Truy cập nội dung luôn

Nghiệm thu kết quả đề tài “Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn tài nguyên dược liệu Ma-gang ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững”

13/07/2021 10:47    315

Ông Nguyễn Tấn Đức - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.

Chiều ngày 12/07/2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức nghiệm thu kết quả đề tài “Điều tra hiện trạng và giá trị nguồn tài nguyên dược liệu Ma-gang ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững” do Viện sinh học nhiệt đới thực hiện, TS. Lý Ngọc Sâm làm chủ nhiệm. Tham gia buổi nghiệm thu có ông Nguyễn Tấn Đức - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở KH&CN, Phó chủ tịch Hội đồng và các đại biểu tham dự. Để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên tham gia buổi nghiệm thu thực hiện quy định 5K và quét mã QR code khai báo y tế; cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài tham gia buổi nghiệm thu bằng hình thức trực tuyến.

Mục tiêu của đề tài là  điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu “ma-gang”ở tỉnh Quảng Ngãi làm cơ sở pháp lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững.

Qua 2 năm thực hiện, đề tài đã điều tra, xác định được 39 loài dược liệu “ma-gang” được đồng bào sử dụng làm thuốc trong 11 chi, 4 họ, 3 bộ, trong đó có 13 loài xác định đến chi. Họ Gừng (Zingiberceae) chiếm ưu thế với 34 loài thuộc 7 chi, trong khi họ Râu hùm (Taccaceae) có 2 loài thuộc chi Tacca, họ Hoa loa kèn đỏ (Amaryllidaceae) có 2 loại thuộc 2 chi, họ Diên vĩ (Iridaceae) có 1 chi 1 loài.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Nghiên cứu công bố khoa học là 2 loại Gừng mới, trong đó một loài đặt tên là ma gang để ghi nhận và tôn vinh phương thuốc “ma-gang”; các loài “ma-gang” chủ yếu chữa các nhóm bệnh thông thường (khoảng 24%), bệnh mãn tính, kinh  niên khó chữa/hiểm nghèo (22,2%), bệnh đường tiêu hóa (20,4%), bồi bổ sức khỏe (18,5%), hệ tuần hoàn (4%), bệnh do tai nạn (3,7%), hệ bài tiết và bệnh phụ nữ (1,9% mỗi nhóm).

Ghi nhận Gừng gió (Z. zerumbet) và Gừng ottensi (Z. ottensii) là các loài có giá trị kinh tế được khai thác trong tự nhiên. Đã điều tra và tư liệu hóa được 3 mô hình trồng dược liệu “ma-gang” trong dân ở xã Trà Quân, huyện Tây Trà (nay là Trà Bồng), thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ và xã Long Mai, huyện Minh Long

Thành viên phản biện nêu ý kiến tại buổi nghiệm thu.

Thành viên phản biện nêu ý kiến tại buổi nghiệm thu.

Thành lập danh lục 39 loài cây dược liệu “ma-gang”; xây dựng bộ mẫu 100 tiêu bản và bộ 77 mẫu sống của loài “ma-gang”; xác định được 11 loài “ma-gang” thiết yếu và vùng phân bố tập trung trong tự nhiên ở khu vực nghiên cứu; xây dựng bản đồ phân bố với tỷ lệ 1:100.000 của 39 loài cây thuốc “ma-gang” và 16 tuyến điều tra cây “ma-gang” thiết yếu.

Đề tài đã xác định được thành phần hóa học sơ bộ trong rễ, củ loài ma-gang 1 (C. cfelata), ma-gang 2 (C. sahuynhensis), Ma-gang 3 (Z.zerumbet); xác định được 2 hợp chất là Phyllanthin và Loureirin B trong củ rễ là ma-gang 1; khởi tạo được 8 dòng mẫu cây dược liệu “ma-gang” ở điều kiện in vitro; xác định được nồng độ chất điều hòa sinh trưởng thích họp cho sự nhân nhanh chồi cây Gừng gió là 1,0 mg/l BA, 1,0 mg/l KIN và 1,5 mg/l TDZ; cho cây “ma-gang” Ka lớ là 1,0 mg/l BA, 1,5 KIN và 1,5 mg/l TDZ…

Thành viên tham gia ý kiến, trao đổi tại buổi làm việc.

Thành viên tham gia ý kiến, trao đổi tại buổi làm việc.

Xây dựng thành công quy trình nhân giống hoàn chỉnh của 2 loài Gừng gió và Nghệ Sa Huỳnh; sản xuất thử nghiệm các dòng “ma-gang” có giá trị kinh tế từ 1 mẫu cấy ban đầu. Qua 2 quá trình nhân nhanh chồi và tạo rễ đã tạo được 5-10 cây con giống Gừng gió và khoảng 6 cây con giống Nghệ Sa Huỳnh in vitro. Sau 5-7 lần cắt chuyền nhân chồi, từ 1 mẫu cấy vô trùng ban đầu có thể cho 1000 cây Gừng gió/Nghệ Sa Huỳnh in vitro. Cây con từ quy trình nhân giống đưa ra vườn ươm có tỉ lệ sống đạt trên 85%.

Qua công tác điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu “ma-gang” cây thuốc tại 5 huyện miền núi, đề tài đã cho thấy điều kiện tự nhiên và các khu rừng đặc dụng/phòng hộ đầu nguồn là nơi thích hợp cho sự phát triển của các loài “ma-gang” thiết yếu, quý hiếm, có giá trị kinh tế. Đề tài đã đề xuất quy hoạch, lập các vườn bảo tồn nghiêm ngặt và khoanh nuôi để định hướng khai thác các loài “ma-gang” đặc hữu quý hiếm ở các khu rừng đặc dụng/phòng hộ ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng; quy hoạch và xây dựng vùng trồng tập trung 2 loài “ma-gang” quý hiếm có giá trị kinh tế ở các huyện Ba Tơ, Trà Bồng.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở KH&CN, Phó chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở KH&CN, Phó chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu.

Với kết quả đó, đề tài được Hội đồng đánh giá đạt và nghiệm thu.

Văn Bình

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 790

Tổng số lượt xem: 4237199