Truy cập nội dung luôn

Nghiệm thu kết quả dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu sắn tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi”.

28/12/2020 16:41    294

Ông Nguyễn Văn Thành - GĐ Sở KH&CN chủ trì buổi nghiệm thu.

Chiều ngày 24/12/2020, Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu kết quả dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu sắn tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Sơn Hà chủ trì thực hiện và Thạc sỹ Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà làm chủ nhiệm dự án.

Mục tiêu của dự án: Nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và phát triển sản xuất bền vững đối với cây sắn, nâng cao thu nhập cho người dân; gắn với công nghiệp chế biến, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau 36 tháng thực hiện, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án đã xây dựng mô hình thâm canh và cơ giới hóa đối với cây sắn trên đất gò đồi (có độ dốc dưới 10%) và đất bằng với qui mô 30ha/2 năm tại xã Sơn Trung, Sơn Cao và Sơn Linh; xây dựng mô hình canh tác sắn có trồng xen cây lạc trên đất bằng tại xã Sơn Cao và Sơn Linh qui mô 15ha/2 năm; Xây dựng mô hình canh tác sắn có trồng xen cây đậu đen trên đất gò đồi tại xã Sơn Cao, Sơn Linh và Sơn Trung qui mô 15ha/2 năm. Đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở là cán bộ khuyến nông xã, cán bộ nông nghiệp xã và một số nông dân sản xuất giỏi am hiểu về các giống sắn, lạc, đậu đen; kỹ thuật thâm canh và cơ giới hóa đối với cây sắn trên đất gò đồi và đất bằng; kỹ thuật canh tác sắn có trồng xen cây lạc trên đất bằng; kỹ thuật canh tác sắn có trồng xen cây đậu đen trên đất bằng và đất đồi. Tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt nông dân là các nông hộ tham gia mô hình và khu vực lân cận về kỹ thuật thâm canh và cơ giới hóa đối với cây sắn trên đất gò đồi và đất bằng; kỹ thuật canh tác sắn có trồng xen cây lạc trên đất bằng; kỹ thuật canh tác sắn có trồng xen cây đậu đen trên đất bằng và đất đồi. Hội nghị tham quan đầu bờ cho 200 lượt người tham dự.

Th.S Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đánh giá kết quả thực hiện tại buổi nghiệm thu.

Th.S Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đánh giá kết quả thực hiện tại buổi nghiệm thu.

Theo đánh giá của chủ nhiệm dự án và cơ quan chủ trì, các quy trình (hướng dẫn kỹ thuật) công nghệ chuyển giao để thực hiện dự án được xây dựng trên quan điểm là bổ sung hoàn thiện những tồn tại trong canh tác cây sắn, thông qua thực tiễn sản xuất và hiện trạng canh tác sắn ngay tại vùng dự án. Do vậy, công nghệ để thực hiện dự án chủ yếu tập trung vào việc thay đổi giống sắn mới, giống cây trồng xen mới, phương pháp làm đất bằng cơ giới hóa, đầu tư thâm canh, phương pháp tưới nước tiết kiệm cho cây trồng cạn, phương pháp trồng xen cây họ đậu vào cây sắn, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp thông dụng hiện có trên thị trường ở vùng dự án. Kết quả triển khai các công nghệ là phù hợp với vùng ứng dụng của dự án và được minh chứng thông qua các chỉ tiêu năng suất, hiệu quả kinh tế, bền vững môi trường và các biện pháp kỹ thuật đều đạt được mục tiêu như thuyết minh đã được phê duyệt....

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả thực hiện dự án.

Hội đồng phản biện, đánh giá kết quả thực hiện dự án.

Các hoạt động dự án đã tạo sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người dân về việc tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người nông dân. Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy lãi ròng của dự án là 2.006.127.500 đồng tương đương 33,4 triệu đồng/ha/năm (2.006,1 triệu đồng/60 ha), trong đó: Mô hình thâm canh và cơ giới hóa đối với cây sắn trên đất gò đồi và đất bằng là 934.593.750 đồng; mô hình canh tác sắn có trồng xen cây lạc trên đất bằng là 539.662.500 đồng; mô hình canh tác sắn có trồng xen cây đậu đen trên đất gò đồi và đất bằng là 531.871.250 đồng. Kết quả đạt được của dự án đã chứng minh cho nông dân trực tiếp tham gia hoặc vùng lân cận thấy được hiệu quả sản xuất thâm canh cây sắn trên đất bằng và đất gò đồi (dốc) tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức liên kết chuỗi sản phẩm với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, qua đó, thay đổi dần nhận thức của người nông dân trong canh tác, sản phẩm đầu ra được ổn định, giảm thiểu áp lực việc di cư lao động tự do từ vùng nông thôn, miền núi đến thành thị và góp phần ổn định dân sinh và kinh tế - xã hội vùng dự án…

Với kết quả đạt được, dự án đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả đánh giá Xuất sắc.

Quốc Dương

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2214

Tổng số lượt xem: 4255572