Truy cập nội dung luôn

Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất Bưởi da xanh và Chuối mốc theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

06/09/2023 09:25    248

Vườn chuối sau trồng 10 tháng tại xã Sơn Liên (Sơn Tây).

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng thành công các mô hình sản xuất cây bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện Sơn Tây có điều kiện tự nhiên phù hợp để chuyển đổi trồng cây ăn quả với nhiệt độ bình quân năm 250C, tổng lượng mưa bình quân năm khá lớn, tổng số ngày mưa nhiều, độ ẩm tương đối trung bình năm tương đối cao nên thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả nói chung và cây chuối, cây bưởi nói riêng. Hơn nữa, khí hậu còn có ưu thế nổi bật so với một số vùng khác trong tỉnh là biên độ nhiệt độ ngày đêm và giữa các tháng chênh lệch lớn làm cho quả bưởi có chất lượng tốt, thể hiện đặc trưng của giống. Các nhóm đất chính ở đây thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất Bưởi da xanh và Chuối mốc theo hướng hàng hóa tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi” để giúp người dân tiếp nhận kỹ thuật sản xuất mới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Mục tiêu chung của dự án là xây dựng thành công các mô hình sản xuất cây Bưởi da xanh và cây Chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Từ mục tiêu đặt ra, dự án tiến hành khảo sát phẫu diện đất, lấy mẫu, nước, phân tích mẫu đất và nước để chọn địa điểm triển khai các mô hình trồng, thâm canh Bưởi da xanh và Chuối mốc. Kết quả khảo sát, phân tích mẫu đất, mẫu nước cho thấy điều kiện thổ nhưỡng, thủy văn của vùng dự án đủ điều kiện để triển khai thực hiện các mô hình canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong các mẫu đất, nước đều không phát hiện các kim loại nặng như: Chì (Pb), Asen (As), Kẽm (Zn) và Thủy ngân; không có các sinh vật gây hại như: E.coli và Salmonella; pH trong đất và nước đều ở mức trung tính biến động trong khoảng 6,49 – 7,13. Riêng hàm lượng hữu cơ, hàm lượng dinh dưỡng (NPK) trong đất tương đối thấp cần được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên trong quá trình thực hiện mô hình.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích mẫu đất, mẫu nước đã lựa chọn được 05 hộ/07ha tham gia mô hình trồng mới Bưởi da xanh; 07 hộ/03 ha tham gia mô hình thâm canh Bưởi da xanh, các vườn thâm canh có độ tuổi từ 4 đến 8 tuổi; 03 hộ/05 ha tham gia mô hình trồng Chuối mốc. Đồng thời, vận động, hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình thành lập được 03 tổ hợp tác, gồm: Tổ hợp tác sản xuất Chuối mốc xã Sơn Liên, Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh xã Sơn Liên, Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh xã Sơn Bua. Hơn 3 năm thực hiện mô hình hợp tác, các sản phẩm Chuối mốc và Bưởi da xanh của 03 tổ hợp tác sản xuất đã được Công ty TNHH Tư vấn Chứng nhận và Công bố Chất lượng VITEST tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm của các mô hình đã được Doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên chủ động thu mua và phân phối bởi các điều khoản cam kết tại hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, các thành viên của các tổ hợp tác có thu nhập khá ổn định.

Vườn bưởi hộ dân tham gia dự án.

Vườn bưởi hộ dân tham gia dự án.

Dự án đã chuyển giao thành công 08 hướng kỹ thuật sản xuất mới cho cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao; cán bộ khuyến nông xã, thôn và nhiều hộ dân trong, ngoài vùng dự án, gồm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc Chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với cây Bưởi da xanh, hướng dẫn kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với cây Chuối mốc, hướng dẫn kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho Bưởi da xanh theo phương pháp Minipan, hướng dẫn kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh qua hệ thống tưới phun mưa, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản Chuối mốc, hướng dẫn kỹ thuật chế biến Chuối mốc bằng phương pháp sấy dẻo.

Dự án đã xây dựng mô hình trồng mới Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng tại xã Sơn Bua và xã Sơn Liên với diện tích 07 ha (Sơn Liên 5ha, Sơn Bua 2 ha) gồm 07 hộ tham gia. Sau 42 tháng trồng, cây Bưởi da xanh tại các vườn mô hình đều có tỷ lệ sống cao 87,9 – 98,8%; cây sinh trưởng phát triển khá tốt: chiều cao cây biến động trong khoảng 2,59m đến 3,61m, trung bình đạt 3,11m; đường kính tán biến động từ 2,54-3,51m, trung bình đạt 3,15m và đường kính gốc biến động từ 7,66-9,05cm, trung bình đạt 8,49cm. Sau 27 tháng trồng, một số cây bưởi tại các vườn đã bắt đầu ra hoa, tỷ lệ cây ra hoa trung bình đạt 2,88%; sau 39 tháng trồng tỷ lệ cây ra hoa trung bình đạt 44,08%, dự kiến năng suất đạt trên 2 tấn/ha.

Mô hình Chuối của dự án đã cho thu hoạch.

Mô hình Chuối của dự án đã cho thu hoạch.

Mô hình thâm canh Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại xã Sơn Bua gồm 07 hộ tham gia với quy mô 03 ha. Các vườn bưởi được chọn tham gia mô hình có độ tuổi từ 04 đến 8 năm tuổi, sau 03 năm chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, cây Bưởi da xanh thuộc các vườn mô hình đã sinh trưởng phát triển tốt: Chiều cao cây trung bình 1,61m; đường kính tán trung bình tăng 1,34m; đường kính gốc trung bình tăng 6,3 cm. Đối với các vườn bưởi 09 tuổi, sau 03 năm chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap năng suất bình quân đạt 08 tấn/ha.

