Truy cập nội dung luôn

Sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP

21/09/2023 09:15    215

Mô hình sản xuất đậu phụng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) bước đầu mang lại hiệu quả.

Mô hình sản xuất đậu phụng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai từ đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao nhận thức và năng lực canh tác của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi”. Đề tài này do Trường Đại học Nông Lâm chủ trì thực hiện.

Mô hình được triển khai trong vụ hè thu năm 2023 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ trên diện tích 1ha, với 10 hộ dân tham gia. Giống đậu phụng được đưa vào trồng là giống TB25 do Công ty Thái Bình Seed cung cấp. Lượng hạt giống khoảng 200kg/ha. Lượng phân bón cho 1ha gồm 10 tấn phân chuồng + 30kg N + 60kg P2O5 + 60kg K2O + 500kg vôi.

Sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh).

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung hướng dã bà con xã viên cách thu hoạch cây đậu phụng.

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trường Đại học Nông Lâm phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung theo dõi, hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình về quy trình sản xuất an toàn. Cùng với đó, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kiến thức sử dụng bảo vệ thực vật, cập nhật danh mục các hoạt chất bị cấm trong sản xuất; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch. Qua thu hoạch, năng suất đậu phụng của ruộng mô hình đạt 3,7 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 30%. Với giá đậu phụng 30 nghìn đồng/kg, mô hình cho thu nhập 111 triệu đồng/ha.

Lạc

Cây đậu phụng trong vụ Hè Thu cho năng suất cao.

Ông Đinh Văn Tiên, ở xóm 3, thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, một hộ dân tham gia mô hình chia sẻ, sản xuất đậu phụng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP không khó. Đối với thuốc trừ sâu bệnh, chủ yếu sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế tối đa thuốc hóa học, không sử dụng thuốc có hoạt chất cấm. Canh tác theo quy trình sản xuất mới, nông dân được hưởng lợi nhiều. Ngoài việc giảm lượng thuốc trừ sâu, sức khỏe ít bị ảnh hưởng, sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại giá trị kinh tế cao hơn trước, nhờ năng suất tăng lên, chi phí sản xuất giảm. 

Ông Đỗ Minh Trang

Ông Đỗ Minh Trang Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh)

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ Đỗ Minh Trang cho biết, việc triển khai sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP đã giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xuống còn 30 - 35%, các hộ nông dân thực hiện đúng theo quy trình được hướng dẫn. So với ruộng đối chứng, ruộng trồng đậu phụng theo quy trình VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, qua thực hiện mô hình giúp nông dân hình thành thói quen ghi chép công việc hằng ngày trong quá trình sản xuất. Đây là cơ sở để truy nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, để khi đưa ra thị trường sản phẩm được chấp nhận với giá trị cao hơn. Qua thực hiện mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức cũng như tập quán canh tác đậu phụng của người dân; thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng đậu phụng. 

Nguyễn Phương

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1254

Tổng số lượt xem: 4244316