chỗ nhằm thiết lập diện tích rừng giống đủ lớn để bảo tồn nguồn gen lâu dài cũng như cung cấp hạt giống phục vụ phát triển sản xuất của địa phương; đồng thời theo dõi trong suốt quá trình thực hiện, kết hợp kiến thức bản địa với khoa học kỹ thuật để hoàn thiện giải pháp kỹ thuật từ khâu thu hái giống, gieo ươm, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch và bảo quản sản phẩm phục vụ gìn giữ, lưu truyền và phát triển danh hiệu “đặc sản quế Trà Bồng”

Qua thực hiện công tác điều tra trên địa bàn huyện Trà Bồng, Chi cục Kiểm lâm đã xác định và tuyển chọn 200 cây trội giống Quế bản địa Trà Bồng, gồm: xã Trà Hiệp 92 cây/35  hộ, xã Trà Thủy 35 cây/19 hộ, xã Trà Giang 6 cây/2 hộ, xã Trà Bùi 28 cây/3 hộ, xã Trà Tân 10 cây/8 hộ, xã Trà Sơn 8 cây/7 hộ, xã Trà Lâm 14 cây/8 hộ và thị trấn Trà Xuân 7 cây/5 hộ. Cây trội  được lựa chọn có độ vượt về đường kính ngang ngực biến động từ 26,09-75,42 %, chiều cao vút ngọn biến động từ 1,58-29,39 %, chiều cao dưới cành biến động từ 0,51-16,96 % và đường kính tán biến động từ 10,38-84,73%. Số cây trội này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp quyết định công nhận, mỗi cây trội được gắn bảng và có một mã số cụ thể.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây quế trồng tại rừng tại khoảnh 1 tiểu khu 42 xã Trà Thủy.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây quế trồng tại rừng tại khoảnh 1 tiểu khu 42 xã Trà Thủy.

Số cây trội được tuyển chọn nêu trên, thuộc sở hữu của các hộ gia đình, vì vậy Chi cục Kiểm lâm đã ký hợp đồng với 87 hộ để bảo vệ trong thời hạn 5 năm 2016-2020; đồng thời tổ chức thu mua hạt giống từ các cây trội này để gieo tạo cây con. Hạt giống quế được thu hái từ những cây mẹ trong số 200 cây mẹ đã được tuyển chọn, có độ tuổi từ 12-19 năm. Trong hai năm 2017 và 2018 đã thu hái để gieo ươm tổng cộng 82,9 kg quả giống từ 34 cây mẹ trong số 200 cây mẹ đã được tuyển chọn thuộc địa bàn các xã Trà Hiệp, Trà Lâm và Trà Thủy. Số quả và hạt giống thu được từ các cây trội, sau khi được sơ chế, tiến hành gieo ươm tạo cây con tại vườn ươm ở huyện Trà Bồng. Qua theo dõi sinh trưởng cây con cho thấy: Sinh trưởng về chiều cao vút ngọn, đường kính gốc và số lá không có sự khác nhiều ở các lô hạt giống lấy từ cây mẹ ở các độ tuổi ở 3 xã vùng nghiên cứu. Sau 10 tháng tuổi số lá bình quân đạt 12 lá/cây, bình quân mỗi tháng cây con sinh trưởng được 1-2 lá/tháng. Sinh trưởng về chiều cao đạt bình quân 2,7-3 cm/tháng. Sinh trưởng về đường kính gốc đạt bình quân  0,29-0,3 mm/tháng. Sinh trưởng cây con Quế bản địa Trà Bồng nhanh nhất từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9 kể từ khi gieo, thời gian này chiều cao cây con tăng bình quân 11-12 cm, đường kính gốc tăng bình quân 1,0-1,1 mm.