Qua phân tích hiệu quả kinh tế của các vườn bưởi mô hình thâm canh cho thấy bình quân mỗi ha bưởi trong thời kỳ kinh doanh cho lợi nhuận thuần bình quân hơn 54 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân hơn 82 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với ngoài mô hình bình quân 36,7 triệu đồng/ha/năm; tỷ suất lãi so với vốn đầu tư bình quân là 54,33% cao hơn so với ngoài mô hình 11,38%.

Mô hình thâm canh Chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha tại xã Sơn Liên, gồm 03 hộ dân tham gia. Loại giống được sử dụng trong mô hình là giống Chuối mốc nuôi cấy mô, đây là lần đầu tiên người nông dân của huyện được tiếp cận với loại giống này, nên còn nhiều nghi ngại khi quyết định tham gia mô hình. Hiểu được tâm lý đó, các cán bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì, đơn vị hỗ trợ ứng dụng và cán bộ khuyến nông xã đã tập trung hướng dẫn người nông dân thực hiện đúng các kỹ thuật canh tác. Kết quả trong năm đầu tiên cây chuối sinh trưởng phát triển khá nhanh, sau 12 tháng trồng, chiều cao thân giả biến động trong khoảng từ 3,15m đến 3,62m, trung bình đạt 3,43m; đường kính gốc biến động từ 27,6cm đến 33,3cm trung bình đạt 30,1cm; số cây trưởng thành/khóm biến động 1,14 cây/khóm đến 1,27 cây/khóm, trung bình đạt 1,22 cây/khóm. Từ năm thứ 02 trở đi, chiều cao thân giả, đường kính gốc có tăng so với năm đầu tiên nhưng không đáng kể; số cây trưởng thành/khóm sau 24 tháng trồng tăng trung bình 40,98% so với năm thứ nhất và tăng dần trong những năm tiếp theo; tuy nhiên, để đảm bảo mật độ, năng suất và chất lượng quả, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn người dân chặt tỉa, giữ ổn định số cây trưởng thành/khóm từ 1,8 - 02 cây.

Kiểm tra thử nghiệm máy sấy chuối dẻo hộ gia đình.

Kiểm tra thử nghiệm máy sấy chuối dẻo hộ gia đình.

 Sau trồng 14-15 tháng các vườn mô hình đều đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Năm thứ nhất, năng suất trung bình trong mô hình cao hơn so với các vườn ngoài mô hình 9,51 tấn/ha; từ năm thứ hai và năm thứ 3 năng suất trong mô hình tăng từ 30,11 – 32,76% so với năm thứ nhất, cao hơn so với ngoài mô hình từ 15,35 – 17,06 tấn/ha. Tổng giá trị kinh tế gia tăng trong chu kỳ dự án (03 năm) mỗi ha mô hình thâm canh cây Chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP cho lợi nhuận bình quân 194,61 triệu đồng/ha và cao hơn so với ngoài mô hình là 100,43 triệu đồng/ha; tỷ suất lãi so với vốn đầu tư đạt 68,52%, cao hơn ngoài mô hình 5,2%. Từ năm thứ 2, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn các xã Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bua, huyện Sơn Tây và xã ĐăkNên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum với tổng diện tích nhân rộng trên 30ha. 

Qua triển khai mô hình máy sấy chuối dẻo hộ gia đình, dự án đã bàn giao 01 máy sấy chuối dẻo cho Tổ sản xuất Chuối mốc xã Sơn Liên, công suất sấy 200kg/mẻ và đã chuyển giao quy trình sấy chuối dẻo cho kỹ thuật viên cơ sở và Tổ sản xuất Chuối mốc Sơn Liên. Thực tế cho thấy, mô hình chế biến chuối sấy dẻo quy mô hộ gia đình là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của người nông dân trồng chuối trên địa bàn huyện Sơn Tây, mô hình giúp người nông dân có thêm phương án chủ động tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ chuối, gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Hiệu quả kinh tế của mô hình cho 01 mẻ 200kg chuối tươi, thời gian sấy 24,07h/mẻ và tỷ lệ thành phẩm 28,97 % nguyên liệu thì tổng chi phí đầu vào 2.616.340 đồng, tổng thu đầu ra 2.779.200 đồng (giá bán 48.000 đồng/kg), lợi nhuận thuần đạt 162.860 đồng, nếu người dân lấy công làm lãi thì đạt 687.860 đồng/mẻ 200kg nguyên liệu. Hiện Tổ hợp tác đã ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối sấy dẻo.

Sản phẩm bưởi và chuối mốc của dự án được giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại hội nghị triển khai công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Sản phẩm bưởi và chuối mốc của dự án được giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại hội nghị triển khai công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Để maketing các sản phẩm của dự án, Tổ sản xuất Chuối mốc Sơn Liên và Tổ sản xuất Bưởi da xanh Sơn Liên đã tham gia cùng Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên quảng bá sản phẩm Chuối mốc và Bưởi da xanh Sơn Tây ở 02 hội chợ giới thiệu hàng nông sản với nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Kết quả của dự án cho thấy hiệu quả sản xuất Bưởi da xanh và Chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sơn Liên và Sơn Bua khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, đồng thời tổ chức liên kết với doanh nghiệp theo tiêu chuẩn chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu làm thay đổi dần nhận thức của người nông dân trong canh tác, cho sản phẩm đầu ra được ổn định, chuyển tư duy từ làm nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá; từ đó góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung

Theo Bản tin KH&CN số 04-2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1476

Tổng số lượt xem: 4244977