Để xây dựng vùng trồng chuyên canh nhằm lưu giữ, bảo tồn và đánh giá kết quả bảo tồn nguồn gen giống Quế bản địa Trà Bồng, đề tài đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ khảo sát vùng trồng đảm bảo các điều kiện: Cách ly với các rừng trồng quế khác với cự ly ít nhất 500m; có điều kiện chăm sóc bảo vệ và thu hoạch quả tương đối thuận lợi và nằm trong vùng có điều kiện sinh thái tương tự với nơi có cây trội sinh trưởng, phát triển. Tổ chức trồng, chăm sóc rừng quế với diện tích 10 ha tại khoảnh 1 tiểu khu 42 xã Trà Thủy và khoảnh 6 tiểu khu 34 xã Trà Hiệp huyện Trà Bồng; mật độ trồng 3.300 cây/ha. Cây giống đem trồng được được gieo tạo trong túi bầu nhựa PE (quy cách 8x14 cm), chiều cao 20-30 cm có từ 4-5 cặp lá, ngọn cây khoẻ, không sâu bệnh và là những cây sinh trưởng tốt nhất từ số cây giống đã tổ chức gieo ươm tại vườn ươm ở TDP 6 thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng; tổng số lượng cây giống đem trồng 39.600 cây (gồm trồng, trồng dặm khi trồng và trồng dặm trong năm chăm sóc thứ nhất). 

Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Kết quả theo dõi tình hình sinh trưởng rừng quế (rừng giống trồng bảo tồn) tại  xã Trà Thủy và Trà Hiệp, huyện Trà Bồng từ tháng 01/2018 đến tháng 10/2020,  cho thấy: Tùy vào điều kiện thời tiết mà tốc độ sinh trưởng cây quế khác nhau giữa các tháng trong năm; nhìn chung các tháng có thời tiết nắng nóng, khô hạn cây sinh trưởng về chiều cao và đường kính chậm; khi có mưa giông, chiều cao và đường kính có xu hướng sinh trưởng nhanh. Sinh trưởng chiều cao nhiều nhất ở giai đoạn tháng 9-10, thời điểm này trùng vào thời điểm khi trời có mưa kết hợp nắng nhẹ và thời tiết không lạnh. Sinh trưởng chiều cao bình quân tăng 18-21cm/năm. Đường kính gốc chưa cho thấy có sự sinh trưởng vượt trội vào thời điểm nào; kể từ khi trồng, đường kính gốc bình quân tăng 2-3mm/năm. Về tình hình sâu bệnh, đã ghi nhận có 7 loại sâu và 3 loại bệnh xuất hiện gây hại trên vườn quế bảo tồn nguồn gen tại huyện Trà Bồng, trong đó các đối tượng xuất hiện mang tính phổ biến gồm: sâu đục đọt, bệnh đốm lá, bệnh thán thư. Tỷ lệ cây sống bình quân trên toàn diện tích (10 ha) > 80%, qua kết quả nghiệm thu chăm sóc đánh giá cây trồng sinh trưởng khá và tốt.

Bên cạnh đó, để giúp cho chính quyền địa phương định hướng vùng trồng và phát triển Quế bản địa Trà Bồng phù hợp.  Đề tài đã sử dụng kết hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) với phương pháp phân tích thứ bậc mờ FAHP (Fuzzy Analytic HierarchyProcess) để xây dựng bản đồ bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa Trà Bồng tỷ lệ 1/25.000 thể hiện rõ vị trí trồng rừng giống, tọa độ các cây trội và xác định rõ vùng phù hợp để trồng giống Quế bản địa Trà Bồng trên địa bàn huyện Trà Bồng.

Sau 5 năm thực hiện, nhiệm vụ ‘‘Nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng tại tỉnh Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn” đã thu thập, tuyển chọn cây giống Quế bản địa Trà Bồng (cây trội) phục vụ cho công tác tạo giống trồng 10 rừng giống quế nhằm lưu giữ, bảo tồn, phát triển và khai thác nguồn gen quý của tỉnh. Kết quả của nhiệm vụ sẽ bổ sung thêm cơ sở khoa học để hoàn thiện hệ thống biện pháp kỹ thuật lâm sinh từ khâu chọn điều kiện lập địa, chọn cây giống, kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng … với việc áp dụng kiến thức bản địa của người dân kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và đây là đóng góp mới về mặt khoa học cho việc phát triển rừng quế của tỉnh, ông Trần Kim Ngọc, Chi cục Phó Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ngãi, chủ nhiệm đề tài cho biết.

Theo Bản tin KH&CN số 06-2020

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1222

Tổng số lượt xem: 4244575